Bão Yagi và mưa lũ: 344 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế hơn 81.500 tỷ đồng

Lào Cai là một trong số các địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. (Ảnh: laocaitv.vn)

Thống kê đến ngày 27/9, thiệt hại về kinh tế do bão Yagi và mưa lũ đã tăng thêm hơn 20.000 tỷ đồng so với một tuần trước.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá, rút kinh nghiệm về phòng chống và khắc phục hậu quả bão Yagi ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho hay bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông; có cường độ tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài; phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài; vùng tâm bão Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, 17.

Hoàn lưu bão gây mưa lớn, tại 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, phổ biến 250 – 450mm, có nơi trên 550mm, thậm chí 700mm. Mưa lớn khiến lũ lên cao tại tất cả các hệ thống sông, và hầu hết vượt báo động 3, đặc biệt lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm.

Mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, nhất là tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình…,đặc biệt tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai). Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện đạt mức lịch sử, đe dọa an toàn của đập, trong đó, hồ Thủy Điện Thác Bà đứng trước tình huống xấu nhất là phải phá đập phụ đảm bảo an toàn công trình.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 27/9, bão Yagi và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người với 344 người chết và mất tích, trong đó có tới 264 người chết do sạt lở đất, lũ quét.

Về kinh tế, thiệt hại ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng, riêng thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp là trên 30.800 tỉ đồng.

Con số này là gấp đôi báo cáo của Bộ KH&ĐT gửi Thường trực Chính phủ hai tuần trước khi mưa lũ, sạt lở sau bão Yagi vừa kết thúc được vài ngày, và cao gấp rưỡi con số thống kê đến ngày 21/9.

Về lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết có 56 giáo viên, học sinh bị chết, mất tích; 3.755 trường, điểm trường bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, với tổng thiệt hại khoảng 1.260 tỷ đồng, 41.000 bộ sách giáo khoa bị hư hỏng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết Bộ đã trình xuất 350 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và sẽ trình Thủ tướng phương án hỗ trợ bổ sung cho 5 địa phương gồm Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3; cấp hơn 430 tấn gạo và các thiết bị cứu hộ như xuồng cao tốc, nhà bạt, phao cứu sinh, và máy phát điện.

Bộ Tài chính cũng đề xuất cấp các hóa chất xử lý môi trường và thuốc men cần thiết; đề xuất cấp thêm nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định cấp giống lúa, giống ngô và một số giống cây trồng khác để hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Bộ KH-ĐT nhận định thiên tai làm cho tăng trưởng cuối năm và nhiều địa phương có thể chậm lại. Trong đó, quý 3 có thể giảm 0,35%, quý 4 giảm 0,22% và ước cả năm GDP có thể giảm 0,15%.

Tăng trưởng dù có thể đạt 6,8-7%, nhưng nhiều ngành sản xuất đều giảm, tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%.

Tính đến ngày 25/9, theo báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường dự kiến cho bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là khoảng 10.165 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng phối hợp với Ban Vận động cứu trợ Trung ương thuộc MTTQ Việt Nam để phân bổ 1.025 tỷ đồng cho 26 địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ. Số tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa bị sập đổ và hỗ trợ người dân khôi phục đời sống.

Các quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ trên 22 triệu USD cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cam kết hỗ trợ kinh phí 16,7 triệu USD thông qua Bộ NN&PTNT với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp đã trực tiếp tiếp nhận hơn 220 tấn hàng cứu trợ (giá trị 2,3 triệu USD) từ Chính phủ Úc, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nga, Singapore và các tổ chức AHA, JICA, Samaritan’s Purse, UNICEF qua đường hàng không và được vận chuyển ngay đến các địa phương để kịp hỗ trợ người dân vùng lũ.

Minh Long

Vụ bê bối điểm thi ở Thái Bình: Cách chức Giám đốc Sở GD-ĐT

Ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình. (Ảnh: thaibinh.gov.vn)

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cùng 3 cấp phó vừa bị kỷ luật vì liên quan đến sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Báo chí nhà nước cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ký quyết định cách chức ông Nguyễn Viết Hiển – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình;

Khiển trách bà Trần Thị Bích Vân – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình;

Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc với ông Đặng Xuân Phong – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình;

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó giám đốc, kiểm điểm rút kinh nghiệm tại Hội nghị kiểm điểm đối với công chức lãnh đạo quản lý của Sở.

Những cá nhân trên có liên quan đến sự cố nhầm phách, làm sai lệch điểm của gần 1.600 học sinh thi vào lớp 10. Trong đó, 252 em từ trượt thành đỗ công lập, số ngược lại cũng tương tự.

Sau thanh tra, Sở công bố lại điểm thi của các thí sinh và tổ chức xét tuyển theo quy định. Tổng số thí sinh được phê duyệt trúng tuyển là 16.287. Trong 260 thí sinh từ đỗ thành trượt, 141 em nhập học lớp 10 trường tư, 73 em học GDTX. Với 16 em còn lại, ba em không nhập học, 13 em không đăng ký trường nào, từ trước khi thanh tra.

Kỳ thi vào lớp 10 ở Thái Bình diễn ra ngày 6-7/6 với 20.500 thí sinh. Các môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Minh Long

Related posts