Được biết theo thông lệ, Diễn đàn cấp cao thường niên Phát triển Trung Quốc gồm các CEO tập đoàn hàng đầu thế giới tham gia, ngày cuối cùng của diễn đàn thường là cuộc thảo luận kín kéo dài giữa thủ tướng và các CEO. Tuy nhiên giống như việc hủy bỏ họp báo thủ tướng tại “lưỡng hội” gần đây, một số thông tin cho biết hoạt động gặp các CEO này hiện do đích thân ông Tập Cận Bình phụ trách.
Ngày đầu tiên của Diễn đàn cấp cao thường niên Phát triển Trung Quốc (China Development Forum 2024), Thủ tướng Lý Cường đã nói với các CEO toàn cầu tham dự rằng ông sẽ “đẩy nhanh phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới”. Lực lượng sản xuất chất lượng mới là thuật ngữ mới được ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đề xuất tại “lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp) Trung Quốc năm nay, nhưng có thuyết phục được các ông lớn phương Tây hay không vẫn còn là dấu hỏi.
Các ông chủ lớn tại phương Tây gồm cả Tim Cook của Apple tham gia diễn đàn tại Trung Quốc lần này, có lẽ đã rất trông chờ cuộc thảo luận kín với thủ tướng vào ngày cuối cùng của diễn đàn. Nhưng tờ NYT đưa tin hôm 24/3: “Trong các diễn đàn những năm trước, ngày cuối cùng của diễn đàn thường là cuộc thảo luận kín kéo dài giữa thủ tướng và các CEO, để trả lời nhiều câu hỏi do họ nêu ra, nhưng cuộc thảo luận này năm nay đã bị hủy bỏ mà không có lời giải thích, một số CEO đã bỏ các sự kiện hôm thứ Hai và rời đi trên máy bay riêng vào tối Chủ nhật”.
Theo WSJ, ông Tập Cận Bình có thể thay thế ông Lý Cường hôm 27/3 gặp gỡ các CEO toàn cầu tới Bắc Kinh tham gia diễn đàn. Nhưng nguồn tin đã không khẳng định chắc chắn và bổ sung thêm không loại trừ khả năng vào phút chót ông Tập hủy cuộc gặp.
Quả thực, tính chất tùy tiện trong thời đại mới của ông Tập Cận Bình khá lớn, phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương lẽ ra phải tổ chức vào năm ngoái nhưng bị hoãn lại kéo dài mà không thấy đưa ra lý do gì; tại “lưỡng hội” mới đây cũng đột ngột hủy bỏ cuộc họp báo truyền thống của thủ tướng; cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với các ông chủ tập đoàn lớn phương Tây nếu diễn ra cũng là không theo thông lệ.
Cá nhân các ông chủ lớn có thể vinh dự vì điều này, nhưng những người bỏ về sớm hẳn phải rất thất vọng. Có thể họ chờ đợi gặp riêng người đứng đầu chính phủ phụ trách nền kinh tế của Trung Quốc. Diễn đàn doanh nhân toàn cầu này đã được tổ chức qua hơn 20 năm, thường là cơ hội tốt để Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc giải thích về kế hoạch kinh tế với các CEO toàn cầu.
Đặc biệt là vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu hiện nay (tiêu dùng yếu, đầu tư của khu vực tư nhân giảm, và đầu tư nước ngoài giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái), nhà chức trách ĐCSTQ có thể xem sự kiện này như cứu cánh cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay lại Trung Quốc.
Nhưng đối với chuyện ông Tập Cận Bình tự mình làm việc này, phân tích tin tức do tờ báo Pháp Le Monde đưa tin từ Bắc Kinh hôm 25/3 chỉ ra sự thay đổi phá bỏ thông lệ này truyền tải thông điệp kép: Một mặt, có lẽ các cấp cao nhất của ĐCSTQ đã hiểu rõ những vấn đề mà các công ty quốc tế gặp phải; mặt khác, nếu vào ngày 27/3 ông Tập Cận Bình gặp các ông chủ doanh nghiệp quốc tế lớn, không nghi ngờ gì đây sẽ là một ví dụ mới về tình trạng tập trung quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc một năm sau khi Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba.
Bài học từ tiền lệ phát biểu thời Thủ tướng Lý Khắc Cường?
Giới quan sát thấy chuyện này lạ nhưng không quá bất ngờ, vấn đề gợi ngay liên tưởng đến cuộc họp báo của thủ tướng trước đó bị hủy. Ngày 11/3, ông Lý Cường dự kiến tổ chức họp báo thủ tướng như thường lệ, tuy nhiên một ngày trước khi khai mạc Nhân đại đã có thông báo hủy họp báo thủ tướng, không những hủy bỏ việc này trong năm nay mà trong cả các kỳ sau này.
Trong quá khứ, họp báo thủ tướng này thường không mang đến nhiều vấn đề gì mới và cũng không kỳ vọng tiết lộ tin tức gì lớn, tuy nhiên đây đã là truyền thống hơn 30 năm qua tượng trưng cho cánh cửa mở của Trung Quốc với thế giới, cơ hội mà các nhà báo nước ngoài mong chờ được trao đổi trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc mỗi năm một lần.
Họp báo Thủ tướng ĐCSTQ mỗi năm tổ chức một lần, tuy nhiên điều này giờ đã bị ông Tập chấm dứt.
Một phân tích của tờ Le Monde sau “lưỡng hội” năm nay cho rằng ông Tập Cận Bình, người chưa bao giờ bận tâm trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, có thể không hài lòng với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường sử dụng cuộc họp báo thường niên năm 2020 để nói sự thật rằng Trung Quốc vẫn còn 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1000 nhân dân tệ – tuyên bố được cho là làm ông Tổng Bí thư Tập Cận Bình bẽ mặt vì ông thường nhấn mạnh Trung Quốc thắng lợi lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời ngay sau khi chia tay chính trường vào năm 2023, còn ông Tập Cận Bình cũng nhân cơ hội kết thúc hoạt động truyền thống này.
Từ việc hủy họp báo của Thủ tướng đến khả năng Tập Cận Bình sẽ đích thân gặp gỡ các CEO toàn cầu, rõ ràng cho thấy ông Tập tiếp tục tăng cường tập trung hóa quyền lực: “Mọi chuyện phải trong kiểm soát của Tập Cận Bình, còn Lý Cường chỉ có thể là ‘người thừa hành’ trung thành”.
Về vấn đề này, Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) có phân tích rằng ông Lý Cường ngày càng trở nên giống “Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ” của nhà độc tài Tập Cận Bình.
Có nhà bình luận chỉ ra, trong ban lãnh đạo ĐCSTQ cao nhất hiện nay không mấy có người am hiểu về nền kinh tế, nhưng người thậm chí có hiểu biết cũng hạn chế lên tiếng, trong khi bản thân ông Tập Cận Bình không am hiểu về kinh tế tài chính thì lại là người ra quyết định. Do ông Tập thường chỉ đạo nhấn mạnh xem trọng “an ninh quốc gia” khiến mọi quan điểm muốn thúc đẩy kinh tế đều bị trở ngại, dần khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại bỏ chạy. ĐCSTQ vừa muốn mời đầu tư nước ngoài vào nhưng lại cũng đặc biệt cảnh giác đầu tư nước ngoài, điều đó khiến họ ban hành luật an ninh quốc gia, luật phản gián và luật bảo mật… khiến giới đầu tư nước ngoài lo sợ. Việc Trung Quốc trở nên giàu có nhanh kể từ những năm 1990 là nhờ thu hút được các ông lớn và công nghệ phương Tây, nhưng ĐCSTQ thường tuyên truyền rằng đó là nhờ công chính – quang vinh – vĩ đại của ĐCSTQ, đến khi leo thang nhiều xung đột địa chính trị thì Trung Quốc dần kìm hãm đầu tư nước ngoài, bây giờ dù có muốn thay đổi cũng muộn vì đánh mất niềm tin.
Mộc Vệ (t/h)