Washington đang xem xét việc chào đón người dân Hồng Kông đến Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Hai. Reuters cho rằng đây được xem như một động thái đáp trả của Mỹ đối với việc Bắc Kinh cho thông qua luật an ninh đối với Hồng Kông.
Khi được hỏi liệu Washington có đang cân nhắc việc chào đón người dân Hồng Kông đến Mỹ hay không, ông Pompeo trả lời: “Chúng tôi đang cân nhắc việc này. Tôi chưa biết chính xác điều này sẽ diễn ra như thế nào. Như mọi người biết, Người Anh có một mối quan hệ khác [với người Hồng Kông]. Rất nhiều người trong số này có hộ chiếu Anh. Có một lịch sử lâu dài giữa Hồng Kông và Vương quốc Anh; rất khác nhau. Nhưng chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này”.
Hôm 31/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết nước này sẽ giữ vững trách nhiệm đối với Hồng Kông, cho phép những người giữ hộ chiếu BNO (hộ chiếu hải ngoại Anh) quyền đến Vương quốc Anh nếu Bắc Kinh quyết áp luật an ninh quốc gia với đặc khu.
Nhiều nhà bình luận tin rằng sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh sẽ có một làn sóng người Hồng Kông ra nước ngoài định cư để tìm môi trường sống tự do hơn.
WHO khen Mỹ ‘hào phóng’
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Hai, đã ca ngợi sự đóng góp “to lớn” và “hào phóng” của Hoa Kỳ đối với các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
“Sự đóng góp và sự hào phóng của Hoa Kỳ đối với sức khỏe toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua là vô cùng to lớn và nó đã tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới”, ông Tedros nói.
Reuters bình luận, động thái trên của ông Tedros nhằm cứu vãn mối quan hệ với Mỹ sau khi chính quyền Trump tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO vì cho rằng tổ chức này yếu kém trong phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và có mối quan hệ mờ ám với Bắc Kinh.
Hàn Quốc nhận lời mời dự G7 của Mỹ
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Hai đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tại Mỹ, đồng thời tái khẳng định cam kết của Seoul đối với sứ mệnh toàn cầu trong các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, theo Yonhap.
Trong cuộc điện đàm 15 phút giữa hai nguyên thủ Mỹ – Hàn, ông Trump nói rằng hệ thống đã lỗi thời của G7 không còn phù hợp với tình hình an ninh quốc tế hiện tại. Tổng thống Mỹ cho hay đang tìm cách mở rộng diễn đàn G7 lên G11 hoặc G12, người phát ngôn Nhà Xanh Kang Min-seok nói.
Trước đó, vào hôm 30/5, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông muốn mời Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và Nga tới phiên họp G7 năm nay. Theo người phát ngôn Nhà Xanh, Tổng thống Trump và Moon cũng đề cập tới Brazil. Ông Moon cho rằng Brazil nên được mời tham dự cuộc họp của G7 vì quy mô dân số, năng lực kinh tế và tính đại diện cho khu vực của quốc gia này.
Mỹ lên án Trung Quốc bắt nạt Ấn Độ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên án Trung Quốc lợi dụng tình huống chiến thuật trên mặt đất để tạo lợi thế và đe dọa các nước láng giềng như Ấn Độ và các nước xung quanh.
Xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News tối thứ Hai (1/6), ông Pompeo đã thảo luận về hành vi hung hăng của Trung Quốc tại biên giới giữa nước này với Ấn Độ cũng như ở Biển Đông. Ông khẳng định, mối đe dọa từ Trung Quốc là rất thực tại, theo livemint.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nỗ lực làm điều này trong một khoảng thời gian rất dài. Họ chắc chắn sẽ lợi dụng một tình huống chiến thuật trên mặt đất để tạo lợi thế cho bản thân. Với mỗi vấn đề mà bạn có thể xác định với Trung Quốc, có những vấn đề và mối đe dọa đã được họ tạo ra trong một khoảng thời gian rất dài”, ông nói.
Vấn đề xung đột biên giới Ấn-Trung là một ví dụ điển hình cho điều này, ông Pompeo cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một động thái bất ngờ vào tuần trước đã đề nghị được làm trung gian hòa giải giữa hai quốc gia, nhưng hai nước đã từ chối đề nghị này.
Ông Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, hôm thứ Hai (1/6) cũng đưa ramột bản tuyên bố bày tỏ lo ngại về “cuộc xâm lược của Trung Quốc” với Ấn Độ, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh hành xử theo quy tắc.
“Tôi vô cùng quan ngại về cuộc xâm lược của Trung Quốc đang diễn ra dọc theo Đường kiểm soát thực tế ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Một lần nữa Trung Quốc lại thể hiện rằng họ sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng thay vì giải quyết xung đột theo luật pháp quốc tế”, trích bản tuyên bố của ông Engel đăng trên website của Ủy ban Đối ngoại.
Trang NDTV trích dẫn thông tin từ các quan chức Ấn Độ cho biết quân đội nước này đang đứng mặt đối mặt với các binh lính Trung Quốc ở Ladakh kể từ đầu tháng 5, sau khi quân đội Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.
Newsweek cho biết đã có thông tin về các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai nước vào tháng 5, ít nhất tại bốn địa điểm: Pangong, Galwan, Demchok và Daulat Beg Oldie. Theo Reuters, báo Hindustan Times trích dẫn nguồn tin nội bộ cho biết 4 binh sỹ Ấn và 7 lính Trung Quốc đã bị thương trong một cuộc đụng độ có liên quan đến 150 binh lính của cả hai bên vào hôm thứ Bảy (31/5).
Cuộc đối đầu hiện nay tại biên giới Ấn – Trung là vụ bế tắc nghiêm trọng nhất kể từ hai nước xảy ra tình trạng tương tự ở Doklam, phía đông dãy Hymalaya vào năm 2017.
Khác nhận định của bác sĩ Ý, WHO nói nCoV vẫn nguy hiểm
Hôm thứ Hai, các chuyên gia của WHO và một loạt các nhà khoa học khác đánh giá, không có bằng chứng ủng hộ khẳng định của một bác sĩ nổi tiếng người Ý rằng virus Vũ Hán gây ra đại dịch COVID-19 đã không còn nguy hiểm, theo Reuters.
Trước đó, Giáo sư Alberto Zangrillo, người đứng đầu khoa chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Italy San Sanffaffe ở Lombardy, tâm dịch của Ý, hôm Chủ nhật, nói với truyền hình nhà nước rằng virus Vũ Hán “không còn tồn tại biểu hiện lâm sàng”, nghĩa là sức tàn phá của loại virus này đã giảm.
Nhưng các nhà khoa học không đồng ý với nhận định này, cho rằng không có bằng chứng cho thấy nCoV đang có thay đổi nào đáng kể ở khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng.