Theo Reuters đưa tin, Thủ tướng không qua bầu cử của Haiti, ông Ariel Henry sẽ rút lui sau khi hội đồng chuyển tiếp và thủ tướng tạm quyền được bổ nhiệm. Ông Henry tuyên bố như vậy vào thứ Hai (11/3) sau khi trao đổi với các quan chức khu vực tại nước láng giềng Jamaica.
Ông Ariel Henry, 74 tuổi, đã lãnh đạo Haiti trong vai trò thủ tướng không qua bầu cử từ năm 2021 sau khi tổng thống quốc gia vùng Caribe này bị ám sát.
Dưới sự cầm quyền của ông Ariel Henry, các băng đảng vũ trang đã gia tăng mạnh mẽ tài sản, tầm ảnh hưởng và lãnh thổ. Khủng hoảng bạo lực ngày càng trầm trọng đã buộc ông Ariel Henry phải tới Kenya vào tháng Hai vừa qua để kêu gọi triển khai một phái đoàn an ninh quốc tế với sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc tới Haiti giúp lực lượng cảnh sát địa phương.
Tuy nhiên, làn sóng bạo lực tại Haiti đã leo thang trầm trọng khi Thủ tướng Ariel Henry vắng mặt và khiến ông bị kẹt lại tại Puerto Rico. Đồng thời, các lãnh đạo trong khu vực đẩy mạnh kêu gọi tăng tốc chuyển giao quyền lực.
Ông Henry nói trong video công bố hôm 11/3: “Chính phủ mà tôi lãnh đạo sẽ từ chức ngay lập tức sau khi hội đồng chuyển tiếp thành lập. Tôi muốn cảm ơn người dân Haiti đã trao cho tôi cơ hội”.
“Tôi yêu cầu tất cả người dân Haiti hãy giữ bình tĩnh và làm mọi thứ có thể để hòa bình và ổn định quay trở lại nhanh nhất có thể”, ông Henry nói thêm.
Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ nói rằng ông Henry được tự do tiếp tục ở lại Puerto Rico hoặc di chuyển tới bất kỳ đâu khác. Quan chức này nói thêm rằng việc ông Henry từ chức đã được quyết định từ thứ Sáu tuần trước.
Hội đồng tổng thống thay thế chính phủ của ông Henry sẽ có hai quan sát viên và 7 thành viên được bầu, bao gồm các đại diện từ một số liên minh, khối tư nhân, xã hội dân sự và một lãnh đạo tôn giáo.
Hội đồng tổng thống này được ủy quyền chỉ định nhanh một thủ tướng tạm quyền. Bất cứ ai có ý định tranh cử trong cuộc bầu cử tiếp theo tại Haiti sẽ không được tham gia hội đồng tổng thống hoặc làm thủ tướng tạm quyền.
Haiti đã đang thiếu các đại biểu dân cử kể từ đầu năm 2023 và cuộc bầu cử tiếp theo sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên tại quốc gia Caribe này kể từ năm 2016. Ông Henry đã nhiều lần trì hoãn bầu cử với lý do trước tiên cần phải khôi phục an ninh.
Liên Hiệp Quốc tin rằng các băng đảng tại Haiti đã có các kho vũ khí lớn hầu hết được nhập lậu từ Mỹ.
Liên Hiệp Quốc cũng ước tính trong các vụ bạo lực thời gian qua hơn 362.000 người Haiti đã phải sơ tán nội địa, khoảng một nửa trong số này là trẻ em. Hàng nghìn người cũng đã bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột.
Các nhà lãnh đạo khu vực đã họp tại Jamaica hôm 11/3 để thảo luận về kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Haiti. Từ tuần trước, Mỹ đã thúc giục “đẩy nhanh” tiến trình chuyển giao này khi các băng đảng vũ trang tìm cách lật đổ chính phủ của Thủ tướng Henry.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/3 nói rằng hội đồng tổng thống sẽ làm nhiệm vụ đáp ứng “các nhu cầu tức thì” của người dân Haiti, tạo điều kiện cho việc triển khai phái đoàn quốc tế làm nhiệm vụ an ninh tại Haiti và tạo ra các điều kiện an ninh cần thiết cho việc tổ chức tổng tuyển cử.
Ông Blinken cũng nói rằng Mỹ sẽ đóng góp thêm 100 triệu USD cho lực lượng quốc tế làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại Haiti và thêm gói viện trợ nhân đạo trị giá 33 triệu USD, đưa tổng số cam kết tài trợ của Mỹ cho lực lượng quốc tế này là 300 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này chưa biết khi nào mới được Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua.
Hải Đăng
Hãng mỹ phẩm The Body Shop nộp đơn xin phá sản
Mới đây, chi nhánh tại Mỹ của hãng mỹ phẩm The Body Shop đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án, theo tờ The Guardian.
Cụ thể, hãng này nộp đơn theo chương 7 của Luật phá sản Mỹ, đồng nghĩa tài sản tại đây sẽ bị bán để trả nợ. The Body Shop hiện có khoảng 400 lao động ở Mỹ, gồm nhân viên tại một trung tâm phân phối có số hàng hóa trị giá hàng triệu USD.
Thách thức tài chính kéo dài, cùng môi trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh khiến hãng mỹ phẩm Anh gặp khó. Tháng trước, The Body Shop tại Anh thông báo mất khả năng thanh toán. Aurelius đã chỉ định hãng kiểm toán FRP Advisory giám sát quá trình tái cơ cấu của hãng mỹ phẩm này.
Năm 2006, The Body Shop được L’Oreal mua lại. Đến 2017, họ được sang tay cho nhà sản xuất mỹ phẩm Brazil Natura&Co với giá 1 tỷ Euro. Tháng 11/2023, Natura tiếp tục bán thương hiệu này cho Aurelius Group, giá 207 triệu bảng Anh (260 triệu USD) do khó khăn về lợi nhuận.
Ở thời điểm xin phá sản, hãng mỹ phẩm của Anh còn khoảng 50 cửa hàng tại đây. Chuỗi mỹ phẩm cho biết sẽ dần đóng các cơ sở này. Tại Canada, khoảng 30% cửa hàng của hãng đã đóng cửa, hơn 200 lao động bị mất việc.
Còn tại Úc, hãng mỹ phẩm này còn hơn 100 cơ sở. Tuy nhiên, họ đang chật vật vì thiếu tiền mặt trả cho các nhà cung cấp, sau khi công ty mẹ tại Anh thông báo mất khả năng thanh toán.
Thành lập năm 1976 tại Brighton (Anh) bởi nhà hoạt động vì quyền động vật và nhân quyền Anita Roddick, The Body Shop là một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực mỹ phẩm được mô tả là “có đạo đức”, tức không thử nghiệm trên động vật.
Hãng phát triển theo cấp số nhân vào những năm 1980, mở hai cửa hàng mỗi tháng. Tuy nhiên, chuỗi này ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt từ những thương hiệu mới.
Phan Anh