Trong vụ Xuyên Việt Oil, cựu Bí thư Bến Tre nhận hối lộ từ công ty Xuyên Việt Oil hàng trăm ngàn USD; đồng hồ Patek Philippe trị giá hàng tỷ đồng; bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng; ô tô Mercedes S450 gần 6,7 tỷ đồng…
TAND TP.HCM cho biết ngày 20/11 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 15 ngày (từ 20/11 đến ngày 5/12).
HĐXX do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa, cùng các thẩm phán Bùi Đức Nam, Ngô Đức Thụ (dự khuyết).
Đại diện Viện KSND TP.HCM theo sự phân công của Viện KSND tối cao tham gia phiên tòa là: Ông Lê Huy Hoàn, ông Đỗ Mạnh Quang, bà Nguyễn Thị Lan Anh, bà Bùi Thị Thu Hương, ông Nguyễn Hồng Hiệp và ông Phạm Văn Hiền (cùng là kiểm sát viên).
Tòa án đã triệu tập đại diện Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Tòa cũng triệu tập 95 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, trên 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2021, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2023) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) bị xét xử tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
12 bị cáo khác bị xét xử về 1 trong 3 các tội nêu trên.
Theo cáo trạng, tháng 8/2016, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, qua đó trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Sau khi được cấp giấy phép, lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ bình ổn giá (BOG) và quản lý, sử dụng tiền Quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã làm trái các quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG.
Bị cáo không chỉ đạo nhân viên công ty thực hiện các quy định của pháp luật về trích lập Quỹ BOG theo thông báo điều hành kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền từ tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân của mình, để sử dụng vào mục đích riêng.
Hành vi trên dẫn đến Quỹ BOG có số dư không đúng theo quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 219 tỷ đồng.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh còn cố ý không chuyển nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã quản lý, thu hộ cho Nhà nước vào ngân sách mà sử dụng cá nhân, gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng.
Cựu Bí thư Lê Đức Thọ nhận 36 tỷ đồng
Để che giấu sai phạm trong thời gian dài, bị cáo Hạnh không tiếc tay, chi hàng triệu USD để hối lộ, móc ngoặc quan hệ với 8 cựu quan chức. Trong đó, người nhận nhiều tiền nhất từ bị cáo Hạnh là bị cáo Lê Đức Thọ, với tổng tiền, tài sản khác trị giá gần 36 tỷ đồng.
Cụ thể, khi làm Chủ tịch HĐQT Vietinbank, bị cáo Hạnh 2 lần đưa hối lộ cho bị cáo Lê Đức Thọ, tổng 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỷ đồng), để bị cáo Thọ tạo điều kiện trong việc cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Ngoài việc nhận hối lộ 600.000 USD, trong thời gian này, bị cáo Thọ còn nhận của bị cáo Hạnh 470.000 USD, 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Với tài sản này, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, số tài sản này đã được thu giữ để khắc phục hậu quả, vì đây là tiền do bị cáo Hạnh phạm tội mà có.
Trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, lợi dụng chức vụ quyền hạn và lợi dụng uy tín, ảnh hưởng nguyên là Chủ tịch HĐQT Vietinbank để giải quyết cho Công ty Xuyên Việt Oil vay vốn tại Vietinbank Chi nhánh Bến Tre, ông Thọ đã 3 lần nhận tiền, tài sản của bà Hạnh với tổng trị giá 22,1 tỷ đồng, gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng), được tặng 1 bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng, 1 đồng hồ Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD (tương đương hơn 9,8 tỷ đồng), 1 ô tô Mercedes S450 trị giá gần 6,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, thời gian này ông Thọ còn nhiều lần được bà Hạnh gửi tiền, quà chúc mừng sinh nhật, chúc mừng nhận chức vụ mới. Bà Hạnh đã biếu ông Thọ 200.000 USD, 300 triệu đồng và 3 đồng hồ Patek Philippe tổng trị giá 355.000 USD. Đối với số tài sản trên, cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thọ. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã thu giữ số tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án vì đây là số tiền do bà Hạnh phạm tội mà có.
Quá trình điều tra, ông Lê Đức Thọ và gia đình đã nộp 16,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Cáo trạng ghi nhận ông Thọ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, có thành tích trong công tác…
7 cựu quan chức nhận hối lộ từ bị cáo Hạnh
Theo cáo trạng, ngoài ông Lê Đức Thọ, 7 cựu quan chức khác cũng nhận hối lộ của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, gồm:
Bị cáo Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) nhận hơn 1,1 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nhận hơn 5,6 tỷ đồng, chiếm hưởng hơn 2,7 tỷ đồng.
Bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nhận gần 6 tỷ đồng, chiếm hưởng hơn 3,2 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nhận 400 triệu đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn 521 triệu đồng.
Bị cáo Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) nhận hơn 4,8 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Kiến Anh (cựu Giám đốc chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn) nhận hơn 3,2 tỷ đồng.
Bị cáo Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài Chính) nhận hơn 459 triệu đồng.
Phạm Toàn
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang bị kỷ luật cảnh cáo
Ông Nguyễn Văn Sơn bị cảnh cáo do sai phạm liên quan Tập đoàn Thuận An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026, bị kỷ luật cảnh cáo, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và đã bị thi hành kỷ luật Đảng.
Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 47 hồi tháng 9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang nhiệm kỳ 2020-2025, Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân sai phạm tại dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (gói thầu số 4 do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện).
Sai phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản…
Trách nhiệm cá nhân thuộc về ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Sơn.
Ông Nguyễn Văn Sơn 60 tuổi, từng làm Giám đốc Sở Tài chính, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch tỉnh Hà Giang từ năm 2015 đến nay.
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các ông Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Phùng Quang Hùng, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy; Hà Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong tổ chức thực hiện dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện.
Những vi phạm trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, nên đề nghị kỷ luật 3 người trên.
Minh Long