Về với nước Mỹ, quê cha

Kim Loan

https://ecp.yusercontent.com/mail?url=https%3A%2F%2Fbaotreonline.com%2Ftre_assets%2Fuploads%2F2020%2F07%2Fve-voi-nuoc-my-que-cha.jpg&t=1595768572&ymreqid=b67b3e5e-74f1-5ec5-1c15-4b000a01e700&sig=55x0ABxiV9VO90iHDDpcpw--~D

Tôi sống với Ngoại từ lúc mới lọt lòng, không biết hồi nhỏ Má có về thăm tôi thường xuyên không, nhưng từ khi tôi năm, sáu tuổi, biết thắc mắc về cha mẹ, thì tôi có gặp Má. Thường là mỗi năm một hai lần, Má chỉ nói chuyện với tôi qua loa vài câu, cho miếng kẹo tấm bánh rồi đi. Má ít khi bày tỏ tình thương yêu với tôi, nếu có thì cũng vội vàng thoáng qua, và tôi cũng không thấy lưu luyến hay thương Má. Tất cả tình thương của tôi chỉ dành cho Ngoại.

Hai bà cháu sống trong ngôi nhà nhỏ bé, cũ kỹ. Sau nhà là một dòng sông không biết chảy về đâu. Cạnh bờ sông có một cây phượng vỹ to lớn, mỗi mùa Hè hoa đỏ nở rực rỡ trời xanh và rực rỡ cả một khúc sông, khi những hoa phượng rụng xuống trôi lênh đênh, dập dềnh theo sóng nước.

Tôi lớn lên bên cạnh Ngoại. Ngoại là bà mẹ chăm sóc bú mớm tã lót cho tôi lúc nhỏ, và manh quần tấm áo, miếng cơm khi tôi lớn dần, những gánh rau Ngoại bán ở chợ đủ cho hai bà cháu cơm cháo qua ngày. Tôi cũng được cắp sách đến trường như con người ta, Ngoại thường bảo: “Ráng học đi con, mai mốt lớn có chữ cho đời bớt khổ”.

Tôi học cũng khá lắm, nhưng toàn bị lũ trẻ cùng lớp hà hiếp, trêu chọc chỉ vì tôi là đứa con lai với làn da đen đủi và Mái tóc quăn tít. Mỗi lần về méc Ngoại tôi khóc, Ngoại ôm tôi dỗ dành rồi Ngoại cũng khóc, tôi đòi nghỉ học nhưng Ngoại không cho.

Năm tôi lên mười, Ngoại ngã bệnh không thể gánh rau ra chợ bán, tôi phải nghỉ học để kiếm tiền thay cho Ngoại. Tôi làm đủ thứ việc mà chòm xóm cần, từ bế em, gánh nước tưới rau và nhiều công việc không tên khác, người ta trả công cho tôi bằng tiền, bằng gạo, bằng những bộ quần áo cũ. Ai cũng hiểu hoàn cảnh của tôi nên mướn tôi làm vì lòng thương hại, để giúp hai bà cháu có miếng cơm ăn. Những cái chép miệng, những lời nói chân thành cảm thông lọt vào tai tôi thường là:

“Tội nghiệp con nhỏ, xấu người, xấu số! May mà có bà Ngoại nuôi.” Hoặc là:

“Mày phải thương Ngoại mày nghe hôn, hồi mới sanh mày, Má mày muốn đem cho trại mồ côi, nhưng Ngoại mày cản dữ lắm và đem mày về nuôi. Chưa hết đâu, hồi 30 tháng 4 năm 1975, thời điểm hỗn độn Sài Gòn đang sụp đổ, mày mới vài tháng tuổi, Má mày cũng nằng nặc đòi cho mày đi theo chương trình mang con lai mồ côi qua Mỹ, Ngoại vẫn cương quyết giữ mày lại. Ngoại lo cho mày còn quá bé bỏng, ở nhà dù nghèo mạt nhưng còn có tình Máu mủ bà cháu…”

Tôi nghe được những chuyện đó tôi càng thương Ngoại hơn.

Một hôm, Ngoại bị bịnh hoài không hết, người Ngoại nóng sốt và rên hừ hử suốt ngày. Tôi sợ quá, liền nghĩ đến Má, cầu cứu Má coi có giúp được gì không. Tôi để ý mỗi lần Má nói chuyện với Ngoại nên tôi biết Má đang sống ở thị xã, cách làng quê tôi mấy chục cây số. Thế là tôi đi xe đò lên đó và kiếm được nhà Má dễ dàng. Khi gặp tôi, Má không ngạc nhiên hay vui mừng gì, mà còn mắng tôi:

“Mày lên đây làm gì? Ngoại bịnh ra sao từ từ tao cũng về dưới mà! Thôi, mày về lẹ đi kẻo ổng về tới cằn nhằn chửi bới nhức cái đầu lắm! Khổ lắm con ơi!!!”

“Ổng” ở đây là chồng của Má. Lúc đó có một con nhỏ, kém tôi chừng vài tuổi đang đứng cạnh Má, nó nhìn tôi bằng đôi mắt hiền lành và thương hại. Nó níu tay Má năn nỉ:

“Thôi Má, đừng la nó, coi chừng nó khóc kìa!”

Và tôi khóc thật, lủi thủi quay ra mà Má không buồn gọi lại. Ðược cái an ủi là hôm sau Má có về thăm Ngoại. Ở tuổi mười hai, tôi chỉ biết tự trách mình, rằng nhà Má cũng nghèo rớt mồng tơi, đâu hơn gì nhà Ngoại, ai biểu mình lên quấy rầy Má, làm Má thêm lo nên Má nổi quạu. Từ đó tôi không bao giờ lên nhà Má nữa.

Càng lớn tôi càng làm được nhiều việc hơn, mười lăm tuổi tôi đã biết gánh rau ra chợ bán như Ngoại ngày xưa, cuộc sống vẫn đạm bạc và êm ấm, Ngoại thương tôi bao nhiêu tôi thương Ngoại bấy nhiêu. Hôm nào bán đắt hàng tôi liều mình mua miếng thịt, con cá nấu một bữa ăn ngon, Ngoại rầy yêu tôi:

“Con đừng xài… sang nữa nha, để dành tiền sau này rủi có chuyện gì còn xoay xở!”

Mười lăm tuổi tôi đầu tắt mặt tối, cơm gạo kiếm từng ngày, tôi chưa kịp trở mình thành thiếu nữ để mơ mộng với cây phượng vỹ cổ thụ sau nhà mỗi mùa Hè những chùm hoa đỏ soi bóng trên dòng sông… thì một hôm Má tôi về. Lần đó, Má vui hơn tất cả mọi lần, rồi với nét mặt nghiêm trang, Má nói chuyện với Ngoại và tôi, là Má giao tôi cho một gia đình xin tôi làm con nuôi để họ làm giấy tờ xuất cảnh qua Mỹ, đổi lại Má được mười cây vàng. Mới nghe, Ngoại phản đối dữ dội, bao nhiêu năm nghèo khổ vẫn sống được thì cần gì mấy cây vàng hay đi Tây đi Mỹ. Còn tôi chỉ biết ôm Ngoại, nhìn Má và khóc:

“Con xin Má để con ở nhà với Ngoại, con không muốn đi đâu hết á.”

Má hết ngọt lại gắt, hết cứng lại mềm, rồi Má năn nỉ khóc lóc:

“Con ơi, vì chồng Má cờ bạc nợ nần ngập đầu ngập cổ, cần tiền trả nợ. Má hứa sẽ bỏ ra một cây vàng để sửa lại nhà cho Ngoại, Má hứa sẽ nuôi Ngoại. Bấy lâu nay Má đã không nuôi được con, không cho con một Mái gia đình tử tế, thì đây là dịp để con đổi đời, thoát khỏi sự khinh chê dè bỉu của xã hội này với đứa con lai! Má nghe nói, qua đó dễ làm ăn hơn bên đây, con kiếm tiền về nuôi Ngoại, báo hiếu cho Ngoại. Con thương Ngoại và thương Má nghen con …”

Cuối cùng Ngoại cũng đành nhắm mắt gật đầu chấp nhận và nhắn nhủ tôi:

“Con qua tới Mỹ thì cứ lo cho thân con trước đi, hễ con sướng là Ngoại vui rồi, đừng lo cho Ngoại!”

Tôi lo lắm, một thân một mình nơi xứ người với một gia đình hoàn toàn xa lạ, rồi tôi sẽ sống ra sao? Mà thôi, dù muốn dù không tôi cũng không thể thay đổi được đời mình, chỉ cầu xin đúng như lời Má nói, tôi sẽ kiếm được tiền gửi về nuôi Ngoại. Hôm giã từ Ngoại để theo mẹ nuôi lên Sài Gòn tôi khóc như mưa.

Sang tới Mỹ, thời gian đầu tôi bận rộn đủ thứ, chỉ nội việc đi học ESL cũng làm tôi bù đầu. Tôi ở với mẹ nuôi tới năm mười tám tuổi thì chia tay, coi như hai bên sòng phẳng đường ai nấy đi. Tôi cũng may mắn vì gia đình mẹ nuôi giúp đỡ, hướng dẫn tôi rất nhiều, chứ không như một số gia đình “nuôi” con lai khác, qua tới Mỹ là họ trở mặt, thậm chí còn coi rẻ đồ con lai thấp kém, vô học.

Từ lúc ở Phi Luật Tân cho tới khi qua Mỹ, thỉnh thoảng tôi có gửi thư cho Ngoại, rồi Ngoại nhờ người viết hồi âm cho tôi, thơ nào tôi cũng hứa sẽ cố gắng làm ra tiền gửi về nuôi Ngoại.
Công việc đầu tiên của tôi là phụ bếp cho một nhà hàng, cả tháng lương đầu tiên tôi dành gửi về biếu Ngoại. Tiền gửi đi rồi, cõi lòng sung sướng thênh thang, tôi hồi hộp chờ mong thư, coi Ngoại vui mừng cỡ nào! Và tôi nhận được thư của cô em gái cùng mẹ với tôi:

“Chị ơi, Ngoại mới mất cách đây một tháng, em chưa kịp báo tin cho chị thì nhận được tiền chị gửi về. Sẵn đây em xin phép chị để nhận số tiền đó. Ngoại chết vì bệnh tuổi già, đi nhẹ nhàng chớ không liệt giường liệt chiếu gì, có điều mấy hôm trước khi chết Ngoại linh cảm sao đó, cứ nhắc đến chị hoài …”

Sau phần nói về Ngoại, phần cuối thư cô em nói về gia đình mình:

“Chị ơi, lúc này Má khổ lắm, ba em cờ bạc, mười cây vàng đánh đổi chị đi Mỹ hết vèo đã đành, mà căn nhà đang ở thị xã cũng bay luôn, nên gia đình em phải dọn về quê ở chung với Ngoại, căn nhà vẫn chật hẹp và ọp ẹp như xưa chứ Má đâu có tiền mà sửa sang. Nếu chị thương Má, thương tụi em thì xin chị gửi về chút tiền sửa nhà nghen chị? Má nhờ em nói với chị, chắc Má ngại sao đó nên chưa sẵn sàng viết thư cho chị!”

Ðọc thư xong tôi khóc vì Ngoại đã mất, còn lòng tôi vẫn không thể thương Má. Càng lớn tôi càng hiểu Má đã bỏ bê tôi, dù bao lần Ngoại đã rủ rỉ với tôi rằng:

“Má con cũng thương con, nhưng thân Má lo không xuể làm sao lo cho con được! Chồng của Má không muốn Má nuôi con, nên Má mới phải xa con, con đừng giận Má con, tội lắm!”

Bây giờ tôi hiểu Ngoại nói thế để tôi bớt tủi thân và để nhẹ tội cho Má.

Ngoại mất đi, coi như tôi không còn gì ở Việt Nam để liên hệ nữa, tôi muốn xé bỏ lá thư của cô em gái và vĩnh viễn quên họ, nhưng nghĩ thế mà không dám làm thế!

Tôi không quên đứa em gái lớn mà năm xưa tôi đã gặp nó khi tôi tìm đến nhà Má bị Má la, nó đã nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng thương mến. Cái nhìn ấy như một ân huệ tử tế mà tôi còn nhớ mãi.

Tôi cũng không quên những lời Ngoại dạy, sống phải biết bao dung, thương người, huống gì họ là Má tôi, là các em tôi. Vả lại, các em tôi nào có lỗi gì!

Thêm điều cuối cùng trăn trở tôi nhiều nhất, không lẽ đời tôi không có một chốn quê nhà để mà đi về, để mà thương nhớ?! Biết bao nhiêu người con lai Mỹ đã đăng báo, bôn ba về Việt Nam tìm mẹ ruột của mình, trong khi tôi còn một người mẹ đã sinh ra tôi, giờ đang sống thiếu thốn nơi quê nhà? Nơi đây xứ Mỹ là quê cha, nhưng thực tế như bao đứa trẻ lai khác, tôi thực sự là một đứa con hoang không biết cha mình là ai. Còn quê mẹ, nơi có ngôi nhà phía sân sau cây phượng vỹ mỗi mùa Hè vẫn đỏ hoa và dòng sông suốt đời vẫn chảy. Tôi đã lớn lên ở đó, những kỷ niệm sẽ không bao giờ quên được.

Rồi tôi viết thư cho cô em, nối lại sợi dây ruột thịt tưởng như không có ở trên đời. Em gái tôi đã lớn, nó đang ở tuổi đôi mươi, em thay tôi đứng bên bờ sông sau nhà mà mơ mộng. Em tả cho tôi mùa hoa phượng đẹp thế nào và em buồn thế nào khi những cánh hoa chín đỏ bị gió lay rụng trôi dạt trên sông.

Chị em tôi không cách biệt tuổi tác là bao, nên như hai người bạn chia sẻ được nhiều điều. Từ cô em, tôi càng ngày càng khắng khít với gia đình Má, nhất là từ khi chồng Má qua đời vì trúng gió sau một chầu nhậu say mèm. Ðôi khi Má cũng viết thư cho tôi, có nhắc về những tháng ngày bỏ tôi ở với Ngoại, Má thấy xấu hổ và xin tôi hãy tha thứ cho Má. Dầu sao, cái tình cảm mẹ con quá muộn màng nhưng có còn hơn không. Tôi chắt bóp gửi tiền về để Má xây lại căn nhà.
Nhà xây xong, tôi về Việt Nam để hốt cốt Ngoại đem vô chùa và để nhìn thành quả đóng góp của mình, ngôi nhà Ngoại đã đẹp hơn, rộng hơn.

“Ngoại ơi, dù Ngoại không được hưởng gì, nhưng chắc Ngoại cũng hài lòng vì các con cháu của Ngoại đã quây quần, gắn bó.”

Trong lúc Má quỳ bên bàn thờ Ngoại khóc nức nở, tôi bước ra ngoài, cảm động và sung sướng khi nhìn lại cây phượng vỹ và dòng sông sau nhà. Dù đã bao đổi thay nhưng khung cảnh vẫn quá đỗi dịu dàng, rưng rưng sưởi ấm cõi lòng tôi ngày trở về.

Hiện nay, tôi làm supervisor ở cửa hàng Walmart. Chồng tôi cũng là con lai, anh làm thợ sửa xe và nhờ tay nghề giỏi anh đã sang tiệm làm chủ. Hai vợ chồng siêng năng làm việc, có hai đứa con đang học College.

Về với quê cha, nước Mỹ vĩ đại, tôi đã được đổi đời, có những thành quả ngoài sự ước mong của tôi. Nhưng tôi không thể quên quê mẹ. Sau những đau buồn hờn tủi, tôi đã tìm lại tình thương ruột thịt từ Má và những người em cùng mẹ khác cha.

Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có đầy đủ những tình thân xung quanh ở cả hai quê.

KL – Edmonton July.2020

Related posts