Việt Nam lên tiếng vụ Trung Quốc đánh ngư dân ở Hoàng Sa

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. (Ảnh: biengioilanhtho.gov.vn)

Tàu cá QNg 95739TS đang hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì bị tàu Trung Quốc tấn công, khiến 10 người bị thương.

Ngày 2/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trả lời báo giới liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 29/9.

“Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.

Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”, bà Hằng nói.

Trước đó, báo chí nhà nước dùng “tàu nước ngoài” để đưa tin về hành động tàu này tấn công tàu cá QNg 95739TS, khi tàu cá đang hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Vụ việc làm 10 người trên tàu cá QNg 95739TS bị thương, trong đó có 3 người bị gãy tay, chân.

Tàu cá QNg-95739-TS có chiều dài 21 mét, công suất 760 CV, do bà Nguyễn Thị Dung (SN 1984) làm chủ tàu, ông Nguyễn Thanh Biên (SN 1984) làm thuyền trưởng. Cả hai đều trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Tàu cá này xuất trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ/Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ lúc 10h45 ngày 13/9/2024, đăng ký hành nghề câu ở quần đảo Hoàng Sa, trên tàu có 10 thuyền viên.

Minh Long

Trưởng BQL Khu công nghệ cao TP.HCM bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Thi (trái) làm Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, ngày 20/01/2020. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

Ông Nguyễn Anh Thi vi phạm quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

Ông Nguyễn Anh Thi, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, vừa bị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, ông Thi đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Luật Hôn nhân và Gia đình.

Ông Thi 48 tuổi, có trình độ chuyên môn PGS.TS chuyên ngành cơ học. Ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao vào đầu năm 2020. Trước đó, ông làm Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ngoài ông Thi, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã thi hành kỷ luật khai trừ đối với ông Nguyễn Văn Thọ – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2.

Ông Thọ đã vi phạm quy định trong công tác lãnh đạo, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trong việc chỉ đạo ký hợp đồng liên doanh, liên kết, khai thác mặt bằng trên khu đất thuộc công trình Trung tâm Tham vấn tâm lý và công trình cải tạo sửa chữa nhà tham vấn tâm lý, nhà khách thuộc khuôn viên Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng cảnh cáo ông Đoàn Văn Sơn, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, do sai phạm trong việc giao nhiệm vụ cho cấp dưới và quyết định tạm giao đất cho doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Ông Đinh Minh Hiệp, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố, bị đề nghị kỷ luật.

Lý do, ông Hiệp đã sai phạm trong việc đấu thầu Dự án mua sắm trang thiết bị cho hệ thống phòng thí nghiệm và xử lý môi trường, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Ông Hiệp đã bị bắt hồi tháng 8.

Minh Long

4 đăng kiểm viên của Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế bị khởi tố

Trụ sở Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế. (Ảnh: Hồ Duy Quang/google-maps)

Bốn đăng kiểm viên thuộc Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế vừa bị Công an tỉnh này khởi tố, bắt tạm giam do có hành vi nhận hối lộ.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, vừa thi hành lệnh khởi tố 5 người liên quan đến vụ án nhận hối lộ trong lĩnh vực đăng kiểm xảy ra tại Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế (148 đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế).

Trong 5 người, có 4 người là đăng kiểm viên thuộc Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế, một người làm doanh nghiệp bên ngoài; có 4 người bị bắt tạm giam.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết ông đã nhận được thông tin việc có 4 cán bộ của Chi cục Thuỷ sản bị khởi tố, bắt tạm giam và thông tin cụ thể phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan công an. “Các cán bộ này công tác tại các phòng, ban của Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên – Huế và có kiêm nhiệm vụ làm đăng kiểm viên tàu cá”, ông Đức nói.

Trước đó, khoảng giữa tháng 4/2024, Viện KSND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Phan Phú Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH MTV thiết kế ô tô Thống Nhất và quyết định khởi tố bị can đối với Ngô Văn Tiến – nguyên Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên – Huế cùng về tội Nhận hối lộ.

Cụ thể, qua quá trình mở rộng điều tra những sai phạm xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên – Huế, cơ quan điều tra xác định, bị can Nguyên nhận hối lộ hơn 900 triệu đồng và bị can Tiến nhận hối lộ hơn 64 triệu đồng. Các bị can hợp thức một số thủ tục để cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

Phạm Toàn

Gặp khó trong tuyển dụng, Sóc Trăng thiếu hơn 1.500 giáo viên

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đang thiếu hơn 1.500 giáo viên. (Ảnh: ubndtp.soctrang.gov.vn)

Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024 – 2025, tỉnh Sóc Trăng còn thiếu so 1.519 giáo viên.

Ngày 1/10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc họp bàn về những vấn đề khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên và viên chức năm học 2024-2025.

Theo báo cáo, năm học 2024 – 2025, toàn ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng có 14.110 giáo viên (trong đó, giáo viên trong biên chế là 13.698, giáo viên hợp đồng 412). Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024 – 2025, số còn thiếu so với định mức là 1.519 giáo viên. Trong đó, cấp mầm non thiếu 616 giáo viên; cấp tiểu học thiếu 383 giáo viên; cấp trung học cơ sở thiếu 258 giáo viên; cấp trung học phổ thông thiếu 262 giáo viên; các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT còn thiếu 327 giáo viên.

Theo ghi nhận của báo Sài gòn Giải phóng tại cuộc họp, nguyên nhân chính được nêu ra là do việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu thực tế; vướng quy định về phân cấp tuyển dụng.

Theo đó, một số cơ quan giáo dục công lập không có người đăng ký dự tuyển hoặc số lượng người dự tuyển rất ít, thậm chí, một số chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 1 ứng viên tham gia dự tuyển.

Thí sinh thường tập trung đăng ký dự tuyển vào những đơn vị gần trung tâm thành phố hoặc đăng ký ở những vùng có chế độ ưu đãi; các cơ quan ở vùng sâu vùng xa hoặc cơ quan không có chế độ ưu đãi rất ít thí sinh đăng ký, dẫn đến tình trạng nơi cần không tuyển được…

Ví dụ như năm 2022, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng tuyển dụng 72 chỉ tiêu, có 114 thí sinh dự tuyển nhưng chỉ tuyển dụng được 28 chỉ tiêu, trong đó 1 trường hợp vào làm việc được 1 tháng đã nghỉ việc.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng không cho phép tuyển dụng đủ số người trong biên chế giao mà phải cắt giảm để đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế, trong khi số học sinh ngày càng tăng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng cho biết số giáo viên thiếu so với biên chế và so với định mức rất cao, gây khó khăn trong việc phân công, bố trí, sắp xếp đội ngũ đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Về giải pháp trước mắt, trong khi chờ tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế, ngành giáo dục tỉnh khắc phục bằng cách chuyển giao viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; tổ chức cho giáo viên dạy thêm giờ; hợp đồng chuyên môn; hợp đồng thỉnh giảng,… Tuy nhiên, việc thực hiện điều chuyển chỉ là giải pháp tạm thời vì nơi giáo viên được chuyển đi vẫn thiếu so với định mức và vẫn phát sinh quy mô (dạy vượt giờ).

Đối với việc tuyển dụng viên, Sở đề nghị UBND tỉnh xem xét phân cấp cho các cơ sở giáo dục là đơn vị sự nghiệp công lập được quyền tuyển dụng viên chức.

Đồng thời, nhà chức trách chỉ đạo các ngành có liên quan tham mưu về mức chi và nguồn kinh phí chi cho việc tuyển dụng; xem xét việc tinh giản giáo viên do ngành Giáo dục là một ngành đặc thù, số học sinh mỗi năm học đều tăng. Bổ sung kinh phí để ngành Giáo dục có nguồn thuê giáo viên hợp đồng hoặc chi trả chi phí dạy thêm giờ do thiếu giáo viên.

Bảo Khánh

Related posts