Hà Nội và TP HCM: Nơi nào có chi phí đắt đỏ hơn?

Một góc Hà Nội. (Ảnh: Luong Led/shutterstock)

Hà Nội và TP HCM luôn nằm trong top các địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Hai thành phố cũng liên tục dẫn đầu cả nước về chi phí đắt đỏ.

Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2023 được Tổng cục Thống kê công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đạt 6,869 triệu đồng/tháng, xếp thứ hai cả nước. Năm 2014, con số này là 4,113 triệu đồng/tháng. Như vậy, sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đã tăng 40%.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2014 đến trước khi dịch Covid-19 bùng phát (năm 2019), thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội duy trì được ở tốc độ cao, đặc biệt trong các năm từ 2016 – 2018, với tốc độ tăng tương ứng đạt 15,6% năm 2016 và 17,4% năm 2018.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đã tăng từ mức 4,113 triệu đồng/tháng của năm 2014 lên 4,875 triệu đồng/tháng năm 2016, sau đó đạt mức 5,901 triệu đồng/tháng vào năm 2018.

Mức thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng truởng, đạt 6,403 triệu đồng/tháng, tăng 7,8% so với năm 2018.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, do tác động tiêu cực của đại dịch, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội có xu hướng giảm nhẹ. Liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021, mức thu nhập bình quân của thành phố đều giảm khoảng 3,2% so với năm liền trước.

Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 chỉ đạt 6,203 triệu đồng/tháng, sau đó tiếp tục rơi xuống mức 6,002 triệu đồng/tháng vào năm 2021.

Từ năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đã quay trở lại xu hướng tăng như thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, đạt 6,423 triệu đồng/tháng, ngang bằng với mức thu nhập bình quân của năm 2019 và tăng 6,6% so với năm 2021.

Tới năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội tăng 6,5% so với năm 2022, đạt 6,869 triệu đồng/tháng, gấp 1,4 lần thu nhập bình quân đầu người cả nước và xếp thứ hai cả nước.

Mặc dù, không phải địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước (xếp sau Bình Dương), nhưng tại Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI), Hà Nội nhiều năm liền giữ vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chi phí đắt đỏ.

Trong đó, Hà Nội có chi phí cao nhất cả nước ở một số nhóm hàng: May mặc, mũ nón và giày dép; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình. Đây cũng là những mặt hàng chiếm phần lớn trong chi tiêu thường ngày của người dân.

Có nhiều yếu tố khiến Hà Nội trở thành địa phương đắt đỏ nhất cả nước, bao gồm: Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội; trung tâm du lịch, dịch vụ của cả nước; dân cư đông; xa nơi cung cấp các loại hàng hoá thiết yếu…

Mặt khác, việc giá bất động sản tại Hà Nội ngày càng leo thang đã kéo theo chi phí mặt bằng cũng tăng, gián tiếp đẩy giá một số loại hàng hoá lên cao.

Cũng theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại TP HCM đã tăng từ mức 4,84 triệu đồng/tháng năm 2014 lên 6,516 triệu đồng/tháng vào năm 2023.

Các phân tích trên nền tảng dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống Numbeo gần đây cho thấy TP HCM đang là một trong những địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam, với chi phí sinh hoạt hàng tháng trung bình cho một gia đình 4 người tại TP HCM là 1.746 USD/tháng, tương đương 44,2 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí ước tính cho một người sống độc thân là khoảng 497,4 USD/tháng, tương đương 12,6 triệu đồng.

Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân đầu người 6,516 triệu đồng/tháng vào năm 2023, rất ít hộ gia đình có thể đạt mức thu nhập hơn 44 triệu đồng/tháng. Với những gia đình có thu nhập thấp hơn mức này, chi phí sống của họ cũng sẽ thấp hơn.

Còn theo báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/3 vừa qua, TP HCM đứng thứ 2 với chỉ số SCOLI, bằng 98,44% Hà Nội.

Một số nhóm hàng của TP HCM có mức giá bình quân thấp hơn Hà Nội là may mặc, mũ nón và giày dép bằng 81,99%; văn hóa, giải trí và du lịch bằng 91,87%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 94,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình bằng 94,93%.

Ngược lại, cũng có một số nhóm hàng có mức giá bình quân cao hơn Hà Nội, như nhóm hàng hóa và dịch vụ khác bằng 120,52%, giáo dục bằng 116,86%, đồ uống và thuốc lá bằng 114,52%.

Phan Vũ

Related posts