Kỷ niệm 23 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hồng Kông, cũng là ngày “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có hiệu lực, chính thức khai tử “một quốc gia, hai chế độ”, chôn vùi vị thế Hồng Kông trên trường quốc tế. Ngày 1/7, người dân Hồng Kông một lần nữa cùng nhau xuống đường phản đối, họ bị bắt bớ sau khi cảnh sát lục soát thấy các khẩu hiệu vi phạm luật an ninh quốc gia. Trong bài phát biểu tại buổi tiệc mừng kỷ niệm ngày chuyển giao chủ quyền, Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) “nghẹn ngào” cảm ơn chính quyền trung ương đã tin tưởng bà. Cư dân mạng Hồng Kông lên án bà Lâm phản bội Hồng Kông, là người không chút liêm sỉ.
11 giờ tối ngày 30/6/2020, Chính phủ Hồng Kông và Tân Hoa Xã đồng thời công bố, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” được Ủy ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc thông qua cùng ngày, có hiệu lực ngay lập tức. Luật này được công bố có tổng cộng 6 chương và 66 điều, gây áp lực nghiêm trọng hơn so với dự tính trước đây. Ngoài việc nhắc đến các tội phạm “lật đổ”, “chia rẽ” và “cấu kết” đặc sắc xã hội chủ nghĩa ra, còn có án cao nhất là tù chung thân. Nhân viên an ninh quốc gia đóng tại Hồng Kông có thể hoạt động ở Hồng Kông mà không cần thông qua cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông, một số trường hợp có thể bắt người tại Hồng Kông và đưa sang Đại Lục. Các điều khoản còn điều chỉnh hành vi của những người không phải là người Hồng Kông nếu họ vi phạm Luật này ngoài Đặc khu hành chính Hồng Kông, phạm vi ảnh hưởng bao trùm toàn thế giới, gây sốc cho Hồng Kông và cộng đồng quốc tế.
Ngày 1/7, ngày đầu tiên Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực, người dân Hồng Kông vẫn tiếp tục kiên trì đấu tranh chống lại luật tà ác này, nhưng họ lần nữa bị đàn áp mạnh mẽ. Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ khoảng 370 người. Trong đó có 10 người chỉ vì đã bị tìm thấy, hoặc giương cao hoặc dán các biểu ngữ, khẩu hiệu “Hồng Kông độc lập”, “Khôi phục Hồng Kông, Cách mạng Thời đại”, v.v., và liền bị quy là vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, bị bắt và phải đối mặt với các hình phạt hà khắc.
Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông, ông Lạc Huệ Ninh đã có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lạc mô tả luật này như “thanh kiếm treo cao” đối với “một số rất ít người” gây nguy hại an ninh quốc gia, đồng thời còn ca ngợi đây là “một bước ngoặt” lớn đưa Hồng Kông hỗn loạn về trong trật tự, đồng thời là “cột mốc quan trọng” trong việc thực hiện “một quốc gia, hai chế độ”.
Bà Lâm: Đã phải chịu đựng áp lực công kích chưa từng có, cảm ơn sự hỗ trợ từ Bắc Kinh
Tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm 23 năm ngày bàn giao chủ quyền Hồng Kông, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã không ngừng ca ngợi chính quyền trung ương và Luật An ninh Quốc gia khu vực Hồng Kông, xem đây là một “bước lịch sử” cải thiện hệ thống bảo vệ chủ quyền và bảo toàn chế độ tại Hồng Kông. Bà nói thêm, nhiều tháng qua, các tổ chức nước ngoài và công dân trong nước đã dùng mọi cách để phỉ báng và tấn công ác ý, bà Lâm cùng đội ngũ của mình đã phải nỗ lực nói rõ tính hợp pháp của bộ luật trên nhiều phương diện. Đồng thời bà cũng cảm ơn “gần ba triệu” công dân thành phố đã ký tên ủng hộ trên đường phố và trực tuyến.
Ngày 1/7 này, bà Lâm giữ chức Trưởng Đặc khu tròn ba năm. Kể từ chiến dịch “chống Dự luật Dẫn độ”, bà Lâm đã trở thành Đặc khu trưởng tai tiếng nhất trong số các Đặc khu trưởng. Tại buổi tiệc chiêu đãi, bà Lâm nói rằng, năm vừa qua là năm thử thách khốc liệt nhất trong sự nghiệp chính trị 40 năm của bà. Cá nhân bà đã phải chịu đựng một cuộc tấn công nặng nề chưa từng có. Lúc này giọng bà lắng xuống, cảm ơn chính quyền trung ương đã tin tưởng và không ngừng ủng hộ. Bà cũng nói rằng, với sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, bà tin rằng những ngày khó khăn này sẽ qua, “sau mưa bão nhất định sẽ gặp lại cầu vồng”. Hồng Kông trải qua một năm bất ổn về chính trị và xã hội, nhất định sẽ “hết cơn bĩ cực đến tuần thái lai”.
Bà Lâm thừa nhận rằng không dễ để thoát khỏi tình trạng khó xử về chính trị cùng các vấn đề sau dịch bệnh và xây dựng lại danh tiếng quốc tế cho Hồng Kông trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, bà hy vọng mọi người có thể gạt bỏ sự chia rẽ và cùng tạo ra một tương lai huy hoàng.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một trong những người dốc sức thúc đẩy luật tà ác đã nghẹn ngào cảm ơn Bắc Kinh và khơi dậy sự bất mãn của người dân Hồng Kông. Cư dân mạng đã chỉ ra rằng sửa đổi “điều luật đào phạm” (điều luật về tội phạm bỏ trốn) do bà thúc đẩy đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, khiến người dân Hồng Kông phải trải qua “một năm đau khổ nhất”, “Bản mặt tội lỗi của bà, còn mặt mũi nào ở đây phát biểu chứ?”; “Bà ta còn cảm thấy như thể bản thân chịu ủy khuất lớn vậy!”. Một số cư dân mạng tức giận mắng “Không biết liêm sỉ, mang lại tai họa cho Hồng Kông, ức hiếp dân chúng, đúng là chúa cơ hội!”, “Đâu ra cầu vồng? Cút xuống địa ngục đi!”
4 nhân viên báo Epoch Times Hồng Kông bị bắt giữ, kêu gọi trả tự do ngay lập tức
Khoảng thời gian từ 2 giờ đến 4 giờ chiều ngày 1/7, trong lúc nhân viên vây bắt người biểu tình, có 4 nhân viên của tờ Epoch Times Hồng Kông cũng bị bắt đưa lên xe cảnh sát và bị đưa đi. Trong số họ có một người đã cao tuổi, gia đình đang rất lo lắng. Hãng tin đã liên lạc với luật sư và được biết cả bốn nhân viên này đang bị giam giữ tại Sở cảnh sát North Point Hồng Kông.
Epoch Times lên án mạnh mẽ cảnh sát vì đã bắt bớ những nhân viên của Epoch Times Hồng Kông một cách bừa bãi, đồng thời yêu cầu cảnh sát thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người đã bị bắt.
Dưới đây là tên của những người bị bắt và địa điểm cùng thời gian bị bắt:
1. Cô Trần Tiểu Quyên:
Địa điểm bắt giữ: Nhà hát SOHO, Causeway Bay, Hồng Kông.
Thời gian bắt giữ: 16 giờ 30 phút chiều 7/1.
2. Cô Trương Diễm:
Địa điểm bắt giữ: cạnh cửa hàng H&M, phố Paterson, Hồng Kông.
Thời gian bắt giữ: 14 giờ 30 phút ngày 1/7.
3. Cô Khâu Tú Châu:
Địa điểm bắt giữ: Cửa hàng bách hóa Sogo, đường Lockhart, Causeway Bay, Hồng Kông.
Thời gian bắt giữ: 15 giờ 1/7.
4. Cô Vương Kim Hương, địa điểm và thời gian bắt giữ chưa được công khai, đang bị giam giữ Sở cảnh sát North Point.
Mộc Lan
Phần Lan đánh giá khẩu trang của Đài Loan tốt hơn Trung Quốc
Taiwan News hôm nay đưa tin, khẩu trang sản xuất tại Đài Loan mà hòn đảo tặng cho Phần Lan có tỷ lệ lọc 99,7%, cao hơn nhiều so với lô sản phẩm mà Trung Quốc đã bán cho quốc gia châu Âu này hồi tháng 4.
Vào cuối tháng 5, Đài Loan đã tặng 200.000 khẩu trang phẫu thuật cho Phần Lan để hỗ trợ nước này chống dịch Covid-19. Sau khi trải qua thử nghiệm bởi Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật VTT của Phần Lan, khẩu trang của Đài Loan được xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất với tỷ lệ lọc tới 99,7%.
Trước đó, vào ngày 8/4, giới chức Phần Lan thông báo lô hàng 2 triệu khẩu trang y tế mà nước này nhập từ Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo vệ chống lại virus corona để sử dụng trong môi trường y tế. Hai ngày sau, Tomi Lounema, Giám đốc điều hành Cơ quan Cung ứng Khẩn cấp Quốc gia, đã từ chức sau khi ông cho biết đã chi 10 triệu Euro (11 triệu USD) để mua lô khẩu trang không đạt tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Anh: ‘Ngọn lửa tự do rất quý giá’
Bộ trưởng Anh Simon Clarke hôm nay nói rằng “ngọn lửa tự do rất quý giá” và Anh sẽ làm bất cứ điều gì được yêu cầu và trong khả năng để hỗ trợ người dân Hồng Kông sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới.
“Chúng tôi sát cánh với người dân Hồng Kông”, ông Clarke nói với Sky News.
Nhật ‘quan tâm sâu sắc’ đến tình hình Hồng Kông
Chánh văn phòng Nội các Yoshi DA Suga hôm nay cho biết Nhật Bản đang theo dõi tình hình Hồng Kông với “sự quan tâm sâu sắc”, trong bối cảnh cảnh sát Hồng Kông bắt nhiều người dân hơn sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia, theo Reuters.
Ông Suga nói thêm rằng mối quan hệ kinh doanh bền chặt giữa Nhật Bản và Hồng Kông được thiết lập trên hệ thống “Một quốc gia, Hai chế độ”.
Cảnh sát Seattle giải tán ‘Khu tự trị Capitol Hill’
Giới chức thành phố Seattle, bang Washington của Mỹ hôm 1/7 đã giải tán khu vực người biểu tình chiếm đóng và gọi là “Khu tự trị Capitol Hill”, sau khi bạo lực gia tăng tại khu vực này.
Theo thông tin Sở Cảnh sát Seattle đăng trên Twitter, cuộc bố ráp của các sĩ quan cảnh sát được trang bị vũ trang và đồ bảo hộ vào “khu tự trị” lúc sáng sớm và giữa buổi sáng ngày 1/7 (giờ Mỹ). Lực lượng này đã bắt giữ 31 người không chấp hành lệnh giải tán, tấn công người thi hành công vụ và phạm các tội danh khác.
Cảnh sát đã thực hiện tiếp quản lại “khu tự trị” sau khi Thị trưởng Seattle, Jenny Durkan, tuyên bố rằng việc tập hợp tại đây là “tụ tập đông người bất hợp pháp”.
Cảnh sát trưởng Seattle, bà Carmen Best phát đi tuyên bố nhấn mạnh đến việc gần đây khu vực này đã gia tăng các vụ xả súng và đã có hai thiếu niên bị thiệt mạng.
Trong tuyên bố hôm 1/7, bà Carmen Best nói rằng mặc dù bà ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng “Khu tự trị Capitol Hill” đã trở thành một khu vực “vô luật lệ và man rợ”.
Sạt lở mỏ ngọc bích ở Myanmar, hơn 100 người chết
Mưa lớn khiến bùn đất tại mỏ ngọc bích ở bang Kachin, phía Bắc Myanmar sụp xuống sáng nay, ít nhất 113 thợ mỏ đã thiệt mạng, theo AFP.
Vụ sạt lở xảy ra khi các thợ mỏ đang tìm kiếm đá quý trên địa hình đồi núi hiểm trở tại khu mỏ ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc. Mưa lớn gây ra lở đất và một làn sóng bùn lầy đã nhấn chìm những người thợ mỏ.
“Những thợ mỏ bị phủ trong đợt sóng bùn. 113 thi thể đã được tìm thấy”, Sở Cứu hỏa Myanmar đăng trên Facebook, cùng với đó là hình ảnh đội tìm kiếm và cứu hộ đang lội qua một thung lũng ngập trong bùn lầy.
Trưng cầu dân ý Nga: Đa số ủng hộ Putin tiếp tục cầm quyền
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ghi một chiến thắng vang dội trong nỗ lực duy trì quyền lực thêm 12 năm nữa, khi đa số cử tri Nga bỏ phiếu đồng ý với các sửa đổi hiến pháp ông đề ra trong cuộc trưng cầu dân ý mà phe đối lập chỉ trích là dàn dựng.
Dân Nga bắt đầu đi bỏ phiếu vào thứ Tư tuần trước để bày tỏ ý kiến về các sửa đổi hiến pháp mà cả Tòa án và Quốc hội Nga đều thông qua. Kết quả trưng cầu dân ý giúp lát đường để ông Putin, người đã cầm quyết suốt 2 thập kỷ qua, tiếp tục duy trì quyền lực cho đến năm 2036.
Theo CNN, chiến dịch vận động sửa hiến pháp không mấy nhắc đến mục đích thật sự là giữ Putin cầm quyền mà nhấn mạnh việc đưa nước Nga trở lại các giá trị gia đình truyền thống nhằm thu hút các cử tri bảo thủ.
Khẩu hiệu của chiến dịch là “Đất nước ta, Hiến pháp ta, quyết định của chúng ta”. Các tờ rơi tuyên truyền một số sửa đổi hiến pháp, chẳng hạn điều khoản quy định hôn nhân buộc phải là sự kết hợp của một nam và một nữ, nhưng lại bỏ qua một điểm chủ chốt: Hiến pháp mới sẽ đưa con số nhiệm kỳ đã giữ của Putin về 0, tức là cho phép riêng Putin ra tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa sau khi mãn nhiệm năm 2024 mà không phải xóa quy định mỗi ứng viên Tổng thống chỉ được cầm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Truyền thông phương Tây nhận định rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Moscow thúc đẩy một nỗ lực truyền thông mạnh mẽ nhằm thúc giục cử tri bước ra bỏ phiếu với mục tiêu rõ ràng để đảm bảo công chúng ủng hộ mạnh mẽ đề xuất thay đổi hiến pháp của Putin.
Kết quả sơ bộ đã rõ. Ủy ban Bầu cử Trung Ương đêm thứ Tư công bố kết quả đếm phiếu sơ bộ, trong đó hơn 76% cử tri ủng hộ.
Kết quả này tương đồng với cuộc bầu cử Tổng thống 2018 khi Putin thắng đậm nhiệm kỳ 2 với 3/4 tổng số phiếu dân Nga bầu cho ông. So với hồi đó, Putin nay còn có lợi thế của vị thế tổng thống, truyền thông Nga ít cho phép tranh luận về vấn đề chính trị quốc nội và khối nhà nước thì liên tục thúc giục nhân viên bỏ phiếu để giữ nguyên tình trạng lãnh đạo.
Theo CNN, sự ủng hộ của dân Nga đối với Putin là thật, bất chấp các nghi vấn về gian lận bỏ phiếu. Trong ngày trước khi khi đóng hòm phiếu, ông Putin xuất hiện trong một thông điệp được ghi hình từ trước tại một Đài tưởng niệm mới dành cho Các chiến sĩ Soviet hy sinh trong Thế Chiến II. Ông nói:
“Họ đã chiến đấu để chúng ta có thể sống trong hòa bình, làm việc, yêu thương và tạo ra giá trị và tự hào về nước Nga, một quốc gia với nền văn minh độc đáo và văn hóa tuyệt vời, giúp đoàn kết các số mệnh, hy vọng và khát khao của bao nhiêu thế hệ cha anh chúng ta”.
“Chúng ta sẽ bỏ phiếu cho một quốc gia mà ta muốn sống, với nền giáo dục và sức khỏe hiện đại, một hệ thống an sinh xã hội đáng tin cậy và một chính phủ hiệu quả, chịu trách nhiệm trước toàn dân. Chúng ta sẽ bỏ phiếu cho một đất nước vì những lợi ích mà chúng ta đang cố gắng và những điều mà ta muốn truyền lại con cháu chúng ta”.
Những thông điệp này có thể đầy cảm xúc, nhưng không chắc chắn khiến mọi người dân không chán nản với sự cầm quyền của Putin.
Nhân vật đối lập nổi bật của Putin, ông Alexey Navalny bác bỏ kết quả trưng cầu dân ý là “giả tạo” và “một lời nói dối khổng lồ”.
“Ngay bây giờ, một số lượng rất lớn người Nga đang chán nản với kết quả này. Tôi đã bỏ phiếu không. Tất cả mọi người quanh tôi cũng bỏ phiếu không, nhưng kết quả lại là một chữ “có” cứng rắn”, Navalny viết trong một blog. “Kết quả này chả liên quan gì đến lựa chọn của công dân Nga”.
“Putin đã thua cuộc bỏ phiếu này trước khi nó bắt đầu. Sau tất cả, ông ta từ chối tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thực sự theo tất cả mọi quy định và có người quan sát. Bởi vì ông ta biết rằng: Nếu có quy định thì ông ta sẽ thua. Ông ta chỉ có thể thắng khi tự tay vẽ số”, Navalny viết thêm.
Nhiều tổ chức độc lập cũng tỏ ra nghi ngờ về các kết quả trưng cầu dân ý và chỉ trích tổ chức giám sát bầu cử Nga thiếu quy định chặt chẽ.
TV Rain, một hãng tin độc lập tại Nga đưa tin một nhóm phản đối Putin đã nằm xuống quảng trường Đỏ và xếp thành con số 2036, ngoài ra còn một nhóm biểu tình khác cũng nằm xuống trên nền đá trước Lăng Lenin.
Theo trang OVD-Info, theo dõi việc bắt bớ ở Nga, dẫn lời luật sư nói rằng những người biểu tình đã bị bắt và nhanh chóng được thả mà không truy tố.
Một số người Nga đăng ảnh bỏ phiếu “không” lên truyền thông xã hội như một biện pháp phản kháng. Vài trăm người tập trung trong cuộc biểu tình quy mô nhỏ tại Quảng trường Pushkin, mơi biểu tình ưa thích của phe phản đối Kremlin. Một tấm biển của người biểu tình viết: “Putin vạn tuế?”
Nhưng thông điệp từ cuộc trưng cầu đêm thứ Tư rõ là: Putin sẽ không đi đâu hết. Trong một video đăng lên Telegram, lãnh đạo của Cộng hòa Chechnya thuộc Nga ông Ramzan Kadyrov tuyên bố Putin nên được công nhận là “tổng thống trọn đời”.
Với thay đổi hiện nay của Hiến pháp Nga, gần như chắc chắn ông Putin có thể cầm quyền thêm 12 năm nữa, tới năm 2036 khi ông 84 tuổi.
Đức Trí
Nhiều trận động đất xảy ra ở khu vực lân cận đập Tam Hiệp
Từ tháng 6 tới nay, lưu vực Trường Giang Trung Quốc xảy ra mưa lớn dẫn đến thảm họa lũ lụt, hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng. Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc phát đi cảnh báo mưa lớn trong 31 ngày liên tiếp, trong lúc này, khu vực thượng lưu đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang có thông tin xảy ra động đất, có thể gây nguy hiểm cho an toàn của đập. Vào lúc 4:07 sáng ngày 2/7, huyện Nhược Nhĩ Cái thuộc châu tự trị A Bá, tỉnh Tứ Xuyên xảy ra trận động đất 3,2 độ Richter, tâm chấn ở độ sâu 8km, chính quyền chưa đề cập đến quy mô trận động đất này.
Châu tự trị A Bối, tỉnh Tứ Xuyên nằm ở thượng lưu đập Tam Hiệp, từ ngày 2/6, cơ quan chức năng Trung Quốc phát đi cảnh báo mưa lớn liên tiếp 31 ngày, mực nước tại hồ chứa địa phương và đập Tam Hiệp đều dâng cao, cơ quan chức năng đã phải khẩn cấp xả lũ để bảo vệ đập. Tuy nhiên, nước lũ đã nhấn chìm nhiều nơi ở hạ lưu như thành phố Nghi Xương tỉnh hồ Bắc, thành phố cổ Phượng Hoàng ở tỉnh Hồ Nam.
Không chỉ có vậy, ngày 1/7 tiếp tục có thông tin nhiều nơi ở thành phố Trùng Khánh bị nước lũ nhấn chìm, cộng đồng địa phương San Hô Loan tại khu vực cầu Thái Viên Bá Trường Giang, thành phố Trùng Khánh lại nhận được thông báo yêu cầu người dân sống ở độ cao dưới tầng 4 tòa nhà chuẩn bị đối phó với mực nước cao kỷ lục kể từ năm 1981.
Trước đó, vấn đề liên quan đến an toàn đập Tam Hiệp cũng được ngoại giới vô cùng quan tâm, các thông tin đập có thể vỡ vẫn luôn xuất hiện, mặc dù chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ phản bác thông tin này, nhưng nhiều chuyên gia thủy lợi đã đưa ra cảnh báo, một trong những nguy cơ của đập Tam Hiệp chính là vùng thượng lưu xảy ra động đất, lở núi. Hiện nay, vùng Tứ Xuyên liên tiếp xảy ra động đất, chuyên gia càng lo lắng sự việc dường như đã bắt đầu xảy ra.
Ngoài cơn địa chấn sáng sớm ngày 2/7, theo mạng lưới đài trắc định địa chấn Trung Quốc, vào lúc 13:55 ngày 30/6/2020, huyện Kỳ (thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên) cũng xảy ra địa chấn 3,7 độ Richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 9km; lúc 5:27 ngày 28/6, huyện Trường Ninh (thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên) xảy ra địa chấn 3,1 độ Richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 11km; lúc 0:13 ngày 27/6, huyện Uy Viễn (thành phố Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên), xảy ra địa trấn 3,0 độ Richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 10km; lúc 3:24 ngày 27/6, huyện Giang Thành (thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam) thuộc thượng lưu sông Trường Giang, xảy ra cơn địa chấn 3,2 độ Richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 10km.
Ngoài ra, vào lúc 6 giờ sáng ngày 2/7, Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc cũng tiếp tục phát đi cảnh báo mưa lớn màu xanh lam, dự báo từ 8 giờ sáng ngày 2/7 đến 8 giờ sáng ngày 3/7, các khu vực như nam bộ Hán Giang, tây bộ và nam bộ Giang Hoài, bắc bộ Giang Nam, trung bộ Vân Nam, nam bộ Quý Châu và bắc bộ Hoa Bắc, sẽ có mưa lớn đến rất lớn, trong đó, khu vực trung bộ Vân Nam, nam bộ Hồ Bắc, bắc bộ Hồ Nam, nam bộ An Huy, đông bộ Giang Tây sẽ có mưa rất lớn lượng mưa từ 100 – 150mm. Các khu vực nói trên có lượng nước mưa lớn trong thời gian ngắn (lớn nhất từ 30 – 50mm mỗi giờ, có nơi lên đến hơn 70mm mỗi giờ), một số nơi có thời tiết đối lưu mạnh như mưa lớn kèm gió và sấm sét.