Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay (25/4), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng được đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bà Hằng nói lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc ban hành ở Biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo bà Hằng, lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển Việt Nam, không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”, bà Hằng cho hay.
Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm kể từ 1999 và Việt Nam thường xuyên phản đối điều này. Trung Quốc cho biết lệnh cấm sẽ được áp dụng từ ngày 1/5-16/8, nhằm thúc đẩy việc đánh bắt cá bền vững và cải thiện hệ sinh thái biển.
Lệnh cấm này bao trùm vùng biển ở 12 độ bắc đường xích đạo và bao gồm một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa mà hai nước đã chiếm đóng và tranh chấp trong nhiều thập kỷ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% diện tích Biển Đông có tiềm năng giàu năng lượng thông qua “đường chín đoạn” hình chữ U trên bản đồ của nước này, kéo dài sâu vào Đông Nam Á và lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu để củng cố các yêu sách của mình, cách hơn 1.000 km so với đất liền của nước này, và đã bị một số nước láng giềng cáo buộc là cố gắng phá vỡ các hoạt động thăm dò năng lượng.
Minh Long