Tổng thống Zelensky sa thải tư lệnh Không quân sau vụ F-16 bị rơi

Một quân nhân Ukraine đứng cạnh chiến đấu cơ F-16 đầu tiên mà Ukraine được nhận từ phương Tây trong Ngày Không lực Ukraine vào 4 tháng 8 năm 2024. (Nguồn ảnh: Vitalii Nosach/Global Images Ukraine via Getty Images)

Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu (30/8) đã sa thải Tư lệnh Không quân Ukraine Nikolay Oleshchuk, theo một sắc lệnh của tổng thống.

Tướng Nikolay Oleshchuk đã bị sa thải khỏi vị trí lãnh đạo Không quân Ukraine, sau khi ông công khai tranh cãi với một nhà lập pháp từ đảng cầm quyền của ông Zelensky về vụ phi cơ F-16 đầu tiên do phương Tây cung cấp bị rơi khi đang trong nhiệm vụ chiến đấu.

Tuyên bố sa thải Tướng Nikolay Oleshchuk được công bố chỉ một ngày sau khi quân đội Ukraine xác nhận một chiếc F-16 đã bị rơi và phi công tử nạn khi đang làm nhiệm vụ đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Nga vào thứ Hai (26/8).

Chiếc F-16 đó được cho là đã bị rơi vào thứ Hai (26/8), khiến phi công Aleksey Mes tử nạn. Kyiv không thừa nhận vụ việc này cho đến thứ Năm (29/8), và chỉ tuyên bố thêm rằng vụ việc đang được điều tra. Sau đó, nghị sĩ Mariana Bezuglaya của đảng “Đầy tớ của Nhân dân” đã đưa ra tuyên bố rằng phi công Aleksey Mes đã bị bắn hạ bởi một trong những hệ thống phòng không ‘Patriot’ do Hoa Kỳ tài trợ cho Ukraine.

Sau tuyên bố của nghị sĩ Mariana Bezuglaya, Tướng Nikolay Oleshchuk viết trên mạng xã hội bày tỏ phản đối, ông viết: “Mariana, sẽ đến lúc bà phải xin lỗi toàn bộ quân đội vì những gì bà đã làm, tôi hy vọng là tại tòa!” Ông cũng cáo buộc nghị sĩ của đảng “Đầy tớ của Nhân dân” “bán rẻ” quân đội và là “công cụ làm mất uy tín của giới lãnh đạo quân sự cấp cao”.

“Bà không chỉ đổ tội cho cá nhân tôi và Không quân, mà còn làm mất uy tín của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ – đồng minh chính của Ukraine – Hoa Kỳ!” Tướng Oleshchuk nhấn mạnh, cáo buộc nghị sĩ Bezuglaya là ngôi sao của “tuyên truyền của Nga”.

Sau đó, trong cùng ngày thứ Sáu (30/8), Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh miễn nhiệm Tướng Oleshchuk khỏi chức chỉ huy Không quân, lệnh này có hiệu lực ngay lập tức.

Trong một thông điệp video thông báo về động thái này, ông Zelensky không đưa ra lý do cụ thể, chỉ nói rằng “chúng ta cần bảo vệ mạng sống của tất cả quân nhân của mình”.

“Tôi đã quyết định thay thế tư lệnh Không quân… Tôi vô cùng biết ơn tất cả các phi công quân sự của chúng ta“, Tổng thống Zelensky cho biết.

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Aleksandr Syrsky vào tối thứ Sáu (30/8) đã tuyên bố rằng Trung tướng Anatoly Krivonozhko được bổ nhiệm làm quyền chỉ huy Không quân.

Các tuyên bố chính thức từ Kyiv cho đến nay cho biết phi công Aleksey Mes đã tử nạn trong một phi vụ phòng không mà ông đã bắn hạ ba tên lửa hành trình và một máy bay không người lái tấn công của Nga. Tuy nhiên, theo nghị sĩ Bezuglaya, phi cơ F-16 của ông Aleksey Mes đã bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot bắn trúng, do “sự thiếu phối hợp giữa các đơn vị“.

“Chiến tranh là chiến tranh, những tình huống như vậy là có thể xảy ra”, bà Bezuglaya viết. “Nhưng một nền văn hóa dối trá… dẫn đến một hệ thống quản lý các quyết định quân sự không được cải thiện dựa trên các phân tích trung thực, được thu thập một cách nhất quán, mà còn trở nên tồi tệ hơn và thậm chí sụp đổ, như đã thấy ở hướng Pokrovsk“, bà Bezuglaya nói thêm, ám chỉ đến bước tiến gần đây của Nga về phía vị trí Pokrovsk quan trọng của Ukraine ở Donbass.

Khi được hỏi về tuyên bố của bà Bezuglaya rằng F-16 có thể đã bị tên lửa do Hoa Kỳ sản xuất bắn hạ, phó phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết đó là “vấn đề mà người Ukraine phải giải quyết“.

“Hoa Kỳ chưa được yêu cầu tham gia bất kỳ cuộc điều tra nào về vụ việc này”, bà Singh nói thêm. “Vì vậy, về việc liệu phi công này có bị giết do hỏa lực của phe mình hay không, tôi không thể nói về điều đó”.

Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với Reuters rằng vụ tai nạn dường như không phải do hỏa lực của Nga, và các nguyên nhân vẫn đang được điều tra, có thể từ lỗi của phi công đến hỏng hóc cơ học.

Hoa Kỳ không hứa sẽ cung cấp bất kỳ phi cơ F-16 nào cho Ukraine, và để các thành viên NATO khác gửi khí tài này. Một “liên minh F-16” các nước châu Âu đã hứa cung cấp cho Kyiv hơn 80 phi cơ chiến đấu hiện đại này, nhưng cho đến nay mới giao chưa đến một chục chiếc.

Một công ty của Nga đã đưa ra phần thưởng 15 triệu rúp (170.000 USD) cho bất kỳ ai bắn hạ chiếc F-16 đầu tiên trong chiến đấu. Cho đến nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận phần thưởng.

Hải Đăng, theo Reuters và RT

Related posts