Các hội nhóm này có đến cả chục nghìn người tham gia chia sẻ cách thức trốn nợ, bùng nợ… các khoản vay từ các công ty tài chính, ngân hàng.
Công ty tài chính, ngân hàng đau đầu vì khách bùng nợ
Xu hướng “rủ nhau bùng nợ” xuất hiện 1, 2 năm nay và ngày càng nghiêm trọng khiến các công ty tài chính, ngân hàng đau đầu.
Vào facebook, gõ cụm từ “hội bùng nợ công ty tài chính” trong mục tìm kiếm, sẽ xuất hiện nhiều hội nhóm với số thành viên lên tới cả chục nghìn người, có nhóm kín, có nhóm công khai.
Các thành viên trong các hội, nhóm này thường xuyên chia sẻ vay tiền qua công ty tài chính, qua app (ứng dụng) cho vay, vay qua thẻ tín dụng ngân hàng…
Có nhiều người hỏi bùng nợ có sao không, có ảnh hưởng gì không, cách bùng nợ, chiêu quỵt nợ…
Tại Hội thảo: “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng”, đẩy lùi “tín dụng đen” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, gần đây đã xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội để tổ chức hội nhóm với mục đích truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ, thực hiện hành vi lừa đảo, các công ty mạo danh… Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung.
Cũng tại Hội thảo này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Quyền Tổng Giám Đốc FE CREDIT, chia sẻ dù được cấp phép hoạt động và được quản lý bởi NHNN nhưng cũng như các tổ chức tín dụng khác, FE CREDIT đang đối mặt với một vấn đề nan giải là hoạt động “bùng nợ” có tổ chức từ khách hàng. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ hợp pháp của các công ty tài chính chính thống là phạm pháp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Trước đó, tại Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ”.
Việc thu hồi nợ khó khăn ngoài nguyên nhân trên, còn do hiện không có hành lang pháp lý cho hoạt động thu hồi nợ tài chính tiêu dùng, dẫn đến ngân hàng thương mại, công ty tài chính không có công cụ để thu hồi nợ.
Người bùng nợ đối mặt với bị khởi kiện
Đại diện FE CREDIT cho biết, đối với tình trạng khách hàng “bùng nợ” có tổ chức, FE CREDIT tiến hành phân luồng và xây dựng các giải pháp tiếp cận phù hợp như tích cực truyền thông về trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay, các rủi ro pháp lý và hệ quả sẽ đối mặt nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán… thuyết phục cho khách hàng hiểu rõ việc từ chối trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ trong tương lai.
Khi khách hàng vẫn cố tình vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán khoản vay trong thời gian dài, FE CREDIT lựa chọn kiên định triển khai các hoạt động thu hồi nợ pháp lý, khởi kiện theo đúng quy định pháp luật nhằm xây dựng một thị trường tín dụng tiêu dùng công bằng và lành mạnh hơn.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, FE CREDIT cho biết đã nộp đơn khởi kiện hơn 1.000 khách hàng. FE CREDIT vẫn kiên định với lộ trình khởi kiện các khách hàng không có thiện chí hay cố tình trốn tránh trách nhiệm thanh toán nợ.
Hiệp hội Ngân hàng cũng kỳ vọng, với việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện hiệu quả hơn.
Phan Vũ