Bị can Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố. Bà Thoa từng lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016. Hiện tại hai con gái của bà Thoa không chỉ sở hữu số cổ phiếu khủng, mà còn đang nắm chức vụ quan trọng tại CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã CK: DQC).
Ngày 13/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa do đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Trước đó, vào tối 10/7, bà Thoa bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trước khi bị truy nã, bà Thoa được xác hành vi đồng lõa với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong việc ‘hô biến’ 6.000m2 đất ‘vàng’ (khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM) từ tài sản nhà nước sang tay tư nhân.
Vào năm 2016, bà Thoa từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về mặt Đảng do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004-5/2010).
Bà Thoa cũng bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương do còn liên quan đến một loạt những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức rời chức Thứ trưởng.
Bà Thoa từng có 18 năm gắn bó tại Bóng đèn Điện Quang (mã CK: DQC), trước khi bà về làm Thứ trưởng. Từ năm 2000-2005, bà là Tổng Giám đốc Công ty. Từ 2005-2010, bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Đến năm 2010, khi bà Thoa được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng tại Bộ Công Thương thì ghế Chủ tịch và Tổng Giám đốc Bóng đèn Điện Quang được bàn giao lại cho em trai bà là ông Hồ Quỳnh Hưng cho đến nay.
Ðiện Quang được biết đến là một trong những tên tuổi sản xuất, kinh doanh các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn bà Thoa chèo lái, Điện Quang đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Vào tháng 4/2016, cổ phiếu của Điện Quang lên mức trên 77.000 đồng/cổ phiếu. Bà Thoa từng lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016.
Vài năm qua, Bóng đèn Điện Quang và giá cổ phiếu DQC biến động mạnh gắn liền với những biến cố trong gia đình cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Bóng đèn Điện Quang 4 năm liên tiếp gặp khó khăn, phải cạnh tranh với các đơn vị tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Doanh thu trong năm 2019 của DQC giảm 30,5% xuống chỉ còn 825 tỷ đồng.
Gần cuối năm 2018, bà Thoa chính thức không còn là cổ đông lớn khi bán gần hết cổ phần ở Điện Quang. Trước khi bị kỷ luật, bà Thoa sở hữu trực tiếp hơn 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang. Sau khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,02%, bà Thoa giờ chỉ còn nắm giữ 6.415 cổ phiếu DQC.
Dù không còn là cổ đông lớn song các thành viên trong gia đình bà Thoa vẫn nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại DQC. Theo báo cáo, nhà cựu Thứ trưởng Thoa hiện vẫn nắm giữ khoảng 30% cổ phần tại công ty này.
Dù Điện Quang là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng các chức danh chủ chốt tại công ty đều do những thành viên gia đình bà Thoa nắm giữ. Đặc biệt, 2 con gái của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê hiện vẫn giữ các vị trí quan trọng và nắm một số lượng cổ phiếu lớn tại Bóng đèn Điện Quang.
Nguồn tin trên Vietnamnet cho hay, hai con gái của bà Thoa đang nắm giữ tổng cộng khoảng 6,355 triệu cổ phiếu DQC.
Theo kết luận điều tra, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khai báo thành khẩn về quá trình bán rẻ “đất vàng” cho tư nhân đối với lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) nhưng cho rằng chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Bị can Hoàng cho rằng, người chịu trách nhiệm chính trong vụ án này là bà Hồ Thị Kim Thoa, do bà Thoa phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Kết luận điều tra nêu rõ, từ tháng 5/2010, bà Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Bà Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công thương, Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới.
Tuy nhiên, bị can Hồ Thị Kim Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất này từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản nhà nước sang tư nhân).
Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp tại Công ty Sabeco Pearl, và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần; không xem xét đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của khu đất đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, thoái toàn bộ 26% vốn góp của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.
Đến nay, Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí do hành vi phạm tội của bị can Hồ Thị Kim Thoa và đồng phạm gây ra cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra trong một thời gian dài, từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đến khi tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn là đặc biệt lớn.
Theo kết luận giám định, giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại thời điểm UBND TP.HCM ban hành quyết định cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất là 1.075 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại thời điểm Bộ Công thương phê duyệt giá sàn 13.247 đồng/cổ phần ngày 1/4/2016 là hơn 2.505 tỷ đồng và tại thời điểm C01 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự là 3.816 tỷ đồng.
Liên quan đến việc truy nã bà Thoa, một lãnh đạo có trách nhiệm của Bộ Công an cho Thanh Niên hay, sau khi ra quyết định truy nã, nếu xác định bị can trốn ra nước ngoài sẽ yêu cầu tổ chức Hình cảnh quốc tế (Interpol) phối hợp truy nã quốc tế.