Kim Loan
Mấy hôm nay trên mạng truyền đi rầm rộ những hình ảnh bà con (người Mỹ, người Mễ và nhiều nhất là người gốc Châu Á trong đó có người Việt mình) bên Texas và California ùn ùn kéo nhau đến Costco đại náo, gom hàng nhu yếu phẩm như gạo, nước đóng chai, đồ khô, giấy toilet. Nghe đâu truyền hình Mỹ cũng đưa tin “chấn động” này, thậm chí Costco còn viết thông báo: “Hết gạo, hết nước, không bán khẩu trang” để tránh phiền phức vì bà con nháo nhào hỏi han.
Tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ, và tự hỏi tại sao người đi mua hàng bất chấp mọi thứ, mua cho nhiều cho đầy, xô đẩy, chen lấn, rồi hớn hở mang ra xe, coi như nhà mình yên chí lớn trong mùa dịch Covid-19, còn thì chẳng quan tâm những bà con đến sau, có mua được hàng hay không, sống chết kệ tía tụi bay!?
Không biết người sắc dân khác vì lý do gì mà đi “gom hàng”, chứ với người Việt thì tôi cứ tưởng chuyện đó chỉ xảy ra thời kinh hoàng xa xưa. Cái thời bao cấp sau tháng Tư đen 1975, Cộng Sản Việt Nam quản lý chặt chẽ bao tử của toàn dân Miền Nam bằng sổ hộ khẩu hậu khổ, sổ lương thực, sổ chất đốt, đổi tiền, đánh tư sản, kinh tế mới, tù cải tạo.
Rồi chúng ta bồng bế dắt díu nhau đi vượt biên không ngại hiểm nguy trên biển Ðông hay rừng sâu tăm tối. Có những chuyến đi kéo dài bập bềnh cả tháng trời trên biển, lương thực cạn dần, đói khát triền miên trong cơn nguy khốn, chia sớt nhau từng ngụm nước, miếng mì khô. Khi may mắn đến được trại tỵ nạn, cuộc sống tại trại tạm dung cũng thiếu thốn, sống nhờ vào lương thực viện trợ của Cao Uỷ Tỵ Nạn. Có lẽ vì vậy, mà nỗi ám ảnh “đói và khát” đã nằm sâu trong tiềm thức của chúng ta, dù đã qua định cư bên xứ tự do mấy chục năm nay?
Nhưng cũng vì ở xứ tự do bấy lâu, thì chúng ta phải càng hiểu rõ hơn những người ở nơi khác chớ? Nếu chuyện chen lấn giành giật gom hàng (có khi đánh nhau sứt đầu mẻ trán) xảy ra ở bên China hay bên quê nhà Việt Nam thì còn lý giải và cảm thông được. Còn ở bên này, Mỹ hoặc Canada, hay các nước dân chủ khác bên Châu Âu, Châu Úc… chính quyền luôn có trách nhiệm với dân một cách minh bạch, kịp thời, nhanh chóng. Sao vẫn phải lo?
Trước khi cắt điện, cúp nước vì phải sửa chữa trong khu vực dân cư, chính quyền thành phố luôn báo trước vài ngày để người dân chuẩn bị đối phó. Năm ngoái, khu nhà tôi mỗi gia đình nhận được tờ giấy thông báo, vì cần sửa đường ống nước nên họ sẽ cắt nước trong 10 tiếng. Họ cũng dặn dò bà con nếu cần thì chứa sẵn nước xài trong thời gian đó. Tuy nhiên, nếu ai bận đi làm, không có thời giờ trữ sẵn nước dùng thì ngay đầu xóm có một xe thùng phát nước lưu động, cứ ra đó mà xách về xài. (Riêng tôi, đó là dịp khỏi phải… nấu nướng phiền phức, vì tôi có lý do chính đáng để order thức ăn bên ngoài.)
Vậy đó, chỉ là chuyện nhỏ nhoi thôi mà chính quyền còn lo đầy đủ; thử hỏi nếu dịch Covid bùng phát, tình trạng outbreak khẩn cấp, thì chẳng ai để cho dân đói dân khát.
Nhớ hồi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ năm 2000, bà con mình cũng rần rần khuân gạo, mắm, đèn pin, dầu hoả chất đầy kho. Một chị hàng xóm kế bên tôi cũng nhanh nhẩu mua mười lăm bao gạo, để rồi cả năm trời phải ăn gạo mốc. Hôm qua chị vừa nói với tôi, rút kinh nghiệm từ lần “lỡ dại năm 2000”, nếu chính quyền hay Sở Y Tế có khuyến cáo dự trữ thực phẩm thì chị sẽ mua vừa đủ, như bên Nhật người dân vẫn làm, để còn phải san sẻ cho những người khác, đúng với tinh thần nâng đỡ nhau trong mùa dịch.
Mà nghĩ đi nghĩ lại, dân Việt mình lạ thiệt! Ăn bo bo mì sợi, khoai lang khoai mì không sợ, vượt biển không ngán, trại tỵ nạn cơm hẩm cá ôi không than van, vậy mà qua xứ tư bản giàu có lại sợ… đói!
Nhân chuyện “gom hàng Costco mùa dịch Covid”, tôi cũng nhớ lại chuyến đi vượt biển của mình. Khi khó khăn, chung cảnh hoạn nạn thì đoàn kết chặt chẽ, nhưng khi có chút quyền lợi, đụng chạm đến chuyện sống còn thì người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau.
Chuyện là thế này. Sau mấy ngày hải hành, nhóm tàu 41 người mắc kẹt trên một bãi đá ong gần bờ biển xứ Thái Lan. Nhìn xa xa thấy đất liền, nhưng không bơi vào được vì mực nước sâu, vả lại còn người già, phụ nữ và trẻ em, không phải ai cũng biết bơi. Trời tháng Mười Hai sẫm tối, lạnh lẽo. Thỉnh thoảng nhìn thấy ánh đèn từ đất liền nhấp nháy hoặc tàu đi trong biển, chúng tôi la hét “SOS” nhưng chẳng ai nghe. Càng về khuya càng sợ, vì nước từ từ dâng lên, lúc mới đứng trên bãi đá ong thì nước chỉ qua đùi, rồi lên tới bụng, tới rốn. Chúng tôi đốt giày dép, quần áo; vừa sưởi ấm vừa kêu cứu xung quanh nhưng cũng không có kết quả gì. Lúc ấy tôi mới nhớ có mang theo một cái phao, liền đem ra nhờ người thổi lên, và hai thanh niên trẻ xung phong bơi vào bờ (với cái phao) để tìm dân chài ra ứng cứu.
Cứ ngỡ rằng cả nhóm vẫn mãi gắn bó, giúp đỡ nhau như lúc tát nước trong tàu khi gặp bão, hay khi cùng đứng chia nhau hơi ấm trên bãi đá ong. Nhưng điều ấy không còn nữa, khi hai thanh niên kia kêu được ba chiếc thuyền từ ngoài bờ ra cứu. Họ (mấy dân chài Thái Lan) dừng thuyền khá xa, ra dấu, nói mỗi lần mỗi thuyền sẽ chở 3-4 người vào bờ, ai có tiền có vàng mới được lên. Vậy mà lúc ấy không có một “thủ lĩnh tinh thần” đứng ra điều đình, bảo vệ cả nhóm, mà tất cả bỗng loạn xạ lên.
Có nhóm đàn ông mang theo tiền Thái, liền vội vàng kéo nhau lên thuyền vào bờ đầu tiên, mặc kệ những người còn lại. Sau đó, hễ thuyền quay vào là có cảnh lộn xộn, kẻ không có vàng xin theo kẻ có vàng, giành nhau bơi ra thuyền, trong đó có hai cô bạn trong nhóm tôi cũng lanh chanh, bám theo nhóm kia, bị họ đẩy xuống biển sặc nước rồi cố leo lên thuyền lại.
Tôi và một cô bạn khác, cùng một thanh niên nữa, là ba người cuối cùng lên chiếc thuyền chót vào bờ (vì không đủ sức tranh giành với những người khác, chớ chẳng phải… anh hùng rơm gì đâu!). Có ai ngờ đó là vùng bùn sình lầy, bước chân xuống ngập qua đầu gối, nhấc chân lên bước tiếp là một kỳ công. Phía trước chúng tôi là hai người nữa cũng đang khổ sở với bùn lầy, và tuyệt nhiên trong bóng đêm không thấy những người kia. Hai người đó vừa đi vừa chửi rủa đám người lên bờ trước rồi bỏ chúng tôi bơ vơ trong đêm vắng.
Sao không đứng chờ nhau đông đủ, nếu có hiểm nguy gì thì sức mạnh đám đông vẫn hơn là lẻ tẻ chứ? Năm người chúng tôi vừa rên rỉ, vừa buồn giận, cố lết từng bước nặng chịch.
Dĩ nhiên, một hoàn cảnh, một hành động tức thời, không đánh giá hết được sự việc. Sau này lên trại, nghe nhiều nhóm tàu khác cũng… như vậy. Nhưng cũng có những nhóm tàu may mắn có một “lãnh đạo tự phát”, một “Lục Vân Tiên tự nguyện”, lèo lái tinh thần cả tàu khi gặp hiểm nguy khó khăn trên đường vượt biển.
Lúc ấy tôi mới 23 tuổi, ngay đêm đầu ra khơi bị mưa bão, ói mửa mật xanh mật vàng, người ướt như chuột lột, vật vờ đến khi lên bãi đá ong, héo khô như xơ mướp, xấu như ma cấu, yếu như cọng bún thiu. Nếu tôi có “lên cơn” muốn góp ý kiến ý cò, hoặc xung phong làm “thủ lãnh” chắc chắn sẽ bị nhóm đàn ông có tiền Thái túm cổ quăng ngay xuống biển không thương tiếc chớ chẳng đùa.
Người ta nói, quân tử trả thù ba năm chưa muộn. Riêng tôi, “mối hận” bị bỏ rơi nơi bờ biển hoang vắng trên đất Thái trong một đêm cuối tháng Mười Hai gió rét, hôm nay, hơn 25 năm sau, mới dám đem ra “trả thù” bằng cách… viết ra đây nhân vụ “gom hàng Costco vì dịch Covid”.
Giờ đây, dịch Covid chưa có dấu hiệu ngưng lại mà còn đang gia tăng lan toả đến nhiều nước khác. Canada cũng có vài trường hợp bị nhiễm tại Vancouver và Toronto; chưa thấy có ca nào tử vong. Nhưng tôi xin thề, nếu chính phủ Canada tuyên bố tình trạng khẩn cấp Covid Outbreak, tôi sẽ không đi chợ Costco gom hàng tích trữ trong vòng vài tháng. Nếu ai bắt gặp tôi đến đó, tôi sẽ chịu phạt một ngàn đồng.
À mà không. Kể cả các chợ khác (và chợ Việt Nam nữa), tôi cương quyết sẽ không để mất… một ngàn đồng!!!
KL
3/2020