Đặng Duy Hưng
Đa số đàn ông trên đời này đều muốn thành một người cha tốt, trách nhiệm, yêu thương lo lắng cho con cái trưởng thành. Nhưng học từ đâu? Nhìn mỗi xã hội mỗi gia đình mỗi người cha đều có phương cách riêng biệt. Dĩ nhiên cuối cùng “hay cũng không bằng hên” khi nhìn con cái thành đạt 25 năm sau. Tuy vậy công việc của cha mẹ là mãi mãi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Hùng cũng không ngoại lệ lớn lên từ xã hội sau 1975 khép kín lọc lừa che đậy thông tin. Anh ngơ ngác như nai vàng chập chững bước vào thế giới văn minh nhất toàn cầu. Lúc con gái sanh ra lớn lên cùng tuổi với Google đồng hành lớn theo thời gian.
Vợ chồng anh có computer nhưng chưa đủ niềm tin vào câu trả lời từ máy điện toán.
Thành thật chia sẻ anh cũng như đa số phụ huynh Á châu mong ước cho con gái học vượt bậc hơn bạn bè đồng lứa. Anh thích xem phim ảnh từ nhỏ nên đến sống ở đây thú giải trí đó vẫn là món ăn tinh thần. Dù một cuốn phim bạo lực đến chừng nào vẫn kể chuyện người cha hay mẹ hối hận quá đặt nặng vào công việc mà quên bổn phận. Dĩ nhiên trong tâm tư, họ luôn mong ước dành thời giờ vui bên con cái. Đi chơi, ăn uống vui giỡn hát cười ôm con khi gặp lại. Đó là châm ngôn dạy dỗ con cái bên này không cần ai chỉ dẫn cho ai.
Hùng hiểu bản thân mình không có kiến thức đại học. Với nghề lái xe buýt tiền lương tạm bợ góp chung với vợ tạo cho con một cuộc sống bình thường. Chiều nào cũng vậy, sau giờ tan học nhìn khuôn mặt con gái hân hoan chạy đến ôm chân anh cảm thấy thật hạnh phúc. Con nít ở đâu cũng khôn nên con gái thường ít ăn trưa tại trường. Con gái hiểu ba nó lúc nào cũng đến đón sẵn sàng chở đi bất cứ fastfood nào nó thích. Có lúc nó nhắc từ đêm hôm trước:
“Con thích ăn phở, mì hay món canh rau tần ô anh nấu với tim gà.” Mỗi lúc một mình ngồi nhớ về kỷ niệm anh đều rơi nước mắt.
Hai cha con sau khi đi ăn là đi ra công viên gần nhà cho con chơi cầu tuột, khỉ leo cây hay cho nó ngồi trên dây đu cho anh đẩy.
Về nhà tắm rửa xong nó đem bài tập ra làm. Anh đem hết kiến thức còn nhớ được ra chỉ dẫn. Đồng thời học hỏi thêm về tiếng Anh trong môn học của con.
Dĩ nhiên dù cố gắng đến mức nào khi con vào lớp 9 là anh bắt đầu gặp khó khăn giúp đỡ. Vợ đề nghị nên tìm một chỗ học thêm giúp con gái khỏi bị vấp ngã. Con gái hiền lành hiếu thảo không bao giờ than vãn. Nó hiểu tình thương ba mẹ dành cho và mong muốn tương lai dễ thở:
“Đừng để trường đại học chọn con, mà hãy tin vào bản thân mình chọn trường ước mơ!”
Tuần 3 ngày, mỗi ngày một tiếng sau khi tan trường, anh tiếp tục đợi con xong học thêm. Nó vẫn vui nhưng dường như ít cười hơn trước. Anh nghĩ con gái vào tuổi biết yêu nhiều tâm sự nên để cho vợ gần gủi nói chuyện.
Vào một ngày thứ bẩy cuối tuần anh nhớ mãi đến ngày hôm nay. Vợ đi làm, anh cùng con ra phòng khách xem TV. Một đoạn trong cuốn phim kể về hai cha con đang lái xe trên đường về quê thăm ông bà nội. Người cha lái xe vận tốc cho phép nên mỗi vài phút là chiếc xe vượt qua. Người con nhắc nhở:
“Ba nên đạp ga mạnh một tý cho xe nhanh hơn!”
Người cha ân cần: “Xe ba cũ rồi đạp mạnh có thể hư máy! Con đừng đặt nặng quá nhiều về những người nhanh hơn. Hãy nhìn về phía sau bao người chậm hơn?”
Người con nghe vậy thố lộ tâm tư: “Xin lỗi cha nhưng con phải nói thật. Cha luôn so sánh con với những học sinh giỏi thông minh vượt bậc kiệt xuất, luôn mong muốn con cố gắng lên để như họ. Nhưng ba quên đi, con có thể tự tổn thương bản thân mình. Ba chưa bao giờ nhìn hàng trăm học sinh đứng sau con.”
Anh giật mình nhìn con không biết nói gì? Nhìn vào đôi mắt ấy anh hiểu tâm tư con gái hiếu thảo giống như truyền thống Á đông “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó!”
Tối hôm đó anh tâm sự với vợ những gì đang làm áy náy trong lòng. Vợ chồng cùng ngồi lại nói chuyện với con:
“Nếu con không thích đi học thêm nữa thì chỉ cần hứa với ba mẹ giữ điểm như xưa đến nay.”
Con gái như trút được gánh nặng ngàn cân tuyên bố sẽ cố gắng hết sức.
Những năm học sau đó lần lượt trôi qua. Con gái luôn vui vẻ giữ lời hứa. Tuy vậy càng lên cao bài tập khó hơn vẫn có vài lần tụt xuống. Nhưng tuần sau đó nó cố gắng hơn giúp điểm bài tập trở lại vị trí cũ làm anh thở phào nhẹ nhõm. Anh không bao giờ muốn trách phạt con bởi ngày xưa vợ chồng anh cũng chỉ trên trung bình.
Noel năm ấy khi con gái chuẩn bị nộp đơn vào trường đại học. Anh nhẹ nhàng: “Ba hy vọng con vào được trường đại học SF state gần nhà có thể tiện lợi về giao thông cũng như tài chính.”
Nó cười trấn an: “Tin con đi! Ba mẹ sẽ rất hãnh diện vào tháng 4 năm sau khi trường báo tin.”
Con gái lúc nào cũng giữ bí mật nên phải ráng đợi. Bốn tháng cuối cùng rồi cũng đến. Bảy trường ghi danh từng cái một lần lượt gửi điện thư báo tin. Nhưng con gái dường như đang chờ điều gì đó kỳ diệu hơn.
Hôm đó đang vào Costco mua quà chuẩn bị chuyến hành trình hàng năm hè về thăm quê hương, tự nhiên thấy con đọc email xong nhảy múa vui mừng như bị thuốc kích thích. Cuối cùng cái máu tự nhiên của tuổi trẻ ở đây dù có dòng máu đông phương vẫn không kềm chế nỗi.
Nó hét lên làm anh và vợ giật mình: “Con đã được chánh thức được nhận vào đại học California tại Berkeley ***.”
Mọi người đi ngang nghe đều lên tiếng chúc mừng.
Bao nhiêu năm qua đây, cuộc đời lúc nào cũng có người chờ đẩy xuống bùn nhưng chưa bao giờ anh rơi nước mắt. Anh và vợ đứng sững vừa lấy tay chùi nước mắt.
Mới đó mà đã hơn 8 năm, thời gian đi qua như chớp mắt. Con gái giờ đã lấy chồng dọn đi xa xây dựng cuộc sống riêng tư.
Nước mắt vẫn chảy mỗi khi nghĩ về ngày ấy nhưng ít hơn! Hôm nay nhận được tấm thiệp thấy từ vợ chồng con gái gởi về ghi:
“Happy Father’s day
What a father says to his children is not heard by the world. But it will be heard by posterity.”
Cầm tấm thiệp đến sớm vài ngày trên bàn tay dường như đang rung lên xúc động. Lúc này dù không muốn rơi nước mắt cũng không được!
Đặng Duy Hưng
BC: *** Theo sự thăm dò bao năm qua University of California at Berkeley không chỉ nổi tiếng tư tưởng cấp tiến cởi mở phản chiến nhưng lúc nào cũng xếp hạng top 5 đại học công cộng toàn thế giới.