Có hay không một dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại bắt đầu từ thời kỳ sau 1975? Câu hỏi ấy đã được đặt ra với nhiều người và đã có sự nhìn ngắm khác nhau bắt nguồn từ vị trí quan sát của từng người nhận xét. Người ở trong nước mới đầu phủ nhận không có một dòng văn học như thế nhưng sau này thì thay vì phủ nhận lại thừa nhận rằng đã có một sinh hoạt văn chương ở nước ngoài và tìm thấy được những nét đặc thù của một cộng đồng người Việt tuy mới hiện diện trong xứ sở định cư nhưng đã có những sinh hoạt từ mọi mặt xã hội, kinh tế, giáo dục văn học, truyền thông đi vào ổn định và phát triển.
Nhưng, cái nhìn vẫn một chiều coi văn học Việt Nam ở hải ngoại chỉ là phụ lưu của dòng văn học trong nước và sẽ có ngày “hợp lưu” thành một. Thí dụ như Nguyễn Huệ Chi đã phát biểu về văn học ỏ hải ngoại: “Chúng lặng lẽ và tiềm tàng, từ tốn hay mạnh mẽ, chảy xuyên qua rất nhiều xứ sở tích lũy trong đó tiếng gào réo của thác của ghềnh cũng như cả những tiềm năng thanh lọc rất dữ. Ðể rồi đến một lúc, giống như một chàng trai “bước vào tuổi mười tám” từ lúc nào không hay, những dòng chảy kia bỗng chốc dội vào nhau, va động, làm cho nhau nổi sóng rồi vừa phân hóa vừa nhóm tụ lại chúng dồn thành một “hợp lưu” báo hiệu một bắt đầu tỉnh thức từ nơi sâu lín của lương tri và một nhu cầu khách quan ngày càng rõ nét trở về với cội gốc bằng con đường “hòa hợp dân tộc” phá vỡ mọi biên cương định kiến, hướng tầm nhìn về tương lai, đặt tiền đồ dân tộc lên trên hận thù…”
Nghe thì rất bùi tai. Nhưng sao nghe giống lý luận của những tên cò mồi văn hóa mang văn chương phục vụ cho mục tiêu chính trị. Ngày nào còn chế độ Cộng sản hiện hữu, thì ngày đó những câu chữ như “trở về với cội gốc, bằng con đường hòa hợp dân tộc, phá vỡ mọi biên cương định kiến, hướng tầm nhìn về tương lai, đặt tiền đồ dân tộc lên trên hận thù” chỉ là những khẩu hiệu xuông mà những tên đón gió trở cờ ở hải ngoại nương theo để mưu cầu cho mục đích riêng tư…
Riêng ở mặt văn học của hải ngoại thì một yếu tính nổi bật là sự đối kháng chính trị với chế độ hiện hữu của một nền văn học lưu vong. Nhưng sau này thành phần dân cư sinh sống ở hải ngoại không đồng nhất và thay đổi tùy theo từng thời kỳ khác nhau nên nguồn gốc nhiều phức tạp. Có người Việt di tản năm 1975, có người trong đợt thuyền nhân, có người định cư theo diện HO, có người định cư để đoàn tụ gia đình, có người thuộc thành phần du sinh hoặc đi từ miền bắc sau ngày chế độ Cộng Sản ở Ðông Âu bị sụp đổ. Do đó, chỗ đứng chính trị nhiều khi cũng khác biệt nhau và nhiều khi đối kháng nhau. Và văn học cũng vì thế mà trở thành đa dạng và nảy ra nhiều vấn đề để đối thoại và bàn cãi…
Một nhà văn, dịch giả đã viết từ trước năm 1975 và được kể là một trong những khuôn mặt văn chương của hai mươi năm văn học miềnNam là Huỳnh Phan Anh cũng đã có nhiều nhận xét về văn học Việt Nam ở hải ngoại khi ông đến định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2002. Những nhận xét ấy được phổ biến rộng rãi qua hình thức phỏng vấn trên báo chí và cơ quan truyền thông của “nhà nước” như báo Tuổi Trẻ. Thanh niên, E van, Việt Báo WordPress,…
Trong cuốn hồi ký của Dương Văn Ba, một dân biểu phản chiến thời Việt Nam Cộng Hòa, “Những Ngã Rẽ”, nhưng là một tên Cộng sản nằm vùng, sau năm 1975 làm báo Tin Sáng với nhóm Ngô Công Ðức, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung… để thành một văn nô cho chế độ nhưng sau cùng thì vì làm ăn buôn bán bất chính nên bị Cộng sản kết án tù chung thân, có nhắc đến Huỳnh Phan Anh khi kể lại chuỵên y ký tên Dương Trần Thảo cùng với Huỳnh Phan Anh viết thư ngỏ đăng trên tuần báo Mã Thượng(?) đối thoại(sic) với nhóm Sáng Tạo về chủ trương khai tử văn nghệ tiền chiến và đòi hỏi làm lại một nền văn hóa văn nghệ mới. Không hiểu lá thư ngỏ này có được trả lời hay không? Trong thư ngỏ này cũng có những câu rất ư là hùng hồn nhưng hình như báo trước những biến cố cá nhân trong tương lai:
“Một nhà văn Mỹ, Kerouac đã nói: “Tôi sẽ phải chọn lựa giữa văn nghệ và nghề lái xe chạy trên các con đường trong nước Mỹ. Tôi nghĩ rằng tôi nên chọn nghề lái xe vì ở đó tôi sẽ không phải phát biểu gì cả mà tất cả đều có thực.”
Chúng tôi tìm thấy trong lời nói ấy một thái độ nghệ thuật lớn lao dũng cảm mà mọi chủ trương nghệ thuật kết bằng những danh từ, những lý thuyết suông không thể so sánh được.
Vì cuộc đời vẫn tiếp diễn, bất khả xâm phạm trong khi những tác phẩm nghệ thuật vẫn tiếp tục ra đời và tạo nhiều giông bão trong những câu chuyện vô trách nhiệm quanh những tách cà phê…”
Dương Văn Ba ở trong nước nên chọn nghề làm báo và “buôn bán thời cuộc” nên bị chính chế độ mà y phục vụ nhốt tù chung thân. Còn Huỳnh Phan Anh thì định cư ở Mỹ nhưng lại “nói nhiều và phát biểu lắm” về cái sự thực mà ông ta tưởng là sự thực…
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trong Sổ Tay Tháng Tư, 2000 của tạp chí Văn có viết về Huỳnh Phan Anh:
“Huỳnh Phan Anh năm đó cho xuất bản cuốn tiểu luận “Văn Chương và Kinh Nghiệm Hư Vô”. Một tác phẩm của một ngòi bút mới mẻ khiến những cây bút thời danh lúc đó ngẩn ngơ. Ai vậy? Tên này ở đâu ra thế? Bọn chúng nó có những ai? Một bài viết ngắn trong cuốn sách bày tỏ cách nhìn tiểu thuyết của nhóm: Ði Tìm Tiểu Thuyết Mới ở Việt Nam.”
Nhóm Tân Tiểu Thuyêt gồm Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật, Ðặng Phùng Quân, Nguyễn Ðình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ và Nguyễn Xuân Hoàng. Huỳnh Phan Anh trong một bài viết có nói về Tiểu Thuyết Mới:
“Mỗi thời đại có tiếng nói riêng của nó. Tiểu thuyết mới trước hết là nỗ lưc làm mới ngôn ngữ. Mỗi nhà văn thực hiện một cách thế sử dụng ngôn ngữ… Xa hơn ngôn ngữ, tiểu thuyết mới đánh dấu sự trưởng thành của kỹ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chỉ là câu chuyện kể một cách dung dị thơ ngây. Ðó là sự tìm kiếm một lối kể, một cách viết, một kỹ thuật. Ðây là vấn đề nội dung và hình thức. Có người cho rằng trong hình thức có nội dung và ngược lại. Kafka nói: “Văn chương chỉ là kỹ thuật”.
Albéres đã đi đến một định nghĩa về tiểu thuyết hiện đại: một sáng tạo văn chương dùng một câu chuyện kể để diễn đạt cái khác (une création litteraire qui se sert d’un recit pour exprimer autre chose). Cái khác ở đây có thể là một kinh nghiệm đời sống. Nó cũng có thể là một vũ trụ quan đượm chất siêu hình hay đạo đức. Nó cũng có thể không là cái gì khác trừ những thì thầm của ngôn ngữ, ngôn ngữ như một định mệnh đang thành hình, ngôn ngữ như một tìm kiếm vô vọng, ngôn ngữ như một hiện hữu chống lại tác giả… Cái khác có thể là cái ngôn ngữ đang đi tìm. Viết một cuốn tiểu thuyết không có ý nghĩa như một sự hoàn thành: nó chỉ mới là một sự bắt đầu…”
Theo Huỳnh Phan Anh thì trong thời gian đó Thanh Tâm Tuyền với cuốn Bếp Lửa và Nguyễn Ðình Toàn với cuốn Con Ðường là những nhà văn của tiểu thuyết mới Việt Nam.
Như vậy, trong dòng chẩy 20 năm văn học Việt Nam, Huỳnh Phan Anh có những gắn bó khá mật thiết. Ngoài công việc phê bình văn học ông còn là một dịch giả với các tác phẩm như dịch Một Mùa Ðịa Ngục thơ Arthur Rimbaud, Tuyển Thơ Tình Yêu thơ Paul Eluard, Thơ Yves Bonnefoy, Chuông Gọi Hồn Ai tiểu thuyết Erbest Hemingway, Tình Yêu bên Vực Thẳm tiểu thuyết Erich Maria Remarque, Lạc Lối Về tiểu thuyết Heinrich Boll, Sa Mạc tiểu thuyết J.M.G. Le Clézio, Tình Yêu và Tuổi Trẻ tiểu thuyết Valery Larbaud,…
Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, nhà văn Huỳnh Phan Anh đã trả lời câu phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ “Sau nhiều năm hoạt động trong lãnh vực văn học ở Việt Nam cả trước và sau năm 1975, bây giờ ông có một vị thế rất thuận lợi để nhìn nhận cả hai nền văn học Mỹ và Việt Nam dưới góc độ của một nhà văn sinh sống tại Mỹ…”:
“Trước hết tôi xin khẳng định một điều là cho dù tôi có sống tại Mỹ một vài năm hay trong suốt phần đời còn lại của cuộc đời thì tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong. Tôi là một nhà văn VN sinh sống tại Mỹ do hoàn cảnh riêng của gia đình. Tôi biết rằng có một vài người tại Mỹ tự bỏ tiền ra in tác phẩm của mình rồi tự xưng là nhà văn lưu vong… Nhưng tôi đã và vẫn sẽ là một người Việt Nam.”
Theo tôi biết thì hoàn cảnh riêng của ông Huỳnh Phan Anh là đoàn tụ gia đình với người con gái đã vượt biển những năm trước. Và, hình như người vợ của ông và hai người con lớn đã bị tai nạn trong chuyến vượt biển xảy ra trước khi cô con gái út này vượt biển thành công. Dù thế, ông khẳng định mình không phải là một nhà văn lưu vong. Theo tôi hiểu thì nhà văn lưu vong có ý thức đối kháng với chế độ hiện hữu và không thể sống ở quê hương xứ sở của mình vì bị phân biệt đối xử, hành hạ hoặc giam cầm. Ông Huỳnh Phan Anh không ở trong trường hợp ấy nên ông khẳng định là phải. Ở trong nước, ông không bị khó khăn, được gia nhập Hội Nhà Văn và có sách dịch được bầy bán đầy ở những tiệm sách. Có lần ông đã khoe với một người bạn nhà văn cùng thời với ông ở Sài Gòn khi gặp ở Paris là bây giờ tác phẩm của ông được trưng bầy rất nhiều ở các tiệm sách lớn ở Hà Nội và Sài Gòn. Ông khác nhiều với những nhà văn miền Nam bị “gác bút” như Nguyễn Thụy Long, Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên, hay bị tù đầy như Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường, Uyên Thao,…
Nhưng tôi thấy hơi khác lạ khi đọc lời ông phê phán rằng “có một vài người tại Mỹ tự bỏ tiền ra in tác phẩm của mình rồi tự xưng là một nhà văn lưu vong”.
Quả thực, phần đông những người cầm bút ở hải ngoại tự bỏ tiền ra in tác phẩm của mình. Bởi vì, ở đây đâu có chế độ “bao cấp” để in sách, dùng tiền máu tủy của dân để tuyên truyền cho mục tiêu của chế độ thống trị như ở Việt Nam. Mình không in cho mình thì ai in cho, và điều đó theo ý nghĩ của cá nhân tôi là một đặc thù của văn học Việt Nam ở hải ngoại, một nền văn học đặt căn bản trên các nỗ lực cá nhân. Nhà văn họ đã tự mình “gánh vác thánh giá” một cách tự nguyện. Vì đam mê chữ nghĩa, vì yêu thương quê hương đất nước họ cầm bút. Còn chuyện nếu có người tự xưng là nhà văn lưu vong thì “tự xưng” hay “được xưng” cũng tùy giá trị của tác phẩm. Hơn nữa cái danh vị “nhà văn lưu vong” cũng chẳng có thế giá gì trong cuộc sống hiện nay.
Câu hỏi khác: “Cách đây chưa lâu có một nhà văn hải ngoại đã tự nhận là văn học hải ngoại đang tự ăn thịt mình, ông lý giải điều này như thế nào?” Và ông Huỳnh Phan Anh đã trả lời;
“Tôi hiểu nhà văn nọ muốn ngụ ý đến cái không gian khá chật hẹp của văn học hải ngoại. Ðặc điểm lớn nhất của những cây bút hải ngoại, cụ thể ở Mỹ là họ sống ở ngoại quốc nhưng lại viết về tâm trạng Việt Nam. Nhưng họ có hít thở bầu không khí Việt Nam đâu mà viết!
Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Paternal nói rằng “một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình”. Chính vì thế mà khi phải lựa chọn giữa giải Nobel và việc phải sống lưu vong thì ông đã chọn sống chết với nước Nga. Nếu không nặng lòng với đất nước quê hương thì không thể nào hiểu đươc tâm trạng của những người cùng dòng máu.”
Nhà văn hải ngoại mà câu hỏi đề cập đến là một khuôn mặt Việt Nam đã nổi tiếng ở Pháp với những tác phẩm được phổ biến rộng rãi: Linda Lê. Nhà phê bình Leakthina L.Ollier đã viết về nhà văn nữ này như sau:
“Nhắc lại châm ngôn của nhà văn Ba Lan Stanislaw Jersey Lec, khi phỏng vấn Linda Lê, Ook Chung đã hỏi “kẻ ăn thịt đồng loại có thể phát biểu nhân danh nạn nhân được không?” và cô đã trả lời: “Tôi không nói nhân danh nạn nhân mà tôi nói kẻ ăn thịt đồng loại là người tiêu thụ cái gì im lặng và văn chương vừa là máy nghiền những gì câm nín vừa là ống nhổ của những gì đã được tiêu hóa”. Những phát biểu như thế thường mang lại cho cô những lời phê bình, một bóng tối hứa hẹn trong văn phong của cô, những lời nhiệt tình của một ngòi bút khốc liệt, lối văn phẫn nộ lựa lọc tất cả những chất béo thừa mứa…”
Tôi thấy câu hỏi của báo Thanh Niên thật lạ lùng. Từ câu hỏi “kẻ ăn thịt đồng loại có thể phát biểu nhân danh nạn nhân được không?” và câu trả lời của Linda Le: “Tôi không nói nhân danh nạn nhân mà tôi nói kẻ ăn thịt đồng loại là người tiêu thụ cái gì im lặng và văn chương vừa là máy nghiền những gì câm nín vừa là ống nhổ của những gì được tiêu hóa” để suy diễn thành “nhà văn hải ngoại đã tự nhận là văn học hải ngoại đang tự ăn thịt mình” thì quả là khó hiểu. Và câu trả lời của ông Huỳnh Phan Anh cũng khó hiểu không kém: “Tôi hiểu nhà văn nọ muốn ngụ ý đến cái không gian khá chật hẹp của văn học hải ngoại”.
Không hiểu người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn có đọc kỹ đoạn văn của nhà phê bình Leakthina Ollier không hay cố tình bẻ quẹo ý tưởng của người khác cho mục tiêu của mình? Hay có phải tôi võ đoán vì chưa đoán biết được đến cái liên tưởng “cao xa” từ văn bản này qua ý tưởng nọ?!!!
Huỳnh Phan Anh phát biểu: “Ðặc điểm lớn nhất của những cây bút hải ngoại, cụ thể ở Mỹ là họ sống ở ngoại quốc nhưng lại viết về tâm trạng Việt Nam. Nhưng họ có hít thở bầu không khí Việt Nam đâu mà viết! Tôi vẫn nhớ lời nhà văn Boris Paternak nói rằng “một nhà văn không thể xa rời tổ quốc mình””.
Tôi lập tức liên tưởng tới những tác giả lưu vong nổi tiếng trên thế giới với những tác phẩm lớn để đời như Milan Kundura, như Joseph Brodsky, như Aleksandr Solxhenitsyn… Họ rời khỏi quê hương sống lưu vong nhưng vẫn sáng tác. Bởi vì, như có người diễn tả, họ đã lưu vong ở ngay chính trên quê hương mình.
Trong bài trả lời của Wayne Karlin với Trần văn Thủy được in trong “Nếu Ði Hết Biển” đã nhắc đến Nguyễn Duy với lập luận bỉ thử những người cầm bút ở hải ngoại. Nguyện văn câu trả lời như sau:
“Ðây là lý do trong văn chương Mỹ cái “quilt” (cái chăn) đuợc dùng làm biểu tượng cho một cộng đồng, một đất nước. “Quilt” được làm từ những mảnh vải cũ đan lại với nhau trong một thiết kế mới và đẹp, mà cũng hữu ích. Anh biết không tôi có đọc một bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Duy trong đó anh ấy cho rằng người Việt hải ngoại không thể đóng góp vào nền văn học Việt Nam được ví họ đang mất dần sự thuần chất của ngôn ngữ, mất cái tiếng đang được nói và viết ở Việt Nam. Ðây cũng là lý lẽ mà tôi được từng nghe một nhà văn Puerto Rico phát biểu về những người Puerto Rico đang sống trên đất liền Mỹ- tiếng Tây Ban Nha của họ đang bị “hư hỏng”. Nhưng đây là một cách nhìn lịch sử của Puerto Rico và Việt Nam như một cái gì bị đóng khung. Ta không thể lờ đi là hiện có hàng triệu người Việt đang sống ở hải ngoại và vận động đó, cùng với văn học, nghệ thuật, phim ảnh của họ hiện là một phần không thể tách rời khỏi lịch sử Việt Nam”.
Câu nói “người Việt ở hải ngoại không thể đóng góp vào văn học Việt Nam được vì họ đang mất dần sự thuần chất của ngôn ngữ mất cái tiếng đang được nói và viết ở Việt Nam.” có lẽ cũng “đồng ca” với nhà văn Huỳnh Phan Anh. Thành ra trong thi ca của mình, Nguyễn Duy đã dùng nhiều từ ngữ dân gian như “vô tư” như “hơi bị…” như một mốt viết thời thượng. Dù về sau Nguyễn Duy có nói đi nói lại để cải chính nhưng lý luận như trên là một nhận định quen thuộc của những người trong nước nhìn văn học ở hải ngoại. Mà nhận định này, có sự chỉ đạo của những người lãnh đạo văn nghệ ở trong nước.
Nhà văn Huỳnh Phan Anh phê phán văn học VN hải ngoại có “những tác phẩm văn chương mà cứ đâm sầm vào chính trị với những thiên kiến thì khó có thể có chỗ đứng trong độc giả.” Thế nào là “đâm sầm” vào chính trị? Viết về thuyền nhân của những người cầm bút đã mất vợ con trên biển cả có phải là đâm sầm vào chính trị một cách thiên kiến không? Nếu không có những tác phẩm về tù ngục Cộng sản thì thế hệ sau làm sao hiểu được những truân chuyên của cả một thế hệ trong một thời đại đầy biến cố? Hỏi như vậy, để thấy rằng chỗ đứng của những tác phẩm như vậy đã hình thành trong lòng độc giả vì sự chia sẻ của những người chung cảnh ngộ. Những tác phẩm như Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy về chiến tranh hay Ðại Học Máu của Hà Thúc Sinh về ngục tù Cộng sản đã có chỗ đứng hiển nhiên trong văn học. Dù họ sống xa quê hương nhưng không có nghĩa là họ không nặng lòng với quê hương đất nước và không hiểu được tâm trạng của những người chung dòng máu… Luận điệu của Huỳnh Phan Anh có phần nào tương tự như sự phê phán những người cầm bút hải ngoại quá khích nuôi dưỡng hận thù và tích cực chống phá cách mạng và những đề tài liên quan đến chính trị chỉ có giá trị nhất thời. Theo cảm quan của tôi, đề tài nào cũng có giá trị nếu gặp những người biết viết và biết khai triển….
Nhà văn Huỳnh Phan Anh học triết và tốt nghiệp cử nhân giáo khoa ở Ðà Lạt rồi về Sài Gòn dạy học. Ông tự nhận là một nhà giáo đi lạc vào văn học. Ông đã quan sát đời sống văn học ở nước Mỹ và nhận xét: “…triết học ở nước Mỹ khá nghèo nàn., hay nói cho đúng hơn là nước Mỹ thiếu một căn bản triết học. Bởi vậy sách triết ở Mỹ không phong phú cho lắm, Chỉ cần một tác giả nào đó, người Mỹ hay nước ngoài cũng vậy, tương đối độc đáo một chút là có thể dễ dàng nổi tiếng”.
Những nhận định như triết học nước Mỹ khá nghèo nàn, thiếu căn bản và sách triết không phong phu, không hiểu phát xuất từ đâu? Không hiểu nhà văn giáo sư tốt nghiệp cử nhân triết học của đại học Việt Nam (nếu ghi danh đi học lại ỏ đại học Hoa kỳ thì được kể tương đương với bao nhiệu tín chỉ?), Huỳnh Phan Anh, có ghé vào thăm những Department of Philosophy và thư viện của các trường đại học ở Mỹ mà số lượng lên tới hàng ngàn trường chưa? Có thấy những chương trình học đa dạng, những môn học phong phú, những biển cả kiến thức mênh mông, có lẽ cả một đời người tìm hiểu cũng chưa xong như Analytic Philosophy, Continental Philosophy, Moral Philosophy, Metaphysics,…Và sách về triết thì có lẽ là cả một khu rừng giàu có cả về phẩm lẫn lượng, riêng những sách là luận án của các sinh viên cao học, tiến sĩ hay của các giáo sư dạy triết học lâu năm cũng đã mở ra thật nhiều công trình suy tư và sáng tạo của các triết gia Và hàng chục, hàng trăm những tạp chí chuyên, ngành Triết học là môi trường để các triết gia sáng tạo và viết. Như thế làm sao nói là thiếu căn bản, không phong phú, nghèo nàn?
Nhà văn Huỳnh Phan Anh khẳng định “Không bao giờ là một nhà văn lưu vong. Tôi là một nhà văn Việt Nam sinh sống tại Mỹ do hoàn cảnh riêng của gia đình.” Và ông còn phụ chú: “Tôi nghĩ rằng sống còn chưa ra con người mà muốn trở thành nhà văn thì hơi khó. Anh phải là người có giá trị thì những gì anh viết ra người ta mới tin được. Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Ðiều đó cũng có ích cho xã hội”.
Ông là hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam nhưng ông có nghĩ rằng tất cả những người trong hội này xứng đáng là con người không? Chưa chắc họ thành người nhưng đã là nhà văn rồi! Tôi hỏi như thế bởi vì cái ông Chủ tịch hội nhà văn ở trong nước suốt mười lăm năm liền Hữu Thỉnh có xứng đáng làm người không? Ðủ thứ tật xấu lại cong lưng làm văn nộ, bon chen giành ghế, đạo văn người thành thơ mình, tụ tập bè đảng văn nghệ để chia phần, tự mình làm giám khảo chấm mình đoạt giải văn học, như một người viết văn cùng thời là Võ văn Trực đã phác họa. Thế mà là người có địa vị cao nhất của Hội Nhà Văn đấy.
Ông Huỳnh Phan Anh nói: “Tôi im hơi lặng tiếng lo những việc của mình. Sống ở Mỹ nhưng tôi không là công cụ của ai cũng không thỏa hiệp với ai. Tôi thỏa hiệp với mình còn chưa xong nữa là!” Nhưng tôi thấy qua những bài phỏng vấn được đăng liên tiếp trên báo chí và truyền thông ở trong nước, ông đã chẳng im hơi mà cũng không lặng tiếng. Trái lại, ông còn làm người phê phán đề cập đến văn học Việt Nam hải ngoại đầy thiên kiến và có vẻ như là một tiếng nói phải đạo của những người được ân sủng trong nước.
Ðề cập đến sự “im hơi lặng tiếng” tôi chợt nghi đến nhà thơ Diễm Châu. Trước năm 1975, ông là Tổng thư ký của tạp chí Trình Bày và là một nhà trí thức phản chiến khuynh tả của miền Nam. Sau năm 1975 ông là Thư ký tòa soạn báo Ðối Diện trong thời kỳ từ tháng 8 năm 1975 đến năm 1978 với bút hiệu Võ Hồng Ngự. Tờ báo Ðối Diện này chỉ có tính trang trí cho chế độ trong một buổi giao thời và sau đó bị chế độ Cộng sản hiện tai vứt bỏ vì đã hết tác dụng làm công cụ.
Tháng 7 năm 1983, khi Diễm Châu rời khỏi Việt Nam cùng gia đình để đi định cư ở Pháp, ông đã viết một bài thơ của một người vừa vỡ òa những “viễn mơ” bắt đầu một cuộc lưu lạc thật sự dù trước đây đã lưu vong tuy đang sống ở quê hương đất nước mình:
“chỉ một vài ngày nữa anh sẽ lên máy bay
chiếc máy bay thân thẳng và trắng muốt
sẽ cất cánh đưa anh tới hạnh phúc
Paris trong tầm tay!
Anh sẽ bay mải miết anh sẽ bay
Xa lánh những nhỏ nhen hận thù phân biệt
Những đố kỵ ghét ghen những tủi hờn sợ sệt
Paris trong tầm tay!
Anh sẽ nhìn xuống từ trên máy bay
Sài Gòn trong cơn mưa dầu nắng lửa
Những mái nhà chật chội những cõi lòng tan vữa
Paris trong tầm tay!
Anh sẽ nhắm mắt để tận hưởng một chút say
Cái ghế êm thoải mái cái cảm giác thoát chết
Chiếc nón cối xa dần ảo tưởng cuối cùng đã hết
Paris trong tầm tay!
Rồi anh sẽ chệch choạng bước thêm vài bước
Ðể nôn tháo ra những ý nghĩ chua cay
Và khi trở lại ghế ngồi anh sẽ khóc
Paris trong tầm tay!”.
Tâm sự của người vừa rời bỏ quê hương lẫn lộn giữa buồn và vui. Vui vì sự thoát khỏi một đất nước của “những mái nhà chật chội những cõi lòng tan vữa” và sẽ “xa lánh những nhỏ nhen hận thù phân biệt. Những đố kỵ ghét ghen những tủi hờn sợ sệt.” Buồn, vì những ý nghĩ chua cay của những cơn “viễn mơ” vừa tỉnh giấc. Diễm Châu hình như đã hiểu được mặt trái của một cuộc chiến, có phải?
Thế là, suốt thời gian dài sinh sống ở Strasbourg về sau này, ông dồn cả thời giờ và tâm lực vào thi ca và văn chương. Ông tình nguyện làm người tạo dựng những cây cầu nối liền những đại lục thi ca. Ít có ai có một công trình to lớn như ông: dịch hàng ngàn bài thơ ngoại ngữ của hàng trăm thi sĩ ra thơ Việt ngữ và in hơn một trăm tuyển tập thơ như vậy. Công việc ấy ông làm trong âm thầm và dù chỉ phổ biến trong vòng hạn hẹp nhưng có rất nhiều ảnh hưởng.
Những chân trời văn học được mở ra những con đường, những cánh cửa. Dịch thơ, một công việc hết sức nguy hiểm, nếu không đủ nội lực để thông hiểu và diễn đạt sẽ dễ dàng trở thành một hiện tượng: dịch là phản mà từ xưa tới nay những người thức giả thường lưu ý. Diễm Châu dịch thơ trong cái nâng niu nghệ thuật và cái tâm để hiểu và cảm thông với thi sĩ qua nguyên tác. Trong một bài thơ, ông đã phát biểu về công việc của mình:
“mỗi cái cây là một bản dịch
vẻ đẹp của trái đất
bản dịch ấy mỗi mùa lại nhuốm một vẻ đẹp khác
nơi cùng một cái cây
ước gì mỗi bài thơ của tôi
được như một cái cây của trái đất.
Mỗi bài thơ là một bản dịch
Vẻ đẹp của con người
Bản dịch ấy mỗi ngày lại mang thêm một màu sắc
Nơi cùng một bài thơ
Ước gì mỗi giờ còn lại của đời tôi
Ðược như một bài thơ của người.”
Không hiểu người đọc nghĩ sao, chứ tôi thấy chính Diễm Châu mới là người “im hơi lặng tiếng” để trở về với thi ca, với tấm lòng thực sự yêu văn chương nghệ thuật của mình…
Nguyễn Mạnh Trinh