Tin thế giới sáng thứ Ba

Báo Nhật nói về ‘NATO châu Á’

Cuối tuần vừa qua, Nhật Bản thông báo các tàu của Trung Quốc đã xuất hiện gần quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý trong khi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư trong ngày thứ 100 liên tiếp, thời gian lâu nhất kể từ khi Tokyo kiểm soát nhóm đảo này hồi năm 2012. Theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG), 4 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã xuất hiện trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku trong ngày 22/7, với 1 trong số này theo quan sát được trang bị súng máy tự động.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Những hành động lặp đi lặp lại này là hết sức nghiêm trọng. Các tàu tuần tra của JCG đã phát đi cảnh báo và chúng tôi hết lần này tới lần khác trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao. Chúng tôi sẽ phản ứng một cách ôn hòa với Trung Quốc trên lập trường kiên quyết”. Ông Suga nhấn mạnh rằng Tokyo quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình.

Nhật Bản thông báo về diễn biến nóng trong quan hệ với Trung Quốc

Sau tuyên bố này vài ngày, tờ Nikkei Asia Review của Nhật Bản cho đăng bài bình luận về việc nước này cùng với Mỹ, Ấn Độ và Úc tập trận chung. Theo tờ báo Nhật Bản, Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tập trận song song ở Biển Philippines và Ấn Độ Dương, với sự tham gia của nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có thể báo hiệu sự ra đời của “NATO châu Á” nhằm đối phó với Trung Quốc.

Ngày 21/7, Hải quân Mỹ thông báo về cuộc tập trận 3 bên ở Biển Philippines với Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) và Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF). Tham gia cuộc tập trận có tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ.

Bên cạnh đó còn có các tàu khu trục nhỏ Stuart và Arunta, tàu khu trục Hobart, tàu chiến chở trực thăng Canberra và tàu Sirius của Úc cùng tàu khu trục Teruzuki của Nhật Bản. Cuộc tập trận đã bắt đầu hôm 19/7, một ngày trước khi Hải quân Mỹ và Hải quân Ấn Độ bắt đầu cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương với sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz.

Ngay bên ngoài eo biển Malacca, USS Nimitz, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Princeton và các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Ralph Johnson của Mỹ đã cùng tập trận với các tàu chiến Rana, Sahyadri, Shivalik và Kamorta của Ấn Độ.

Nhóm “Bộ Tứ” tập trận

Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) kể từ năm 2007. Tuy nhiên, một số nước tham gia Quad tỏ ra thận trọng khi không coi đây là nhóm quân sự hay nền tảng cho sự ra đời của “NATO châu Á”.

Năm 2007, Úc đã đảm bảo với Trung Quốc – nước đã bày tỏ quan ngại về Quad – rằng họ muốn giới hạn Quad ở các vấn đề thương mại và văn hóa. Cũng trong năm đó, Ấn Độ đã nhấn mạnh với Trung Quốc rằng Quad không liên quan tới an ninh.

Tuy nhiên, tờ báo Nhật Bản cho rằng động thái mang tính biểu tượng của việc tổ chức các cuộc tập trận có sự tham gia của cả 4 quốc gia Quad ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến các nhà phân tích tự hỏi phải chăng “sự rụt rè” đó đang giảm dần?

Nhóm “Bộ Tứ” kiên quyết hơn trước thách thức?

Giới phân tích đang đợi xem liệu Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có mời Úc tham gia cuộc tập trận 3 bên thường niên Malabar hay không. Hồi năm 2007, Úc từng được mời tham gia cuộc tập trận này với tư cách thành viên không thường trực. Nhưng năm 2018, Ấn Độ đã không mời Úc tham gia cuộc tập trận này để tránh ý kiến cho rằng đây là một liên minh quân sự chống Trung Quốc.

Tờ báo Nhật Bản cho rằng việc tất cả 4 nước thành viên Quad đều tham tập trận trên thực tế sẽ thể hiện quyết tâm thống nhất để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thay đổi thái độ

Nikkei Asia Review dẫn lời chuyên gia Patrick Cronin, Chủ tịch về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Học viện Hudson, nói: “Các cuộc tập trận hải quân quốc tế đang diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những diễn biến mới nhất cho thấy Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đang rũ bỏ những hạn chế trước đây về các cuộc tập trận quân sự đa phương”.

Tờ báo Nhật Bản lưu ý những diễn biến này xảy ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc với 4 nước thành viên Quad đều đang xấu đi. Trong báo cáo Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 mới công bố trong tháng này, Úc đã bày tỏ thái độ hoài nghi hơn đối với Trung Quốc so với trong Sách trắng công bố 4 năm trước đó.

Úc tham gia cuộc tập trận Malabar sẽ giúp “Bộ Tứ” gửi đi cảnh báo đáng chú ý

Báo cáo có đoạn: “Kể từ năm 2016, các cường quốc lớn đã trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của mình và đang tìm cách gây ảnh hưởng, trong đó có việc Trung Quốc tích cực theo đuổi các nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Úc lo ngại về khả năng xảy ra các hành động, chẳng hạn như việc thiết lập các căn cứ quân sự, vốn có thể làm suy yếu sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khu vực ngay sát Úc”.

Về phần mình, trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020, Nhật Bản nhấn mạnh Trung Quốc đã “không ngừng” có những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý. Sách trắng Quốc phòng của Nhật Bản viết: “Trong những năm gần đây, Hải quân và Không quân Trung Quốc đã mở rộng và tăng cường hoạt động ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản, có những trường hợp liên quan đến các hoạt động leo thang từ một phía”.

Tờ báo Nhật Bản còn dẫn lời Đô đốc Hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu Sudarshan Shrikhande, cựu Giám đốc Tình báo Hải quân, nhận định rằng quan hệ đối tác trong Quad có thể sẽ được mở rộng để kết nạp thêm nhiều nước láng giềng (của Trung Quốc). Theo ông, Quad có thể cùng với một số nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) “trở thành một đối trọng hữu ích với hành động phô trương sức mạnh và các tham vọng của Trung Quốc”.

Trong khi đó, tờ Sankei của Nhật Bản cho rằng các động thái của Trung Quốc liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku sẽ hối thúc Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải thay đổi thái độ đối với Trung Quốc. Theo tờ báo này, một số nhân vật thân cận với Thủ tướng Abe và có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đang ngày càng thể hiện thái độ không hài lòng với các biện pháp đối phó của Chính phủ Nhật Bản.

Mỹ cảnh báo không gieo trồng ‘hạt giống bí ẩn’ nghi gửi từ Trung Quốc

Những hạt giống lạ mà người dân Mỹ nhận được nghi đến từ Trung Quốc (ảnh: Twitter).

Bộ Nông nghiệp bang Virginia (Mỹ) cho biết hôm thứ Sáu (24/7) rằng, một số cư dân đã nhận được các gói lạ trong đó chứa các hạt giống cây “bí ẩn” nghi có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một số cư dân ở các tiểu bang Utah, Arizona cũng loan báo, trong vài tuần qua, họ nhận được qua đường bưu điện các gói hạt giống tương tự.

Bộ Nông nghiệp bang Virginia kêu gọi những người nhận không gieo trồng những hạt giống cây này, vì đây có thể là những loài thực vật xâm lấn. Có một vài giả thiết cho rằng, liệu đây có phải là đang mở màn cho một cuộc chiến tranh sinh học.

Động đất ở Việt Nam và Trung Quốc

Khoảng 12h15 thứ Hai (27/3), một trận động đất cường độ 5,3 độ richter xảy ra ở Sơn La (Lai Châu) gây ra dư chấn khiến người dân các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung lắc.

Trên trang volcanodiscovery, nhiều người cho biết sự cảm nhận của họ về trận động đất. Có người nói ở tầng 10 Times City (Minh Khai), đang ngủ trưa thì cảm thấy rung lắc, dường như rung lắc tới 3 lần, mỗi lần trong vài giây. Có người ở tòa Hpc Landmark 105 (Hà Đông) cảm nhận được rung chuyển hơn 1 phút. Các khu vực Lĩnh Nam, Tây Hồ có chấn động khoảng 20 đến 30s. Nhiều người ở Long Biên, Đội Cấn, Văn Quán và Mỹ Đình đều cảm nhận được trận động đất này. Theo earthquake-report, trận động đất Sơn La tác động tới một vài khu vực ở Lào.

Trong khi đó, khoảng 5h50 sáng (giờ địa phương) cùng ngày, một trận động đất cường độ 4,5 độ richter xảy ra ở Khu Tự trị Tây Tạng (Trung Quốc), tâm chấn 10km.

Người nghi nhiễm Covid-19 bơi vượt sông vào Triều Tiên

Quân đội Hàn Quốc hôm nay (27/7) cho biết, người Triều Tiên đào tẩu có thể đã chui qua cống rồi bơi vượt sông từ đảo Gwanghwa để quay lại Triều Tiên, theo hãng tin Yonhap.

“Chúng tôi phát hiện địa điểm nơi anh ta vượt biên về miền bắc tại đảo Ganghwa, khi tìm thấy một chiếc túi được cho là của anh ta”, đại tá Kim Jun-rak, phát ngôn viên Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, nói trong cuộc họp báo cùng ngày.

Vụ việc nam thanh niên 24 tuổi vượt biên được Triều Tiên công bố hôm 26/7 khi nói rằng “người bỏ trốn” nay đã trở về nhà ở thành phố biên giới Kaesong mang các triệu chứng nhiễm virus corona. Anh ta từng vượt biên tới Hàn Quốc vào năm 2017 bằng cách bơi qua sông tới hòn đảo Gyodong nằm phía tây đảo Ganghwa. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố và ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn virus lây lan.

Trung Quốc ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao

Trung Quốc báo cáo 61 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày Chủ nhật (26/7), con số này là mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 6/3, theo Reuters.

Trong số đó, 57 trường hợp lây nhiễm trong nước. Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết đây là mức cao nhất kể từ ngày 6/3 khi có 75 ca nhiễm mới trong ngày. Trong số các trường hợp nhiễm mới, số ca nhiễm ở Tân Cương tăng gần gấp đôi so với 1 ngày trước đó, lên tới 41.

Tỉnh Liêu Ninh báo cáo 14 trường hợp, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp có ca nhiễm mới. Tỉnh Cát Lâm báo cáo 2 trường hợp mới, lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5, liên quan đến những người qua lại tỉnh láng giềng Liêu Ninh. Trung Quốc cũng ghi nhận 44 bệnh nhân không triệu chứng, giảm so với ngày trước đó là 68 người.

Triều Tiên nói được mùa tảo bẹ

Truyền thông Triều Tiên KCNA hôm nay cho biết, bất chấp các điều kiện thời tiết bất thường kéo dài trên thế giới đã ảnh hưởng đến việc nuôi cá xa bờ, vào tháng 5 và tháng 6, các trại nuôi cấy ngoài khơi ở tỉnh Nam HwangHae và các vùng khác của Triều Tiên đã nỗ lực để có vụ mùa bội thu các loài động vật và thực vật biển, bao gồm tảo bẹ, rong biển, hàu, trai, vẹm và sò điệp.

Tờ báo nói, những người nuôi trồng chú trọng tăng sản lượng tảo bẹ vì đây là một kho tàng chứa các loại dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu gia tăng trong ngành thực phẩm và dược phẩm.

Related posts