Jessica Mao • Olivia Li
Theo các chuyên gia tài chính, những hạn chế về tài chính của chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy Bắc Kinh thu tiền từ các công ty thông qua nhiều cách thức khác nhau.
Sáu bộ của Trung Quốc gần đây đã ban hành một văn bản chung nêu rõ ý định trấn áp việc gian lận tài chính trên thị trường vốn. Trong khi đó, các cơ quan chức năng đã sửa đổi Luật Kế toán để tăng hình phạt đối với các hành vi vi phạm về kế toán.
Quốc vụ viện đã công bố một văn bản vào ngày 5/7 được ban hành chung bởi Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Cục Quản lý Tài chính Quốc gia và Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước.
Văn bản nêu rõ việc gian lận tài chính đã phá vỡ nghiêm trọng trật tự thị trường vốn và làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư. Văn bản cũng lưu ý rằng các chiến thuật giả mạo về tài chính liên tục thay đổi, khiến các cơ quan chức năng khó có thể chống lại những gian lận tài chính có hệ thống, ẩn giấu và phức tạp một cách hiệu quả.
Cùng với việc ban hành văn bản này, CSRC đã công bố các hình phạt hành chính đối với 3 công ty niêm yết: Jiangsu Sainty, Shenzhen SDG Information Ltd. và Jiangsu Zhongli Group. Tổng số tiền phạt lên tới 68,3 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 9,38 triệu USD) và 6 cá nhân phải đối mặt với lệnh cấm gia nhập thị trường. CSRC cũng đã ban hành thông báo xử phạt hành chính sơ bộ đối với East Group và Caissa Tosun Development Ltd., với tổng số tiền phạt được đề xuất là 52,7 triệu CNY (khoảng 7,24 triệu USD) và lệnh cấm gia nhập thị trường được đề xuất cho một cá nhân.
Theo dữ liệu công khai, trong nửa đầu năm 2024, các cơ quan quản lý chứng khoán của chính quyền Trung Quốc đã ban hành 1.682 văn bản kỷ luật đối với các công ty niêm yết cổ phiếu hạng A, bao gồm các quyết định về biện pháp giám sát hành chính, hình phạt hành chính và thông báo điều tra. Con số này tăng 23% so với 1.364 văn bản kỷ luật được ban hành trong cùng kỳ năm ngoái. [Cổ phiếu hạng A là cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết bằng đồng nhân dân tệ ở Thượng Hải và Thâm Quyến].
Chính quyền Trung Quốc cũng đã sửa đổi Luật Kế toán, đã có hiệu lực vào ngày 1/7/2024. Luật mới tăng đáng kể hình phạt đối với các hành vi vi phạm kế toán và tăng tiền phạt. Ví dụ, mức phạt cho hành vi chỉ đạo hoặc hướng dẫn lập báo cáo tài chính gian lận đã tăng từ 50.000 CNY (khoảng 6.872 USD) lên 5 triệu CNY (khoảng 687.000 USD).
Cướp tiền của các công ty
Chuyên gia tài chính và cựu giám đốc tiếp thị Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing) cho biết chính quyền Trung Quốc đang thiếu tiền và họ đang “cướp tiền” từ người dân bằng mọi cách cần thiết.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 10/7, ông Lục cho biết chính quyền thường trấn áp việc gian lận tài chính, nhưng môi trường xã hội dưới sự cai trị của Bắc Kinh là khác với các xã hội phương Tây nơi pháp quyền được tôn trọng.
Theo ông Lục, hầu hết các công ty ở Trung Quốc, đặc biệt là các công ty lớn, thường tham gia vào việc gian lận tài chính, bao gồm cả những công ty được niêm yết tại Hoa Kỳ và họ sử dụng các biện pháp gian lận để đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết.
“Điều này [làn sóng trấn áp gian lận tài chính mới] cũng giống như chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc”, ông nói. “Chiến dịch chống tham nhũng không có gì sai, nhưng chính quyền Trung Quốc sử dụng nó như một công cụ để truy đuổi những đối thủ chính trị vì không có quan chức nào miễn nhiễm với tham nhũng, vì vậy họ sử dụng nó như một cái cớ để đạt được điều họ muốn”.
“Gần như không có doanh nghiệp nào ở Trung Quốc không có gian lận tài chính và trốn thuế, và bạn có thể dễ dàng tìm ra nếu bạn điều tra. Khi chính quyền Trung Quốc công bố một tài liệu hoặc những thay đổi luật để nhắm vào lĩnh vực này, điều đó thực ra cho thấy rằng giờ đây họ có thể ra ngoài và lấy tiền từ các công ty bằng cách làm như vậy, cộng lại sẽ thành một số tiền khổng lồ”, ông nói thêm.
Nhà kinh tế học người Mỹ Hoàng Tuấn (Davy Jun Huang) nói với tờ The Epoch Times rằng tình hình với chính quyền địa phương cũng vậy. Họ đã phụ thuộc rất nhiều vào việc bán đất để có nguồn thu tài khóa trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, với sự suy giảm hiện tại của thị trường bất động sản, chính quyền địa phương đang phải vật lộn để tìm kiếm nguồn thu mới và đã chuyển sang kiểm toán các công ty và truy thu thuế.
“Trước đây, chính quyền địa phương thường thổi phồng số liệu GDP của họ và gây áp lực buộc các công ty phải báo cáo lợi nhuận cao hơn. Kiểm toán thuế khi đó rất hiếm, nhưng bây giờ, bất kỳ công ty nào trải qua kiểm toán thuế đều sẽ bị phát hiện là đã gian lận tài chính. Sau đó, chính quyền địa phương sẽ cáo buộc những công ty này báo cáo lợi nhuận cao nhưng không nộp đủ thuế, khiến những công ty này gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hoàng cho biết.
Ông Lục cho biết các biện pháp mới nhất của chính quyền Trung Quốc có thể giúp họ có được một số khoản tiền, nhưng chúng chắc chắn sẽ gây ra sự phản kháng và phẫn nộ của công chúng. Mặc dù những công ty này không hoàn toàn vô tội, ông cho biết, nhưng họ sẽ ngày càng coi chính quyền Trung Quốc là kẻ thù, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn và có khả năng dẫn đến bất ổn xã hội hơn nữa. Khi môi trường kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng bất ổn đối với những cá nhân giàu có, thì việc tháo chạy của dòng vốn rất có thể sẽ tăng tốc, ông cho biết thêm.
Các cáo buộc gian lận tài chính
Gần đây, các trường hợp gian lận tài chính trong các doanh nghiệp nhà nước (SOE) tại Trung Quốc ngày càng được báo cáo nhiều hơn.
Tính đến ngày 4/6, 21 SOE đã bị xử phạt hành chính vì bị cáo buộc thực hiện những hoạt động bất hợp pháp, so với 8 SOE cùng kỳ năm ngoái; ngoài ra, 18 SOE niêm yết đã bị đưa vào “cảnh báo rủi ro”, theo dữ liệu từ nền tảng dịch vụ dữ liệu tài chính iFinD của Trung Quốc.
Ngoài ra, dữ liệu iFinD cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước đã phạt 119 SOE vì vấn đề không tuân thủ kể từ đầu năm nay, tăng 45 so với cùng kỳ năm 2023.
Một trường hợp được nhiều bên đưa tin là Cảng Cẩm Châu, một công ty niêm yết do nhà nước kiểm soát có liên quan đến gian lận tài chính, bao gồm cả việc làm giả báo cáo tài chính.
Công ty này chịu trách nhiệm phát triển Cảng Cẩm Châu, một cảng khu vực ở Tỉnh Liêu Ninh và là một dự án phát triển quan trọng. Công ty này bị cáo buộc là đã tham gia vào các giao dịch thương mại với 7 công ty để thổi phồng thu nhập vận hành, chi phí vận hành và tổng lợi nhuận một cách giả tạo.
Từ năm 2018 đến năm 2021, nguồn thu vận hành được báo cáo của công ty đã tăng hơn 8,6 tỷ CNY (khoảng 1,18 tỷ USD) thông qua hoạt động bị cáo buộc là gian lận.
Ngoài Cảng Cẩm Châu, các doanh nghiệp nhà nước khác – bao gồm Tefa Information, Strait Innovation và Zhongtai Chemical – bị cáo buộc đã nhào nặn dữ liệu trong báo cáo tài chính của họ.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch