Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa
Tàu chiến Mỹ được cho là vừa thực hiện hoạt động hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 28/4.
Báo trong nước cho biết, nguồn tin từ Mỹ hôm 28/4 thông báo tàu khu trục do tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG 52) của nước này đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Đài truyền hình CGTN của Trung Quốc cùng ngày dẫn lời phát ngôn viên Chiến khu miền Nam Trung Quốc Lý Hoa Mẫn nói lực lượng này đang theo dõi một tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó, tàu khu trục USS McCampbell của hải quân Mỹ thực thi hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở quần đảo Hoàng Sa hôm 10/3.
Ngày 11/3, truyền thông Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Chiến khu miền Nam của Trung Quốc tỏ ý chỉ trích việc chiến hạm USS McCampbell tiến hành FONOP.
Phản ứng lại chỉ trích của phía Trung Quốc, phát ngôn viên Hạm đội 7 Reann Mommsen cho rằng hành động của Washington là nhằm đáp trả tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về chủ quyền – vốn đặt ra “mối đe dọa chưa có tiền lệ ở Biển Đông”.
Bắc Kinh nói đã trục xuất tàu Mỹ khỏi vùng biển Hoàng Sa
Chính quyền Trung Quốc nói rằng hôm thứ Ba họ đã bố trí tàu và máy bay để “theo dõi, xác minh, xác định và trục xuất” một tàu chiến của Hoa Kỳ hoạt động ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, USNI News đưa tin.
“Những hành động khiêu khích của phía Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, cố tình gia tăng rủi ro cho an ninh khu vực và có thể dễ dàng gây ra sự cố bất ngờ”, theo một tuyên bố của quân đội Trung Quốc được SCMP dẫn lại.
Trong khi đó, các quan chức hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận với News rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam.
Mỹ thắt chặt xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc
Hoa Kỳ đã đưa ra quy định mới, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn các công ty Mỹ bán các sản phẩm và công nghệ có thể giúp Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự, theo SCMP.
Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hôm thứ Ba, đã đưa ra các quy tắc mới mở rộng phạm vi của các sản phẩm phải được xem xét bởi các cơ quan quản lý an ninh quốc gia trước khi được xuất ra nước ngoài.
Quy định mới chỉ rõ, bất kỳ sản phẩm nào có thể được sử dụng để hỗ trợ hoặc đóng góp cho các hoạt động quân sự và giúp thiết lập, bảo trì, sửa chữa, đại tu, tân trang, phát triển hoặc sản xuất các mặt hàng quân sự sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu với sự đồng ý của cơ quan quản lý an ninh. Ngoài Trung Quốc, quy định này sẽ được áp dụng cho Venezuela và Nga.
Người Triều Tiên không nói hoặc không biết chuyện Kim mất tích
Những người đào thoát khỏi Triều Tiên cho biết khi họ bí mật liên lạc với những người thân và bạn bè ở Bắc Hàn thì những người này hoặc là không hay biết những đồn đoán quốc tế về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hoặc không muốn nói về chuyện này, theo bản tin hôm thứ Ba của Reuters.
Hai người đào thoát nói với Reuters rằng một số người thân của họ ở Triều Tiên không biết rằng Kim đã mất tích trong gần hai tuần qua, một số khác thì cho biết họ không muốn thảo luận về vấn đề này, số còn lại đột ngột cúp máy khi nghe đề cập tới sức khỏe của lãnh đạo tối cao ở Bắc Hàn.
Một người đào thoát khác nói rằng bạn bè của họ ở Bắc Hàn vẫn thảo luận kín với nhau về việc ông Kim mất tích khỏi các sự kiện lớn của đất nước thời gian qua, nhưng không biết nhiều sự tình về việc này.
Syria: Đánh bom xe, ít nhất 46 người chết
Hôm thứ Ba, một vụ đánh bom xảy ra tại một thành phố ở phía bắc Syria đã giết chết ít nhất 46 người, trong đó có 6 tay súng của lực lượng quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, theo SBS News.
Vụ đánh bom nhắm vào một xe tải chở nhiên liệu xảy ra ở một ngôi chợ thuộc thành phố Afrin đã giết chết “ít nhất 46 người, bao gồm cả dân thường và làm bị thương 50 người khác”, theo ông Rami Abdul Rahman, người đứng đầu Tổ chức theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở hoạt động ở Anh.
Ông Rahman cho biết thêm, con số thương vong có thể sẽ còn cao hơn nữa vì nhiều người bị thương sau vụ đánh bom đang ở tình trạng nguy kịch.
Hiện chưa rõ thủ phạm vụ đánh bom. SBS News cho hay, đây là một trong những vụ đánh bom lớn nhất xảy ra ở Afrin kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng được Ankara hỗ trợ giành quyền kiểm soát vùng đất từ tay của lực lượng người Kurd vào tháng 3/2018.
Lebanon: Người biểu tình và an ninh đụng độ trong đại dịch
Vào đêm thứ Ba, bất chấp lệnh phong tỏa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, người Lebanon vẫn tiếp tục xuống đường để bày tỏ sự bất mãn với khủng hoảng kinh tế kéo dài và đã đối đầu với lực lượng an ninh trong ngày biểu tình thứ hai của họ, theo AFP.
Tại thành phố Scuffles, phía bắc Lebanon, người biểu tình đã ném đá vào lực lượng an ninh, sau khi lực lượng này bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán họ. Có khoảng 60 người bị thương trong cuộc đụng độ này, trong đó có 40 người thuộc lực lượng an ninh.
Hành động chống lại lực lượng an ninh ở thành phố Scuffles xảy ra sau khi một người biểu tình ở thủ đô Tripoli bị cảnh sát bắn chết.