Dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu (21/6) cho thấy, “lượng vốn nước ngoài thực tế được sử dụng”, một chỉ số đo lường đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), đã giảm trong 12 tháng liên tiếp, nêu bật những thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối mặt trong việc nâng cao sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu (21/6), từ tháng 1 đến tháng 5/2024, “vốn nước ngoài thực tế được sử dụng” của Trung Quốc đã giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 412,51 tỷ nhân dân tệ (56,8 tỷ USD).
Bloomberg cho biết, số liệu đầu tư trực tiếp từ nước ngoài mới nhất do ĐCSTQ công bố tiếp tục xu hướng giảm liên tục kể từ tháng 6/2023.
Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, mức sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc là 360,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 49,6 tỷ USD), giảm 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, mức sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc là 301,67 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,5 tỷ USD), so với cùng kỳ giảm 26,1%.
Do môi trường kinh doanh không ổn định của Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm, dòng vốn ra nước ngoài đã sụt giảm mang tính lịch sử.
ĐCSTQ đang tìm mọi cách để nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài cáo buộc ĐCSTQ nói một đằng, làm một nẻo.
Tháng 8/2023 ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, đã cảnh báo ĐCSTQ rằng các công ty nước ngoài ở Trung Quốc đang trải qua “sự mệt mỏi vì hứa hẹn”.
Vào thời điểm đó, ông cho biết Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng thực hiện cải cách cơ cấu, để giải quyết những thách thức cơ bản mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, cũng như cho phép các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài phát huy hết tiềm năng của mình để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc.
Hồi tháng 3, Trung Quốc cam kết sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất. Nhưng ông Sean Stein, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nhấn mạnh rằng mấu chốt nằm ở hành động của Trung Quốc.
Ông nói rằng mặc dù những thông báo như vậy rất đáng khích lệ, nhưng những thông báo từ Trung Quốc không tác động đến thị trường và những lời hứa không tác động đến đầu tư. Điều quan trọng là phải thực hiện toàn diện và kịp thời.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2023, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết, các công ty Hoa Kỳ đã nói với bà rằng Trung Quốc không thích hợp để đầu tư vì rủi ro quá cao.
Việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục sụt giảm cho thấy, Trung Quốc không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù họ chưa rút hẳn đầu tư khỏi Trung Quốc nhưng con số này ngày càng nhỏ hơn.
Chính phủ Trung Quốc cũng tiếp tục những việc làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Năm 2023, chính quyền Trung Quốc đột kích văn phòng Trung Quốc của nhiều công ty nước ngoài, như Bain & Company và Mintz Group.
Trung Quốc cũng thông qua việc sửa đổi “Luật Phản gián” với lời lẽ mơ hồ, trong đó mở rộng đáng kể các loại hành vi được coi là hoạt động gián điệp.
Đáp lại luật này, tờ Financial Times nhận xét rằng điều này có nghĩa là trên thực tế, bất kỳ điều gì mà ĐCSTQ cho là đáng ngờ đều có thể được coi là hoạt động gián điệp tiềm ẩn, khiến chính quyền khám xét và bắt giữ cũng như bỏ tù các cá nhân.
Ngày 28/5, Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc đã công bố một số quy định về việc “kiểm tra điện thoại di động khi nhập cảnh”, và giải thích rằng động thái này chỉ nhắm vào “các cá nhân và tổ chức liên quan đến công tác phản gián”, nhưng không thể dập tắt những lo ngại của dư luận.
Ông Hạ Nghiệp Lương (Xia Yeliang), cựu chuyên gia kinh tế của Đại học Bắc Kinh sống ở Hoa Kỳ, tin rằng mặc dù động thái này chủ yếu nhắm vào những người nhập cư gốc Hoa, nhưng chắc chắn nó sẽ làm tăng thêm sự bất an của người phương Tây về Trung Quốc.
Bình Minh