Thiệt hại do lệnh giới nghiêm Victoria
Theo ước tính ban đầu của Bộ kinh tế liên bang thì thiệt hại do lệnh giới nghiêm của tiểu bang Victoria là $9 tỷ và nếu biện pháp này vẫn không ngăn chặn được dịch Covid-19 thì tác động với nền kinh tế quốc gia sẽ còn lớn hơn nhiều.
Chính phủ Victoria đã ban bố tình trạng “thảm họa” vào hôm Chủ Nhật (2.8.2020) và kể từ 6 giờ tối hôm đó đã áp dụng ngay biện pháp kiểm dịch giai đoạn 4 theo đó người dân chỉ được ra khỏi nhà để đi làm, chăm sóc y tế và mua thực phẩm, mỗi nhà chỉ được cử một người để đi mua sắm và chỉ được đi trong vòng bán kính 5km. Các nhà hàng, quán ăn và quán café sẽ ngừng phục vụ khách hàng tại chỗ.
Với quyết định này, nền kinh tế bang Victoria được dự báo sẽ chịu thiệt hại nặng nề, đồng thời kéo theo những tác động không nhỏ đối với kinh tế liên bang.
Bộ Kinh tế Uc ước tính, lệnh giới nghiêm áp dụng trong 6 tuần tại bang Victoria sẽ khiến ngân sách liên bang thâm hụt $9 tỷ, khiến hàng trăm ngàn người thất nhiệp. Và dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế nước này suy thoái mức 3.75% trong năm nay.
Còn theo số liệu do Viện nghiên cứu các vấn đề công (The Institute of Public Affairs) đưa ra thì đợt dịch thứ 2 có thể khiến bang Victoria thiệt hại gần $3.2 tỷ mỗi tuần. Không những vậy, với quy mô chiếm 25% nền kinh tế cả nước, đợt dịch thứ 2 tại bang Victoria cũng sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế các tiểu bang khác.
Tuy nhiên, việc chính quyền bang Victoria ban bố tình trạng thảm họa và áp dụng lệnh giới nghiêm để kiểm soát dịch bệnh đã được nhiều giới chức liên bang ủng hộ.
Trong một phát biểu vào ngày 3/8, Tổng trưởng Kinh tế Josh Frydenberg cho rằng quyết định của chính quyền bang Victoria là cần thiết khi số ca nhiễm tại đây chiếm tới 98% tổng số ca nhiễm trên cả nước. Ông Frydenberg cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay tại bang Victoria có thể coi là tình trạng chiến tranh và mọi người dân ở bang này đều ở trên chiến tuyến chống dịch.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 3.8.2020 Victoria tiếp tục ghi nhận 429 bệnh nhân Covid-19, nâng tổng số ca Covid-19 tại bang này lên gần 12,000 trường hợp.
Mất cả chì lẫn chài
Một băng đảng ma túy Úc có quan hệ với mafia Ý đã mất cả chì lẫn chài: mất máy bay, mất ma túy, và bị tống cổ ra tòa, Toàn bộ 5 nghi can trực tiếp tổ chức vụ buôn lậu này đã bị tóm, trong đó có bốn người đến từ Melbourne,
Tại nạn diễn ra vào tuần qua (26.7.2020) khi chiếc máy bay Cessna nhét đầy 500kg cocaine, chuẩn bị lên đường từ Papua New Guinea bay về Queensland. Chẳng ngờ, số ma túy trị giá khoảng $80 triệu không thể vận chuyển trót lọt, bởi máy bay đã bị tai nạn lúc đang chật vật cất cánh tại một đường băng dã chiến tại vùng Papa Lea Lea, ở phía bắc thủ đô Port Moresby của PNG.
Cảnh sát PNG đã đến hiện trường và sau đó phát hiện 27 túi ma túy đã mang ra khỏi máy bay, vứt tại một nơi cách đó không xa.
Kết quả điều tra cho thấy máy bay này đã khởi hành từ thị trấn Mareeba, gần thành phố Cairn thuộc bang Queensland đến Papua New vào ngày 26.7.2020. Mát bay đã bay ở độ cao 910 mét nhắm tránh né sự theo dõi của hệ thống radar phát hiện.
Ngày 28.7.2020 viên phi công người Úc đến Tòa lãnh sự Úc để làm thủ tục hồi hương thì bị bắt. Sau đó AFP bắt thêm 5 nghi can khác tại Úc, cho biết đã theo dõi nhóm này từ hai năm trước.
Cảnh sát liên bang (AFP) cho hay băng này có đầu não ở Melbourne, chúng trải rộng hoạt động ra khắp Sydney và Atherton, gần thành phố Cairns để mua bán cocaine.
Thuốc trị Covid-19 dõm
Trong thông cáo ngày 3,8,2020 Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) cho biết các nhân viên kiểm soát đã ghi nhận con số kỷ lục của số lượng dược phẩm mà nhiều người cho là có thể chữa lành bệnh Covid-19 dù hoàn toàn không được cơ quan thẩm quyền chứng nhận và cấp phép
Đó là Ephedra và Hydroxychloroquine, một loại thuốc điều trị sốt rét và tự miễn dịch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có thể chữa khỏi Covid-19.
ABF cho hay trong quý đầu của năm phát hiện khoảng 2kg Ephedra được nhập bất hợp pháp thì đến tháng tháng 4 và tháng 5 vừa qua, số lượng Ephedra mà cơ quan này phát hiện lên tới hơn 66kg. Các nhà chức trách cho rằng, những người nhập khẩu tin rằng ma hoàng có thể giúp điều trị Covid-19.
Ngoài Ephedra, chỉ từ ngày 8,5 đến ngày 21.6.2020, ABF đã tịch thu hơn 16,000 loại thuốc sốt rét, trong đó có cả thuốc viên hydroxychloroquine.
Cục quản lý dược phẩm Úc (TGA) cảnh cáo rằng chính phủ cấm nhập ma hoàng và nếu vi phạm có thể bị phạt tù tới 25 năm và phạt tiền lên tới hơn $1 triệu. Lạm dụng ma hoàng cũng có thể dẫn tới tình trạng huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, rối loạn cơ bắp, co giật, đột quỵ hoặc tử vong. Việc lạm dụng thuốc chữa sốt rét, trong đó có hydroxychloroquine cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho tim hoặc gây ra các tổn thương về mắt mà không thể hồi phục.
TGA cho hay đang theo dõi các nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng hydroxychloroquine đối với bệnh nhân Covid-19. Tuy vậy, nghiên cứu trên diện rộng của WHO cho thấy, hydroxychloroquine có ít hoặc không có tác dụng đối với các bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện. Vì vậy, TGA khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng hydroxychloroquine.
Hiện nay, Úc mới chỉ cấp phép duy nhất cho thuốc kháng virus Remdesivir dùng trong điều trị Covid-19 cho người lớn và thanh niên bị viêm phổi cần phải bổ sung oxy.
ABF kêu gọi người dân không nên tự ý nhập khẩu các dược liệu và thuốc mà không có giấy phép. Hiện nay, ABF đang để ý đến các loại thuốc này và sẽ thu giữ ngay khi tìm thấy chúng tại biên giới và sau đó sẽ chuyển sang cảnh sát để truy tố nếu đó là Ephedra
Ephedra là chất dùng để bào chế thuốc lắc hay ma túy ice,
Chất này có trong loại dược thảo dùng làm thuốc mà người Việt chúng ta gọi theo âm Tàu là “ma hoàng”. Trong Đông y, người ta dùng rễ ma hoàng làm thuốc, gọi là “ma hoàng căn”, và vị thuốc này được diễn tả là “vị ngọt, tính ôn” với tác dụng “cầm mồ hôi”.
Về tên khoa học, cây ma hoàng được gọi là “ephedra”. Trong tiếng Anh thông thuờng chúng được gọi là “joint pine”, “joint fir” hay “mormon tea” và đôi khi còn gọi là “sea grape”, có gốc gác từ tiếng Pháp “raisin de mer”. Ngoài ra còn có một tên gọi phổ biến là Coccoloba uvifera.
Úc điều tra TikTok
Chính phủ Úc đã mở cuộc điều tra về bảo mật đối với TikTok, trong bối cảnh nền tảng chia sẻ video trực tuyến này đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ các quốc gia trên thế giới.
Tờ ABC của Úc hôm 2/8 đưa tin, Thủ tướng Scott Morison đã yêu cầu các cơ quan tình báo điều tra liệu TikTok có gây ra mối đe dọa an ninh hay không. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang tìm hiểu những biện pháp để xử lý mọi rủi ro bảo mật dữ liệu hoặc quyền riêng tư do ứng dụng này gây ra. Truyền thông Úc cho biết thêm rằng WeChat, nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất của Trung Quốc, cũng đang phải đối mặt với sự giám sát tương tự.
Một số thành viên quốc hội Úc đã kêu gọi cấm TikTok, nền tảng xã hội thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance.
Việc chính phủ Úc điều tra TikTok diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra ngày càng xấu đi. Tuần trước, các đại sứ Úc và Trung Quốc đã “đấu khẩu” trên Twitter sau khi Canberra đứng về phía Mỹ trong việc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
TikTok đã bị các nhà lập pháp ở Mỹ theo dõi kỹ lưỡng từ năm ngoái vì lo ngại rằng công ty này sẽ buộc phải gửi dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc dựa theo luật an ninh quốc gia. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/7 nói rằng ông đã lên kế hoạch cấm TikTok tại Mỹ sau khi không tán thành ý tưởng Microsoft thâu tóm ứng dụng của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một cuộc trò chuyện với CEO của Microsoft, Satya Nadella, ông Trump đã thay đổi ý định và cho hai bên 45 ngày để hoàn thành thương vụ trên.
Tháng trước, Ấn Độ đã cấm TikTok cùng hơn 50 ứng dụng điện thoại khác của Trung Quốc. Tuần trước, một số nhà lập pháp Nhật Bản cho biết họ đang điều tra các hạn chế đối với các ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok, vì lo ngại dữ liệu có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.