Liên Thành
Sau khi chính quyền Bắc Kinh đe doạ sẽ kết án tử hình những người gọi là “phần tử độc lập Đài Loan”, một số công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc đang xem xét việc sơ tán các nhân viên người Đài Loan khỏi đại lục.
Ngày 4/7, hãng thông tấn Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, sau khi chính quyền Trung Quốc ban hành quy định mới rằng những người gọi là “phần tử độc lập Đài Loan” sẽ có thể bị kết án tử hình, một số kiều dân Đài Loan và công ty đa quốc gia nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đang xem xét việc chuyển các nhân viên người Đài Loan ra khỏi Trung Quốc.
Ông Lương Văn Kiệt (Liang Wen-chieh), Phó Chủ tịch kiêm Phát ngôn viên của Hội đồng các Vấn đề Đại lục của Đài Loan cho biết: “Sau khi đánh giá tổng thể, chính phủ thấy rằng bắt đầu từ ngày 27 tháng 6 năm nay cần phải nâng mức cảnh báo đi lại đến Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao lên màu cam và khuyến nghị rằng người dân trong nước tránh đi lại không cần thiết đến Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao”.
Theo khảo sát của Chính phủ Đài Loan, có khoảng 177.000 người Đài Loan đang làm việc tại Trung Quốc đại lục vào năm 2022; kể từ năm 1991 tới nay, các công ty Đài Loan đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào Trung Quốc.
Nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn nói: “Thực tế, các công ty Đài Loan đang dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực chất bán dẫn và chip. Nếu chính quyền Trung Quốc vì quy định trừng phạt phong trào độc lập Đài Loan của mình mà khiến cho toàn bộ ngành công nghiệp liên quan đến chất bán dẫn và chip do Đài Loan đầu tư phải rời khỏi Trung Quốc, thì việc này sẽ gây ra một đòn đả kích rất nặng nề cho chính chính quyền Trung Quốc”.
Ông Tống Văn Địch (Wen-Ti Sung), nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ, cho biết quy định mới sẽ buộc các công ty nước ngoài “hoặc chuyển hoàn toàn hoạt động ra khỏi (Trung Quốc) để giữ chân các nhân tài Đài Loan, hoặc ngừng việc thuê các nhân tài Đài Loan”.
Ông Đường Tĩnh Viên nói: “Việc này cũng sẽ gây ra một hiệu ứng dây chuyền tiêu cực đối với những nước khác. Chính quyền Trung Quốc hiện đang đặt nhu cầu chính trị của mình lên vị trí hàng đầu. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khác có thể sẽ nảy sinh ý định rút lui”.