Mỗi buổi sáng, tôi dậy tập thể dục rất đúng giờ, vậy mà sáng nay, đã trễ gần cả tiếng, mà vẫn còn ôm gối, nhắm mắt, cố nhớ lại trọn vẹn giấc mơ vừa qua! Nó không giống như những giấc mơ đã đi qua đời, tỉnh dậy là quên hết! Lần này nó cứ chập chờn hoài trong tâm trí. “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ!” Phạm Đình Chương, không biết có giống tôi bây giờ? Phải lục lọi, tìm kiếm, trong cái ngăn kéo ký ức đã mốc meo vì thời gian, và trong cái trí nhớ càng ngày càng eo hẹp, nên phải cố nhớ, mà càng cố thì mọi thứ lại càng chồng chéo lên nhau, chẳng theo thứ tự nào, nhưng hình ảnh nàng thì lại rất rõ nét trong cái miền vô thức âm u, chập chùng ấy!
Và rồi, như Cuốn phim quay chậm:
Ngày đó, khi mới đặt chân đến Pháp, còn rất bỡ ngỡ, mọi thứ đều mới lạ, thành phố Paris vừa đẹp, vừa thơ mộng, cảm giác phấn khích, đã xua tan nhiều nỗi lo âu, tôi hăm hở bước vào cuộc đời mới. Ba năm đầu ở Sorbone, tôi lủi thủi một mình. Mùa đông Paris, mới 4, 5 giờ chiều, mà trời đã tối, tan học về nhà, chẳng có ai để chia sẻ cái âm u, lạnh lẽo của đất trời, cứ ngỡ vùi đầu vào sách vở, là quên hết! Nhưng nhiều khi thấy bóng mình lạc loài, cô đơn trên vách, mới thấy lẻ loi, trống trải. Tôi cũng cần một tình yêu!
Ấy vậy mà gần hết đời sinh viên, tôi mới gập cô ấy, một cô gái tóc vàng mắt xanh, nhưng lại có một tâm hồn Á châu sâu lắng, nàng đến với tôi không ồn ào, vội vã, không vũ bão, loạn cuồng (hay là thời đó khác bây giờ?) Không cùng một trường, tôi học khoa học, nàng theo môn triết. Nhưng thường hẹn nhau ở thư viện, sau giờ học thì lang thang vào công viên, đi ăn kem, uống café, cuối tuần, nàng rủ tôi đi lễ nhà thờ. Khuôn mặt nàng lúc đó thật thanh thoát, nàng đọc kinh, rước lễ, với sự kính yêu, tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa, nàng là một tín đồ ngoan đạo, còn tôi, con chiên lạc loài, chẳng biết cha giảng gì trong kinh thánh, cứ vẩn vơ nhìn lên vòm mái cao, với biết bao hoa văn trạm trổ rất đặc sắc, rồi lại nhìn những bức tượng điêu khắc trên tường, thật là đẹp và nghệ thuật! Tôi tự hỏi cả nghìn năm trước chưa có máy móc gì, mà sao họ xây dựng được một ngôi thánh đường vĩ đại và uy nghiêm tới như vậy? Thật đáng để trở thành di sản văn hóa của cả thế giới. Ra khỏi nhà thờ, nàng hỏi tôi cầu nguyện gì? Có biết 10 điều răn của Chúa không? Tôi ấp úng không biết trả lời sao! Có biết gì đâu mà trả lời! Trong đời, tôi dở nhất là chuyện tán tỉnh, đứng trước các cô gái, tôi chẳng nói được câu nào cho ra hồn, hết: ” hôm nay trời đẹp quá! ” lại: ” ngày mai có tuyết rơi “, lúc nàng hỏi, định nói: ” anh xin Chúa được yêu em ” vậy mà ngại ngùng, không nói được! Cuối cùng vẫn chỉ là những cái nắm tay, nói chuyện học hành, bàn về tương lai, thỉnh thoảng nhìn vào mắt nhau, rồi cười vu vơ. Chúng tôi sống hồn nhiên, vui vẻ, nàng hay kể những câu chuyện khôi hài về các vị hiền triết, đọc thơ cho tôi nghe, bàn luận về các văn hào nổi tiếng, còn nhớ khi nói về Victor Hugo nàng hỏi:
– Anh có nghĩ, nếu Chúa đến kịp, sẽ cứu được linh hồn của đức cha Frollo không?
– Chắc là không, vì chúa ở xa quá còn nàng Esmeralda thì ở ngay trước mặt.
Không ngờ câu trả lời, lại khiến nàng thích thú.
– Anh nói đúng, đâu phải lúc nào, con người cùng thoát được cám dỗ, lửa địa ngục nhiều khi còn cuốn hút, mãnh liệt hơn cả bóng mát thiên đàng! Chúa có đến kịp, vẫn không thể cứu được, vì linh hồn cha Frollo đã bị dục vọng che khuất rồi!
Giọng nói ngọt, ấm áp thấm từ từ vào lòng tôi như mưa dầm thấm đất. Gập nhau thường xuyên, tôi vẫn chú ý học hành! Không thể lơ là để bị coi thường, có cái gì như: Tự ái dân tộc? Ngày qua ngày, mầm tình yêu mới nhú, chưa kết trái, thì phải chia tay. Chúng tôi ra trường, nàng về làm việc dưới tỉnh, cách Paris hơn 800 cây. Mọi liên lạc ít dần, rồi mất hẳn (ngày đó làm gì có cellphone, facebook, email như bây giờ) cứ tưởng dòng đời chia đôi ngả, lòng chỉ vướng một chút nhớ, một chút buồn, rồi đời vẫn bình yên!, chưa đến nỗi: ” tình theo chân em, tình đã mất lối về ” nhưng không phải! Tôi nhớ! Nhớ lắm, nhớ giọng nói, nụ cười nhất là ánh mắt. Hình như “người đi một nửa hồn tôi mất”.
Tình cờ hi hữu! Năm đó, tôi đi tỉnh làm việc, trùng hợp lại là tỉnh nàng đang sống. Chiều đó, ngồi uống café ở quán bên đường, những vạt nắng thả xuống tờ báo tôi đang đọc, những bóng lá lung linh, bỗng một giọng nói rất quen thuộc, tự nhiên tim tôi đập sai mấy nhịp:
-Anh Việt phải không?
Tôi ngẩng lên, sững người vì bất ngờ, nàng vẫn vậy! vẫn đôi mắt như một giòng sông, đủ sâu để làm người ta chết đuối! có gì ẩn chứa trong đó, mà khiến tôi không thể định thần được, cả người như mất trọng lực, ngẩn ngơ một lúc tôi mới lắp bắp:
-Anne khỏe không? Em vẫn không có gì thay đổi!
-Thay đổi chứ anh! Lâu rồi còn gì! Rất vui được gập lại anh.
Tôi đứng dậy, kéo ghế cho nàng ngồi, chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm thời sinh viên, rất nhiều sự kiện, vô vàn cảm xúc từ quá khứ cứ ngược dòng trở về bến cũ. Giọng nàng bỗng trùng xuống, tôi thấy trong đôi mắt đang cười kia, mơ hồ một nỗi buồn. Nàng kể:
-Hạnh phúc khó nắm bắt quá anh ạ! Nó tản mạn, bồng bềnh như mây em chạy theo nó đến phát mệt, đến hụt hơi, cuối cùng chỉ là cái bóng anh biết không? Em đã sống cách ly với thế giới bên ngoài một thời gian dài…
Nàng miên man kể, tôi im lặng nghe, tay tôi để trên tay nàng. Muốn nói với nàng đủ điều, muốn chia sẻ với nàng đủ thứ kể cả tình yêu, nhưng cuối cùng ý nghĩ chẳng thể biến thành lời, lúc chia tay ngay cả một nụ hôn giã từ, cũng không! Có phải cuống quá, nên suy nghĩ, hành động trở nên chậm chạp? Tôi quả là một chàng trai vụng về, nhút nhát, nàng đang cần một bóng mát, nàng không đẩy tôi ra, nhưng chính tôi lại không biết nắm giữ cái may mắn đó! Đã yêu, mà vẫn không cất nổi tiếng trái tim mình, để khi bóng nàng khuất ở ngã tư đường, mới hối hả, trả vội tiền café, bước nhanh đi tìm, thì nàng đã biến mất giữa dòng người xuôi ngược.
Sau lần gập tình cờ đó, lần nào trở lại đây làm việc, tôi cũng đi tìm nàng. Tôi đến chỗ nàng dạy học, họ bảo nàng đã chuyến đi dạy ở trường khác! Lang thang khắp phố, đến quán café cũ, ngồi đến tối, hy vọng phép lạ lại xảy ra! Nhưng vô vọng, tôi trở về Paris, bước lên tầu, mà lòng khắc khoải, không yên.
Công việc bận rộn, bao nhiêu thứ phải làm một ngày, nhưng hình bóng nàng vẫn còn nguyên đó, đủ để dẫn tôi đến ngôi giáo đường, tìm lại hàng ghế, mà nàng và tôi đã quỳ bên nhau những ngày chủ nhật, vì nàng tôi cũng đã tìm đọc 10 điều răn của Chúa. Thời gian cứ thế trôi, tôi vẫn một mình, trái tim lại không quen bừa bãi, nên không thể “yêu đại” một người nào, nhiều hôm ngồi ở vườn Luxembourg, nhìn những chiếc lá vàng rơi đầy trên thảm cỏ, buồn và trống trải! Tôi nhớ nàng! Nỗi nhớ lần này, nhiều hơn, quay quắt hơn lần chia tay ở sân trường đại học. Tự trách mình, làm mọi việc lỡ làng, đang lúc chán nản nhất, thì phép lạ lại xẩy ra, chắc Chúa thương xót một kẻ ngoại đạo hiền lành, mộc mạc như tôi nên đã ban ân sủng! Chiều đó, ra khỏi métro, dẫm lên những chiếc lá vàng, rơi đầy trên hè phố, tôi chậm rãi về nhà! Ở nhà có ai đợi đâu? mà cần vội vã? Nhưng bước chậm mấy thì vỉa hè cũng ngắn dần. Thế rồi tôi không bước nổi nữa, bất ngờ lần trước khiến tôi sững sờ, bất ngờ lần này khiến tim như ngừng đập. Nàng đang đứng trước cửa nhà tôi, khoảng cách rất gần, vậy mà tôi vẫn không tin vào mắt mình, không tin đây là sự thật, người cứ ngây ra. Nàng bước đến ôm tôi, hôn hai bên má, vẫn cái giọng Pháp êm đềm ấy:
-Lên Paris, em đến căn nhà cũ, họ nói anh dọn đi rồi, và người ta cho em địa chỉ, mới biết anh ở đây.
Trống ngực vẫn đập liên hồi, tra chìa khóa vào cửa 2, 3 lần mới mở được, tay tôi run. Tôi muốn nói: “Anh có phải đang mơ không? Anh nhớ em lắm! Cảm ơn Chúa, cuối cùng em đã đến”, vậy mà lại thốt ra một câu hết sức vớ vẩn:
-Mùa thu mà sao trời nóng thế, em có cần vặn quạt không? Có khát nước không? Để anh đi lấy.
Chai nước suối ngay trước mặt nàng, đâu cần phải lấy! Nàng hỏi tôi:
-Anh vẫn chưa lấy vợ sao?
Nhìn một vòng quanh căn phòng, nàng nói tiếp:
-Anh ở một mình, mà nhà cửa gọn gàng, đâu ra đó, anh học về khoa học, nên cái gì cũng có vẻ khoa học, bầy biện rất ngăn nắp, nhưng thiếu sự ấm áp phải không anh?
Hít sâu mấy cái, cho tim về nhịp cũ! Tôi trả lời nàng, (lại chẳng đâu vào đâu).
-Anh cũng không biết nữa?
Sự xuất hiện của nàng quá bất ngờ, khiến tôi cứ ngẩn ngơ, lẫn lộn giữa mơ và thực. Sau vài câu chuyện, nàng hỏi tôi:
-Em ăn tối với anh được không?
Chưa kịp trả lời, nàng đã đứng dậy, vào bếp, may quá, hôm qua vừa đi chợ, nên trong tủ lạnh có đủ thứ. Nhìn nàng loay hoay trong bếp, tôi cảm nhận được cái ấm áp, cái mà bấy lâu nầy tôi thắc thỏm kiếm tìm, mọi thứ chung quanh đều toả sáng, có phải: “em lùa gió biếc vào trong tóc, thổi lại phòng anh cả núi non?”. Tôi dọn bàn ăn, mở tủ lấy chai rượu vang người bạn tặng hôm Noël, lần đầu tiên, tôi trịnh trọng bầy trên bàn ăn: 2 cái đĩa, 2 cái chén, 2 con dao, 2 cái fourchettes, còn thiếu 1 bình hoa hồng, tôi nói:
– Anh ra đầu phố mua mấy cánh hoa hồng.
Đặt 2 miếng bifteck lên bàn, nàng cười lẳng lơ:
-Em là hoa rồi! Cần gì phải mua hoa nữa, đợi em trộn thêm salade. Anh đói rồi phải không?
Xong tất cả, hai chúng tôi ngồi đối diện nhau, đã bao năm qua, đây là bữa cơm, mà tôi chỉ muốn nó kéo dài mãi, bỗng nhiên tôi sợ, sợ đủ thứ: sợ cô đơn, sợ nỗi buồn, sợ mất nàng, sợ phải sống với bốn bức tường lạnh lẽo. Trong bữa cơm, nàng kể nhiều chuyện lắm, nhưng tôi chẳng nghe được bao nhiêu, có tập trung đâu mà nghe, còn mải suy nghĩ nhiều chuyện khác. Chai rượu hết, đồ ăn trên bàn cũng hết, nàng nhìn đồng hồ:
-Trễ quá rồi, em phải về.
– Em ngủ lại đây đi, sáng mai về có được không?
Đề nghị liều lĩnh này, có thể khiến nàng ngộ nhận và từ chối, nhưng lại hóa giải được phần nào cái ưu tư, khắc khoải trong lòng. Bây giờ, chỉ cần nàng ở lại, tất cả đều không quan trọng, có là gì của nhau cũng được, chẳng phải nàng cũng cô đơn hay sao? lạc mất nhau một thời gian khá dài, cũng đã đủ, không thể phung phí thêm nữa, tôi không muốn bỏ qua cơ hội, để rồi lại tự trách mình, mà phép lạ thì dễ gì có hoài!
Bên ngoài, không còn vọng lại tiếng xe cộ, đêm đã bắt đầu, đêm toả hương, hương đêm làm phấn tri tuệ tôi bay đâu mất. Trong không gian nhỏ hẹp của căn phòng ngủ, tôi nghe được cả tiếng thở của nàng, nàng ngay trước mặt, rất gần, mùi thơm đàn bà quyến rũ, lòng tôi sôi lên một thứ cảm giác kỳ lạ, nhưng chưa dám nói, chưa dám chạm vào, thấy vẻ bối rối đến tội nghiệp của tôi, (hay vì đồng cảm), nàng ban cho một ân huệ:
-Được rồi! Em ở lại với anh đêm nay!
Tôi lặng đi không biết nói gì? Vì mỗi ngôn từ hoa mỹ lúc này đều bất lực trước sức hút bí hiểm của đôi mắt nàng, nó mang nhiều ẩn ý, như thôi thúc, mời gọi.
Đêm đã tàn, đêm đã qua, mà lòng vẫn còn lâng lâng như mọi thứ vẫn chưa chấm dứt, trên tấm drap trắng, những sợi tóc dài vương vãi, cái áo chemise cho nàng mượn, nằm ở cuối giường, dư âm cuộc yêu vẫn còn nguyên đó, nàng đã lấp đầy cái thiếu thốn trong tôi, xóa đi cái khoảng trống âm u lặng lẽ, mở cho tôi một khung trời mới, nàng đã trộn đủ sắc màu, để vẽ vào bức tranh đời tôi những nét chấm phá mãnh liệt, làm nhiễu loạn mọi cảm xúc! Cơn sóng tình khiến tôi chao đảo, cứ thế mà bập bềnh trôi, mải mê trôi, chẳng biết bờ bến nào mà dừng lại!
Vị ngọt tình yêu, khiến tâm trạng tôi tốt hơn so với những ngày tháng trước, nhấc tôi ra khỏi những mệt mỏi vì công việc. Ban ngày tôi đóng trọn vai trò của mình trên sân khấu đời, ban đêm, tôi được tự do trong cõi riêng của mình, muốn lêu lổng, mơ tưởng, nổi điên, nổi hứng gì cũng được. Tôi đã thay đổi, suy nghĩ tích cực hơn, các bạn làm cùng, còn nói đùa: “Đang yêu phải không?” Có lẽ họ thấy tôi hay cười, vui vẻ phóng khoáng hơn ngày tháng trước. Chúng tôi tận dụng mọi thời gian để gập nhau, cuộc sống cứ trôi êm theo những cuộc hẹn hò. Xa, chập chùng nhớ, gần, cuồn cuộn khát khao, như sông đang mùa lũ, tôi hân hoan thả mình đến những bờ bến lạ!
Tôi định hè này sẽ bàn với nàng về những dự tính của mình. Chẳng lẽ cứ mãi là tình nhân?
Nhưng mùa hè chưa kịp đến, thì mùa dông đã đến trước. Mùa đông năm đó trắng xóa tuyết rơi, lòng tôi lạnh, lạnh nhất trong những mùa dông đã đi qua. Tôi nhìn tên nàng trên tấm thiệp cưới, tên chú rể không phải là tôi, một vết cắt, đau xé trái tim, bàng hoàng nhận ra thế nào là bị “tình phụ”, chẳng lẽ nhà thơ Cung Trầm Tưởng đã tiên tri: “Trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly”. Cuộc tình đã tàn với bao mơ ước (chắc là chỉ có mình tôi mơ ước!). Trầm mình, trong “thú đau thương” một thời gian dài. Thời gian tuy tàn nhẫn, lấy đi tuổi trẻ, sức khỏe, sự năng nổ, trí nhớ và còn nhiều thứ khác, nhưng lại tuyệt vời trong việc chữa lành mọi vết thương từ tâm hồn tới thể xác. Khi mọi thứ đã nguôi ngoai, mới thấy cần một mái ấm gia đình, không thể cứ mãi cảnh: “cơm hàng cháo chợ”. Nhưng tìm vợ đâu thể vội vàng? Phải là người có đủ duyên, đủ nợ (chỉ có duyên như tôi và nàng thì cũng chẳng đi đến đâu!). Nếu tạo hóa đã sắp sếp trong nhân gian, ai rồi cũng phải định cư đời mình bên cạnh người vợ hay người chồng, mà số phận đã an bài! Thì cứ chờ đợi vậy! Tôi lao vào công việc, để quên ngày tháng. Người ta nói phải tu 1000 kiếp mới được chung giường, vậy người đàn bà nào sẽ cùng tôi tu 1000 kiếp, để trở thành vợ chồng? Và Tạo hóa đã không bất công! Cuối cùng cũng đưa người đàn bà 1000 kiếp trước đến cho tôi. Có gia đình, bao nhiêu sôi nổi, chìm vào quá khứ, đời sống bận rộn, mệt mỏi, không còn thì giờ để nhớ? Từng ngày, từng tháng, từng năm cứ thế mà trôi theo dòng đời! Tình yêu ngày đó, dấu kín trong tim, tưởng đã ngủ yên, không ngờ giấc mơ lại đánh thức nó dậy, đưa tôi về chốn cũ gập lại người tình xưa, gập lại người đàn bà đã cho tôi biết cái khao khát, cái tận cùng của niềm hoan lạc! Trong tưởng tượng của tôi, nàng vẫn là cô gái thanh xuân, cho dù bây giờ mái đầu đã bạc, “Nếu không còn được gập nữa, giữ cho trọn ân tình xưa, xin gởi em một lời chào, lời bình yên về cuối đời”. Tuổi đời như từng lớp cát sa mạc, làm dầy thêm mỗi ngày cái già nua, lẩn thẩn, cái quên nhiều hơn cái nhớ, tôi đã chia sẻ cả cuộc đời này cho gia đình, cho công việc, chẳng còn gì cho tôi, chỉ còn chút phần đời riêng này, hãy để tôi giữ nó, vì dù giấc mơ có đẩy tôi xuống hố sâu của hồi tưởng, ngụp lặn trong đó bao lâu, thì vẫn phải trở về với hiện thực.
Paris và Virgina, hai nơi mà tôi đã trải gần hết đời mình ở đó, tôi đã sống, đã yêu, đã đau khổ, và cũng đã hạnh phúc khi được làm chồng, làm cha, nó chứng kiến với tôi bao thăng trầm của cuộc sống, hơn nữa nó đã cất giữ của tôi vô vàn kỷ niệm. Sáng dậy, nhiều khi cũng hốt hoảng khi thấy đau cho này, chỗ kia, nhưng khi nhìn ra cửa sổ, thấy cây đang xanh lá, nắng vẫn lung linh, lại thấy lòng phấn khởi, mình vừa có thêm một ngày mới. Thật đúng! Đời người là một giấc mơ, trở về đời sống thường nhật, lái xe, thấy yên tâm, như vậy đầu óc vẫn chưa mất phương hướng, còn tìm được những ký ức đã qua, là trí nhớ chưa bị sa sút, bệnh Alzheimer khó mà ghé thăm tôi được! Tự nhiên thấy vui, nhớ bài hát của Phú Quang: “Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa, sao thương ai ở mãi cung hằng? Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế, sao chịu nhoà khi đến giữa mùa trăng! Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc, tôi đã quên mình, chỉ để nghĩ về em.”
Dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi!
Tường Việt