Mối quan hệ Nga-Pháp xuống mức thấp mới sau vụ bắt giữ ông chủ Telegram

An Chi

Mối quan hệ Nga-Pháp xuống mức thấp mới sau vụ bắt giữ ông chủ Telegram (ảnh chụp màn hình tờ mehrnews).

Hôm 27/8 theo giờ địa phương, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, mối quan hệ giữa Moscow và Paris đã xuống mức thấp nhất, sau vụ bắt giữ nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành mạng xã hội Telegram người Nga Pavel Durov.

Durov, người mang cả quốc tịch Pháp và Nga, đã bị bắt gần Paris vào cuối tuần trong khuôn khổ cuộc điều tra về các tội liên quan đến hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch gian lận trên nền tảng này, các công tố viên Pháp cho biết hôm 26/8. 

Hiện vẫn chưa rõ liệu Durov có biết về mối đe dọa bị bắt giữ tại Pháp hay không. 

Chính quyền Pháp cáo buộc Nga cố gắng gây bất ổn trước Thế vận hội Paris để đáp trả lập trường cứng rắn hơn của nước này về cuộc xâm lược Ukraina. 

Nga phủ nhận cáo buộc này.

Người phát ngôn của văn phòng công tố Paris cho biết hôm 27/8 rằng, lệnh giam giữ Durov đã được gia hạn thêm 48 giờ vào cuối ngày 26/8. 

Sau đó, các công tố viên sẽ cần phải buộc tội hoặc thả anh. 

Nếu Durov phải đối mặt với các cáo buộc, tình trạng nguy cơ bỏ trốn của anh là một yếu tố. Các thẩm phán phải đưa vào đánh giá của họ về khả năng bị giam giữ trước khi xét xử, theo luật của Pháp.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên trong một cuộc điện đàm hôm 27/8 rằng, Nga đã sẵn sàng cung cấp cho Durov mọi hỗ trợ cần thiết, vì anh là công dân Nga.

Tuy nhiên, việc anh ta là công dân Pháp đã làm phức tạp thêm tình hình. Durov cũng có hộ chiếu của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Ông Peskov nói: “Các cáo buộc thực sự rất nghiêm trọng. Chúng đòi hỏi một cơ sở bằng chứng không kém phần nghiêm trọng. Nếu không, chúng sẽ là một nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do giao tiếp”. 

Vụ bắt giữ tỷ phú Durov đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về giới hạn của quyền tự do ngôn luận trực tuyến, với chủ sở hữu Elon Musk của mạng xã hội X, nói rằng quyền tự do ngôn luận ở châu Âu đang bị tấn công. 

Sự việc cũng nhấn mạnh một phong trào của các chính phủ trên khắp thế giới nhằm thực hiện đường lối cứng rắn hơn, trong việc kiểm soát các hoạt động bất hợp pháp đang phát triển mạnh trên một số nền tảng.

Tòa án tối cao của Brazil đã tạm thời đình chỉ Telegram trên toàn quốc vào năm 2022 vì không tuân thủ các lệnh của tòa án.

Related posts