Nhật tung gói cứu trợ kinh tế tới hơn 2.000 tỷ USD
Chính phủ Nhật đã tung gói kích thích kinh tế khổng lồ hơn 2.000 tỷ USD sau đại dịch Covid-19, nhưng con số này vẫn không đủ để hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng trong nền kinh tế Nhật, theo Reuters.
Nguồn ngân sách cứu trợ này đã vấp phải chỉ trích của các chủ nhà hàng vì gói giải cứu chủ yếu chỉ trợ giá cho các mặt hàng như thịt bò “wagyu”, dưa vàng Nhật Bản và quảng bá du lịch thay vì cấp tiền mặt cho các công ty theo như nhu cầu cấp bách của họ.
Sự vật lộn của nền công nghiệp nhà hàng Nhật Bản đang nêu bật một vấn đề lớn hơn trong kế hoạch hồi phục của xứ sở hoa anh đào, vì ở mức 2.2 nghìn tỷ USD là quy mô của cả nền kinh tế nước Ý – nhưng con số này vẫn không đủ để hỗ trợ cho một phân khúc quan trọng của Nhật – nơi mà các doanh nghiệp nhỏ sử dụng tới 70% nguồn lao động của quốc gia. Điều này đặt ra một rủi ro cho công cuộc phục hồi của quốc gia Đông Á kể từ cuộc suy thoái thời hậu chiến cho tới bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 hiện nay mà họ đang phải đối mặt.
Ngành công nghiệp nhà hàng trị giá 232 tỷ USD mang tính quyết định trong thúc đẩy tăng trưởng ở Nhật Bản, cùng với dịch vụ cho thuê chỗ ở, nó đã tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm mới mỗi năm, chiếm khoảng 17% tổng số việc làm mới. Hơn 190 doanh nghiệp nhỏ trong đó có 30 nhà điều hành nhà hàng Nhật Bản đã phá sản trong cuộc khủng hoảng sức khỏe Covid-19.
Tuy nhiên, phản ứng chậm của chính phủ trong việc đẩy gói cứu trợ hàng tỷ đô la khỏi bị mắc kẹt trên giấy tờ đang đe dọa số phận của nhiều công ty đang cần tiền mặt khẩn cấp để trả tiền lương và tiền thuê nhà.
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản đã nhanh chóng thúc đẩy các kế hoạch chi gần 16 tỷ USD cho chiến dịch quảng bá trên mạng để thúc đẩy du lịch; và 1,3 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp nông sản và đánh bắt thủy hải sản tầm cỡ quảng bá các thực phẩm đắt tiền như xoài, cá ngừ và cá cam Hamachi (còn được biết là cá yellowtail). Thêm 90 triệu USD cũng được dành cho quảng bá các chuyến bay quốc tế khi phần lớn các máy bay đều đang nhàn rỗi.
Một số chủ sở hữu nhà hàng phàn nàn rằng khoản trợ cấp lên tới 55.000 USD cho mỗi công ty để trả tiền thuê nhà là không đủ, và chính phủ có thể đủ khả năng làm nhiều hơn nữa để giúp duy trì các doanh nghiệp và giải phóng dòng tiền. Năm ngoái, giá thuê mặt bằng của tất cả nhà hàng ở Nhật Bản tổng cộng 13 tỷ USD, ít hơn 16 tỷ USD dành cho quảng bá du lịch năm nay.
Danh sách trợ giá của chính phủ Nhật bao gồm các mặt hàng như thăn bò Kobe chất lượng hảo hạng với giá khoảng 37.20 USD/100g, và dưa Yubari thượng hạng được bán với giá hơn 90 USD cho mỗi quả nặng 1,6 kg.
Chính phủ Nhật trợ giá cho một nửa chi phí mua sắm thương mại điện tử, dịch vụ mang đi và cung cấp các bữa ăn học đường. Ví dụ, các thương nhân được nhận tới 9.31 USD cho 100g bò “wagyu” và lên tới 22.34 USD cho mỗi kg dưa.
Biểu tình chống kỳ thị màu da lan rộng
Với tựa “Bạo lực cảnh sát: sóng chấn động từ Mỹ lan đến Pháp”, tờ Le Monde của Pháp so sánh những cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ đòi công lý cho George Floyd với cuộc xuống đường tại Paris chiều thứ Ba 02/06/2020 đòi truy tố những hiến binh Pháp bị cáo buộc gây tử vong cho một thanh niên da đen, Adama Traoré, vào tháng 07/2016.
Cội nguồn phải chăng là do kỳ thị người da đen? Le Monde không đưa độc giả vào tranh cãi. Trái lại, nhật báo độc lập nhấn mạnh đến nỗ lực của một phong trào công dân tại Pháp từ 4 năm nay, nỗ lực bài trừ tệ nạn kỳ thị người da đen trong một bộ phận cảnh sát viên da trắng và những khác biệt giữa hai hồ sơ.
Tại Mỹ, George Floyd được giảo nghiệm xác nhận đã chết do hành động bóp cổ của một trong bốn nghi can. Tại Pháp, ba kết quả giảo nghiệm pháp y không quy kết trách nhiệm cho nhóm hiến binh câu lưu Adama Traoré. Thế nhưng, điều tương phản nhất là tại Mỹ, tổng thống Donald Trump đe dọa sử dụng quân đội chống biểu tình và bị chỉ trích. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis lên án chủ nhân Nhà Trắng chia rẽ dân chúng. Bộ trưởng đương nhiệm Mark Esper cũng không đồng ý sử dụng quân đội, còn cựu tổng thống Barack Obama khen ngợi vai trò tranh đấu của người dân đa đen “làm thức tỉnh” đất nước, là những phản ứng được Le Monde bình luận rộng rãi.
Le Figaro bổ sung: Cho dù phản ứng của quân đội Mỹ được thể hiện qua các sĩ quan hồi hưu nhưng thái độ bất bình này là yếu tố bất lợi và bất ngờ đối với Donald Trump. Ngay những sĩ quan cao cấp trung thành nhất với chính phủ cũng không sẵn sàng tuân lệnh Lầu Năm Góc một cách mù quáng, bộ trưởng Mark Esper báo trước. Libération, thiên tả, chạy tựa theo hướng nhân quả: Vụ George Floyd, Donald Trump gặt cơn bão lớn.
Trong khi đó, tại Pháp, chính quyền Macron “giữ thái độ khiêm tốn, tránh thêm dầu vào lửa”. Le Monde nhấn mạnh phản ứng của bộ trưởng Nội Vụ Pháp, cam kết “sẽ nghiêm trị” mọi hành động bạo lực hay phát biểu mang tính kỳ thị sắc tộc trong lực lượng cảnh sát. Nhưng nổi bật hơn hết là thái độ dè dặt của đảng Xã Hội đối lập. Vụ Adama Traoré xảy ra vào thời lãnh tụ đảng Xã Hội François Hollande ngồi ở Điện Elysée. Tổng thư ký Olivier Faure lý giải là không để “trôi dạt” vào xu hướng ngầm chụp mũ cảnh sát là lực lượng kỳ thị.
Đài Bắc quật mồ chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch để cảnh tỉnh Bắc Kinh
Le Monde bắt đầu bài tường thuật “đào xới tội ác chế độ độc tài” với một trường hợp tiêu biểu cụ thể : Fred Chin, 71 tuổi, bị kết án 12 năm tù với tội danh khủng bố vào năm 1971. Đến tháng 7 năm 2019, nạn nhân bị án oan thời Quốc Dân Đảng độc tôn cầm quyền được tổng thống Thái Anh Văn của đảng Dân Chủ Tiến Bộ chính thức giải oan. Trong buổi lễ, trước hàng ngàn cựu tù nhân, vị tổng thống thứ hai của đảng Dân Tiến đứng lên tuyên bố: Một mảnh giấy tống quý vị vào nhà tù, cũng một mảnh giấy tuyên quý vị vô tội.
Thái Anh Văn, vào năm cuối nhiệm kỳ một, đã thề là “tận lực” thi hành “công lý chuyển tiếp” trong nhiệm kỳ hai theo nghĩa thanh toán nợ nần tội ác của chế độ Tưởng Giới Thạch đối với dân Đài Loan. Mục tiêu đi tới không phải chỉ để tưởng nhớ nạn nhân của chính sách “khủng bố trắng” (để phân biệt với Cộng Sản khủng bố đỏ) mà còn để chứng minh Đài Loan là chế độ dân chủ.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngăn cấm triệt để mọi sinh hoạt tưởng niệm biến cố thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06/1989, Đài Bắc thách thức Bắc Kinh “xét lại sự kiện 04/06 và xin lỗi nhân dân một cách chân thành”. Tại Đài Loan, cuộc điều tra về tội ác của chế độ độc tài bắt đầu từ năm 2018, giải mật 70.000 hồ sơ, truy tìm tài sản kếch sù do Quốc Dân Đảng thu tóm bất chính, trao trả, bồi thường cho nạn nhân.
Theo chuyên gia Mỹ Thomas Shattuck, để giúp cho người dân Đài Loan có thể biết rõ sự thật như trường hợp Chilê và Nam Phi từ khi được dân chủ hóa, Đài Loan cần một đạo luật cho phép truy lý lịch của những nhân vật đang nắm các chức vụ trọng yếu “có dây mơ rễ má” với chế độ độc tài cũ. Biện pháp này sẽ gây nhiều đau đớn cho xã hội.
Tuy nhiên, mục đích của chính sách truy tìm sự thật lịch sử không phải để trả thù những kẻ gây tội ác. Fred Chin, sinh viên 17 tuổi, bị vu khống là đảng viên Cộng Sản trà trộn, xác định ông chỉ muốn “những kẻ hãm hại ông phải nói rõ chuyện gì đã buộc họ làm như vậy, và chỉ cần một lời xin lỗi mà thôi”. Tiếc thay, trong hồ sơ của Fred Chin chỉ ghi lại phần “thủ tục pháp lý” sau khi nạn nhân bị ép cung, mà không ghi phần cốt lõi: tên tuổi những kẻ tra tấn và đồng loã.
Nói đến Hồng Kông trong gọng kềm Trung Quốc, La Croix tóm gọn trong tựa ngắn: Tuần trăng mật Bắc Kinh-Luân Đôn tan vỡ. Tan rồi những hy vọng khi quyết định trao trả nhượng địa. Với bài phân tích dài “Hồng Kông những ngày u ám”, Le Monde bi quan “năm 2047 sẽ là dấu mốc mọi ảo vọng của Tây phương. Trung Quốc phồn vinh không đồng hành với một Hồng Kông dân chủ, tự do. Tập Cận Bình không thể dung tha cho mô hình kinh tế giàu mạnh đi đôi với tự do dân chủ là Hồng Kông và Đài Loan nằm sát nách Hoa lục. Tư tưởng Tập Cận Bình là “kinh tế, công nghiệp phát triển trong chế độ độc tài, không cần tự do dân chủ”.
Tuyên truyền Trung Quốc khai thác tận lực phong trào biểu tình bạo động tại Mỹ
Le Figaro cho biết, để biện minh cho chính sách đàn áp tại Hồng Kông, báo chí và bình luận gia Trung Quốc không ngần ngại khẳng định “cảnh sát Hồng Kông văn minh hơn cảnh sát Mỹ”. Trong bối cảnh Mỹ-Trung đọ sức từ thương mại cho đến đại dịch Covid-19, hình ảnh biểu tình bạo loạn tại Mỹ được truyền thông Nhà nước Trung Quốc khai thác triệt để.
Điều trớ trêu là giới nhà báo răm rắp tuân lệnh chế độ lại “lên lớp” Tây phương về tự do báo chí và thản nhiên khai thác thông tin trên Twitter bị tường lửa tại Hoa lục. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên lại có cơ hội bênh vực người da đen trong xã hội Mỹ bị kỳ thị màu da. Nhật báo thiên hữu của Pháp mỉa mai: ông Triệu không nhớ là hồi tháng Tư vừa qua, một loạt quốc gia châu Phi đồng phản đối Trung Quốc phân biệt đối xử với cộng đồng người châu Phi tại Quảng Đông, tập trung trong khu phố được đặt tên là “phố chocolat”.
Xin tạm đóng lại hồ sơ kỳ thị màu da với La Croix. Nhật báo Công giáo đặt câu hỏi với lãnh đạo một công đoàn cảnh sát Pháp và một giáo sư xã hội học. Hai nhân vật này gần như đồng quan điểm: Phải nắm rõ quy mô của vấn đề, không bao che, phải nhanh chóng điểu tra và nhanh chóng thi hành lệnh trừng phạt thủ phạm.
Trở lại thời sự Pháp, Liberation lo ngại: Tương lai nào cho 700.000 sinh viên sắp tốt nghiệp ? Đó là kế hoạch lớn mà tổng thống Macron sẽ thông báo vào tháng 7, dành cho thế hệ 24, 25 tuổi mới ra trường. Le Figaro nhấn mạnh ba lần “việc làm, việc làm, việc làm” trong bài xã luận. Les Echos tiết lộ một vài biện pháp: gia tăng tản quyền, chia sẻ trách nhiệm, treo tiền thưởng 8.000 euro cho công ty mỗi khi ký hợp đồng tuyển dụng một thực tập viên học nghề. Cổ vũ cho dự án này, La Croix kêu gọi nhân viên lớn tuổi, nghĩ đến lúc “bàn giao” trách nhiệm cho thế hệ trẻ.
Trong lãnh vực sinh thái và đại dịch, Libération có một bài phóng sự dài về thị trường thú hoang dã: Thịt khỉ, tê tê, heo vòi, dơi vẫn phát đạt. Tại Phi châu, nạn phá rừng càng lớn, thú rừng càng bị săn bắt. Giá một đùi hưu cao cổ không dưới 130 đôla. Không quy buộc, nhật báo thiên tả mượn lời than thở của hiệp hội “Robin des bois” (Lâm tặc nghĩa hiệp) ở Gabon để kết luận: cặp rằn Trung Quốc ăn cả vòi voi nấu ra-gu.
18 nghị sĩ các nước lập liên minh đối phó Trung Quốc
18 chính trị gia từ 9 cơ quan lập pháp hôm nay thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), theo tờ Time.
IPAC gồm 18 nhà lập pháp, trong đó có Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio và Robert Menendez. Các thành viên khác đến từ Úc, Canada, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Nghị viện châu Âu.
IPAC cho biết, liên minh có nhiệm vụ tăng cường hợp tác giữa các nhà lập pháp có cùng chí hướng để hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm sau: Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, duy trì và bảo hộ các quyền con người, thúc đẩy công bằng thương mại, phát triển các chiến lược an ninh bổ sung.
Thủ tướng Singapore nói Trung Quốc không thể thay thế Mỹ
Tờ Bloomberg đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 4/6 nói rằng sức mạnh quân sự Trung Quốc không giúp nước này thay vai trò an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Dù sở hữu sức mạnh quân sự ngày càng lớn, Trung Quốc sẽ không thể thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực”, ông Lý cho biết trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hôm 4/6.
Ông Lý cũng cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông khiến các quốc gia trong khu vực “luôn coi sự hiện diện của hải quân Trung Quốc là âm mưu thúc đẩy những tuyên bố đó”.
Tổng thống Philippines đe dọa giết tội phạm ma túy
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay lặp lại lời đe dọa sẽ giết tội phạm ma túy, sau khi cảnh sát Philippines thu giữ 756 kg ma túy đá, theo Reuters.
Lô hàng vừa bị thu giữ có giá thị trường là 5,1 tỷ peso (khoảng 102,22 triệu USD). Đây là lô hàng có giá trị lớn nhất bị thu giữ kể từ khi ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy vào năm 2016.
“Nếu các người hủy hoại đất nước của tôi bằng cách phân phối 5,1 tỷ peso shabu, tôi sẽ giết các người”, Tổng thống Duterte nói. Shabu là cách gọi ma túy tại Philippines.
Ông Duterte không đề cập chi tiết nguồn gốc lô hàng nhưng cảnh báo Philippines đang trở thành một trung tâm vận chuyển cho những băng đảng ma túy Mexico. Tổng thống Philippines cũng vội vã lăng mạ các nhóm nhân quyền vì chỉ trích chiến dịch chống ma tuý của ông.
‘Trung Quốc là mối đe dọa với thế giới’, người sống sót từ Thiên An Môn cảnh báo
Một người sống sót sau vụ Thảm sát Thiên An Môn cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc là một “mối đe dọa hiện hữu” đối với thế giới, không chỉ vì dịch bệnh Covid-19 hiện nay, mà còn những thảm họa khác rất có thể sẽ xảy ra.
Tờ Breibart đưa tin, hôm 4/6, Hiệp hội Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do (Students for a Free Tibet) đã tổ chức một sự kiện trực tuyến để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Một trong số những người tham gia sự kiện này là ông Chu Phong Tỏa (Fengsuo Zhou), một người sống sót sau vụ thảm sát và là nhà sáng lập tổ chức Nhân đạo Trung Quốc.
Ông Chu bình luận rằng việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bưng bít thông tin về dịch viêm phổi Vũ Hán đã dẫn đến thảm họa toàn cầu. “Nếu ĐCSTQ còn nắm quyền, thế giới sẽ còn phải đối mặt với những thảm họa như thế”, ông Chu cảnh báo.
“Chế độ toàn trị này, sự bành trướng ra toàn cầu và quyền lực kỹ thuật số của nó, không thể đồng thời tồn tại với các giá trị phổ quát mà chúng ta yêu mến”, ông Chu tiếp tục bình luận.
“Trung Quốc ngày nay, dưới sự thống trị của ĐCSTQ, đã trở thành một mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới, bởi vì tất cả chúng ta đang phải gánh chịu một đại dịch toàn cầu”, ông Chu giải thích. Ông Chu cho rằng thảm họa này xảy ra là do tình trạng bưng bít thông tin và không có tự do ngôn luận ở Trung Quốc.
Ông Chu đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc đã bịt miệng các bác sĩ đầu tiên lên tiếng cảnh báo về dịch Covid-19. Ông nêu ví dụ về bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt vì cảnh báo cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp về virus corona chủng mới.
Ông Chu nói: “Đó là lý do tại sao căn bệnh này lây nhiễm cho nhiều người đến vậy. Nhiều người đã thiệt mạng và rất nhiều người mắc bệnh”.
Những bình luận trên của ông Chu được đưa ra đúng vào dịp kỷ niệm 31 năm sự kiện Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Vào ngày 4/6, quân đội Trung Quốc đã đàn áp đẫm máu những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ vì họ kêu gọi các quyền tự do, dân chủ.
Ngày nay, nhiều người Hoa ở đại lục không biết đến sự kiện này do ĐCSTQ bưng bít thông tin và đàn áp những người liên quan đến vụ việc. Không có con số chính thức về những người thương vong, nhưng nhiều nguồn dữ liệu ước tính số sinh viên, trí thức và dân thường bị quân đội giết hại là lên tới hàng ngàn người. Một bức điện tín bí mật của các nhà ngoại giao Anhcho biết ít nhất 10.000 người đã bị giết trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn. Các nhà báo nước ngoài và những người chứng kiến vụ việc ước tính có ít nhất 3.000 người tử vong.
Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào ngày tưởng niệm Thiên An Môn
Tàu khu trục Mỹ USS Russell hôm 4/6 đã đi qua eo biển Đài Loan, đúng dịp kỷ niệm 31 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn.
“Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Russell lớp Arleigh Burke (DDG 59) đi qua eo biển Đài Loan. Chiến hạm này được biên chế cho Hạm đội 7 nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ thông báo trên Facebook vào đầu ngày 5/6.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 5/6 xác nhận tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển và hướng về phía Nam. Cơ quan này cho biết tàu chiến Mỹ thực hiện “nhiệm vụ thông thường” và không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Tàu chiến USS Russell đi qua eo biển Đài Loan đúng dịp kỷ niệm 31 năm kể từ ngày quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu hàng ngàn thanh niên ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, chỉ vì họ kêu gọi tự do dân chủ. Cũng trong hôm 4/6, Nhà Trắng ra thông cáo kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, thực hiện các cam kết của mình đối với Hồng Kông và chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo.
Vào ngày 4/6/1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội tấn công và giết hại hàng ngàn người biểu tình yêu cầu dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Tới nay, phần lớn người Hoa ở đại lục không biết đến sự kiện này, do chính sách kiểm duyệt và che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc.
Reuters cho biết, trong những tháng gần đây, Mỹ đẩy mạnh việc điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 5 đã phê duyệt việc bán cho Đài Loan 18 quả Ngư lôi Hạng nặng Công nghệ Tiên tiến MK-48 Mod 6 và các thiết bị liên quan. Theo Aljazeera, Trung Quốc cũng tăng cường diễn tập gần Đài Loan, cả ở trên biển và trên không.
Đài Loan là quốc đảo với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, nhưng bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Các cuộc “đi qua eo biển” của hải quân Mỹ thường thu hút sự chỉ trích từ chính quyền Trung Quốc.
Triều Tiên tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã gặp đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách của Trung Quốc tại Hồng Kông.
Cũng theo kênh thông tấn này, đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Li Jinjun bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Triều Tiên.
Động thái trên của Triều Tiên diễn ra sau khi Bắc Kinh thông qua nghị quyết dự luật an ninh quốc gia mòn đối với Hồng Kông. Nhiều nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và các chính trị gia trên thế giới phản đối luật này, cho rằng nó sẽ làm xói mòn các quyền tự do của đặc khu.
Vớt vát bằng ‘Kinh tế vỉa hè’, phải chăng Bắc Kinh đang bất lực trước làn sóng thất nghiệp gia tăng?
Gần đây, chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khuyến khích người dân ra đường bày bán hàng rong, thậm chí đề xuất “kinh tế vỉa hè” để giải quyết vấn nạn thất nghiệp. Về điều này, có nhiều nhân sĩ trong ngành bày tỏ rằng ĐCSTQ đã hoàn toàn bất lực trước làn sóng thất nghiệp ngày một gia tăng.
Truyền thông chính thức của ĐCSTQ ngày 28 tháng 5 đưa tin rằng Văn phòng Văn minh Trung ương ĐCSTQ tuyên bố rằng năm nay sẽ không liệt các hành vi lấn chiếm lòng lề đường, chợ trời và những tiểu thương lưu động vào nội dung làm mất mỹ quan văn minh đô thị. Trên thực tế, ngay từ tháng 3 năm nay, thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên đều đã cho phép các tiểu thương và người bán hàng rong tạm thời lấn chiếm lòng lề đường.
Sau đó, các kênh truyền thông ĐCSTQ đã bắt đầu cổ súy “nền kinh tế vỉa hè”. Vào ngày 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến khảo sát đến thành phố Yên Đài của tỉnh Sơn Đông đã ghé thăm một vài gian hàng ở cộng đồng địa phương, nói rằng “kinh tế vỉa hè, kinh tế cửa hàng” là nguồn quan trọng trong việc mang lại việc làm cho người dân, là một phần sức sống của nền kinh tế Trung Quốc.
Cục quản lý đô thị của thành phố Thụy Xương, tỉnh Giang Tây cũng gọi điện thông báo đến các tiểu thương cho phép họ dựng lập quầy hàng tại địa điểm đã được chỉ định.
Sau khi ĐCSTQ cho phép người dân bày bán hàng ngoài đường phố, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ồ ạt khoe khoang rằng có nơi tiểu thương mỗi ngày kiếm được trên 30.000 Nhân dân tệ (khoảng 92 triệu VNĐ). Về điều này, tất nhiên người dân cũng không dễ bị lừa. Có nhân sĩ bình luận ở Trung Quốc nói rằng: “Sinh kế của người dân càng khó khăn, những lời tuyên truyền kiểu chó mèo ngày càng nhiều, đừng có tô son trát phấn cho mấy quầy hàng ngoài vỉa hè đó nữa”.
Vương Kiếm – nhà bình luận thời sự có thâm niên, nhìn nhận rằng ĐCSTQ cho phép người dân bày bán hàng rong ngoài vỉa hè để kiếm sống, điều này cho thấy làn sóng thất nghiệp ở Trung Quốc đã vượt ngoài tầm kiểm soát, ĐCSTQ đã hoàn toàn bất lực trước vấn nạn thất nghiệp của người dân. Trung Quốc có thành phố cho phép người dân bày bán hàng rong, nói là để giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 người. Điều này cho thấy vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc đã nghiêm trọng như thế nào.
Trang “Nhật báo kinh tế Hồng Kông” trích dẫn quan điểm của nhà kinh tế học nổi tiếng Lý Đạo Quỳ, nói rằng bệnh dịch lần này đã gây ra khủng hoảng rất lớn cho người nghèo: người nghèo không có việc làm, không có thị trường, không thể đi ra ngoài và không có thu nhập.
Có nhân sĩ phân tích cho rằng, hiện tại Trung Quốc đang phải đối diện vấn đề thất nghiệp nghiêm trọng. Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã cho phép người dân bày bán hàng rong để mưu sinh, nhưng không nên phóng đại tác dụng của nó quá, bởi cái gọi là “kinh tế vỉa hè” đó dù sao cũng không thể trở thành chiến lược dài hạn cho tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, ngày 26/4, một bài viết có tiêu đề “Đâu là tỷ lệ thất nghiệp thực sự ở Trung Quốc?” được xuất bản trên tài khoản Weibo của nhà kinh tế học người Trung Quốc Lý Tấn Lôi. Bài viết đã tính tỷ lệ thất nghiệp trong từng lĩnh vực kinh doanh, như nhà hàng, cơ sở sản xuất ô tô, sản xuất quần áo, lĩnh vực giải trí… và đưa ra kết luận: “Hiện tại, hơn 70 triệu người đã mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp thực sự của Trung Quốc là khoảng 20,5%”. Con số này cao hơn nhiều so với con số chính thức của chính quyền. Vào ngày 17/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Trung Quốc đã thông báo rằng tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 chỉ là 5,9%.
Ngày 1/5, Đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời Fan Jun, một nhà báo ở tỉnh Hà Bắc, nói ông tin rằng “tỷ lệ thất nghiệp 20% cũng không phản ánh tất cả tình trạng thất nghiệp ở Trung Quốc”, mà trên thực tế có khi còn cao hơn 20%.
Đầu tháng 4, ông Lưu Trần Kiệt (Liu Chenjie), nhà kinh tế học hàng đầu của công ty quản lý tài sản Vọng Chính Thâm Quyến, cũng đã đăng tải bài viết trên tạp chí Caixin, bày tỏ rằng dịch bệnh có thể khiến 205 triệu công nhân Trung Quốc thất nghiệp, vượt quá 25% so với 775 triệu người đang trong độ tuổi lao động của Trung Quốc.
Vương Kiếm tin rằng kể từ khi ĐCSTQ khởi động lại nền kinh tế vào ngày 1 tháng 3, ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn không có hỗ trợ gì cả, khiến lượng lớn doanh nghiệp phải đóng cửa, mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ này lại cung ứng 70% việc làm cho người dân thành thị. Giờ các doanh nghiệp này đều phải đóng cửa, lượng người thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng vọt, những khó khăn này rất khó giải quyết trong một thời gian ngắn.