Siêu bão Yagi đến VN: 106 huyện, thị, thành phố nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Hình ảnh siêu bão Yagi. (Ảnh: zoom.earth)

Siêu bão Yagi được dự báo sẽ tiếp cận gần bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào giữa buổi sáng ngày 7/9, gây mưa rất lớn. 106 huyện, thị, thành phố có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Bão giật cấp 18

Theo Chuyên gia biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai Nguyễn Ngọc Huy, vào thời điểm 20h20 ngày 5/9, bão Yagi đang cách bờ biển phía Đông của bán đảo Lôi Châu – đảo Hải Nam của Trung Quốc 340km về phía Đông.

Gió mạnh gần tâm bão mạnh cấp 16, giật cấp 18. Vận tốc gió từ 185km/h – 220km/h.

Đường kính mắt bão 36km. Mắt bão to, tròn đều. Các đĩa mây gần tâm bão đồng nhất, đậm đặc và cân xứng thể hiện sức mạnh khủng khiếp của bão. Tuy nhiên, các đĩa mây vành ngoài có sự phân tán và tách tâm cho thấy dấu hiệu nó sẽ giảm cấp khi gần bờ biển Lôi Châu. Sóng biển gần tâm bão đang cao ở mức 9,7 mét.

Ông Huy cho hay hiện có 2 kịch bản về vị trí đổ bộ của tâm bão:

Trường hợp tâm bão đi vào khu vực Bắc Quảng Ninh gần biên giới Trung Quốc, Việt Nam sẽ giảm được thiệt hại vì địa hình Quảng Ninh nhiều núi, bão sẽ giảm cấp nhanh khi vào đất liền;

Trường hợp bão đi trực diện vào Hải Phòng thì vùng ảnh hưởng rất lớn vì đó là khu vực trống trải, bằng phẳng. Bão sẽ vào sâu trong đất liền, tới tận Hà Nội.

Hiện tại chưa thể khẳng định chắc chắn vị trí tâm bão đổ bộ.

Theo ông Huy, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ vào nửa khuya đêm 6/9 và tiếp cận gần bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào giữa buổi sáng ngày 7/9. Như vậy, sau khi vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ, bão sẽ di chuyển rất nhanh.

106 huyện, thị, thành phố nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi , từ đêm ngày 6 – 9/9, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hoá có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 – 350 mm, có nơi trên 500 mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100 – 150 mm.

Từ chiều ngày 7 – 8/9, khu vực Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La mưa 150 – 250 mm, có nơi trên 350 mm.

Cơ quan khí tượng cho biết ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể xuất hiện một đợt lũ, ngập lụt diện rộng.

Đỉnh lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái) ở mức báo động 1 – 2 (BĐ1 – BĐ2); sông Lô tại Tuyên Quang lên mức BĐ1; sông Cầu, Thương, Lục Nam trên mức BĐ1 – BĐ2; sông Hoàng Long lên mức BĐ2. Lũ trên các sông nhỏ, các sông thượng nguồn tại các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình khả năng lên mức BĐ2 – BĐ3; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1.

Mưa lớn gây nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh vùng núi, đồng bằng trung du Bắc Bộ, các khu đô thị, đặc biệt các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Đặc biệt, mưa tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Từ đêm 6 – 8/9, cần đặc biệt lưu ý tại 106 huyện, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh miền Bắc.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh 12 huyện, thị xã, thành phố: Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu.

Lạng Sơn 10 huyện, thành phố: Hữu Lũng, Bình Gia, Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng, Bắc Sơn, Đình Lập, Lạng Sơn.

Bắc Kạn 6 huyện, thành phố: Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới và Bắc Kạn. Thái Nguyên 9 huyện, thị xã, thành phố: Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công, Thái Nguyên, Đại Từ.

Bắc Giang 8 huyện, thành phố: Bắc Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang. Vĩnh Phúc 5 huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên.

Tỉnh Hòa Bình 11 huyện, thành phố: Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, Mai Châu, Hòa Bình, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc, Yên Thủy.

Phú Thọ 9 huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Phù Ninh, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập. Tuyên Quang 4 huyện, thành phố: Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Tuyên Quang.

Yên Bái 9 huyện, thị xã, thành phố: Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái, Nghĩa Lộ.

Sơn La 8 huyện, thành phố: Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên.

Lai Châu 3 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Lào Cai 4 huyện: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Yên. Thanh Hóa 10 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành.

Người dân nên ở nhà từ sáng thứ 7 để tránh siêu bão Yagi

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người.

Trong đó, có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ (Thái Bình 19 tàu/139 người, Nam Định 55 tàu/175 người, Thanh Hóa 876 tàu/5.290 người, Nghệ An 371 tàu/2.800 người, Quảng Bình 87 tàu/617 người, Huế 16 tàu/182 người, Quảng Ngãi 107 tàu/758 người, Bình Định 12 tàu/84 người). Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9, Ninh Bình cấm biển từ 13h hôm nay. Còn 2.231 du khách du lịch trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người) đã nhận được thông tin về bão và có các phương án ứng phó.

Về nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, trên biển ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào Vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13 – cấp 14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản.

Về thời điểm bão đổ bộ từ ngày 7/9, ông Luận khuyến cáo, từ sáng thứ 7 người dân nên ở nhà vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có dông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.

Ông Luận cũng yêu cầu không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố…

Minh Long

Related posts