Tạp Ghi Văn Nghệ – Những bài thơ khắc trên bia mộ



Cuối năm âm lịch, tảo mộ. Thời tiết lạnh lạnh của những cơn gió thổi qua nhắc đến những ý tưởng nào tưởng đã xa xôi nhưng có lúc lại gần gũi. Câu thơ “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” như nhắc lại một thời văn chương đã qua, những chân dung văn học đã vắng bóng. Buổi trưa, vào thăm từng ngôi mộ cũa những nhà văn nhà thơ vừa đi khuất, đọc những vần thơ ghi khắc trên bia mộ, chột thấy lòng bâng khuâng. Hình ảnh còn đây, ngôn ngữ còn đây. Nhưng người thì đã đi vào cõi vô thủy vô chung. Cái còn để lại, là những tác phẩm để đời, là những câu thơ vẫn cứ hoài trong trí nhớ của những người yêu mến.

Nghĩa trang cuối đường Bolsa là nơi an nghỉ của nhiều tác giả của văn học Việt Nam. Phía đông con đường thì ồn ào nhịp sống trong khi phía tây con đường thì tĩnh mịch lặng lẽ. Hình như cái tương phản giữa cõi của người sống và cõi của người chết chỉ một dặm đường như gọi lại bao nhiêu sắc thái của người tị nạn. Vòm cây xanh ngát của nghĩa trang, màu xanh thẳm của cỏ, màu xanh lam của nắng và màu xanh nhớ ngút ngàn của gió, làm sự phân chia của sống và chết chỉ trong thế giới mơ hồ…

Ðến mộ thi sĩ Nguyên Sa, dường như nghe thấy thầm thầm một câu hỏi dù câu thơ ấy đã được ghi khắc trên ngôi mộ một thi sĩ lớn:

“Nằm chơi ở góc rừng này

Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang

Xin em một sợi tóc vàng

Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau

Biết đâu thảo mộc bớt đau?

Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?

Vâng, biết đâu! Phải biết đâu chuyện ba trăm năm sau khi tấc lòng thi sĩ vẫn còn mãi mãi qua thăm thẳm thời gian những kiếp người?

Lúc còn sinh tiền, thi sĩ cũng đã có lúc làm thơ để nghĩ về chuyến ra đi của mình. Bài thơ “Lúc Chết”:

Anh cúi mặt hôn lên lòng đất

sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng

mười ngón tay sờ sọang giữa hư không

đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh

ở trên ấy mây mùa thu có lạnh

anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời

em có ngồi mà nghe gió thu phai

và em có thắp hương bằng mắt sáng

lúc ra đi hai chân anh đằng trước

mắt đi sau còn vướng vất cuộc đời

hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai

thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi

đôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói

đột nhiên buồn chaỵ đến đứng trên mi

anh chợt nghe mưa gió ở trên kia

thân thể lạnh thu mình trong gỗ mục

anh chợt ngứa nơi bàn chân cỏ mọc

anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya

trên tay dài giun dế rủ nhau đi

anh lặng yên một mình nghe tóc ướt

nằm ở đây hai bàn tay thấm mệt

ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài

những bài thơ anh đã viết trên môi

lửa trái đất sẽ nung thành ảo ảnh”

Một bài thơ tưởng niệm Tháng Tư, Tiễn biệt:

“Tháng tư người đi hành trang là gió

Hôm nay hình như có sợi mây hồng

Thổi vào thiên thu nhịp tim sóng vỗ

Dấu chân vết còn bảy sắc cầu vồng

Câu hỏi quẩn quanh nửa khuya tỉnh thức

Tháng tháng ngày ngày bèo bọt như sông

Ðời cõi tạm ai phân vân mộng thực

Như “có cũng xong mà không cũng xong”

Tháng tư người đi hành trang là nắng

Một thuở Paris câu hát bềnh bồng

Ðôi mắt hạt dẻmầu phai im vắng

Mi liếc khép rồi cuối nỗi nhớ mong

Tự hỏi thâm tâm có đành quên lãng

Trời chợt mưa mau ai lạy trời mưa

“Tháng giêng và Anh” thẫn thờ dĩ vãng

phong tỏa đường về thóang mấy âm xưa

Tháng tư người đi hành trang thao thiết

Mặt nước sông Seine vẫn tạnh buồn tênh?

Ðứng giữa đỉnh trời vẫy tay vĩnh biệt

Ai ngẩn ngơ quanh mấy đợt sóng ghềnh?

Không gian có đủ nỗi sầu thế kỷ

Sao vằng vặc trời cũng lúc về ngôi

“Giấc mơ” mênh mang mấy thời nghiệp dĩ

phải “tôi đưa người hay người đưa tôi”

Tháng tư người đi hành trang vô tận

Chiếc lá còn bay “Tám phố Sài Gòn”

Tiếng guốc quạnh không cuối hồn đứng ngẩn

Màu lụa Hà Ðông làm nhớ vết son

Ðất thẳm trời cao buồn như ga đợi

Ngọn đèn vàng lu buồn nỗi xưa sau

Nhủ thầm với lòng đừng nên bước vội

Nhưng “chậm thế nào thì cũng phải xa nhau””!

Có một đoạn thơ, đã được khắc trên bia mộ một nhà thơ, thi sĩ Long Ân:

“Nay ta trở lại dòng sông cũ

Rượu đã nhạt trong chai nhẹ không

Ta thấy sông im nằm say ngủ

Còn chính ta là sông mênh mông”

 Sông là người. Sông là ta. Ta với người, người với ta chia sẻ cùng nhau những nỗi niềm của một thời đại lịch sử đầy biến động. Dòng sông cũ chảy về biển lớn như bước trở lại cội nguồn. Câu thơ, như một kiếp người trôi đi từ lưu lạc, của một tiền kiếp hoang sơ trong số phận Việt Nam nào…

Một bài thơ của người viết phiếm “Bỉnh Chúc Dạ Du” trên các báo Việt Nam Hải Ngoại Thời Luận, của “nắng xế cõi chiều”, của “chưa khuất vết xe”, của “bên lề vẫy tay”, của “hồn vướng sợi mây”, của “bia mộ khắc tên” để nhớ về một người bạn đã “xa bóng trăng khơi” giữa mênh mông cuộc đời:

Một người “bỉnh chúc dạ du”

Gửi vào thiên cổ mịt mù nhân gian

Trăm năm đã vội dặm ngàn

Thoảng cười nụ tưởng hoa vàng còn mơ

 Tháng giêng, bước lạ bến bờ

Con sông chảy thuở tình cờ gọi ai

Người rằng “Thiên hà ngôn tai”

Nhắc riêng đành một cõi ngoài quanh hiu

 Tháng giêng, nắng xế cõi chiều

Bạc phai tóc lộng chân xiêu nẻo về

Người đi, chưa khuất vết xe

Ngã tư ngỡ đứng bên lề vẫy tay

Nhớ ai, hồn vướng sợi mây

Vọng đôi mắt của tháng ngày chưa quên

Vẫy tay, bia mộ khắc tên

Chắt giọt rượu giữa vô biên một thời.

Người xa, còn bóng trăng khơi

Còn câu thơ giữa một đời mênh mông.

 Thuở sinh thời, nhà văn Mai Thảo viết Tháng Giêng Cỏ Non. Từ ngày 10 tháng Giêng năm 1998, là ngày ông từ trần, tới nay là hai mười năm. Cỏ non bây giờ đã phủ đầy mộ chí…

 Có một người làm thơ, đã khắc trên bia mộ của mình bài thơ tứ tuyệt:

 “Thế giới có triệu điều không hiểu

càng hiểu không ra lúc cuối đời

Chẳng sao khi đã nằm trong đất

Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”

 Bài thơ nhan đề “Không hiểu”. Mở ra với cái hữu hạn của con người và đóng lại với cái vô hạn của cuộc sống. Có mấy ai thông kim bác cổ hiểu được tất cả sự việc? Dù, cả khi cuối đời, khi đã trải đủ ngọt bùi đắng cay của kiếp nhân sinh? Chỉ, khi đã nằm trong ba tấc đất, nhìn ngôi sao sáng để đọc được cái lẽ huyền vi của đất trời. Chữ “chẳng sao” trong câu thơ, ý lạnh lùng, nghĩa thản nhiên, có một chút mặc kệ, biểu lộ cái tâm cảm an nhiên của một người sẽ phải đáp chuyến đi vào vô tận. Cuộc hành trình vô tận ấy, có khi xa xăm như ngôi tinh đẩu kia nhưng lại đôi lúc gũi gần như cái chết dần trước mặt. Thơ như trải ra nỗi niềm của một người thấy được cái hư vô của đời người. Thơ không đóng lại mà mở ra cõi tâm linh của một người có đôi mắt luôn vọng về một cõi xa, của tâm thức muôn đời vời vợi..

Khi còn sống, nhà văn Mai Thảo cũng đã nghĩ đến ngày nằm xuống ba tấc đất cuả mình. Bài thơ “Nghe Ðất” trong buổi trưa hôm nay chợt đến để thấy cái tâm của một người thoáng rộng ở giữa cõi tử sinh. Người nằm trong đất còn thoảng nghe tiếng” đời sau thở dài”

“Nằm đây dưới bóng cây xanh

Nhìn qua lá biếc lại xanh sắc trời

Mát thơm đất trải bên người

Nghe trong ấm lạnh da người cũng thơm

Ðất lên hương thấm qua hồn

Nghe vui thoảng đến với buồn thoảng di

Giữa giờ trưa nắng uy nghi

Bóng vây vây nhẹ hàng mi cúi đầu

Người nằm nghe đất bao lâu

Tai nương nhẹ tiếng đời sau thở dài

Lung linh sóng nắng đan cài

Cõi Trong điệp điệp Cõi Ngoài mang mang

Chợt đâu rụng tiếng phai tàn

Rơi ngưng nửa ráng nắng chiều trôi qua

Lonh hồn thiếp giữa triều hoa

Bóng hình thôi đã nhạt nhòa quanh thân.”

 Nhà thơ Nguyên Sa đã làm nhiều bài thơ nhớ bạn Mai Thảo:
 năm 1990

Ông ngồi với hai ông Tây

Ông kia ten Mác ông này tên Cô

 Buổi sáng ông chỉ say vừa

Nửa khuya mới tới đúng mùa ruơụ ngon

Tất này ông sáu tư tròn

Nhìn ông tôi thấy vẫn còn Tháng Giêng

năm 1996

Lên cao mới biết núi buồn

Tháng Giêng, ở đó, vẫn còn mù sương

Trôi trong vô thức cỏ non

Gọi tên Mai Thảo, chiêu hồn Cổ Ngư

Ban đêm tâm sự gọi mưa

Tiếng đời với tiếng ruơụ khuya tới rồi

Tiễn bạn

Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh

 Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa

Tiễn nhau thấy Tháng Giêng mưa

Sông Hồng nước đọng bóng chưa nhập hình

Tiễn anh linh hiển u minh

 Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi.

Có một bài thơ, chép trên di cảo của nhà thơ Trần Hồng Châu tức giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch như một ký thác gủi lại trên mộ phần:

“Anh nằm đây

 quay theo trục bánh xe luân hồi

 mộ địa

 mộ khúc đìu hiu

 gót chân em có lướt trên cỏ khâu xanh rì?

 Ðể mọc lên một loài kỳ hoa

Oâm ấp thân anh trên vô cùng trần thế

Nước mắt em có thấm qua những tầng địa kỷ?

Ðể vào đáy tim anh

Vuốt ve người thơ một thuơ yêu mê

Cho vơi cạn

Nhớ đất

Thương trời”

Hình như, có hai câu thơ dâng lên hương linh nhà thơ Trần Hồng Châu:” Phu thê nghĩa trọng, niềm kính yêu lòng thiếp kể sao nguôi/ phụ tử tình thâm, công nuôi dạy, phận con đền chưa đủ”.Và trong hồi nhớ, lời “cô” Nguyễn Khắc Hoạch để lại cho đời về “thầy” Trần Hồng Châu:

“Tôi nhớ lại các Thành Phố Trong Hồi Tưởng, đó là các nơi chốn mà nhà thơ đã đến viếng thăm thời còn là sinh viên du học, cũng như các nơi mà chúng tôi sánh vai đi qua và đã hưởng được Hạnh Phúc Ðến Từng Giây. Tôi còn nhớ hình ảnh nhà thơ qua Nửa Khuya Giấy Trắng, tay cầm bút trần ngâm với Dăm Ba Ðiều Nghĩ Về Văn Học Nghệ Thuật. Rồi đất nước ly loạn phải tới nơi xứ người nhưng nhà thơ lúc nào cũng hướng về quê hương mà Nhớ Ðất Thương Trời. Chúng tôi đã đi qua nhiều nơi có rất nhiều suối: suối chảy qua khe núi, quanh chân đồi, suối chảy không ngừng. Ðó là suối bạc, suối trong, suối mơ, đối với nhà thơ tất cả là Suối Tím. Sau hết là Tuyển Tập Trần Hồng Châu, đây là sự chọn lọc cuối đời của nhà thơ vì người đã rũ sạch văn thơ, bụi trần để đi về miền an lạc”

Những câu thơ tiền định ghi khắc trên bia mộ của Nguyễn Tất Nhiên như báo trước một đời tài hoa nhưng chết trẻ:

“Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ

phải ê chề cho tóc bạc với thời gian

phải đau theo từng hớp rượu tàn

phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định

( vì Thượng Ðế từ lâu hiện hữu

cầm trong tay sinh tử của muôn loài

tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai

thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống).

Những câu thơ ấy cũng như những câu thơ khác được khắc trên bia mộ của các nhà văn Mai Thảo, Nguyên Sa, Long Ân,… là một chứng tích của thế hệ lưu vong hôm nay để lại cho đời sau. Nhiều người ở xa khi đến thăm little Sài Gòn, đã thường đến nghĩa trang ở cuối đường Bolsa để chiêm ngưỡng những câu thơ đặc biệt ấy…

Có bài thơ viết để tưởng niệm Nguyễn Tất Nhiên sau một ngày thi sĩ qua đời. Buổi trưa hôm nay, khi nhìn di ảnh và đoạn thơ trên mộ, tự nhiên những bài thơ kỷ niệm của riêng tôi thoáng qua trong trí nhớ. “Thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá”. Vỡ tan. vỡ tan…
“ngày hôm qua thi sĩ đã chết

Nắng mùa hạ lửa đốt trong đầu

Mồ hôi đọng long lanh lệ khóc

Mặt thủy mờ kính cuộn nỗi đau

Một mình cơn mộng du không dứt

Xa lộ đông bỗng chẳng còn ai

Mặt nhựa xám đen thẳm ý mực

Vỡ tan tành nghiên bút loay hoay

Ngày hôm qua thơ tình đã hết

“thà giọt mưa trên đá “vỡ tan

cành “trúc đào “nở hoa oan nghiệt

rất yêu em dù nỗi muộn màng

đào mấy tầng tinh tuyền chất quặng

ngôn ngữ ròng cùng tận trái tim

gánh nhân gian đôi vai còn nặng

“Cũng cần cho hạnh phúc” cách riêng

Ngày hôm qua chuyến xe khuất biệt

Hạt bụi nào hành trang đi xa

Này “cô gái Bắc kỳ “mắt biếc

Nước mắt đành giọt nhỏ vỡ òa?

Hát lên đi bản nhạc xưa cũ

 Như chiếc lá phơi nền cỏ nâu

Dáng mắt buồn đêm trắng ẩn dụ

Lửa vô minh khói ngút bờ lau

 Ngày hôm qua trái đất đứng sững

Chân lao đao thế giới lạ lùng

Tiếng gió bật cuồng điên ngựa chứng

 Vài câu thơ đọc giữa muôn trùng.

Sống là chịu vai trò thất ý

Mộng ngàn năm, mơ cũng vạn năm

Ðáy tâm cảm loài hoa kỳ dị

Mọc rễ trong da thịt ăn năn

Ngày hôm qua thi sĩ đã chết

Gót chân trần dẫm cõi hư không

Bài thơ tình chẳng có đoạn kết

Ngôn ngữ rơi theo sóng bềnh bồng

Ai đã hỏi thơ bao nhiêu tuổi?

Ba trăm năm, ý nhớ tình quên

Thơ, thiên thu vẫn là tiếng gọi

 Dìu dắt ai lạc chốn vô biên!”

Related posts