Quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm thứ Sáu (29/5) nói rằng Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp để ngăn lực lượng ủng hộ độc lập tiến hành ly khai Đài Loan khỏi Trung Quốc, nhưng hành động phi hòa bình chống lại hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là lựa chọn cuối cùng.
Phát biểu nêu trên là của ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị ĐCSTQ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Lật Chiến Thư được coi là nhân vật có quyền lực thứ ba tại Trung Quốc sau Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Lật Chiến Thư nói Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào dùng bất kỳ cách nào để chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Cũng trong thứ Sáu (29/5), Tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu, Ủy viên Quân Ủy Trung ương đã nói Trung Quốc cần phải duy trì cả lựa chọn hòa bình và quân sự để giải quyết “vấn đề Đài Loan”.
Reuters dẫn lời ông Lý Tác Thành cho hay nếu cơ hội cho việc “tái thống nhất hòa bình” qua đi, thì quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng tất cả biện pháp để đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Ông Lý Tác Thành đưa ra tuyên bố cứng rắn nêu trên tại sự kiện kỷ niệm 15 năm Trung Quốc ban hành Luật chống ly khai, diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Luật chống ly khai cho phép chính quyền Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan nếu Bắc Kinh đánh giá hòn đảo này đã trở thành quốc gia độc lập.
Cũng trong sự kiện kỷ niệm 15 năm ban hành Luật chống ly khai, lãnh đạo Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi) cho biết Trung Quốc vẫn muốn “tái thống nhất hòa bình” Đài Loan.
Ông Lưu Kết Nhất nói rằng “một quốc gia, hai chế độ” và “tái thống nhất hòa bình” là cách tốt nhất để gắn kết Trung Quốc và Đài Loan với nhau.
Ông Lưu cũng nhấn mạnh thêm rằng những nỗ lực của lực lượng bên ngoài nhằm can thiệp vào “tái thống nhất” Đài Loan sẽ thất bại.
Trước đó, trong báo cáo trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội Trung Quốc khóa 13 hôm 22/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hoạt động ly khai, tìm kiếm độc lập của Đài Loan. Trong phát biểu này của ông Lý Khắc Cường, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, quan chức cấp cao ĐCSTQ đã bỏ từ “hòa bình” khi nói về “tái thống nhất” Đài Loan.
Xuân Thành (Theo Reuters)
Tập Cận Bình lo phe thân Bắc Kinh “đại bại” trong bầu cử tháng 9
Theo tờ Le Figaro của Pháp, việc Bắc Kinh phải phải trực tiếp ra luật về an ninh Hồng Kông cho thấy “sự thất vọng của chế độ Tập Cận Bình trước cuộc kháng cự ngoan cường của dân chúng Hồng Kông chống lại các can thiệp ngày càng mạnh từ phía nhà lãnh đạo độc đoán nhất trong lịch sử Trung Quốc, kể từ Mao Trạch Đông”.
Nhà Trung Quốc học Peter Hay, đại học Manchester, nhận xét: “Bắc Kinh lo ngại diễn biến tại Hồng Kông hiện nay khiến tình hình xấu hơn hẳn so với một năm về trước. Cuộc kháng cự của phong trào dân chủ tại Hồng Kông khiến kế hoạch phục hưng dân tộc chủ nghĩa của Tập Cận Bình lâm vào thế khó”. Bắc Kinh cũng không còn kiên nhẫn trước việc chính quyền đặc khu không đủ sức áp đặt các đòi hỏi của trung ương, về một luật an ninh quốc gia, từng được đưa ra vào năm 2003. Chính quyền đặc khu phải rút lại do bị chống cự dữ dội. Nhà Trung Quốc học nhấn mạnh là phong trào đòi độc lập cho Hồng Kông khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc « mất đi uy tín trong con mắt của đông đảo người dân Trung Quốc, vốn có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa sâu đậm ».
Nhà Hán học Pháp Jean-Pierre Cabestan, giảng dạy tại Đại học Báp-tít Hồng Kông, cũng cho biết là việc luật mới dự kiến áp dụng vào thời điểm tháng 9, tức trước cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông, có thể coi là một can thiệp « đúng lúc », nhằm giúp Bắc Kinh loại bỏ một số nhân vật “cứng đầu” trong số các ứng cử viên vào Nghị Viện, giảm bớt “nguy cơ đại bại mới của các đảng phái thân Bắc Kinh tại Hồng Kông”, như từng diễn ra trong cuộc bầu cử cấp địa phương hồi năm ngoái.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc khi các nhà đầu tư chờ đợi phản ứng của chính quyền Trump về Hồng Kông
Thị trường chứng khoán toàn cầu rớt thảm, trái phiếu và đồng yên Nhật là những tài sản trú ẩn an toàn đã đạt đỉnh vào ngày 29/5, khi các nhà đầu tư chờ đợi phản ứng của Washington dành cho Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát Hồng Kông.
Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 đã thúc đẩy luật an ninh quốc gia áp cho thành phố đặc khu, khiến dấy lên những lo ngại về tương lai của các quyền tự do cũng như chức năng của Hồng Kông là một trung tâm tài chính.
Mỹ truy tố 30 cá nhân Triều Tiên và Trung Quốc rửa tiền tài trợ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố hơn 30 cá nhân người Triều Tiên và Trung Quốc về tội rửa tiền với ít nhất 2,5 tỷ USD để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, tờ Yonhap dẫn một bản cáo trạng cho biết hôm 28/5. Thời báo New York cho hay, các bị cáo, 28 người Triều Tiên và 5 người Trung Quốc, bị cáo buộc sử dụng một mạng lưới với hơn 200 công ty vỏ bọc để rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế.
Ông Trump được tín nhiệm hơn ông Biden về quản trị nền kinh tế Mỹ
Reuters cho hay, theo các cuộc thăm dò, Tổng thống Donald Trump được tin tưởng hơn ứng viên Dân chủ Joe Biden về xử lý nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi nhiều người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tăng trưởng bị đình trệ do đại dịch virus corona.
“Tiếp theo Hồng Kông sẽ là Đài Loan và Biển Đông!”
Về Đài Loan, Le Monde chú ý đến việc bài diễn văn của thủ tướng Trung Quốc tại Quốc Hội không còn nói đến việc thống nhất « hoà bình » với Đài Loan như thông lệ. Tình hình hai bờ eo biển tăng thêm một nấc, với việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm 27/05, tức một hôm trước khi Quốc Hội Trung Quốc ra luật về Hồng Kông, đã yêu cầu chính phủ có kế hoạch tiếp đón người Hồng Kông tị nạn sang Đài Loan do bị đàn áp tại đặc khu.
Vẫn về căng thẳng Hồng Kông, Le Figaro có bài phỏng vấn ông Steven Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Mỹ. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề « Trung Quốc sẽ là chủ đề chính của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ », một chính trị gia cực hữu có nhiều ảnh hưởng đã so sánh Hồng Kông hiện nay với nước Tiệp Khắc và nước Áo vào thời điểm Thế chiến Hai bùng nổ. Chính trị gia Mỹ kêu gọi người Pháp nhớ lại những cái giá phải trả cho việc các nước Tây Âu nhắm mắt làm ngơ trước việc phát xít Đức xâm chiếm hai quốc gia nói trên.
Theo ông Steven Bannon, « nếu phương Tây làm ngơ trước việc đảng Cộng Sản Trung Quốc từ bỏ các cam kết duy trì một Hồng Kông tự do và dân chủ, thì không có gì có thể dừng chân họ lại. Tiếp theo Hồng Kông sẽ là Đài Loan, và chúng ta chắc chắn sẽ bị cuốn vào cuộc chiến tranh thực sự để bảo vệ Biển Đông”.
Hồng Kông vẫn đang là một “trung tâm tài chính – thương mại quốc tế”
Tờ Libération của Pháp trong bài “Hồng Kông: Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt thương mại Trung Quốc”. Theo Libération, nếu như Hồng Kông không còn đặc biệt quan trọng với Bắc Kinh, về phương diện xuất khẩu hàng Trung Quốc (tỉ lệ xuất qua Hồng Kông chỉ còn 12% hiện nay, so với 45% vào năm 1992), thì vị thế trung tâm thương mại và tài chính quốc tế của đặc khu vẫn là điều khiến các ông chủ Trung Nam Hải phải cân nhắc kỹ.
Nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài sử dụng Hồng Kông làm trụ sở khu vực có thể rời bỏ đặc khu, nếu tình hình trở nên tồi tệ. Đa số vốn nước ngoài vào Trung Quốc vẫn qua ngả Hồng Kông, và phần lớn các tập đoàn kinh tế Nhà nước Trung Quốc lớn, như Bank of China, hay tư nhân như Tencent, cũng coi Hồng Kông là một điểm tựa để vươn ra quốc tế.
SoftBank rót vốn 500 triệu USD cho Didi
Theo Reuters, Didi Chuxing có trụ sở ở Trung Quốc, cho biết vào hôm 29/5, họ đã hoàn thành vòng gọi vốn hơn 500 triệu USD cho công ty con xe tự lái, dẫn đầu là quỹ Vision Fund 2 của SoftBank Group.
Người khổng lồ dịch vụ vận chuyển bằng taxi thông thường và xe hơi (ridehailing) cho biết trong một tuyên bố, vòng gây quỹ đã đánh dấu lần đầu tiên doanh nghiệp xe tự lái Didi đã mang lại nguồn vốn từ bên ngoài trở về khi nó trở thành một đơn vị độc lập vào năm ngoái và cũng là vòng gây quỹ lớn nhất trong lĩnh vực xe tự lái ở Trung Quốc.
Kế hoạch chấn hưng: “Cơ hội lịch sử” giúp Liên Âu thắt chặt đoàn kết
Kế hoạch chấn hưng châu Âu được công bố hôm 27/05 là chủ đề chính của Le Monde ra chiều qua, với hàng tựa trang nhất: “Kế hoạch chấn hưng chưa từng có với châu Âu”. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu cho biết quy mô của kế hoạch lịch sử 750 tỉ euro và quan điểm của châu Âu về ý nghĩa của kế hoạch. Hai quốc gia hàng đầu được hưởng khoản tín dụng này là Ý và Tây Ban Nha, các nước thiệt hại nhất trong đại dịch. Tuy nhiên, để trở thành hiện thực, kế hoạch còn phải qua giai đoạn thương lượng với 27 quốc gia, hứa hẹn sẽ rất khó khăn, đặc biệt với bốn nước Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển, được coi là nhóm nước có lối sống “tằn tiện” nhất của khối.
Tờ Le Monde có bài xã luận “Kế hoạch chấn hưng của Ủy Ban: một cơ hội lịch sử cho châu Âu”. Vì sao lại là một cơ hội lịch sử?
Lời dẫn nhập bài xã luận mang lại giải thích: “Châu Âu – như Jean Monnet từng nói – được tạo thành qua các khủng hoảng, và châu Âu sẽ là tổng hợp của các giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng. Hôm thứ Tư 27/05, Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra một khẳng định tuyệt vời đối với lời tiên đoán của nhà sáng lập ra Liên Hiệp, khi đề xuất một kế hoạch chấn hưng táo bạo 750 tỉ euro, nhằm giúp các quốc gia thành viên của Lục địa già, bị đại dịch Covid-19 làm điêu đứng, có thể hồi phục”. Chính trị gia Pháp Jean Monnet (1888 – 1979) được coi là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Thị trường chung châu Âu (theo Hiệp ước Roma năm 1957), tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu.
Le Monde nhấn mạnh là kế hoạch nói trên quan trọng trước hết về phương thức thực thi và ý nghĩa về mặt định chế, nhiều hơn là bởi quy mô tính bằng tiền. Khoản tài trợ 500 tỉ euro cho những nước khó khăn nhất chính là biểu hiện cho « một sự đoàn kết về ngân sách thực sự trong nội bộ Liên Âu ». Đây là điều mà các quốc gia giầu nhất trong Liên Hiệp đã chống lại hồi 10 năm trước, trong cuộc khủng hoảng đồng euro. Kế hoạch này cũng cho phép Ủy Ban có thẩm quyền vay tiền trên các thị trường tài chính và thiết lập các nguồn lực tài chính riêng. Điều này rất giống với các hoạt động của một cơ quan tài chính chung của khối. Nếu “những cải cách mang tính chiều sâu này » được 27 nước thông qua, đây sẽ là « một bước nhảy vọt lịch sử trong tiến trình hội nhập của toàn châu lục”.
Le Monde tỏ ra lạc quan, khi cho rằng nhận thức của giới lãnh đạo châu Âu hiện nay đã thay đổi nhiều, sau đại dịch Covid-19 kinh hoàng. Các lãnh đạo châu Âu hiểu: nếu không can thiệp kịp thời, nhiều trụ cột của khối bị đe dọa trực tiếp, như thị trường chung, không gian tự do đi lại Schengen. Việc các nước phía nam, bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất, tụt lại do đuối sức, có thể “khiến vùng euro tan vỡ”.
“Cuộc cách mạng nhỏ” của châu Âu: lập trường của Pháp thành chủ đạo
Xã luận Le Monde nhấn mạnh đến vai trò của cặp Pháp – Đức, tổng thống Macron và thủ tướng Merkel. Trước hết là tổng thống Pháp, ngay từ cuối tháng 3, đã thúc đẩy nỗ lực chung của Liên Âu. Cặp Pháp – Đức đã tạo ra “một bước ngoặt thực sự về chiến lược”, “vượt qua húy kị chia sẻ gánh nặng nợ nần”. Thỏa thuận Pháp – Đức chính là “bàn đạp” cho phép Ủy Ban Châu Âu di đến được kế hoạch cải cách đầy tham vọng này.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa trang nhất để nói về « kế hoạch chấn hưng lớn » của Ủy Ban Châu Âu. Bài « Kế hoạch chấn hưng châu Âu: lựa chọn mạnh mẽ và mang tính chính trị rõ ràng của von der Leyen » của Les Echos thừa nhận, nếu được phê chuẩn, đây là « một cuộc cách mạng nhỏ ». Vì sao là « Cách mạng »? Đó là do Ủy Ban được phép trực tiếp tài trợ cho các quốc gia thành viên. Les Echos cũng ghi nhận việc chủ tịch Ủy Ban đã nghiêng hẳn về sáng kiến Pháp – Đức, nhấn mạnh đến mặt tài trợ, hơn là mặt cho vay (500 tỉ euro tài trợ, 250 tỉ cho vay).
Đây là “một sự lựa chọn rõ ràng mang tính chính trị”, làm gia tăng áp lực lên 4 quốc gia Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thuỵ Điển, vốn rất lưỡng lự về cơ chế tài trợ. Duy nhất có một nhân nhượng với các nước Bắc Âu. Đó là một phần tín dụng sẽ chỉ được chấp nhận, nếu các quốc gia nhận tiền đáp ứng được một số yêu cầu của các đối tác châu Âu khác. Tuy nhiên, Bruxelles cũng trấn an các nước Nam Âu là việc cấp tiền sẽ không đi kèm với “các đòi hỏi cải cách khắc nghiệt”, như điều từng diễn ra.
Tương tự như Le Monde, Les Echos ghi nhận trong kế hoạch chấn hưng của Ủy Ban, một sự thay đổi rất căn bản về đường lối của Liên Hiệp. Với kế hoạch này, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu đã « đưa lập trường, về cơ bản do Pháp chủ trương, vào dự án xây dựng Liên Âu ». Theo đó, Ủy Ban Châu Âu tham gia hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Bruxelles, thông qua Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu, có trách nhiệm khuyến khích các quỹ đầu tư tham gia vào “các doanh nghiệp được coi là chiến lược” của khối. Ủy Ban Châu Âu cũng hướng tới tạo lập một nền y tế chung của châu Âu.
Tóm lại, “triết lý chung” được thể hiện qua kế hoạch chấn hưng của lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, là : các quốc gia thành viên chỉ có một lựa chọn. Tất cả phải siết chặt đoàn kết, hướng về phía trước, thay vì mỗi người vì mình. Mỗi nước vì mình thì chỉ dẫn đến hệ quả Liên Âu phân thành hai, nhóm các đại gia và nhóm nước nghèo.
Đài ruyền hình Trung Quốc có thể bị thu hồi giấy phép phát sóng tại Anh
Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN), mạng lưới truyền hình thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với việc bị phạt tiền hoặc có thể bị thu hồi giấy phép phát sóng ở Vương quốc Anh khi luôn “cố ý” mô tả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là biểu tình bạo lực.
Theo tờ Breitbart hôm 28/5, Ofcom, cơ quan quản lý về phát thanh truyền hình và viễn thông của Anh phán quyết rằng, CGTN, một chi nhánh của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã vi phạm các quy tắc “vô tư” trong việc đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Hãng này chỉ cung cấp “quan điểm của Trung Quốc” khi nói về Hồng Kông.
Theo Ofcom, CGTN thường tập trung đưa tin về người biểu tình Hồng Kông dùng bạo lực chống lại cảnh sát, “và đã gây ấn tượng rằng những người biểu tình ở Hồng Kông nên chịu trách nhiệm về bạo lực và gây rối”, trong khi không hề đưa tin về các cuộc tấn công của cảnh sát Hồng Kông đối với người dân.
Tờ The Times cho biết, theo phán quyết, CGTN phải đối mặt với các khoản tiền phạt cũng như có thể bị thu hồi giấy phép phát sóng ở Anh, như đã xảy ra vào năm 2012 với Press TV, mạng tin tức thuộc sở hữu của chính phủ Iran.
Nói với tờ Breitbart, người sáng lập và chủ tịch của Hong Kong Watch, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh, ông Benedict Rogers cho biết: “Tôi hoan nghênh quyết định của Ofcom về việc quy định rằng, CGTN đã không thể hiện sự vô tư trong khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông”.
Trước đó, vào tháng 3, chính quyền của Tổng thống Trump đã liệt CGTN cùng với bốn cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc – Tân Hoa Xã, China Daily, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc và Hai Tian Development USA vào dạng “các cơ quan ngoại giao”, đồng thời cắt giảm số lượng nhân viên người Trung Quốc của các hãng truyền thông này tại Mỹ.
“Những kẻ này trên thực tế là cánh tay của bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc)”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Liên Âu tìm nguồn thu mới: Ưu tiên thuế carbon
Trong một bài viết khác trên Le Monde, với tiêu đề “Đại dịch do virus corona đe dọa gây ra tan vỡ kinh tế nghiêm trọng tại châu Âu”, làm nổi rõ tình hình nguy cấp của châu lục, với đại dịch Covid-19, xảy ra vào thời điểm Liên Hiệp liên tục trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng (khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng Brexit), mà nhiều khủng hoảng còn chưa kết thúc. Các nước bị đại dịch nặng nhất cũng là những nước nợ nần nặng nề nhất và ít có phương tiện để đủ đầu tư cho việc chấn hưng kinh tế. Nhìn vào các trợ cấp của mỗi quốc gia với nền kinh tế nước mình, kể từ đầu mùa dịch đến nay, có thể thấy sơ bộ tình hình này. Nếu như Đức đầu tư đến hơn 996 tỉ euro, tương đương 29% GDP, Pháp 324 tỉ (13,4% GDB), thì Tây Ban Nha chỉ đầu tư cho chấn hưng tương đương 2,2% GDP. Một nỗ lực đoàn kết chung của khối về tài chính là điều cần thiết.
Để có nguồn lực tài chính cho chấn hưng kinh tế khổng lồ, Ủy Ban Châu Âu tìm các nguồn thu mới. Theo Les Echos, các chi tiết sẽ được công bố trong những tháng tới, nhưng các đường nét chính đã được Ủy Ban Châu Âu tái khẳng định trong kế hoạch chấn hưng hôm 27/05. Các nguồn thu hàng đầu sẽ liên quan trực tiếp đến Thỏa ước hướng sang nền kinh tế Xanh (Green Deal). Sẽ có một sắc thuế carbon ở biên giới của Liên Hiệp, một loại thuế dành cho bao bì nylon sử dụng một lần. Hướng ưu tiên thứ hai là các tập đoàn công nghệ số, thông qua loại thuế đánh vào các đại tập đoàn GAFA, hiện đang được thảo luận tại tổ chức các nền kinh tế phát triển OCDE. Vấn đề đánh thuế các giao dịch tài chính cũng được nêu ra, tuy chưa đi vào cụ thể. Theo các tài liệu của Bruxelles, cơ chế đánh thuế các-bon và thuế mới cho các doanh nghiệp lớn sẽ mang lại khoảng 10 tỉ euro/năm.
Pháp: Hân hoan chuẩn bị giai đoạn 2 ra khỏi phong tỏa
Nước Pháp vui mừng, nhưng thận trọng sau thông báo của thủ tướng, chuẩn bị cho giai đoạn hai ra khỏi phong tỏa, là không khí phổ biến trên nhiều báo Pháp. Nhật báo Le Figaro chạy tựa: “Đại dịch lui bước, tự do trở lại », trên nền hình ảnh nhiều người tập thể thao dưới vòm cây xanh mướt. Tựa trang nhất của La Croix: “Làn gió lạc quan” với hình ảnh một con đường ven sông, nhiều người phơi nắng.
Le Figaro, trong bài “Nước Pháp đã gần như ra khỏi phong tỏa” đăng hình tấm bản đồ nước Pháp gần như toàn bộ màu xanh, tín hiệu cho biết cuộc sống đã trở lại bình thường, ngoại trừ vùng thủ đô và hai vùng ở hải ngoại. Trong thông báo hôm qua, thủ tướng Edouard Philippe cho biết, từ giờ trở đi “Tự do trở thành quy tắc, các quy định cấm chỉ còn là ngoại lệ”.
Xã luận Le Figaro mô tả không khí phấn chấn khắp nơi tại Pháp, cứ như thể nước Pháp vừa giành được chức Vô địch bóng đá thế giới. Nhưng theo Le Figaro, trận đấu còn xa mới kết thúc. Cái khó khăn nhất vẫn còn ở phía trước. “Hiệp một” của cuộc khủng hoảng y tế này tạm qua, nhưng còn “hiệp hai, khủng hoảng về kinh tế, liệu chúng ta có vượt được không?”. Le Figaro nhấn mạnh là tưởng tượng về một tương lai xa xôi là điều dễ dàng, nhưng cái khó nhất hiện nay là các vấn đề hiện tại: “thất nghiệp chưa từng có, nợ nần chưa từng có và tương lai của doanh nghiệp chưa bao giờ tăm tối như hiện nay”. Nhật báo đặt niềm tin chính phủ nhanh chóng tìm ra giải pháp.
Về phần mình, nhật báo Công giáo, trong bài xã luận hôm nay, thì nhấn mạnh đến các khó khăn chồng chất, khi khủng hoảng y tế chưa phải đã qua. Tình hình y tế tiến triển khả quan cho phép chính phủ ra quyết định chuyển sang giai đoạn hai giải phong tỏa, nhưng việc trở lại cuộc sống bình thường đòi hỏi thận trọng. Bên cạnh đó là nhiều rào cản về mặt tâm lý, sau một giai đoạn phong toả kéo dài, cũng như các điều kiện cụ thể, như trường học nhiều nơi vẫn chưa được mở cửa trở lại, gây khó khăn cho việc cha mẹ học sinh trở lại với công việc bình thường.