Tên tử tội

Monaco là một nước ở Tây Âu, nằm bên bờ Địa Trung Hải. Diện tích rất nhỏ, dân số rất ít nhưng mà giàu nhất nhì thế giới. Có mấy chuyện nầy nhiều người biết :

1)- Tay vợt tennis số 1 thế giới Novak Djokovic người Serbia đã chọn Monaco để định cư

2)- Dân số ít ỏi nhưng lại có một đội túc cầu mạnh, đó là AS Monaco, đội banh nầy thường tham dự giải vô địch Pháp quốc (Ligue 1) khiến nhiều người tưởng lầm Monaco là một tỉnh của nước Pháp.

3)- Năm 1956 diễn viên điện ảnh người Mỹ Grace Kelly kết hôn với ông hoàng Monaco Rainier III. Họ có với nhau 3 người con là : Stéphanie, Caroline và hoàng tử Albert II. Cuộc đời ông hoàng Albert nầy khá ly kỳ,

Nhưng ít ai biết rằng vào hậu bán thế kỷ XIX tại Monaco từng xẩy ra một câu chuyện cũng ly kỳ không kém và rất thú vị nữa. Muốn biết chuyện có thực hay không, xin mời các bạn đọc:

Sự thật nhiều khi có thể không đáng tin.

Dưới đây cũng là một thí dụ:

Mọi người dân Paris, những ai trở về kinh thành vào mùa nầy đều thuộc nằm lòng chuỗi thành phố hấp dẫn chạy dài từ Marseille cho đến Gênes. Họ rời các thành phố phía bắc để đến những đô thị xinh xắn nầy. Họ khởi hành ngay đầu tháng tư này, nghĩa là lúc những thành phố đó sắp biến thành những cụm hoa thực sự, lúc toàn miền quê chỉ còn là một khu vườn, lúc mà hồng và cam đang nở hoa.

Trong tất cả các địa điểm ấy có một nơi được đặc biệt ưa thích, bởi vì đây còn hơn cả một thành phố, đây là một vương quốc, một vương quốc bé nhỏ, đúng vậy, là môt đại công- quốc của Gérolstein (1)
 

Nằm trên một núi đá đầy hoa, mang trên sườn nhiều ngôi nhà màu trắng cùng với cung điện của mình, tiểu công- quốc Monaco thần phục một vị vua độc lập hơn cả vua Makoko (2), độc đoán hơn vua Guillaume nước Phổ và trịnh trọng hơn cả vua Louis XIV quá cố của nước Pháp .
 

Không sợ bị xâm lược và chẳng sợ bất cứ cuộc cách mạng nào, vua Monaco cai trị dân tộc nhỏ bé và hạnh phúc của mình trong hòa bình, bằng các nghi thức, bảo tồn những lễ nghi của một triều đình vẫn còn duy trì sự sùng kính.
 

Vua có một ông tướng và tám mươi binh sĩ, có vị giám mục, có tăng lữ, có quan phụ trách hướng dẫn đại sứ các nước, như ông Grévy, và một loạt quan chức có tước vị mỹ miều mà ta luôn gặp xúm quanh các vị vua chuyên chế và vững tin vào vẻ uy nghi của mình.
 

Nhưng ông vua nầy không khát máu tí nào cả, cũng không hay trả thù và khi ông đuổi ai ra khỏi nước – vì đúng là ông đang đuổi – thì biện pháp áp dụng khéo léo vô cùng.
 

Có cần dẫn chứng không?
 

Một con bạc bướng bỉnh trong một ngày xui xẻo đã mở miệng chửi vua. Hắn lập tức bị trục xuất bởi một sắc lệnh. Trong vòng một tháng trời hắn chỉ dám lượn qua lượn lại chung quanh chốn Thiên đường ấy, nơi mà hắn đã bị cấm cửa, vì hắn sợ thanh kiếm của tổng thiên thần dưới hình thức lưỡi gươm của viên sen đầm. Một hôm hắn đánh bạo vượt qua biên giới, vào tận trung tâm thành phố, xâm nhập sòng bạc Casino.Tức thì một nhân viên chận hắn lại:
 

– “Thưa ông, chẳng phải ông đã bị trục xuất rồi hay sao?”
 

– “Đúng thế, thưa ông, nhưng lát nữa tôi sẽ về trên chuyến xe lửa đầu tiên”
 

– “Ồ, nếu vậy thì được, mời ông vào.”
 

Rồi tuần nào hắn cũng đến, lần nào gã nhân viên rầu rỉ cũng hỏi hắn cùng một câu hỏi đó và lần nào hắn cũng trả lời cùng một cách. Công lý có thể nào mềm dẽo hơn thế ?
 

Tuy vậy, một trong những năm vừa qua, trong vương quốc đã xẩy ra một ca rất nghiêm trọng và mới mẻ.
 

Đã xẩy ra một án mạng.
 

Một người đàn ông, không phải là một trong số người ngoại quốc sống lang thang mà người ta thường gặp từng nhóm ở trên sườn núi, mà là một người dân Monaco, một ông chồng trong lúc nóng giận đã giết vợ.
 

Hắn ta đã giết vợ hắn chẳng vì lý do nào cả, chẳng có duyên cớ gì có thể chấp nhận . Cả vùng đất vương công đều rúng động.
 

Tòa án tối cao họp để xét xử trường hợp đặc biệt nầy (chưa hề xẩy ra vụ giết người nào cả) và tên khốn kiếp bị kết án tử hình.
 

Quốc vương giận dữ phê chuẩn bản án ngay.
 

Chỉ còn mỗi một việc là hành hình tên tội phạm. Việc nầy gặp phải khó khăn. Nhà nước không có đao phủ, máy chém cũng không!
 

Làm sao bây giờ? Nghe lời ông bộ trưởng ngoại giao, đức vua lập tức điều đình với chính phủ Pháp để mượn một đao phủ và mượn luôn máy chém.
 

Bộ ngoại giao ở Paris thảo luận khá lâu. Cuối cùng họ phúc đáp bằng một bản định giá cho thuê máy và chuyên viên. Toàn bộ chi phí là mười sáu ngàn quan tiền Pháp.
 

Vua Monaco cho rằng tính toán vậy quá tốn kém, tên sát nhân chắc chắn không đáng giá như vậy. Mười sáu ngàn quan để lấy đầu một tên vô lại ư? Không!
 

Họ bèn hỏi chính phủ Ý. Một ông vua, một người anh em, chắc sẽ không đòi hỏi cao như một nước cộng hòa.
 

Nước Ý gởi một bản thanh toán mười hai ngàn quan.
 

Mười hai ngàn quan! Phải thu thêm thuế mới, mỗi người dân hai quan. Chừng đó cũng đủ để gây bạo loạn trong nước rồi!
 

Họ nghĩ đến việc sử dụng một anh lính trơn để chặt đầu tên sát nhân. Nhưng khi được hỏi ý kiến, ông tướng ngập ngừng thưa rằng lính của ông chưa luyện tập thuần thục môn sử dụng dao mác, sợ sẽ không chu toàn được nhiệm vụ đòi hỏi nhiều kinh nghiệm dùng gươm đao.
 

Thế là tòa án tối cao lại được triệu tập để bàn trường hợp rắc rối nầy.
 

Họ bàn mãi mà chẳng tìm được giải pháp nào cả. Sau cùng ông chánh án đề nghị giảm mức án tử hình xuống thành tù chung thân và biện pháp nầy được chấp thuận.
 

Nhưng họ không có sẵn nhà tù. Phải lập một nhà tù và bổ nhiệm một cai ngục. Tù nhân được giao cho người nầy.
 

Mọi việc trôi chảy trong 6 tháng. Tên tù ngủ suốt ngày trên một tấm nệm rơm trong căn phòng lụp xụp, còn người cai tù thì ngồi trên chiếc ghế trước cửa nhìn người qua lại.
 

Nhưng đức vua vốn keo kiệt, đó là khuyết điểm tệ nhất của ngài. Mọi chi phí nhỏ nhặt nhất của nhà nước đều phải trình cho ngài rõ (bản danh sách cũng chẳng dài chi mấy). Và người ta đã liệt kê tất cả chi phí liên quan đến việc bổ nhiệm chức vụ mới, việc bảo dưỡng nhà tù, tù nhân và cai ngục. Ngân sách của nhà vua phải đài thọ lương bổng của người gác tù nhiều quá.
 

Ban đầu ngài chỉ nhăn nhó. Nhưng khi ngài nghĩ đến việc đài thọ sẽ lâu dài (vì tên tội phạm còn trẻ) thì ngài báo cho ông bộ trưởng tư pháp tìm cách bãi bỏ chi phí ấy đi.
 

Ông bộ trưởng tham khảo ý kiến ông chánh án và cả hai ông thỏa thuận bãi bỏ chức vụ cai tù. Tù nhân khi được yêu cầu tự canh giữ mình ắt sẽ không thể bỏ lỡ cơ hội trốn thoát, như vậy sẽ giải quyết ổn thỏa cho tất cả mọi người.
 

Viên cai tù được cho về vườn và một người phụ bếp trong lâu đài được giao nhiệm vụ đơn giản là sáng chiều mang cơm nước cho tù nhân. Nhưng tên tù không hề mưu tính giành lại tự do cho mình chút nào cả.
 

Một hôm nhà bếp chểnh mảng việc mang cơm cho hắn, người ta thấy hắn lẳng lặng đến khiếu nại. Từ hôm đó, để nhà bếp khỏi mất công đi lại, hắn có thói quen hễ đến giờ cơm là đến ăn chung với đám gia nhân và trở nên thân thiết với họ.
 

Sau bữa ăn trưa, hắn thường dạo một vòng đến Monte-Carlo. Thỉnh thoảng hắn vào Casino ném năm quan vào trong sòng bài để thử vận may. Lần nào thắng hắn tự thưởng một bữa ăn tối ra trò trong một khách sạn nổi tiếng, sau đó hắn trở về phòng giam của mình, cẩn thận khóa cửa phía trong lại.
 

Không bao giờ hắn ngủ lang bang bên ngoài.
 

Tình thế trở nên khó khăn không những đối với tên tội phạm mà còn đối với các thẩm phán nữa.
 

Tòa án tối cao họp trở lại và quyết định yêu cầu tội nhân rời khỏi đất nước Monaco.
 

Khi họ tống đạt quyết định đó cho hắn, hắn đáp trả đơn giản:
 

“Tôi thấy quí vị thật buồn cười. Sao? Rồi tôi sẽ ra sao đây? Tôi chẳng có gì để sống cả. Tôi không còn gia đình nữa. Quí vị bảo tôi phải làm gì đây? Tôi đã bị kết án tử hình. Quí vị không hành hình, tôi chẳng nói gì. Tiếp đó tôi bị kết án tù chung thân và quí vị giao tôi cho viên cai ngục. Rồi quí vị đuổi ông ấy, tôi cũng không nói gì. Hôm nay quí vị lại trục xuất tôi. Không đâu. Tôi là tên tù, do quí vị xét xử và kết án. Tôi trung thành thi hành án phạt của tôi. Tôi ở lại đây.
 

Tòa án tối cao rụng rời! Vua nổi trận lôi đình ra lệnh tìm biện pháp.
 

Họ bàn bạc trở lại. Họ quyết định cấp cho tên tội phạm sáu trăm quan để hắn sinh sống ở nước ngoài.
 

Hắn bằng lòng.
 

Hắn thuê một miếng đất nhỏ cách lãnh địa của cựu quốc vương của hắn khoảng năm phút và hắn sống rất hạnh phúc trên đất của hắn, trồng trọt rau quả và coi thường các lãnh chúa.
 

Một thời gian ngắn sau đó triều đình Monaco biết chuyện liền quyết định điều đình với chính phủ Pháp. Bây giờ họ chuyển giao tội phạm cho chúng ta giam giữ với điều kiên kèm theo môt khoản trợ cấp ít ỏi.
 

Trong các tài liệu tư pháp lưu trữ ở Công- quốc, người ta có thể tìm thấy bàn án lạ kỳ ấn định khoản trợ cấp cho tội phạm để buộc hắn rời khỏi lãnh thổ Monaco.
 

29/12/2018

Guy de Maupassant

Thân Trọng Thủy dịch
 

_____________

Dịch từ nguyên bản “Le condamné à mort” của Guy de Maupassant
 

(1) Gérolstein là một thành phố nhỏ trong rặng Eifel thuộc quận Vulkaneifel, phía tây bắc hạt Rhénanie –Palatinat nước Đức, chuyên cung cấp nước khoáng. Cái tên Gérolstein được sử dụng trong lãnh vực văn hóa để chỉ một xứ sở tưởng tượng ở Trung Âu, nổi danh với vở hí kịch “La grande- duchesse de Gérolstein” của Jacques Offenbach năm 1867. Tuy nhiên, đại công- quốc Gérolstein (Le Grand-Duché de Gérolstein) đã được đề cập trong tác phẩm “Les Mystères de Paris” (Những bí mật của Paris) của Eugène Sue. (1842-1843). Quốc vương của công- quốc nầy không ai khác hơn là Rodolphe, nhân vật bí mật, sống ẩn danh ở Paris, dấn thân vào sứ mệnh lập lại công bằng xã hội Paris thế kỷ XIX. Rudolphe tìm gặp những thợ thuyền nghèo khổ và những tội phạm với mong muốn giúp đỡ những người tốt và trừng phạt những kẻ xấu.
 

(2) Vua nước Congo.

Related posts