ĐCSTQ bị cáo buộc khai thác quá mức tài nguyên dẫn đến thảm họa

Vào ngày 7/1/2025, một trận động đất đã xảy ra ở Shigatse, Tây Tạng. (Ảnh: Epoch Times)

Gần đây, người Tây Tạng sống ở Nepal và Ấn Độ đã tổ chức nhiều hoạt động cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ngày 7/1 ở Shigatse, và tuyên bố rằng Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân của trận động đất gây tử vong này.

Ngày 7/1, trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra ở Shigatse, Tây Tạng, gây thương vong nặng nề. Theo truyền thông địa phương, trận động đất đã khiến ít nhất 126 người thiệt mạng, 337 người bị thương, hơn 3.600 ngôi nhà bị sập và 46.525 người phải di dời.

ĐCSTQ khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên dẫn đến thảm họa

Những ngày gần đây, người Tây Tạng sống ở nhiều nơi tại Nepal và Ấn Độ đã tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ở Shigatse. Trong số đó, các thành viên của Quốc hội Tây Tạng lưu vong ở thị trấn miền núi Dharamsala của Ấn Độ cho rằng Chính phủ ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những tác nhân nhân tạo dẫn đến trận động đất chết người này. Họ cáo buộc ĐCSTQ khai thác tài nguyên thiên nhiên không nghĩ đến hậu quả, bao gồm khai thác và xây dựng con đập lớn nhất thế giới trên cao nguyên Tây Tạng, gây ra động đất thường xuyên.

Theo một đoạn video do Reuters đăng tải, bà Dolma Tsering Teykhang, Phó chủ tịch Quốc hội Tây Tạng lưu vong, cho biết: “Khi khai thác môi trường sống tự nhiên mà không có các biện pháp bảo vệ môi trường được cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều thảm họa hơn, và những thảm họa này đều do con người gây ra. Đây là những chính sách sai lầm của Trung Quốc (ĐCSTQ).”

“Xây dựng những con đập lớn nhất ở khu vực như vậy là một mối nguy hiểm rất lớn và những trận động đất này là lời cảnh tỉnh đối với thế giới, đặc biệt là lời cảnh tỉnh cho các nước Nam Á, những nước sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập lớn nhất trên cao nguyên thế giới.”

Bà Lhagyari Namgyal Dolkar, một thành viên quốc hội lưu vong, tin rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra trận động đất lần này ở Shigatse là do việc khai thác mỏ. Bà nói: “Tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác quá mức dưới thời ĐCSTQ. Việc xây dựng các trạm thủy điện lớn trên sông Yarlung Zangbo (hay sông Brahmaputra) là mối quan tâm lớn gần đây được Chính phủ Ấn Độ nêu ra.”

Chủ tịch Chính phủ Tây Tạng lưu vong, ông Penpa Tsering cho biết: “Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng họ đã đóng góp rất lớn vào công cuộc giảm nghèo của người dân Tây Tạng và đã xây dựng nhiều nhà ở, nhưng chúng tôi nhận thấy điều đó vẫn chưa đủ. Phần lớn các ngôi nhà bị sập trong trận động đất đều được xây dựng từ vài chục năm trước. Chúng không phải là các công trình mới xây.”

Nhà cũ ở các làng mạc bị sập nhưng nhà mới ở khu vực thành thị không sao

Theo Đài quan sát địa chấn Trung Quốc, tâm chấn của trận động đất nằm ở huyện Định Nhật, thành phố Shigatse, gần biên giới Nepal, có tâm chấn 10 km. Độ cao trung bình so với mực nước biển trong phạm vi 5 km tính từ tâm chấn là khoảng 4.259 mét, thuộc dạng động đất vùng cao nguyên.

Mạng lưới Phát thanh Trung ương Trung Quốc (CRI) đưa tin, ông Trần Mỹ Quân (Chen Meijun), phó giáo sư và kỹ sư địa chất cao cấp tại Đại học Dân tộc Phương Bắc, cho biết sự khác biệt giữa động đất ở cao nguyên và động đất ở đồng bằng, chủ yếu phản ánh ở tác động của chúng đối với đời sống con người. Khu vực cao nguyên có dân số ít, mật độ xây dựng đô thị thấp, tầng thấp nên thiệt hại gây ra tương đối nhỏ; ở khu vực đồng bằng có nền móng tương đối mềm, cấu trúc địa chất lỏng lẻo sẽ khuếch đại hiệu ứng động đất, cộng thêm dân số và nhà cửa dày đặc thì thiệt hại sẽ tăng lên lớn hơn.

Khu vực cao nguyên dân số ít, thiệt hại do trận động đất gây ra tương đối nhỏ, nhưng lần này lại gây ra thương vong nghiêm trọng. Ông Tô Đức Thần (Su Dechen), nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất thuộc Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, phân tích nguyên nhân có thể là do những ngôi nhà ở địa phương có chất lượng kém, hư hỏng, kết cấu không hợp lý, dẫn đến sập nhà và gây thương vong. Ông nhắc nhở cần chú ý ngăn chặn các thảm họa thứ cấp do động đất gây ra như lở đất đá.

Trong trận động đất này, những ngôi nhà mới xây trong huyện không bị sập, nhưng những ngôi nhà có tường bằng bùn ở các làng mạc lại bị sập nghiêm trọng. Ông Tôn Sĩ Hoành (Sun Shihong), nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mạng lưới Địa chấn Trung Quốc, nói rằng những ngôi nhà địa phương ở Shigatse chủ yếu được làm bằng đất, đá và gỗ, có khả năng chống chịu động đất kém. Do người dân địa phương thường lợp mái dày nên khi nhà sập, mái và tường đá đổ xuống khiến họ khó thoát thân.

Một phụ nữ sống tại thành phố mới thuộc huyện Định Nhật, chia sẻ với BBC rằng cô không thấy ngôi nhà nào trong thành phố bị sập. Trong căn hộ tầng 3 của cô, có một số đồ vật bị rơi, nhưng tầng 1 thì không sao. Cô nói: “Những ngôi nhà ở vùng nông thôn bị sập hết, còn chúng tôi thì ổn. Nhà của chúng tôi mới xây, có lẽ kết cấu tốt hơn một chút!”

Đội cứu hộ đối mặt với thách thức khi nhiệt độ xuống thấp

BBC đưa tin, do Tây Tạng nằm trên cao nguyên nên chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất lớn, gây khó khăn đáng kể cho nỗ lực cứu hộ của địa phương. Khi trận động đất xảy ra, nhiệt độ ở huyện Định Nhật nằm ở tâm chấn, là -12,2°C. Trong vòng 3 ngày sau trận động đất, nhiệt độ tối thiểu tại địa phương dự kiến giảm xuống -18°C và nhiệt độ tối đa là từ 0°C – 7°C. Thời tiết khắc nghiệt như vậy khiến việc cứu hộ trở nên khó khăn hơn.

Trong vòng 24 giờ sau thảm họa, cư dân mạng từ nhiều nơi ở Trung Quốc đã chuyển tiếp danh sách vật tư cần thiết cho vùng thảm họa. Trong nhóm trao đổi thông tin của Trung tâm Dịch vụ Thông tin Thảm họa Trác Minh (Zhuoming) được thành lập sau trận động đất Vấn Xuyên, theo danh sách thiếu hụt vật chất do vùng Shigatse đưa ra, các vật liệu chống lạnh và ấm áp như chăn điện, lều và túi ngủ có nhu cầu lớn nhất và đơn vị số lượng thường là hàng trăm.

Một số người đứng đầu các tổ chức phúc lợi công cộng ở Lhasa cho biết, họ hiện đang tích cực gây quỹ để chuẩn bị cho việc tái thiết sau thảm họa.

Trong cuộc phỏng vấn của BBC, phóng viên nhận thấy tín hiệu mạng ở Tây Tạng không ổn định, WeChat, Douyin và các nền tảng liên lạc phổ biến khác ở các khu vực thành thị không thể sử dụng trơn tru và liên lạc phụ thuộc nhiều vào điện thoại di động.

Thái Tư Vân, Vision Times

Related posts