Mỹ đang điều tra Temu về vấn đề tính bảo mật dữ liệu và lao động cưỡng bức

(Ảnh: Shutterstock)

Theo tờ New York Post, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang mở cuộc điều tra về nền tảng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc, họ không chỉ bị cáo buộc giám sát bất hợp pháp người dùng thông qua ứng dụng Temu mà còn sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng.

Nhiều quan chức và chuyên gia tình báo Mỹ tiết lộ, Temu kinh doanh ở Mỹ với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, hành vi này không chỉ bị nghi ngờ cạnh tranh không lành mạnh mà còn làm dấy lên lo ngại về sự tồn tại của lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ.

Một quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận hiện đang có điều tra đối với Temu, nhưng chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa có hành động mang tính thực chất. Trong danh sách 29 công ty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách cấm – do vi phạm Đạo luật Phòng chống Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ – chưa có Temu.

Cơ sở pháp lý cho cuộc điều tra này là Đạo luật Phòng chống Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, ban đầu được chính quyền Trump soạn thảo và được Tổng thống Biden ký thành luật vào năm 2021. Luật nghiêm cấm việc nhập khẩu vào Mỹ hàng hóa được sản xuất “toàn bộ hoặc một phần bằng lao động cưỡng bức” ở Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm từ khu vực Tân Cương nơi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị cáo buộc lao động cưỡng bức.

Một khi doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm luật này, họ sẽ bị đưa vào danh sách thực thể và bị cấm bán bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường Mỹ.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nhấn mạnh rằng “việc thực thi nghiêm ngặt luật này là rất quan trọng để đảm bảo hàng hóa vào Mỹ không phải trả giá bằng vi phạm nhân quyền”. Cơ quan này cho biết đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ nhất của Mỹ nhằm chống lại cưỡng bức lao động có hệ thống của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số – như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Kể từ khi gia nhập thị trường vào năm 2022, Temu đã bán mọi thứ từ quần áo đến móc chìa khóa, đồ nội thất ở Mỹ và châu Âu với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Lấy ví dụ sản phẩm bán chạy của nền tảng vào thứ Hai, một “thảm con thỏ cao cấp” có giá chỉ 12,05 USD, thấp hơn 1/3 giá của sản phẩm tương tự trên Amazon.

Kevin Hulbert, cựu quan chức tình báo cấp cao của Ban điều hành CIA và hiện là giám đốc điều hành của công ty tình báo XK Group, cho biết chiến lược giá thấp bất thường của Temu đã gây lo lắng trên thị trường. “Thật không thể tin được khi họ có thể sản xuất một chiếc váy và vận chuyển nó từ đầu này sang đầu kia của thế giới, nhưng chỉ bán với giá khoảng 8 USD. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa”, Herbert nói, “Vấn đề này không thể không đặt ra câu hỏi: Làm thế nào họ làm điều đó?”

“Rất có thể là do họ sử dụng nguyên liệu thô bông giá cực kỳ rẻ. Điều gây sốc hơn là chúng tôi thậm chí còn cho Temu chứng nhận rằng bông của họ không đến từ khu vực Tân Cương – nơi sử dụng lao động cưỡng bức.”

Trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ sắp lên nắm quyền, một số người theo đường lối cứng rắn trong lĩnh vực an ninh quốc gia Mỹ đã kêu gọi hủy bỏ quyền tự chứng nhận của Temu về việc tuân thủ Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Ông Herbert cho biết các cơ quan tình báo có công nghệ kiểm tra tiên tiến, có thể kiểm tra các sản phẩm để xác minh xem họ có sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương hay không. Tuy nhiên, hiện không rõ liệu Bộ An ninh Nội địa có tiến hành kiểm tra như vậy đối với hàng hóa của Temu hay không. “Chúng tôi có thể kiểm tra nguồn gốc của bông thông qua công nghệ pháp y”, ông giải thích, “Ví dụ, nếu bây giờ bạn đang mặc một chiếc áo phông cotton, chúng tôi có thể xác định chính xác thông qua kiểm tra xem bông của chiếc áo phông này là từ Mississippi, Alabama, hoặc từ Tajikistan hoặc Trung Quốc, và thậm chí có thể xác định cụ thể xem nó có phải là từ Tân Cương – Trung Quốc hay không”.

“Công nghệ này hoàn toàn khả thi”, ông nói thêm.

Vào tháng 6/2023, Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố một báo cáo, kêu gọi chính phủ liên bang mở điều tra về công ty có liên quan đến nhà cầm quyền Trung Quốc. Báo cáo chỉ ra vấn đề trong mô hình kinh doanh của Temu, trừ khi công ty có thể chứng minh sản phẩm không sử dụng lao động cưỡng bức, nếu không có thể họ vi phạm nhưng lách được luật này của Mỹ. Báo cáo cảnh báo: “Người tiêu dùng Mỹ nên nhận ra rằng chuỗi cung ứng của Temu rất có thể liên quan đến lao động cưỡng bức”.

Ngoài ra còn có những vấn đề an ninh mạng nghiêm trọng đối với ứng dụng di động của Temu, giống như những vấn đề trước đây khiến TikTok bị Quốc hội Mỹ cấm: Theo dõi người dùng và cung cấp quyền truy cập dữ liệu cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Một quan chức cấp cao của Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rõ trong phỏng vấn với New York Post: “Tôi sẽ không bao giờ cài đặt ứng dụng này trên điện thoại của mình”.

Hiện không rõ các cáo buộc có được đưa vào cuộc điều tra hay không.

Mới tháng trước EU cũng đã mở một cuộc điều tra về Temu, tập trung vào việc liệu có vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số hay không. Nội dung điều tra bao gồm các vấn đề như bán hàng hóa bất hợp pháp, tính gây nghiện của thiết kế nền tảng, hệ thống giới thiệu mua sắm và quyền truy cập dữ liệu của các nhà nghiên cứu.

Temu vẫn chưa phản hồi về vấn đề này.

Cao Vân, Vision Times

Related posts