Ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt), trụ trì Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Luật Hà Nội chỉ trong 2 năm đã gây xôn xao dư luận. Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định ông Vương Tấn Việt chưa có bằng cấp 3.
Có bằng tiến sĩ nhưng chưa có bằng cấp 3
Theo nội dung văn bản số 4811 ngày 7/8 của Sở GD&ĐT TP.HCM, Sở này làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ – Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập ông Vương Tấn Việt (SN 1959) – tức là ông Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu), ngày 30/7.
Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận ông Vương Tấn Việt “không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM”.
Ông Vương Tấn Việt cũng “không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM”.
Theo Khoản 3, Điều 20, Thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: “Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ”.
Điểm a, Khoản 3, Điều 16, Thông tư 23/2021/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ quy định: “Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ GD&ĐT: có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ”.
Như vậy, theo quy định pháp luật, nếu cá nhân có hành vi sử dụng bằng cấp ba giả thì người đó sẽ bị thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và bằng thạc sĩ.
Trước đó, ông Vương Tấn Việt nhận bằng tiến sĩ trường ĐH Luật Hà Nội trong vòng 2 năm đã khiến dư luận xôn xao.
Về việc này, ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, đối tượng học lên tiến sĩ gồm cử nhân, thạc sĩ. Trong đó, cử nhân phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên thì được học thẳng lên tiến sĩ.
“Ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) tốt nghiệp cử nhân loại giỏi, đủ điều kiện học thẳng lên trình độ tiến sĩ ngành Luật hiến pháp – hành chính”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, khi học lên trình độ tiến sĩ, ông Thích Chân Quang phải học thêm các môn học của chương trình thạc sĩ thuộc chuyên ngành tương ứng, làm luận án và bảo vệ luận án tốt nghiệp.
Lý giải việc ông Thích Chân Quang nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Hòa nói có hai lý do là “học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ” và “làm xong sớm luận án và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm”.
Ông Thích Chân Quang đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ các bước theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Sau vụ việc, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo (gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án…) và có minh chứng kèm theo liên quan vụ nghiên cứu sinh Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ.
Ông Vương Tấn Việt không có bằng cấp 3, Trường đại học Luật Hà Nội nói gì?
Ngày 13/8, đại diện trường Đại học Luật Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi việc ông Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989.
“Về nguyên tắc, khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý thì trường sẽ thực hiện các quy trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu học viên sử dụng bằng giả để tuyển sinh thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ”, vị đại diện Đại học Luật Hà Nội nói.
Minh Long