Hồng Kông: Cảnh sát giờ có thể lục soát tùy ý, tịch thu tài sản và kiểm duyệt mạng

Hải Lam

Hồng Kông: Cảnh sát giờ có thể lục soát tùy ý, tịch thu tài sản và kiểm duyệt mạng
Cảnh sát Hồng Kông trấn áp người biểu tình (ảnh: Studio Incendo/Flickr/flickr.com/photos/studiokanu/50068525361/).

Để thực hiện luật an ninh quốc gia, giới chức Hồng Kông cho phép lực lượng cảnh sát lục soát, tịch thu tài sản, chặn liên lạc và kiểm duyệt thông tin trực tuyến, theo Hong Kong Free Press (HKFP).

Sau cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ An ninh Quốc gia của Hồng Kông do trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chủ trì vào tối 6/7, giới chức thành phố đã công bố những quyền hạn mở rộng cho cảnh sát.

Theo đó, cảnh sát Hồng Kông có thể khám xét, lục soát mà không cần trát của tòa trong tình huống khẩn cấp để tìm chứng cứ. Ngoài ra, lực lượng này cũng có thể nộp đơn xin lệnh cấm nghi phạm rời khởi đặc khu.

Bộ trưởng an ninh có thể ra lệnh tịch thu tài sản nếu có “căn cứ hợp lý” để nghi ngờ những tài sản này liên quan tới bất cứ tội danh đe dọa an ninh quốc gia nào theo luật mới.

Theo luật mới, các tổ chức chính trị nước ngoài và Đài Loan phải cung cấp thông tin về hoạt động liên quan tới Hồng Kông.

Cảnh sát còn được trao quyền kiểm duyệt và xóa thông tin trực tuyến nếu có “căn cứ hợp lý” để nghi ngờ dữ liệu vi phạm luật an ninh. Cụ thể, cảnh sát có thể yêu cầu các công ty Internet và nhà cung cấp dịch vụ xóa những thông tin mà chính quyền cho là đe dọa an ninh quốc gia. Họ cũng có thể hạn chế hoặc ngăn chặn bất kỳ ai truy cập vào các nền tảng trực tuyến.

Trong trường hợp các công ty Internet và nhà cung cấp dịch vụ không hợp tác ngay lập tức, cảnh sát có thể nộp đơn xin lệnh tịch thu các thiết bị điện tử liên quan và xóa các thông tin này. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ có thể bị phạt 100.000 đô la Hồng Kông và 1 năm tù.

Cảnh sát có thể yêu cầu các công ty này cung cấp hồ sơ nhận dạng và hỗ trợ giải mã. Bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào không tuân thủ có thể đối mặt với án phạt 100.000 đô la Hồng Kông và 6 tháng tù.

Theo AFP, ngay sau khi những thông tin trên được công bố, ứng dụng chia sẻ video TikTok thuộc công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết họ sẽ dừng hoạt động ở Hồng Kông. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ gồm Facebook, Google và Twitter đã từ chối cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hồng Kông. Trước đó, ứng dụng nhắn tin Telegram cũng nói với HKFP rằng họ sẽ tạm thời không cung cấp dữ liệu cho giới chức thành phố cho đến khi có sự đồng thuận quốc tế về những thay đổi chính trị đang diễn ra.

Luật an ninh quốc gia Hồng Kông có hiệu lực ngay trong đêm 30/6. Luật hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh.

Nhiều quốc gia trên thế giới chỉ trích đạo luật hà khắc mà chính quyền Trung Quốc muốn áp cho Hồng Kông. Không chỉ nhắm tới người dân xứ Cảng Thơm, Bắc Kinh còn muốn nó trở thành xúc tu len lỏi tới bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào bên ngoài Trung Quốc.

Related posts