Quốc hội đã thông qua luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấm tuyệt đối lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Sáng 27/6, tiếp tục kỳ họp 7 khóa XV, Quốc hội thông qua luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với 388/450 đại biểu tán thành (tỷ lệ 79,84%). Luật này hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trước đó, tỷ lệ tán thành theo kết quả xin ý kiến (qua app) Quốc hội tiến hành riêng với nội dung có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay không vào ngày 21/6 là 293/388 đại biểu tán thành, chiếm 75,52%), 95/388 đại biểu đề nghị quy định cấm theo mức giới hạn nồng độ cồn thấp nhất (chiếm 24,48%), 8 đại biểu cho ý kiến khác.
Theo quy định tại Điều 9 luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, nồng độ cồn bị cấm tuyệt đối đối với người lái xe, không phân biệt loại phương tiện, đối với giao thông đường bộ.
Trước đó, nội dung này gây nhiều tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội, giữa một bên đồng ý với dự thảo là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người lái xe, một bên đề nghị quy định ngưỡng nồng độ cồn cho phép điều khiển phương tiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về hướng cấm tuyệt đối khi cho hay quy định này không mới mà được kế thừa từ Luật giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Về trường hợp không uống rượu, bia mà vẫn có nồng độ cồn trong máu, tiếp thu ý kiến đại biểu, trước khi được thông qua, luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được điều chỉnh theo hướng giao Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu. Dẫn ý kiến chuyên gia y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cồn nội sinh có nồng độ rất thấp, thiết bị thông thường của lực lượng chức năng không thể phát hiện được. Hoạt động kiểm tra của cảnh sát giao thông chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.
Bộ Y tế cũng được giao thẩm quyền quản lý nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm:
– Điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật;
– Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.
– Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
– Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
– Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soátcủangười thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
– Đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục.
Không trừ điểm giấy phép lái xe trong 1 năm kể từ ngày trừ điểm gần nhất
Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Dữ liệu về điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực, đồng thời thông báo cho người bị trừ điểm biết.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.
Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức. Kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Nguyễn Quân