Báo cáo: Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010

Alex Wu

Các chuyên gia cho biết trong bối cảnh chiến tranh thương mại với phương Tây, vì Trung Quốc hiện đang thiếu vốn nên họ đang tập trung tiền vào đầu tư vào các ‘quốc gia thân thiện’ hơn. 

Báo cáo: Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010
Nhà sản xuất pin điện Trung Quốc CATL trưng bày sản phẩm của mình tại Triển lãm Xe hơi IAA Frankfurt 2019 ở Frankfurt am Main, Đức, ngày 11/09/2019. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Theo báo cáo thường niên công bố ngày 06/06 của Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức, năm ngoái đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm kể từ năm 2010.

Theo báo cáo, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2023 chỉ là 6.8 tỷ euro (7.35 tỷ USD), thấp hơn 300 triệu euro (3.24 tỷ USD) so với năm trước, thiết lập một mức thấp mới trong vòng 13 năm kể từ năm 2010.

Báo cáo cho thấy đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu, cụ thể là vào 27 quốc gia thành viên EU và Vương quốc Anh, đã đạt mức đỉnh điểm 47.5 tỷ euro (51.3 tỷ USD) vào năm 2016 và đã suy giảm kể từ đó.

Năm 2019, trước đại dịch COVID-19, vốn đầu tư từ Trung Quốc đã đạt 14.2 tỷ euro (15.34 tỷ USD), sau đó giảm mạnh xuống còn 6.8 tỷ euro (7.35 tỷ USD) vào năm 2023, không bằng 15% so với số tiền thời kỳ đỉnh phong.

Ông Chung Chí Đông (Chung Chih-tung), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan (INDSR), cho biết: “Từ số liệu này, chúng ta chắc chắn có thể thấy rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc đang rất tồi tệ.”

Ông Chung nói với The Epoch Times hôm 08/06, “Kể từ năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đã ngày một chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP chính thức là khoảng 5% nhưng tình hình thực tế là rất tệ hại và tình hình xuất cảng cũng rất tệ hại nên tổng vốn đầu tư ngoại quốc cũng đang giảm.”

Ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-chen), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER) ở Đài Loan, cũng có những đánh giá tương tự.

Ông nói với The Epoch Times, “Trung Quốc hiện đang có tài chính eo hẹp và chính phủ bị thâm hụt rất lớn, vì vậy phần lớn tiền từ các doanh nghiệp nhà nước ở ngoại quốc đều được chuyển về Hoa lục. Nền kinh tế trong nước không tốt nên khả năng mở rộng ra ngoại quốc bị hạn chế.”

Theo báo cáo mới, vào năm 2023, 69% đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu là dành cho lĩnh vực xe điện (EV), đây là một bước nhảy vọt đáng kể so với mức 41% vào năm 2022.

Trong khi đó, tranh chấp thương mại giữa EU và Trung Quốc về việc Trung Quốc làm ngập thị trường Âu Châu bằng xe điện giá rẻ đang ngày càng trở nên gay gắt. EU bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra về xe điện nhập cảng do chính quyền cộng sản này trợ cấp vào tháng 10/2023 và đang dự tính áp thuế đối với mặt hàng này.

“Ngành công nghiệp quan trọng nhất ở châu Âu là xe hơi. Việc Trung Quốc trợ cấp và bán phá giá ồ ạt xe điện chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu,” ông Vương nói. Ông không cho rằng châu Âu sẽ lùi bước khỏi lập trường của mình.

Hungary là điểm đến FDI hàng đầu của Trung Quốc ở châu Âu

Trong năm 2023, 44% tổng vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) của Trung Quốc vào châu Âu có điểm đến là Hungary, tăng từ mức 21.3% của năm 2022. Báo cáo cho biết, sự gia tăng này có được chủ yếu là nhờ các khoản đầu tư vào các nhà máy pin xe điện của CATL và Huayou Cobalt, trị giá tổng cộng là 8.7 tỷ euro (9.4 tỷ USD).

Một chiếc xe thể thao đa dụng chạy điện BYD ATTO 3 được sạc khi trưng bày tại đại lý BYD ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 04/04/2023. (Ảnh: Eugene Hoshiko/AP Photo)
Một chiếc xe thể thao đa dụng chạy điện BYD ATTO 3 được sạc khi trưng bày tại đại lý BYD ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 04/04/2023. (Ảnh: Eugene Hoshiko/AP Photo)

Đại công ty xe điện Trung Quốc BYD đã công bố kế hoạch thành lập một nhà máy ở Hungary để sản xuất xe điện vào năm 2026. Theo báo cáo, năm 2023 Hungary đã thu hút nhiều vốn FDI của Trung Quốc hơn cả “ba nước lớn” — Pháp, Đức, và Anh — cộng lại. Cùng nhau, ba quốc gia này chiếm tổng cộng 35% nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc.

Theo ông Vương, vì Trung Quốc đang thiếu vốn nên “họ tập trung tiền vào đầu tư vào các ‘quốc gia thân thiện’ hơn.”

Ông Chung cho biết chính phủ Thủ tướng Orbán ở Hungary rất “thân Nga và thân Trung Quốc.”

“Vì vậy, Trung Quốc đã thành lập nhà máy sản xuất cả xe điện và pin xe điện lớn nhất ở Hungary. Bằng cách này, họ có thể tránh được tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu trong tương lai,” ông nói.

(Từ trái qua phải) Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nói chuyện trong một diễn đàn kinh tế ở Budapest với sự tham dự của 16 nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu ngày 27/11/2017. (Ảnh: Attila Kisbenedek/AFP/Getty Images)
(Từ trái qua phải) Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nói chuyện trong một diễn đàn kinh tế ở Budapest với sự tham dự của 16 nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu ngày 27/11/2017. (Ảnh: Attila Kisbenedek/AFP/Getty Images)

Ông Chung nói: “Quý vị có thể thấy thương mại và đầu tư [của Trung Quốc] ở Tây Âu tiếp tục giảm mạnh, nhưng ở Trung và Đông Âu vẫn còn nhiều kẽ hở.”

Các yếu tố địa chính trị

Ông Vương cho biết, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu cũng đang giảm sút do an ninh địa chính trị. “Châu Âu và Hoa Kỳ hiện đang tăng cường rà soát an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư từ ngoại quốc. Đây là xu hướng trong những năm gần đây, và sự kiểm tra rà soát này đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn.”

Ông cho biết đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã gặp cản trở kể từ tháng 05/2021 khi Nghị viện Âu Châu đóng băng Thỏa thuận Toàn diện về Đầu tư giữa EU và Trung Quốc.

Tính đến nay, “về mặt kinh tế, các vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hay Trung Quốc và châu Âu không còn được xem là tranh chấp kinh tế đơn thuần nữa, mà là có liên quan đến an ninh kinh tế nhiều hơn. Vì vậy, trong bối cảnh này, sẽ có ngày càng nhiều tranh chấp kinh tế và thương mại hơn diễn ra [giữa Trung Quốc và phương Tây],” ông Vương nói.

Xe điện xuất cảng đang chờ được chất lên
Xe điện xuất cảng đang chờ được chất lên “BYD Explorer NO.1”, một tàu được đóng trong nước nhằm xuất cảng xe hơi Trung Quốc, tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, hôm 10/01/2024. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)

Ông Chung lưu ý, EU đã nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là lực lượng chính hỗ trợ Nga kể từ khi nước này xâm lược Ukraine vào năm 2022.

“Vì vậy, từ năm 2023 trở đi, thực sự là toàn bộ châu Âu đều chống lại Trung Quốc. Cho dù gọi việc đó là tách rời hay giảm thiểu rủi ro đi chăng nữa, thì về cơ bản họ đang tiến gần hơn về phía Hoa Kỳ. Nếu chiến tranh mở rộng sang châu Âu thì nguyên nhân chính sẽ là do Trung Quốc đang hậu thuẫn Nga từ phía sau.”

Ông nói thêm, “Nhìn về tương lai, về cơ bản, thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, vốn rõ ràng đã giảm vào năm 2023, sẽ tiếp tục có xu hướng giảm. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu cũng sẽ tiếp tục giảm đáng kể.”

Vân Du biên dịch

Related posts