Tôi lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở dưới chân núi Appalachian, tên là Anniston, thuộc tiểu bang Alabama. Phần lớn dân chúng làm việc tại nhà máy bông sợi, hoặc tại căn cứ quân sự McClellan, hoặc trong nhà máy hóa chất Monsanto. Cả thị trấn không có gì đáng kể, ngoại trừ mùi hôi như trứng thối quanh năm suốt tháng.
Đây là một vùng nghèo nàn, nơi các cô gái kết hôn ở tuổi 14. Họ thường mang thai vào tuổi 15. Mẹ tôi có năm đứa con khi bà chưa được 22 tuổi, và sáu trong số tám người chồng của bà đều làm việc tại đồn McClellan.
Chúng tôi lớn lên trong một ngôi nhà chính phủ xây cho người nghèo khó. Ở trường, chúng tôi phải ăn cuối cùng trong lớp vì chúng tôi thuộc diện ăn miễn phí do nhà nước tài trợ. Khi mới tám tuổi, tôi đã đi dọn dẹp nhà cửa và trông trẻ cho người khác. Nhưng bạn biết đấy, tôi không bận tâm. Tôi cảm thấy an toàn hơn so với những lúc ở nhà với mẹ và tất cả những người đàn ông kỳ lạ đến rồi đi.
Khi tôi lên 12 tuổi, tôi đã có được công việc mơ ước của mình – làm tại rạp chiếu phim. Tôi có cơ hội để xem mọi người ở thế giới bên ngoài cư xử và ăn mặc như thế nào.
Một ngày nọ, người phụ nữ cao nhất mà tôi từng thấy bước vào. Cô ấy đội một chiếc mũ lớn màu hồng, mặc một chiếc váy màu hồng, và mang một chiếc ví màu hồng. Cô đeo găng tay trắng. Cô bước đến quầy mua hàng và nói: “Cho cô một bao bắp rang lớn, một ly RC Cola lớn, và một chiếc bánh chocolate lớn với hạt hạnh nhân.” Tôi nghĩ, cô phải giàu có bởi vì tôi chưa thấy ai mua cái gì cũng loại lớn như cô.
“Cháu tên
gì?” Cô nhìn tôi.
“Trisha Mitchell.”
“Cháu bao nhiêu tuổi?”
Tôi nghĩ, tại sao cô ấy hỏi tôi tất cả những câu hỏi này, nhưng tôi vẫn trả
lời, “Mười hai ạ.”
“Cháu cao bao nhiêu, cưng?”
“Cháu không biết, thưa cô.”
“Thật thế? Này, cháu lại đứng sát cái máy RC Cola đó. Để cô đo xem sao.”
Cô rút ra một thước đo màu hồng. Cô bảo tôi rất cao so với lứa tuổi. Và cô trao cho tôi một tấm danh thiếp, vâng, tất nhiên, màu hồng. “Cô là Olma Macy Harwell. Cô đang điều hành trường kiểu mẫu tên là Miss Macy’s Charm School. Cháu nhớ bảo mẹ gọi lại cho cô.”
Sau giờ làm việc, tôi cầm lấy chiếc thẻ màu hồng đó, và hí hững chạy về nhà. Mẹ đang ngồi ở bàn bếp, sơn móng tay màu đỏ và uống một ly rượu gin. “Mẹ, mẹ xem này. Cô Macy muốn con theo học trường của cô ấy.” Mẹ tôi thoáng nhìn tấm danh thiếp và bảo, “Đúng là đồ đĩ, không có gì tốt đâu con ạ.”
Bấy giờ tôi thực sự bối rối, nhưng tôi biết mình phải làm một điều gì đó. Vì vậy, khi mẹ không nhìn, tôi vội nhặt tấm thẻ và tôi đi qua nhà hàng xóm để gọi cho cô Macy. Cô an ủi và bảo tôi đừng lo, cô sẽ dàn xếp mọi việc.
Thật ra, cô Macy có biết một chút về gia cảnh của tôi. Chồng cô là thẩm phán thị trấn. Ông ấy đã từng bỏ tù vài người trong gia đình chồng kế của mẹ tôi. Cô Macy đồng ý dạy miễn phí. Và để khích lệ mẹ, cô bảo ngày sau tôi sẽ xuất hiện trên báo chí và nổi tiếng. Mẹ tôi nghe sướng lỗ tai nên bà cho tôi theo học.
Cô Macy khuyến khích tôi tham gia mọi cuộc thi sắc đẹp ở tiểu bang Alabama. Cũng may mắn, tôi đã thắng được vài giải. Trong số đó là giải Hoa hậu Bông sợi và Hoa hậu Thang máy. Thật đấy, cái giải vô tiền khoán hậu này nhằm quảng cáo chiếc cầu thang máy đầu tiên được gắn ở quê tôi!
Một ngày nọ, cô Macy vẫy tờ tạp chí Glamour trước mặt. Cô bảo: “Chúng ta sẽ tham gia cuộc thi người mẫu tại Waldorf Astoria ở thành phố New York!” Tôi nghe mà không biết nên bắt đầu khóc hay phấn khởi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ đến New York. Chuyến đi rất tốn kém, và vì nó vẫn còn một năm nữa, nên tôi đi làm đến những ba công việc cùng một lúc để có thể tích góp tiền bạc.
Một ngày nọ, lúc tôi đang đi trên đường, một bà già nhỏ bé tiến đến gần tôi, và bà nói: “Cháu yêu, bà mới nhận được tiền an sinh, nhưng bà sẽ cho cháu 5 đô là để cháu đi ra bắc.” Tôi hỏi: “Thưa bà, làm sao bà biết cháu đang cần tiền?” Bà trả lời: “Ồ, cô Macy đã lên đài phát thanh sáng nay và nói với công chúng rằng chúng ta cần phải giúp cho cháu ra đi.”
Và thị trấn đã giúp đỡ. Tiệm JCPenney cho tôi một chiếc váy ngắn với một chiếc áo khoác phù hợp. Tiêm giày cho tôi một đôi ủng da màu trắng. Cửa hàng trang sức cho tôi một chiếc đồng hồ báo thức. Và tiệm thẩm mỹ đã làm tóc cho tôi.
Một vài ngày trước khi đi đến New York, tôi nhận được một phong bì rất đẹp. Bên trong là 2000 đô la kèm theo một ghi chú nhỏ: “Mong chuyến đi của em thành công.” Đến giờ, tôi vẫn không biết ai đã gửi nó.
Vào tháng 5 năm 1971, tôi mới 18 tuổi. Cô Macy và tôi lên tàu đi New York. Trong túi hành lý có một chai rượu Drambuie và một túi giấy màu nâu chứa đầy gà rán, một món ăn ruột của người miền nam. Ba mươi giờ sau, chúng tôi bước vào khách sạn Waldorf Astoria.
Khi cuộc thi bắt đầu, tôi đã biết ngay là tôi không phải là đối thủ của các cô người mẫu tại New York. Nhưng cô Macy, cô ấy không bao giờ ngừng khuyến khích tôi. Giám khảo của cuộc thi do hai tài năng tầm tài là Wilhelmina và Ford dẫn đầu. Tôi đã không thắng bất cứ một tiết mục nào. Cô Macy bảo đó là mất mát của ban tổ chức.
Hôm ấy là chiều Chủ Nhật. Chúng tôi sẽ trở lại Alabama vào ngày hôm sau. Cô Macy vội vã đi về phòng khác sạn, uống gần hết chai Drambuie. “Cô nhất định không để cháu về quê tay trắng. Nơi ấy không có đất cho cháu lập nghiệp.” Nói rồi, cô cầm điện thoại lên và gọi cho tờ báo nổi tiếng nhất của Alabama ở Birmingham. Cô tuyên bố với họ rằng tôi vừa mới ký hợp đồng với hãng người mẫu nổi tiếng nhất thế giới.
Khi cô gác máy, tôi không thể tin được. “Cô Macy, cô biết điều đó không đúng.” Bây giờ, khi nhìn lại, tôi hiểu rằng cô muốn đặt tôi vào tình trạng tiến chứ không lùi. Và dầu tôi cãi vả thế nào, cô vẫn nhất định tôi sẽ ở lại New York và sẽ làm một người mẫu. Còn sợ hơn nữa là khi chúng tôi đang đi đến một nhà hàng. Ngang qua phòng điện thoại, cô ghé vào và gọi cho Thống đốc George Wallace. “George? Đây là Olma Macy Harwell, gọi từ khách sạn Waldorf Astoria ở New York. Cô gái Alabama của chúng ta vừa ký hợp đồng với đại lý người mẫu nổi tiếng nhất thế giới. Đúng vậy, Thống đốc. Chúng tôi đang đưa Alabama lên bản đồ thế giới.”
Vâng, lúc ấy tôi chỉ muốn chui xuống khỏi mặt đất. Như đoán được, cô Macy nắm lấy tay tôi và chúng tôi đi đến Palm Bar. Khi chúng tôi bước vào, người đang ngồi đó không ai khác hơn là giám khảo Wilhelmina. Cô Macy đi thẳng lại chỗ bà ta. Còn tôi, tôi sợ quá nên trốn đằng sau một cây cọ.
“Wilhelmina, tôi là Olma Macy Harwell ở Anniston, Alabama. Tôi có một người học trò lên đây để thi người mẫu. Nó bị bà đánh trượt và đang chuẩn bị về quê. Đấy là sự sai lầm. Con bé sẽ ở lại đây và sẽ trở thành người mẫu cho hãng của bà.”
Tôi không biết Wilhelmina sẽ bật cười hay tống cổ cô Macy ra ngoài. Nhưng mà ngược lại, Wilhelmina hỏi, “Vậy con bé ở đâu rồi?” Cô Macy hướng về chỗ cây cọ và búng ngón tay ra hiệu cho tôi. Tôi đổ mồ hôi như tắm.
Thâu hết can đảm, tôi đến đứng bên cạnh cô Macy. “Cháu có tên không?” “Vâng, thưa bà. Tên cháu là Trisha Mitchell.” Bà ấy nói, “Vậy hãy nói cho tôi biết, Trisha Mitchell, cháu có gì đặc biệt? Tại sao tôi phải mướn cháu?”
Chúa ơi, trái tim tôi đập thình thịch vào lúc đó. Tôi không biết phải nói gì, nhưng một từ này xuất hiện trong đầu tôi. Đó là từ mà cô Macy đã luôn nói với tôi về bản thân mình. Và tôi lặp lại như cái máy, “Quyết tâm, thưa bà.” Bà bảo, “Ồ, tại sao cháu và bà Macy không đến văn phòng của tôi sáng mai?”
Ngày hôm sau, Wilhelmina đưa cho tôi một hợp đồng. “Tôi muốn xem cháu có thể làm được gì với sự quyết tâm. Nhưng trước tiên, chúng tôi phải phải sửa lại mái tóc của cháu.”
Trisha
Coburn,
“Miss Macy” (https://www.rd.com/true-stories/inspiring/determination-modeling-career/)
Kim Doan dịch