Im Bóng Trước Giòng Sông

Thu Tuyết

Sao không gian im lặng thế này! Một chiều của tháng 5, trời se lạnh thấm vào không gian yên bình của một Melbourne cuối thu. Cái lạnh của nó lạ lắm, chợt đến chợt đi như sự dỗi hờn của cô gái trinh nguyên trong tình yêu đầu. Tiếng nhạc nhẹ đưa tôi về một khoảng không, bồng bềnh với mây trời và gió núi. Bỏ lại phía sau những nhốn nháo của kiếp phù sinh.
 Được một lúc thôi, tiếng kèn Saxophone trong bài Come Back To Sorrento làm tôi xúc động, nhớ nhà. Nhớ từng hàng cây góc phố, từng con đường nắng vương trên vạt áo, rơi vãi loang lổ trên mặt đường, trên vỉa hè nhộn nhịp cộ xe của một Saigòn không có về đêm.
 Nhớ kinh khủng giảng đường chiều xuống. Tiết học cuối ngày nhôn nhịp một hợp âm quen thuộc của các em sinh viên, oà vỡ vào dòng xe để theo một trật tự vô hình bởi sự không ngăn nắp từ trong ý thức hệ của người dân tôi! Lâu dần mọi thứ trở nên rất bình thường như một qui luật nghiêm túc cho cái không bình thường ấy.
 Nhớ cái tắc nghẽn giao thông giờ cao điểm. Tiếng còi inh tai, chen chúc nháo nhào trên những con đường quá chật với lượng xe lưu thông. Dập dìu trong cái không khi ô nhiễm oi nồng của một nơi mà quanh năm chỉ có hai mùa mưa và nắng. Những cái nón bảo hiểm tròn tròn được gắn lên những cái đầu như một sự đối phó với pháp luật, chứ không vì sự an toàn. Bởi đa phần người dân tôi nghèo lắm! Tiền lương chỉ đủ trang trải cho những nhu cầu thấp nhất như: cơm áo gạo mắm. Lấy đâu mua được cái nón có chất lượng cao.
 Nhớ những cơn mưa chiều ào ào như thác đổ. Mưa vô tư xối xả rửa sạch một Sài Gòn đang oi nồng khói bụi, nhưng làm sao rửa được những mảng đen nằm trong góc khuất?! Tôi như con chích choè đơn lẻ hót líu lo cho sự sinh tồn, rồi một sớm mùa đông nào đó bất lực nằm chết vắt vẻo trên cành cây trơ trọi lá… Vậy thôi! Có gì hơn hôm nay để phải dẫm đạp lên nhau như một thói thường! Tôi không tu hành nhưng muốn được yên ổn với những bài giảng mỗi Chúa nhật của các Cha, hay nằm im lắng nghe những bài pháp thoại của những vị Sư cho tâm hồn được yên nhẹ.
 
Trở lại ấu thơ, tôi nhớ cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu hạt với một mùi thơm kỳ lạ. Nhớ buổi tối trăng treo đầu ngõ, tôi cùng người em họ trèo lên mái nhà Ngoại, có một chỗ rất an toàn, nằm kể chuyện thần tiên, ước mơ một ngày nắng đẹp có đôi cánh thiên thần bay ra khỏi cái ranh giới mà ba mẹ đặt ra như luật lệ vô hình nhưng đầy nghiêm khắc. Rồi những ngày hè chạy quanh làng xóm hái trái chim chim, múi dẻ ăn ngon lành. Chiều ra vườn ngoại hái rau, hái cà… Thời ấy thanh bình làm sao! Tôi không nghe hai từ hoá chất, mà nếu có nghe chắc cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì.
 Những ngày còn học tiểu học, tôi thường trèo lên cây ổi (duy nhất) trước nhà (Thời ấy nơi tôi ở chỉ là một Thị xã nhỏ không là Thành phố như hôm nay, nên nhà cửa còn thấp và thưa thớt), để nhìn xa xăm nơi có chân trời với những dãy núi màu xanh tím nhạt mà lòng xúc động ngêu ngao bài hát “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu. Kìa rừng chiều âm u rét mướt…” Lãng mạn làm sao ở cái tuổi còn nhảy dây bắt bướm? Có lẽ tâm hồn thơ ca, âm nhạc đã bắt nguồn từ cái nôi yên ả thanh bình của quê tôi.
 Trong một giờ học Văn (lúc đó gọi là Kim văn và Cổ văn), bài tập làm văn tả cảnh cháy nhà của tôi được điểm rất cao. Có thể vì khá đặc biệt nên thầy giáo hỏi tôi anh của em làm dùm phải không? (Vì anh trai tôi học ban văn chương và là bạn của thầy). Tôi ngơ ngác về câu hỏi lạ lùng này. Cho đến hôm nay, tôi vẫn đứng trên đôi chân của mình cho dẫu đường đời có nghiệt ngã đã nhiều lần xô tôi té gục. Cứ mỗi lần như vậy đôi chân tôi cứng cáp hơn và bước tiếp… Tôi cũng cám ơn những cái hố lòi lõm trên đường đi đã cho tôi chất liệu sống, và tôi cũng cám ơn những người “không ngay thẳng” trong cuộc đời tôi gặp phải đã cho tôi nhiều trải nghiệm… Cám ơn tất cả phù du!
 Giòng sông trước nhà tôi đã yên ngủ. Bóng đêm có đồng loã với thời gian để xoá đi những dấu tích đẹp của một ký ức đã ngủ yên trong buổi xế chiều. “Thôi nhé đừng hoài âm xưa. Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà. Người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua…”.

Em hững hờ nhìn những chiếc lá lang thang rơi rụng trong gió, và tiếng xạc xào của bước chân hững hờ trên lối đi ngập lá úa vàng
Bầu trời hững hờ thả những tia nắng nhạt sót lại xuống trần gian mong làm ấm trái tim vốn dĩ giá băng, và hong khô nỗi buồn để gió cuốn tan vào vùng khói bụi
Em nghe tiếng khóc của cỏ non chiều nay vì bàn chân của loài người hững hờ đạp lên những giọt nước mắt
Trên lối đi quanh công viên, hoa cỏ nhìn em bằng đôi mắt hững hờ; tương phản với nỗi buồn sâu thẳm trên khuôn mặt thiên thần và đôi môi tím tái.
Đàn vịt trời trên sông đang hững hờ trôi chậm vào bờ để tìm chốn ấm êm cho qua đêm mùa giá rét.
Bóng tối hững hờ buông, trên lối nhỏ ven sông còn dăm ba người bước vội, trong đó có em!
Lang thang trong màn đêm, đôi mắt nhạt nhoè sương hay nước mắt? Nó cứ hững hờ rơi nghe mặn đắng bờ môi
Tâm hồn em hững hờ trôi trong vô định, thân xác rã rời lê những bước chân cô đơn trong đêm lặng, ôm cái rét lập đông vào vùng ngực trống với cơn ho chất chồng nỗi đau.
Những phút giây dài thì thầm điều kỳ diệu đã hững hờ qua nhanh như chưa từng đến. Sự im lặng của đêm và tiếng sao khuya chứa đầy nỗi nhớ.
Hững hờ ơi, hãy cùng em dạo chơi vào miền ánh sáng; nơi ấy có mùa xuân của tình yêu để giữ bước chân em mà không cần một chiều thêu nắng để quên đường về…

Thu Tuyết
Melbourne, 6/2020

Related posts