Xe tự hành Perseverance của NASA đã phát hiện ra một tảng đá có hình dạng giống mũi tên với những cấu trúc trông giống như các đường gân trên bề mặt. Các nhà khoa học xác định rằng các đặc điểm hóa học và cấu trúc này được hình thành bởi vi sinh vật sống cách đây hàng tỷ năm.
Các nhà khoa học đã đặt tên cho tảng đá là Cheyava Falls, một thác nước ở Grand Canyon.
Ken Farley, nhà khoa học của dự án Perseverance, cho biết: “Cheyava Falls là tảng đá khó hiểu, phức tạp và có thể quan trọng nhất mà Perseverance từng nghiên cứu”.
Thông qua những hình ảnh được Perseverance gửi về Trái Đất, các nhà khoa học đã tìm thấy sự hiện diện của các tinh thể rắn, được cho là dấu tích còn sót lại từ dòng nước cổ đại đã từng chảy trên bề mặt sao Hỏa. Đáng chú ý hơn, họ còn phát hiện một vùng có màu đỏ đặc trưng, nơi chứa đựng các hợp chất hữu cơ cùng với một nguồn năng lượng tiềm năng có thể đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sống của các vi sinh vật trong quá khứ xa xôi của hành tinh Đỏ.
Farley cho biết: “Một mặt, chúng ta có phát hiện thuyết phục đầu tiên về chất hữu cơ, những đốm màu đặc trưng cho thấy các phản ứng hóa học mà vi sinh vật có thể sử dụng làm nguồn năng lượng, và bằng chứng rõ ràng rằng nước – một hợp chất cần thiết cho sự sống – đã từng chảy qua tảng đá này. Mặt khác, chúng tôi không thể xác định chính xác cách Cheyava Falls hình thành và mức độ các tảng đá gần đó có thể đã làm nóng tảng đá này và góp phần tạo ra những đặc điểm của nó”.
Perseverance đã phát hiện Cheyava Falls vào ngày 21/7 trong khi đang khám phá rìa phía bắc của Neretva Vallis, một thung lũng sông cổ đại được tạo ra bởi dòng nước chảy vào miệng núi lửa Jezero, một hồ nước cách đây 3,7 tỷ năm.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy các cấu trúc giống như đường gân ở khắp nơi, phát hiện chúng là canxi sulfat trắng. Các chất rắn kết tinh trên bề mặt sao Hỏa là các cặn nước cứng – loại nước chứa hàm lượng chất khoáng cao – còn sót lại từ dòng nước ngầm cổ đại chảy qua vùng đất hiện nay đã bám đầy bụi. Họ cũng phát hiện giữa những đường gân đó là những dải vật liệu màu đỏ, cho thấy sự hiện diện của hematite, một trong những khoáng chất tạo nên màu gỉ sét đặc trưng của sao Hỏa.
NASA cho biết, khi quan sát kỹ hơn vùng màu đỏ này, họ phát hiện ra “hàng chục đốm trắng đục có hình dạng bất thường, kích thước vài milimet, mỗi đốm được bao quanh bởi viền màu đen, trông giống như đốm trên da con báo”.
Perseverance đã sử dụng một công cụ chụp X-quang để phân tích các đốm này, xác định rằng viền đen chứa sắt và phốt phát.
David Flannery, nhà sinh vật học vũ trụ và là thành viên của nhóm khoa học Perseverance, cho biết: “Những đốm này thực sự là một bất ngờ lớn. Trên Trái Đất, những đặc điểm như thế này trong đá thường liên quan đến hồ sơ hóa thạch của các vi khuẩn sống dưới lòng đất”.
Nhóm khoa học Perseverance vẫn chưa đưa ra kết luận đầy đủ nhưng đang cân nhắc các kịch bản khác nhau cho những đặc điểm này. Một kịch bản là Cheyava Falls ban đầu được lắng đọng dưới dạng bùn có trộn lẫn các hợp chất hữu cơ, rồi cuối cùng kết dính thành đá. Sau đó, một dòng chất lỏng đã chảy xuyên qua các vết nứt trong đá, tạo điều kiện cho các khoáng chất hình thành nên các mạch canxi sunfat màu trắng lớn và các đốm mà ta thấy ngày nay.
NASA chia sẻ: “Mặc dù vật chất hữu cơ và các đốm báo rất đáng chú ý, nhưng chúng không phải là khía cạnh duy nhất của tảng đá Cheyava Falls khiến nhóm khoa học bối rối. Họ rất ngạc nhiên khi phát hiện những mạch này chứa đầy các tinh thể cỡ milimet của olivin, một loại khoáng chất hình thành từ magma”.
Cơ quan này cho biết thêm: “Olivin có thể liên quan đến các loại đá được hình thành xa hơn về phía rìa thung lũng sông và có thể được tạo ra do quá trình kết tinh của magma. Nếu vậy, nhóm nghiên cứu có một câu hỏi khác cần trả lời: Liệu olivin và sunfat có thể được đưa vào đá ở nhiệt độ cao đến mức không thể sống được, tạo ra phản ứng hóa học phi sinh học dẫn đến sự xuất hiện của các đốm báo không?”
Nhóm khoa học hiện đang hy vọng có thể đưa mẫu Cheyava Falls trở lại Trái đất để nghiên cứu bằng các thiết bị mạnh mẽ có sẵn trong phòng thí nghiệm.
Theo Daily Mail