Mùa lạnh
đã qua nhưng mùa cúm năm nay hơi dài, qua tháng ba vẫn có nhiều người bị cúm mà
tôi là một. Nhưng dù sao nắng cũng đã lên rồi, mấy ngày nay ấm áp, người bớt
nhừ tử với cúm… thì nhìn ra sân… bồ công anh đã nở. Mấy năm trước, tôi có coi
bộ phim “Con đường số 1” của Nam Hàn, có đôi tình nhân thời chiến tranh Triều
Tiên đã hẹn hò nhau, người con trai nói, “… khi thấy hoa bồ công anh nở, thì
anh sẽ về…” Cô gái đứng tỏ tình với người yêu, ngước nhìn hoa bồ công anh bay
rợp trời mà thỏ thẻ, “Anh nhớ đó! Khi thấy hoa bồ công anh bay rợp trời thì dù
anh đang ở đâu… cũng hãy về với em mong đợi.”
Ba chữ “bồ công anh” nghe lạ tai nên tôi nhướng mắt để xem là hoa gì, và bỗng
ngỡ ngàng là thứ cỏ dại ngoài sân sau nhà. Một loài cỏ dại có tên khoa học là
Taraxacum – thuộc họ cúc (Asrteraceae). Đó là loài cỏ dại mà mỗi độ xuân về, cỏ
trồng chưa kịp xanh thì bồ công anh đã cao ngòng; đầy sân, nhà nào cũng thế,
mảnh đất nào chưa xây cất cũng đều vậy cả. Có thể nói ở Texas mùa này, chỉ thấy
màu xanh của hoa bluebonnet, hoặc màu vàng thơ ngây của hoa Dendilion (là tên
tiếng Anh của Bồ công anh) trên những cánh đồng cỏ hay ven xa lộ…
Vào mùa này, sáng sớm những ngày nghỉ cuối tuần. Tôi thường bưng ly cà phê ra sân sau nhà ngồi thưởng thức không gian yên ắng bên sườn đồi bluebonnet sau nhà, một chút rừng còn sót lại-có con suối sâu nhưng cạn nước; khí trời mát dịu còn lảng vảng hơi sương dưới thung… tâm tư thật sảng khoái với hương đồng gió nội, hương thơm cà phê, hương trà xanh khoan khoái sáng cuối tuần để sẵn sàng làm việc nhà chắc chắn là cực nhọc hơn đi làm hãng ngày thường.
Mùa này ngập mắt với những đóa bồ công anh vàng tươi trong nắng sớm khi mặt trời lên. Hình dạng hoa như hoa cúc đồng tiền, màu vàng chanh sáng sớm và vàng chùa chiền khi bị nắng nung. Tôi thích sự đơn giản, mong manh của loài hoa dại này; có lẽ còn một phần thích thú khó diễn tả là sự kiên cường của nó, thấy cành hoa như cọng giá quá cao, ngoặt ngoẹo trong gió, thế mà không gãy. Đã nhiều lần ngồi cà phê một mình sáng sớm, tôi nhìn, tôi ngắm hoa bồ công anh và liên tưởng tới một mỹ nhân chân đất, với sự đẹp đáng ngưỡng mộ là không kiêu sa mà chính là sự thu phục được lòng cảm mến của người nhìn từ tư chất và tính kiên cường của hoa bồ công anh.
Loài hoa
này đẹp đến cái chết cũng đẹp là cọng hoa vẫn đứng thẳng trong trời đất, chỉ nụ
cúi đầu. Cái chết thì vạn vật đều kết thúc, có khác nhau về hình thức thì nội
dung vẫn là chết. Nhưng chết đứng giữa trận tiền như Từ Hải thì dũng khí lưu
danh, riêng cái chết ngạo nghễ của thân bồ công anh mong manh như cọng giá mà
không gục; chỉ cúi nụ hoa tàn cho lòng người kính ngưỡng một loài hoa dại.
Ôi, loài hoa sáng nở vàng ươm trong màu lá xanh. Ở quê tôi, người ta còn gọi
hoa bồ công anh là hoa nắng. Không biết nắng vàng nhờ hoa hay hoa vàng nhờ
nắng, ông bà ta cũng lãng mạn phi thường. Nhưng hoa bồ công anh lúc tàn thì lại
trắng tinh khôi, thuần khiết, nhẹ nhàng đến mong manh… Tôi tự hỏi, sao không là
hoa của tình yêu vì nó có đủ đặc tính của tình cảm đặc biệt ấy chứ? Nhất là khi
chứng kiến chỉ một làn gió thoáng qua, những cánh hoa bồ công anh bay đi, vô
định, làm cho hồn người bềnh bồng, tan vào gió như bồ cônh anh bay xa…
Đó là hoa bồ công anh bên ly cà phê buổi sáng. Trở về đời thường là hoa vàng rợp sân sau thì uống xong ly cà phê là đi Home Depot để mua phân bón cỏ có thuốc diệt bồ công anh pha chung trong đó mà nhà sản xuất thường ghi ngoài bao bì là, “2 in 1” hay “Plus2”. Sau đó vất vả cả ngày với quá nhiều lưới cửa sổ cho một căn nhà là phải xem lại cái nào hở lưới thì bịt kín lại để bông bồ công anh đừng bay vô nhà thì cả nhà mới đỡ bị dị ứng…
Theo vài người lớn tuổi mà tôi quen biết thì họ còn nói rằng hoa bồ công anh mang vị thuốc nên ở quê xưa, người ta dùng hoa bồ công anh khô trộn chung với trà để pha uống; có tác dụng hạ đàm và thông thoáng đường khí quản…
Nhưng với tôi, hiểu biết về hoa bồ công anh như thế đã đủ. Chuyện còn lại là sáng nay hoa bồ công anh nhắc nhớ bộ phim về chiến tranh Triều Tiên, với tựa đề “Con đường số 1”; với những hình ảnh được dàn dựng rất giống với chiến tranh Việt nam xưa kia; cũng từng đoàn người dân vô tội phải bỏ ruộng vườn, làng mạc mà xuôi nam khi họa cộng sản từ miền bắc Triều Tiên lan xuống phía nam bán đảo này; cũng những cảnh não lòng của chiến tranh diễn ra như người ta phải bỏ lại người thân trúng đạn pháo kích của quân miền bắc ở ven đường với nấm mồ chôn vội, cắm một nhánh cây làm dấu để lấy cốt khi tan giặc trở về. Nhưng những người bỏ lại người thân vẫn không thể bỏ lại nồi niêu xoon chảo vì người sống còn phải nấu, phải ăn; đặc biệt là còn phải chết với bom đạn của làn sóng đỏ khi nó đã loang ra thế giới tự do này, không riêng gì bán đảo Triều Tiên. Những con người chạy giặc sau khi vật vã khóc người thân vô tội, sao phải chết? Họ đều mong ngày trở về quê hương, sẽ hốt cốt, cải táng cho thân nhân. Nhưng họ đã không về nữa vì họ chết với đạn bom của quân cộng sản truy đuổi đoàn người chạy giặc về phương nam chỉ sau thân nhân của họ một đôi ngày. Hình ảnh những nấm mồ oan khiên bên đường còn chưa khô đất mới thì lại bị đạn pháo bới lên thành “người chết hai lần thịt da nát tan” như nhạc Trịnh đã mô tả trong chiến tranh Việt nam…
Hoa bồ công anh gợi nhớ cuộc chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến tranh Triều Tiên gợi nhớ cuộc chiến Việt nam và biến cố 30 tháng 04 năm 1975 ở quê nhà đã 44 năm thời gian trôi qua. Những người tham chiến nay đã già, những đứa trẻ chạy giặc ngày ấy như tôi cũng không còn trẻ. Khi có hiểu biết chỉ chứng kiến được sự sụp đổ của bức tường Bá linh; khối cộng sản Đông Âu và Nga sô sụp đổ vì bộ ba: Tổng thống Mỹ Regan; Đức giáo hoàng John Paul II, Tổng thống Nga Gorbachev) cùng lòng dân ở những nước thuộc khối cộng sản Đông Âu và Nga sô.
Trong khi Việt nam chỉ có ít người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, phần lớn là vào tù, đa số là đi hải ngoại sau khi được thế giới và Hoa Kỳ can thiệp. Những Tạ Phong Tần, Song Chi, sau này Việt Khang, Điếu Cày, Mẹ Nấm… bị loãng ở hải ngoại. Cha Lý với luật sư Lê Thị Công Nhân còn trong nước, Hoà Thượng Thích Quảng Độ… như những cánh én không làm nên được mùa xuân trong gọng kềm cộng sản. Chúng ta có vài triệu người Việt hải ngoại, và dường như chỉ đợi tháng tư về để ra mắt sách, kể chuyện vượt biên như một vết thương lòng (không ai có quyền ý kiến, can thiệp vào nỗi đau riêng tư của người khác) nên càng mịt mù một tương lai khá hơn cho Việt nam vì đã hơn bốn mươi năm không quên cũng là hơn bốn mươi năm chứng minh đau buồn đơn phương và thù hận để lòng không thay đổi được Việt nam.
Mỗi tháng tư về, chúg ta lại ưu tư, phiền muộn, để nguôi ngoa tháng năm, tháng mười… tháng tư lại về để ra mắt sách, kể chuyện vượt biên, chuông chùa lại vang truy điệu anh hùng tử sĩ và đồng bào chết oan trên đường vượt biển. Người Việt hải ngoại lại hâm nóng nỗi đau, chuyện buồn với những buổi ca nhạc ở nhà thờ, chùa chiền, trung tâm sinh hoạt cộng đồng người Việt quốc gia nơi nơi… Những người lính gãy súng tháng ba, tháng tư, đã là những ông già ngồi ôn kỷ niệm trong bộ quân phục một thời. Để sang năm lại kỷ niệm “ngày quốc hận lần thứ…” những tác phẩm bình cũ rượu mới lại ra đời như hoa bồ công anh lại nở sau mỗi tiết đông tàn. Sức sống mãnh liệt nhưng sớm nở tối tàn nên mãi là loài cỏ dại dù lịch sử và riêng tính khá đặc trưng…
Phan