- Trần Minh
Trong cuộc biểu tình quy mô nhất trong nhiều năm qua, hơn 10.000 người Thái Lan đổ ra đường phố thủ đô Bangkok hôm Chủ nhất và hô vang: “đả đảo độc tài”, “đất nước này thuộc về nhân dân”. Reuters cho hay đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ cầm quyền lớn nhất kể từ cuộc đảo chính 2014 và có tiềm năng thay đổi cả quốc gia.
Sinh viên là lực lượng cốt lõi trong các cuộc biểu tình kéo dài suốt một tháng qua, tuy nhiên hôm Chủ nhật nhiều tầng lớp dân Thái đã hòa cùng các đòi hỏi của sinh viên. Những yêu cầu này bao gồm: Hạn chế quyền lực của vua – một chủ đề vốn bị cấm kỵ; đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức; xây dựng một hiến pháp mới và chấm dứt việc sách nhiễu các nhà hoạt động đối lập.
Ông Prayuth, một tướng quân đội đã lên cầm quyền sau vụ đảo chính cách đây 6 năm.
“Chúng tôi muốn một cuộc bầu cử mới, một quốc hội mới từ nhân dân”, nhà hoạt động chính trị sinh viên Patsalawalee Tanakitwiboonpon phát biểu trước người biểu tình, Reuters ghi nhận. “Cuối cùng, chúng tôi muốn hoàng tộc thực sự đứng dưới hiến pháp”.
Năm ngoái, thủ tướng Prayuth thắng cử trong một cuộc bầu cử mà phe đối lập tố cáo là được dàn xếp để ông ta giữ nguyên quyền lực. Hầu hết các lãnh đạo nổi bật nhất của phe đối lập đã bị cấm tham gia.
Những cáo buộc tham nhũng, các vụ bắt bớ sinh viên bất đồng ý kiến và hậu quả kinh tế do đại dịch virus corona đã đổ thêm dầu và ngọn lửa tức giận của người Thái.
Phe tổ chức của phong trào Người dân Tự do và cảnh sát nói có hơn 10.000 người tham gia biểu tình hôm Chủ nhật.
“Thủ tướng bày tỏ quan ngại với các quan chức và nói người biểu tình tránh bạo lực”, người phát ngôn Traisulee Traisoranakul của chính phủ Thái Lan nói với phóng viên. Bà cho biết ông Prayuth đã ra lệnh cho nội các phải thực hiện các bước đi để xây dựng sự thấu hiểu giữa các thế hệ.
Hoàng Cung chưa có bình luận về cuộc biểu tình, Reuters cho biết.
Sinh viên Thái biểu tình đã gửi 10 yêu cầu cải cách tới Vua Maha Vajiralongkorn, trong đó gồm cả yêu cầu hạn chế quyền lực của Vua đối với Hiến pháp, tài sản hoàng gia và lực lượng vũ trang.
“Phản đối chế độ phong kiến, nhân dân vạn tuế”, người biểu tình hô khẩu hiệu.
“Chúng ta sẽ không chịu làm cát bụi nữa”.
Một số đòi hỏi của sinh viên về Hoàng gia gồm có:
- Hủy điều 6 Hiến Pháp cấm xử phạt vua Thái theo Pháp luật,
- Xóa Luật Khi quân,
- Tách bạch tài sản cá nhân của Vua với các tài sản khác trong Cục Tài sản Quốc vương vốn đang ước tính trị giá nhiều tỷ USD,
- Chấm dứt cấp ngân sách cho Hoàng Cung, việc cống nạp cho hoàng gia phải kết thúc,
- Chấm dứt giáo dục một chiều ca ngợi Hoàng gia,
- Hoàng tộc không được phê chuẩn các vụ đảo chính và hạn chế bày tỏ quan điểm chính trị trước công chúng,
- Tiến hành điều tra các vụ bắt cóc người đã phê bình hoàng tộc
- Các yêu sách này không nhằm lật đổ chế độ quân chủ mà để bảo đảm một Chế độ Quân chủ lập hiến thực sự.
Luật Khi Quân của Thái rất nghiêm trọng, và người vi phạm có thể phải ngồi tù 15 năm vì chỉ trích Hoàng tộc, tuy nhiên Thủ tướng Prayuth nói Vua Vajiralongkorn đã thông báo sẽ không áp dụng luật này vào thời điểm hiện tại.
Trong khi biểu tình chống chính phủ và nền quân chủ diễn ra, những người trung thành với nhà vua cũng tổ chức biểu tình. Họ vẫy quốc kỳ, và mang theo các bức chân dung được đóng khung vàng của nhà vua và các thành viên khác trong hoàng tộc.
“Tôi không quan tâm nếu họ biểu tình chống chính phủ, nhưng họ không được động đến nhà vua”, lãnh đạo nhóm biểu tình ủng hộ hoàng tộc nói với Reuters.
Một số người phản đối cáo buộc chế độ quân chủ ở Thái đã giúp quân đội kéo dài sự thống trị quyền lực ở nước này. Kể từ khi kết thúc nền quân chủ tuyệt đối năm 1932 tới nay, Thái Lan đã trải qua 13 lần đảo chính thành công.
Trước vụ đảo chính 2014, Bangkok chứng kiến hơn một thập kỷ chao đảo vì các vụ đụng độ bạo lực giữa phe áo vàng và phe áo đỏ trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Theo Reuters, làn sóng biểu tình mới vẫn chưa nhuốm màu bạo lực.
Ba lãnh đạo sinh viên Thái đã bị kết án vi phạm hạn chế về tổ chức tập trung đông người trong các cuộc biểu tình trước. Cả 3 đều được bảo lãnh tại ngoại, tuy nhiên cảnh sát nói đã có lệnh bắt thêm 12 lãnh đạo sinh viên nữa.
Phe biểu tình ủng hộ Nhà Vua nói với BBC trong tháng 8 rằng “ba cột trụ của Thái Lan là quốc gia, tôn giáo và Hoàng gia phải được tôn trọng chứ không nên bị hạ bệ như thế này. Điều này không đúng đắn dưới một chế độ quân chủ lập hiến”.
“Chúng tôi không ra ngoài để đánh nhau với họ. Chúng tôi ở đây để chứng tỏ sức mạnh của phía bên kia. Thái Lan có một lịch sử dài. Nó không thể bị hạ bệ bởi những kẻ muốn phỉ báng Đức Vua”, những người biểu tình nói.
BBC nhận định, yêu sách của sinh viên đã đưa Thái Lan bước vào một vùng “chưa từng được đặt chân” trong nền chính trị quốc gia, và không ai biết tương lai sẽ ra sao.
“Ông Thần đã ra khỏi chai”, Giáo sư lịch sử Thongchai Winichakul tại đại học Wisconsin, một người sống sót sau vụ thảm sát 1976 tại Thái Lan nói.
“Xã hội sẽ không dừng lại, sự thay đổi không dừng lại. Điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là cẩn trọng để sự thay đổi đó diễn ra với ít máu đổ nhất có thể. Người Thái đã nói xấu sau lưng chế độ quân chủ trong nhiều năm, nhưng lại dạy con em họ phải ca ngợi hoàng gia ở nơi công cộng, tức là trở thành những kẻ đạo đức giả. Tất cả những gì mà những người biểu tình trẻ tuổi này đang làm là công khai câu chuyện nói xấu sau lưng này ra trước mặt”.
Trần Minh