Úc chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Quý Khải

Theo chân Mỹ, Úc chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
(Ảnh thumbnail Youtube/Bloomberg Markets and Finance)

Úc vừa bác hết mọi yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông trong một lá thư gửi lên Liên Hợp Quốc hôm 23/7.

Tuyên bố của Úc lên Liên Hợp Quốc có ghi: 

“Chính phủ Úc bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1984”.

Bản tuyên bố cũng viết:

“Úc từ chối yêu sách của Trung Quốc đối với “các quyền lịch sử” hoặc “các quyền và lợi ích hàng hải” được thiết lập đơn phương trong “các hoạt động lịch sử thời gian dài [của Trung Quốc]” ở Biển Đông.

Tuyên bố của Úc đã đề cập đến những phản đối và khiếu nại của Philippines, Việt Nam và Malaysia trước các hành vi hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông, đồng thời “từ chối” tính hợp pháp của “các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất” để xây dựng các đảo nhân tạo.

Bản tuyên bố cũng khẳng định Úc không chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi các tàu chiến của Úc chạm trán hải quân Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng này khi tham gia tập trận cùng Nhật và Mỹ ở Biển Philippines.

Bản tuyên bố lưu ý rằng “Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông kết luận những tuyên bố này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS năm 1984, và chính vì vậy không hợp lệ”.

“Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc các ‘nhóm đảo’ ở Biển Đông, bao gồm các quần đảo ‘Tứ Sa’ hoặc ‘thềm lục địa’ hoặc các quần đảo xa bờ”, bản tuyên bố có viết.

“Úc từ chối mọi yêu sách đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên các đường cơ sở thẳng như vậy.

“Úc cũng từ chối các yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực hàng hải được tạo ra bởi các thực thể ngầm dưới nước hoặc độ cao thủy triều thấp không tương thích với UNCLOS. Các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất hoặc các dạng thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi phân loại thực thể theo UNCLOS … chính phủ Úc không chấp nhận việc các thực thể được cải tạo có thể được hưởng quy chế của một đảo tự nhiên”.

Tuyên bố này của Úc nối tiếp một động thái tương tự của Mỹ hồi đầu tháng, khi chỉ trích Bắc Kinh tiến hành một “chiến dịch bắt nạt … hoàn toàn bất hợp pháp” nhằm kiểm soát Biển Đông. 

Hãng tin The Guardian cho hay, sự thay đổi quan điểm của Úc diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold chuẩn bị có chuyến thăm Washington vào tuần tới để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper trong khuôn khổ cuộc tham vấn ngoại giao-quốc phòng giữa Mỹ và Australia (AUSMIN) 2020.

Trái với cách hành xử trước đây trong đó Úc và Mỹ chỉ bày tỏ quan ngại trước các tranh chấp chủ quyền giữa các bên tại Biển Đông và thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, việc ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách của Trung Quốc cho thấy hai cường quốc thật sự đứng về phía các nước như Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines. 

Động thái của hai đồng minh Mỹ-Úc cũng là phản ứng trước chiến dịch thúc đẩy yêu sách của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực Biển Đông giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược quan trọng, theo Bloomberg.

Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc đã leo thang từ hồi đầu năm nay khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra công tác xử lý dịch Covid-19 của Bắc Kinh vào thời điểm ban đầu. 

Kể từ đó, Trung Quốc đã cảnh báo công dân nước này cùng các sinh viên quốc tế không đến Úc vì lý do phân biệt chủng tộc do đại dịch. Trung Quốc cũng ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bòáp thuế bổ sung với lúa mạch Úc.

Related posts