Quảng Đông: Đụng độ gay gắt giữa người bán hàng và quản lý đô thị

Những ngày gần đây đã xảy ra xung đột gay gắt giữa những người bán hàng trên đường phố và quản lý đô thị tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nhiều người đã bị bắt. (Ảnh chụp màn hình)

Tỉnh Quảng Đông là khu vực người dân biểu tình thường xuyên nhất ở Trung Quốc. Gần đây, mâu thuẫn gay gắt đã nổ ra giữa những người bán hàng rong với cơ quan quản lý đô thị, nhiều người đã bị bắt giữ. Người dân ở Trạm Giang thì giữ xe cảnh sát và buộc cảnh sát thả người bị bắt vì đòi quyền lợi. Hàng trăm công nhân ở Đông Hoản bị đàn áp khi chặn đường đòi lương. Công nhân vệ sinh ở Triệu Khánh đình công nhiều ngày đòi lương, khiến rác thải bị chất đống bốc mùi khắp nơi.

Xung đột kịch liệt giữa người bán hàng rong và cơ quan quản lý đô thị

Theo video được cư dân mạng chia sẻ, tối ngày 12 – 13/10, đã xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa những người bán hàng dựng quầy trên đường Sa Dũng Bắc, quận Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, với các quan chức quản lý đô thị. Có thời điểm người bán hàng đối đầu với cảnh sát và nhiều người đã bị bắt.

Theo video, hiện trường rất đông người, nhiều người bán hàng đã đụng độ tay chân với các viên chức quản lý đô thị. Có nhiều người la hét, có người ngã xuống không dậy được, còn có rất nhiều cảnh sát tại hiện trường, cuối cùng nhiều người đã bị bắt đi.

Người dân giữ xe cảnh sát, buộc thả người

Hôm 15/10, người dân ở làng Thừa Ngộ, thị trấn Tây Liên, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, đã đứng lên đấu tranh, bắt giữ các sĩ quan cảnh sát và xe cảnh sát, đồng thời buộc cảnh sát thả người người bảo vệ quyền lợi của mình. Theo người dân, sáng sớm hôm đó, một số cảnh sát đã lẻn vào làng với ý đồ bắt một người khiếu kiện bảo vệ quyền lợi của mình. Sau khi bị dân làng phát hiện, họ đã bao vây xe cảnh sát và yêu cầu cảnh sát thả người rồi mới cho đi. Vụ việc tiếp diễn cho đến đêm hôm đó, cuối cùng trước áp lực của dân làng, cảnh sát đã thả người.

Không hài lòng với chính sách cấm nuôi ốc của chính quyền, người dân ở làng Thừa Ngộ đã phát động hành động bảo vệ quyền lợi vào cuối tháng trước và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Dân làng cho rằng nuôi ốc biển là nguồn thu nhập chính của họ và lệnh cấm của chính quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của họ.

Dân làng ở Trạm Giang đã bắt giữ các sĩ quan cảnh sát và xe cảnh sát, buộc họ phải thả người kháng nghị bảo vệ quyền lợi. (Ảnh chụp màn hình)

Hàng trăm công nhân phản đối việc sa thải trá hình

Cùng ngày 15/10, hàng trăm công nhân tại Nhà máy Cosmo số 3 ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, đã cùng nhau bảo vệ quyền lợi của mình và phản đối việc công ty sa thải trá hình.

Video cho thấy công nhân tập trung tại khu vực nhà máy và yêu cầu công ty đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Theo công nhân, có thể Cosmo đã bị mua lại và công ty đã thông báo cho nghỉ việc 2 tháng nhằm buộc công nhân tự nguyện nghỉ việc để tránh phải bồi thường. Công nhân tức giận và không hài lòng với cách làm này của công ty.

Hàng trăm công nhân tại Nhà máy Cosmo số 3 tập trung kháng nghị để bảo vệ quyền lợi của mình và phản đối công ty sa thải trá hình. (Ảnh chụp màn hình)

Công nhân vệ sinh đình công, khiến rác thải bừa bãi và bốc mùi hôi thối

Từ ngày 12 – 14/10, công nhân vệ sinh ở thị trấn Nam Ngạn, huyện Gaoyao, thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông đã đình công 3 ngày liên tiếp do chưa được trả lương. Theo công nhân vệ sinh tiết lộ, họ bị chậm lương từ vài tháng đến nửa năm. Mấy ngày qua, do không có người dọn dẹp nên rác thải chất thành đống ở thị trấn Nam Ngạn. Có cư dân mạng cho rằng “Thị trấn Nam Ngạn đã biến thành một thành phố bốc mùi”.

Công nhân vệ sinh ở Triệu Khánh đã đình công trong nhiều ngày, khiến rác thải không được xử lý và mùi hôi thối bay khắp nơi. (Ảnh chụp màn hình)

Hàng trăm công nhân chặn đường đòi lương và bị đàn áp, nhiều người bị bắt

Tối ngày 9/10, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH Công nghệ Hoạt hình Juxingchen (Cự Tinh Thần) ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, bị nợ lương vài tháng. Họ chặn đường và đòi lương thì bị cảnh sát xua đuổi một cách thô bạo, nhiều người đã bị bắt.

Một số công nhân cho biết đã mấy tháng nay họ không nhận được lương khiến cuộc sống của họ gặp khó khăn. Việc mất liên lạc với sếp khiến họ cảm thấy tuyệt vọng và chỉ có thể dùng cách này để bảo vệ quyền lợi của mình.

Hàng trăm công nhân ở Đông Hoản chặn đường đòi lương nhưng bị đàn áp, nhiều người bị bắt. (Ảnh chụp màn hình)

Đối với các cuộc biểu tình ở nhiều nơi tại Quảng Đông, một số cư dân mạng cho rằng:

“Quảng Đông là thành phố khởi nghĩa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.”

“Nếu không đấu tranh sẽ luôn bị bắt nạt.”

“Người dân không có lối thoát, sắp không có cơm mà ăn rồi.”

“Vì để có công bằng, công chính, tôn nghiêm, thể diện, dự do! Cách duy nhất là đứng lên đấu tranh.”

“(ĐCSTQ) chặn con đường cuối cùng để những người dưới đáy có thể sinh tồn. Đây mới chỉ là khởi đầu, áp bức càng khốc liệt thì phản kháng càng mạnh mẽ”.

Theo thống kê từ trang “Tiếng nói bất đồng” (China Dissent Monitor) của Tổ chức nhân quyền Freedom House thành lập, trong quý 2/2024, trang web đã thu thập được 805 sự kiện kháng nghị, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là sự kiện người lao động phản đối (44%) và người sở hữu bất động sản, nhà ở kháng nghị (21%), còn lại là dân làng, sinh viên, phụ huynh, nhà đầu tư, người tiêu dùng, thành viên của các nhóm tín ngưỡng, nhà hoạt động nhân quyền, người Tây Tạng, người Mông Cổ và cộng đồng LGBT+. Quảng Đông là khu vực có nhiều cuộc kháng nghị thường xuyên nhất, tiếp theo là Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam và Chiết Giang. Kể từ tháng 6/2022, trang web này đã thu thập được tổng cộng 6.396 sự kiện kháng nghị.

Lý Mộc Tử, Vision Times

Related posts