Hôm thứ Sáu (31/5), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố hủy bỏ ưu đãi thuế quan đợt 2 đối với một số sản phẩm từ Đài Loan, như vậy trong vòng chưa đầy nửa năm, hơn 140 sản phẩm Đài Loan đã bị ảnh hưởng. Biện pháp mới này sẽ có tác động gì đến chính trị và kinh tế hai bờ eo biển?
Ngày 31/5, ĐCSTQ tuyên bố hủy bỏ ưu đãi thuế quan đợt thứ 2 dành cho Đài Loan, bao gồm 134 sản phẩm như dầu nhờn và dầu gốc. Theo thông báo từ Ủy ban Thuế quan của ĐCSTQ, chính quyền Đài Loan cho đến nay đã không thực hiện được các biện pháp hiệu quả để xóa bỏ các hạn chế thương mại đối với Đại Lục mang tính phân biệt đối xử, và do đó quyết định đình chỉ thêm các đãi ngộ thuế quan đối với một số sản phẩm theo Hiệp định khung hợp tác kinh tế xuyên eo biển (ECFA).
Người phát ngôn của Bộ Thương mại ĐCSTQ đã đổ trách nhiệm lên chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) Đài Loan. Người phát ngôn cho biết, vào ngày 21/12/2023 sau khi Đại Lục tuyên bố đình chỉ đãi ngộ thuế quan đối với 12 sản phẩm bao gồm propylene theo ECFA, chính quyền DPP đã không “dần dần giảm hoặc loại bỏ thương mại hàng hóa đáng kể giữa hai bên” theo quy định của ECFA, thay vào đó còn thúc đẩy mạnh mẽ quan điểm “Đài Loan độc lập”, làm suy yếu cơ sở thực hiện ECFA trên eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Đài Loan Li Wen chỉ ra rằng đây là hành động ép buộc kinh tế điển hình của ĐCSTQ. Những hành động này không chỉ tác động đến sự phát triển lành mạnh của thị trường kinh tế và thương mại mà còn không có lợi cho sự phát triển tích cực của quan hệ hai bờ eo biển. Chủ tịch Ủy ban Vấn đề Đại Lục của Đài Loan Qiu Chuizheng bày tỏ phản đối mạnh mẽ việc ĐCSTQ đơn phương đình chỉ vô lý các đãi ngộ thuế quan trong danh sách Khoản 134 ECFA của Đài Loan. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc tránh dùng điều kiện tiên quyết về chính trị để gây áp lực kinh tế và thương mại, thay vào đó giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại mang tính xây dựng.
Thông cáo báo chí từ Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết, năm ngoái giá trị xuất khẩu hàng hóa của Đài Loan sang Đại Lục bị ảnh hưởng khoảng 9,8 tỷ USD, chiếm khoảng 2% xuất khẩu toàn cầu của Đài Loan, là mức trong phạm vi có thể kiểm soát được, cơ quan chức năng Đài Loan sẽ tiếp tục có hành động để giảm thiểu tác động.
Về vấn đề này, giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, phân tích rằng việc ĐCSTQ ngừng đãi ngộ thuế đối với Đài Loan là một biện pháp trả đũa, việc tác động đến kinh tế như thế nào thì phải xem dữ liệu thương mại giữa hai bên: “Kinh tế và thương mại hai bờ eo biển đã bắt đầu suy giảm dần, nên việc hủy bỏ (đãi ngộ thuế quan) lần này thực chất mang ý nghĩa chính trị và biểu tượng hơn là một đòn kinh tế… Tôi nghĩ động thái của ĐCSTQ có phần mang tính gây rối, nghe nói hành động quân sự mới đây không có tác dụng răn đe gì Đài Loan cho nên tiếp tục tìm cơ hội để trút giận”.
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn thông cáo báo chí của Hiệp hội vì sự tiến bộ của Công nghiệp và Thương mại Đài Loan cho biết, theo danh sách thu hoạch sớm của ECFA, tổng cộng 521 mặt hàng từ Đài Loan đủ điều kiện xuất khẩu miễn thuế sang Trung Quốc. Hiện tại, gần 30% (28%) danh sách bị ảnh hưởng bởi việc chính quyền Bắc Kinh tạm dừng ưu đãi thuế quan, bao gồm 4 ngành công nghiệp chính là hóa dầu, máy móc, dệt may và vận tải. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đài Loan khuyến nghị chính phủ tiếp tục liên lạc với Trung Quốc để giải quyết những chia rẽ, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường nước ngoài.
Nhà kinh tế Yu Weixiong (Đài Loan) tại Trung tâm Dự báo UCLA Anderson ở Los Angeles, nói với đài RFA rằng ECFA có động cơ chính trị từ việc ký kết đến việc đình chỉ. Việc Bắc Kinh đình chỉ đãi ngộ thuế quan đối với một số sản phẩm sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ngắn hạn đối với một số lĩnh vực nhất định của Đài Loan, nhưng về lâu dài thì đó là điều tốt. Bởi vì điều đó đẩy nhanh quá trình tách rời kinh tế của Đài Loan khỏi Trung Quốc, thay vào đó tạo ra những kết nối lớn hơn với nền kinh tế Mỹ vốn khích lệ đổi mới và qua đó cải thiện mức sống và công nghệ của Đài Loan. Với tiền đề này, chính quyền Đài Loan cũng nên tiếp tục thúc đẩy Hiệp định Thương mại Tự do Đài Loan-Mỹ.
Ông nói: “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ cấu. Nguyên nhân chính là chính phủ độc tài thường gây nhiều chính sách kiểu chèn ép và đậm tính chính trị. Các nền kinh tế tiếp xúc với họ có thể được lợi trước mắt [do chiêu bài chính trị], nhưng về lâu dài sẽ bị thiệt hại, chẳng hạn như vốn, nhân tài, công nghệ… bị chơi trò gian lận… Do các vấn đề về địa lý, lịch sử, ngôn ngữ… khiến kinh tế và thương mại Đài Loan và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ khiến không dễ thực hiện việc tách rời và giảm thiểu rủi ro kinh tế. Mặc dù giờ là Trung Quốc chủ động, nhưng Đài Loan cũng đã tận dụng cơ hội này, điều này phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay”.
Ông cho rằng trong 20 – 30 năm qua, dưới sự dẫn dắt của toàn cầu hóa, nền kinh tế Trung Quốc đã tận dụng ưu thế giá cả thấp để cạnh tranh giành được thị trường rộng lớn. Mặc dù một số chủ doanh nghiệp đã thu được lợi ích to lớn nhưng điều đó cũng khiến một số nước phải đối mặt với vấn đề về “suy thoái ngành công nghiệp“.
Gần đây, nhiều nước châu Âu và Mỹ đã đặt câu hỏi về vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc, lo ngại rằng điều này sẽ cản trở nghiêm trọng sự phát triển năng lượng sạch, công nghệ mới nổi và các ngành công nghiệp khác của nước họ. Vấn đề dư thừa công suất do chính sách của ĐCSTQ cũng bao gồm ngành công nghiệp vật liệu hóa dầu. Lấy ví dụ polycarbonate (PC), Tạp chí Dầu khí Trung Quốc chỉ ra rằng tỷ lệ tự cung cấp polycarbonate của Trung Quốc đã đạt hơn 60% vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 80% vào năm 2025.
Chủ tịch của Formosa Plastics – 1 trong 4 “ông lớn” của ngành nhựa Đài Loan – ông Hung Fu-yuan nói với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan rằng sau khi chính quyền Bắc Kinh 2 lần đình chỉ hủy đãi ngộ thuế, trên danh nghĩa ECFA có hiệu lực vào năm 2010 đã không còn tồn tại. Ban đầu Formosa Plastics có 9 sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng hiện chỉ còn lại 2 sản phẩm. Mặc dù Đại Lục đã bày tỏ thiện chí và giảm thuế chống bán phá giá đối với polycarbonate từ 17,9% xuống 9%, nhưng lần này lại tiếp tục tăng 6,5%, nâng gánh nặng thuế lên 16,085%, điều đó khiến giá của sản phẩm nếu xuất sang Đại Lục sẽ không còn phù hợp với túi tiền người Đại Lục, chỉ những sản phẩm khác biệt mới có cơ hội thâm nhập thị trường Đại Lục.
Ông Liu Meng-Chun – Viện trưởng Viện nghiên cứu số 1 thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa (Đài Loan) cũng viết bài phân tích cho biết, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc công bố điều tra rào cản thương mại đối với Đài Loan vào tháng 4/2023, vào tháng Tám năm đó họ cũng thực hiện các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với polycarbonate nhập khẩu của Đài Loan. Trung Quốc là thị trường polycarbonate lớn nhất của Đài Loan, chiếm khoảng 78% lượng xuất khẩu. Động thái đó không khác gì hủy bỏ ECFA, trong tương lai Đài Loan phải chú ý xem liệu vấn đề có ảnh hưởng đến các ngành khác hay không.
Theo RFA