Trung Quốc với tham vọng ‘Đại nhảy vọt’ về AI

Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình năm ngoái đã tổ chức một cuộc họp Bộ Chính trị và lần đầu tiên đề xuất “chú trọng phát triển AI tổng quát (AGI)”. (Ảnh minh họa: Shutterstock + Getty)

Sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã gây “cơn sốt” trên Internet, mọi người đều ngạc nhiên trước hiệu quả làm việc, tốc độ xử lý văn bản và dữ liệu, cũng như những đổi mới và ứng dụng của AI về nhiều mặt. Đối với vấn đề này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình từ năm ngoái đã tổ chức một cuộc họp Bộ Chính trị và lần đầu tiên đề xuất “chú trọng phát triển AI tổng quát (AGI)”.

Đổi mới công nghệ cũng là con dao hai lưỡi, nếu con dao này nằm trong tay ĐCSTQ thì sẽ được dùng như thế nào? Thực tế ĐCSTQ muốn dùng “đôi cánh AI” để đạt được những bước đột phá trong quân sự cũng như các lĩnh vực khác, thế nhưng “đôi cánh AI” của Trung Quốc sau “Đại nhảy vọt” chỉ còn “cọng lông”. Trong 3 năm, qua số doanh nghiệp Trung Quốc liên quan AI phải hủy đăng ký (hoặc bị thu hồi) lên đến hơn 200.000.

Hàng trăm ngàn công ty AI biến mất

Trong những năm gần đây, từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đến việc phong tỏa dịch bệnh kéo dài 3 năm, khiến các chuỗi cung ứng và công nghiệp quốc tế đã áp dụng các biện pháp “phi Hán hóa” nhằm hạn chế phụ thuộc Trung Quốc, một số công ty do ĐCSTQ kiểm soát nằm trong danh sách đen của phương Tây. Biện pháp Mỹ dùng để “chặt họng” tập đoàn ZTE của Trung Quốc vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều người. Hiện nay phương Tây tiếp tục leo thang lệnh cấm nhập khẩu vào Trung Quốc các sản phẩm và công nghệ, bao gồm cả chip cao cấp.

ĐCSTQ bị kẹp cổ, nhưng sẽ còn tồn tại trong tình trạng lay lắt. Cuộc sống quả thực khó khăn đến mức người trong và ngoài Trung Nam Hải, từ trung ương đến địa phương đều hưởng ứng “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng bản chất của ĐCSTQ là “khi bị kìm kẹp thì phản ứng tiêu cực, nhưng khi thả lỏng lại hành động tùy tiện”.

Mặc dù chính sách ngoại giao “Chiến lang” của ĐCSTQ thu hút sự chú ý của quốc tế, nhưng trên thực tế họ luôn âm thầm chuẩn bị cho việc mở rộng: Hơn 60 cảng và nhà ga quan trọng trên khắp thế giới đã bị ĐCSTQ xâm nhập, đầu tư hoặc kiểm soát, dùng thủ đoạn phối hợp quân sự-dân sự để thao túng; các mỏ và khoáng sản quan trọng của thế giới, đặc biệt là đất hiếm, bị ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ – chiếm 41% hoạt động khai thác coban và hơn một nửa hoạt động khai thác lithium của thế giới; tính sơ bộ, dù tất cả các nước đều phát triển thì đến năm 2030, sản lượng pin lithium của Trung Quốc sẽ cao hơn gấp đôi so với tất cả các nước khác cộng lại.

Điều đáng chú ý là ĐCSTQ cũng đã đề xuất phát triển AI.

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình vào ngày 28/4 năm ngoái đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để phân tích, nghiên cứu tình hình kinh tế và công tác kinh tế. Đáng chú ý trong cuộc họp đó là lần đầu tiên đề xuất “phát triển AI tổng quát, xây dựng chiến lược toàn diện bao gồm đổi mới sáng tạo và đảm bảo an toàn để tránh những rủi ro”.

AI tổng quát (AGI) là trí tuệ máy móc với trí thông minh như của con người, có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người có thể thực hiện. AI tổng quát là mục tiêu chính của một số nghiên cứu về AI. Một số nhà nghiên cứu gọi AI tổng quát là AI hoặc AI hoàn chỉnh (full AI), hay máy móc có khả năng thực hiện các hành động thông minh nói chung (general intelligent action). Khác với AI yếu, AI mạnh có thể thực hiện được hầu hết các công việc với khả năng tư duy giống con người.

Ngay sau đó các địa phương phát triển như Bắc Kinh, Thâm Quyến… đã ban hành văn bản công bố phát triển AI. Người ta lo ngại phát triển AI theo kiểu “Đại nhảy vọt” của Trung Quốc sẽ “dang dở” như các dự án chip trước đây.

Kể từ khi ChatGPT của công ty OpenAI được phát hành vào năm 2022, đến tháng 8 năm nay đã được nâng cấp lên một số phiên bản, mở rộng các chức năng như đồ họa, văn bản, âm thanh và video. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, gần 80.000 công ty AI ở Trung Quốc đã bị hủy bỏ hoặc đóng cửa do chi phí và các áp lực khác.

Chi phí cao, đầu tư R&D cao và khó khăn về lợi nhuận trong lĩnh vực AI đã trở thành những thách thức lớn mà các công ty AI phải đối mặt, cũng bộc lộ những vấn đề do cơ chế tài trợ nhà nước tại Trung Quốc gây ra.

Kết cục “Đại nhảy vọt AI” sẽ giống như những dự án chip trước đây?

Phong trào “Đại nhảy vọt” trước đây do cố lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông phát động giai đoạn giữa thế kỷ 20, theo đuổi một cách mù quáng những mục tiêu xa rời thực tế trong công nghiệp và nông nghiệp: phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, theo đuổi sản xuất thép trên toàn quốc không chỉ vượt qua Anh mà còn đuổi kịp Mỹ… Dữ liệu thu hoạch mùa thu năm 1958 đã lập kỷ lục trong lịch sử Trung Quốc, sau đó xảy ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trên toàn quốc vào tháng 12.

Lý Chí Tuy, người từng là bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông trong 22 năm, đã viết trong hồi ký: “Đại nhảy vọt phát triển mạnh mẽ, và ông (Mao) cũng nghi ngờ liệu sản lượng sản xuất ngũ cốc có cao như vậy hay không. Ông thường nói: ‘Tôi không tin rằng sản lượng ngũ cốc trên mỗi mẫu có thể đạt tới 10.000 kg’. Ông càng nghi ngờ hơn về việc luyện thép trong lò cao bằng đất. Ông nói: ‘Loại thép này sản xuất ở lò cao có sử dụng được không?’”.

Mao Trạch Đông vốn xuất thân là một nông dân, chắc chắn biết một mẫu đất có thể sản xuất ra bao nhiêu lương thực, nhưng ông vẫn nhất quyết đi theo con đường riêng để đánh bại các quan chức cấp cao khác và củng cố quyền lực của mình.

ĐCSTQ trong nhiều thập niên đã thúc đẩy chặt chẽ nguyên tắc là cả nước phải làm việc chăm chỉ để đạt được những điều vĩ đại. Tuy nhiên, Tập Cận Bình thất vọng vì hàng ngàn tỷ nhân dân tệ đổ vào ngành công nghiệp chip trong thập kỷ qua vẫn không tạo ra bước đột phá. Các quan chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều kế hoạch “sản xuất chip”, cố gắng thông qua đầu tư vốn lớn để đạt được những bước đột phá trong các công nghệ chủ chốt, nhưng hàng loạt các công ty được gọi là “chip” đều không đạt được gì và phá sản sau khi cạn kiệt nguồn vốn nhà nước, để lại những dự án “dở dang”. Ví dụ, vào ngày 1/10/2020, tuần báo “Liễu vọng” (Nhìn xa) của Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo chỉ ra rằng 6 dự án bán dẫn lớn hàng chục tỷ lần lượt bị đình chỉ, nhà chức trách lo lắng thực trạng sẽ gây ra một làn sóng các dự án dở dang và gây thất thoát tài sản nhà nước.

Phát triển AI cần lượng vốn và đầu tư công nghệ lớn. OpenAI từng tiết lộ chi phí đào tạo GPT-3 cao tới hàng triệu USD. Đối với một số LLM (mô hình ngôn ngữ lớn) lớn hơn, chi phí đào tạo dao động từ 2 triệu USD đến 12 triệu USD. Giả sử số lượng khách truy cập trung bình vào ChatGPT là 13 triệu, yêu cầu chip tương ứng là hơn 30.000 GPU Nvidia A100 (bộ xử lý đồ họa), chi phí đầu tư ban đầu khoảng 800 triệu USD và hóa đơn tiền điện hàng ngày khoảng 50.000 USD. Nếu ChatGPT được triển khai vào một công cụ tìm kiếm thì sẽ cần 512.820 máy chủ A100 HGX và tổng cộng 4.102.568 GPU A100. Tổng chi phí vốn của các máy chủ và mạng này sẽ vượt 100 tỷ USD.

Thiếu chip phát triển AI thì phải làm sao? ĐCSTQ cũng không lo lắng về điều này. Sau một số hoạt động, Nvidia đã phát triển các biến thể chip dành cho thị trường Trung Quốc, đó là những phiên bản chạy chậm hơn để đáp ứng các quy định của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc đã có được nhiều chip AI cao cấp của Nvidia thông qua các công ty buôn lậu và vỏ bọc. Ngoài ra còn có thông tin cho rằng Huawei sắp ra mắt chip AI mới có tên Ascend 910C, hiệu năng của nó có thể vượt xa các sản phẩm tương tự hiện có. Huawei cho biết chip AI sắp ra mắt của họ sẽ có thể sánh ngang với GPU AI H100 của Nvidia.

Nếu con dao hai lưỡi của AI nằm trong tay ĐCSTQ, rất có thể họ sẽ sử dụng chức năng tiêu cực đến mức cực đoan. Ví dụ thực hiện các cuộc tấn công mạng và đánh cắp thông tin từ các chính phủ, công ty và cá nhân sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra có thể dùng AI thử nghiệm trong các khía cạnh như biến đổi virus sinh học, tiến hóa theo hướng enzyme, thiết kế lại protein, mạng lưới sinh học và các ứng dụng chuyên sâu về tự động hóa. Nhưng dù thế nào thì bản chất của hệ thống dùng đầu tư nhà nước vẫn không thay đổi, cho nên thảm cảnh thất bại là khó tránh khỏi.

Nhậm Trọng Đạo, Vision Times

Related posts