Đỗ Quý Toàn
Bà Nadine Gordimer đề tựa một tập truyện ngắn chọn lọc của bà, nói rằng bà sẽ không định nghĩa truyện ngắn là gì, vì biết không có định nghĩa nào làm mọi người thỏa mãn. Thơ còn khó định nghĩa hơn truyện ngắn. Nếu có ai hỏi định nghĩa của thơ, chắc chúng ta lại phải bắt chước nhà kinh tế J.M. Keynes. Có lần ông nói: Nếu phải định nghĩa con voi là gì thì tôi xin chịu, nhưng nếu cho trông thấy con voi thì tôi biết liền.
Thơ rắc rối hơn voi, hơn cả kinh tế học. Nếu Keynes trông thấy con voi ông biết liền, thì người khác cũng đồng ý gọi nó là con voi như ông.
Còn Thơ lại khác. Có người bảo: tôi thấy Thơ đây rồi. Người khác lại lắc đầu: không phải đâu, đó chỉ là văn, là vè, là gì gì đó. Phải cao quý, diễm lệ hơn thì mới đáng gọi tên là Thơ. Thành ra chúng ta vẫn cứ phải đặt ra câu hỏi để phân biệt “Thơ và văn khác nhau thế nào?”
Nhưng cách đặt câu hỏi như vậy rất nguy hiểm. Nó đưa người ta đến một vòng luẩn quẩn, vì sẽ đi theo một cách vận dụng ngôn ngữ không phù hợp với câu chuyện đang bàn. Ta thử so sánh ba câu hỏi, ba câu thuộc ba cách dùng ngôn ngữ khác nhau, để hiểu khái niệm về “cuộc chơi dùng ngôn ngữ”.
Ba câu hỏi
Câu hỏi 1: Trái đào và trái mận khác nhau thế nào?
Câu hỏi 2: Ánh sáng màu vàng và màu da cam khác nhau thế nào?
Câu hỏi 3: Anh bắt đầu yêu em từ lúc nào?
Mới trông, ba câu hỏi có vẻ giống nhau, vì cùng muốn phân biệt hai thứ được nêu ra, giống như phân biệt thơ và văn. Nhưng cả ba câu là ba lối sử dụng ngôn ngữ, theo luật chơi khác nhau.
Người hỏi câu thứ nhất không hỏi tên trái cây, chỉ cần hỏi một tiêu chuẩn, bất cứ tiêu chuẩn nào, để phân biệt đào với mận. Trả lời: đào thường ngọt, mận hơi chua. Hay: đào bùi hơn, mận dòn hơn. Người nghe biết được các đặc điểm rồi là tạm thỏa mãn, tha hồ sớm, chiều ăn hai trái khác nhau.
Câu hỏi thứ hai giả thiết người hỏi nhìn thì đã nhận ra hai thứ màu khác nhau, nhưng tò mò muốn biết cái gì tạo ra đặc tính của mỗi màu ánh sáng đó. Người trả lời có thể mô tả các đặc tính vật lý, như tần số ánh sáng. Người trả lời cũng có thể mô tả tác dụng tâm lý của mỗi màu, hay các đặc tính khác để phân biệt hai mầu, và người hỏi tạm thỏa mãn.
Chuyện trước khi yêu và sau khi yêu ở câu thứ ba khó hơn. Một lý do là vì biên giới giữa hai trạng thái yêu và không yêu cũng mơ hồ như giữa hai màu; màu ở trong không gian hoặc đo bằng tần số luồng sóng ánh sáng, yêu rồi và chưa yêu ở trong phạm trù thời gian. Nhưng cái khó lớn hơn là ở ý niệm về yêu, như một trạng thái tâm não chủ quan rất khó cho mọi người đồng ý nó là cái gì, nó như thế nào. Sau khi yêu thì cái gì sẽ xảy ra ở trong lòng anh, trong các hạch tuyến và hệ thần kinh của anh? Anh có thể mô tả nó được không? Em có đồng ý về tình trạng mà anh mô tả đó, em cũng gọi đó là yêu hay không? Em đừng có trách: “Cứ tưởng anh yêu tôi, thế mà trái tim anh như một quả lựu, mỗi ngăn anh chứa một người tình, anh yêu cái nỗi gì?”
Câu hỏi về văn xuôi và thơ hơi giống câu hỏi về yêu và chưa yêu, vì cùng là phân biệt giữa hai thứ cần phải có một định nghĩa được mọi người đồng ý.
Chuyện yêu tương đối giản dị hơn chuyện thơ, vì nó chỉ tùy vào sự thỏa thuận giữa hai người. Nó nằm kín trong lòng người nên còn tùy thuộc vấn đề truyền thông giữa hai bên. Hai người có thể truyền đạt cái định nghĩa yêu của mình bằng lời nói, bộ điệu hay hành động.
Văn và thơ rắc rối hơn vì nó tạo ra mối liên hệ giữa nhiều người: tác giả, nhà phê bình, và độc giả, biết bao nhiêu độc giả. Võ Kỳ Điền thường hay nhắc đến một ý trong thư của Kiệt Tấn rằng viết văn thì phải làm sao cho mình thấy sung sướng mà độc giả cũng sướng. Nếu chỉ một trong hai bên thấy sướng là hỏng. Ví thử tác giả thấy sướng rồi, hỏi người đọc, người đọc cũng nói thỏa mãn, bây giờ hỏi độc giả một câu cắc cớ nữa: “Cái sướng vừa rồi, của anh hay của chị, nên xếp nó vào loại nào? Sướng vì thơ hay sướng vì văn?” Câu hỏi đó thì khó quá.
Hay là ta định nghĩa thơ và văn bằng cách biểu quyết? Đa số độc giả gọi là thơ thì ta công nhận tác phẩm đó là thơ. Thật là dân chủ! Nhưng đó chỉ là một cách lảng tránh vấn đề. Ta không thể quyết định một loài sinh vật là thực vật hay động vật bằng cách biểu quyết.
Phải chăng ta nên trao cho các nhà phê bình quyết định giúp? Họ là đảng tiền phong của toàn thể độc giả, họ có quyền quy định cái nào là thơ, cái nào là văn? Vẫn còn kẹt, vì ở trong đảng đó họ cũng phải biểu quyết như mình vậy. Mà đa số biểu quyết không có nghĩa là nói đúng sự thật.
Vậy cái kẹt nằm ở đâu? Cái kẹt nằm ở trong câu hỏi. Ta hỏi thơ và văn khác nhau thế nào là cốt để phân biệt tác phẩm nào là thơ và tác phẩm nào là văn – cũng như phân biệt thế nào là yêu, thế nào là chưa yêu. Nhưng đặt câu hỏi đó thì ta lại giả thiết mọi người đều đã đồng ý cái gì là thơ, cái gì là văn rồi. Nếu đã đồng ý về những định nghĩa, các đặc tính rõ rệt của con mèo và con chó, thì câu hỏi mèo và chó khác nhau thế nào không cần thiết lắm. Người ta chỉ tò mò hỏi thêm chi tiết thôi. Một phần của câu trả lời đã có sẵn ở trong câu hỏi vì nó giả thiết người ta nhìn đã thấy chó và mèo khác nhau. Nhưng văn sĩ và thi sĩ không giống như chó và mèo. Chỉ có thể phân biệt được hai loại tác giả nếu chúng ta trước biết thơ và văn là gì, nghĩa là biết chúng khác nhau thế nào rồi. Quả là một vòng lẩn quẩn.
Trong câu hỏi, có những giả thiết nằm sẵn. Hoặc chúng ta đã coi văn, thơ là hai vật thể như đào với mận. Hoặc như hai hiện tượng đã phân biệt có thể đo lường bằng một kích thước – tần số của ánh sáng vàng và ánh sáng da cam – hay thời gian trước khi yêu và sau khi yêu, chữ “khi yêu” chỉ một điểm trên đường thời gian.
Nhưng thơ và văn là những khái niệm có rất nhiều kích thước. Mà chúng ta chưa đồng ý hết được với nhau đầy đủ những kích thước để đo lường hai khái niệm đó.Chúng ta đặt câu hỏi, chính là vì ta chưa biết dùng những kích thước nào để phân biệt.Câu hỏi về văn và thơ chính là câu hỏi về những kích thước để phân biệt văn và thơ. Khi biết rõ các kích thước rồi thì cứ đem ra đo, đâu cần phải đặt câu hỏi nữa? Thí dụ một người lấy vần điệu làm kích thước. Cái này có vần, thơ. Anh kia không vần, anh là văn.
Câu “văn và thơ khác nhau thế nào” không trả lời được trước khi chúng ta đồng ý với nhau về các tiêu chuẩn, kích thước để định nghĩa thơ. Thành ra câu chuyện chính là định ra các kích thước của Nàng Thơ. Định ra bằng cách nào?
Đi tìm con voi
Bắt chước Keynes, chúng ta thử đi vô sở thú tìm con voi coi. Đọc Bùi Giáng thì chắc phải nhận ra là “con voi thơ” nó thế nào. Bùi Giáng là thi sĩ của các thi sĩ.
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
(Bùi Giáng)
Đầu đuôi thơ viết lộn hàng
Hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh
(Bùi Giáng)
Tại sao muốn biết thơ là gì ta không hỏi thẳng các thi sĩ?
Một thi sĩ nói về thơ mình có thể “nói bướng” ra rằng: “Đó là văn ngược giả làm văn xuôi” (Ngu Yên). Nói thế rồi, độc giả muốn hiểu xuôi hay ngược thế nào cũng được. Cũng như Alexander Pope thú nhận: “Thơ là văn xuôi lên cơn điên”.
Lưu Trọng Lư đã dùng một ý tưởng rất mơ hồ, trừu tượng khi trả lời: “Thơ là cuộc sống tập trung cao độ.” Nói vậy là lảng tránh, không đụng tới câu hỏi thế nào thơ. Giống như Ezra Pound: “Thơ chứa nhiều năng lượng hơn (highly energized).” Nghe hai cụ đó nói, quý vị độc giả muốn hiểu thế nào là “đầy năng lượng” hoặc “tập trung cao độ” cũng được!
Con chim thì ta biết nó bay
Con cá thì biết nó lội
Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ
Nhưng thơ là gì
Thì đó là điều
Ta không biết
(Sa mạc trường ca)
Đó là lời Bùi Giáng
Nói không biết, hiểu là có biết mà không nói ra được. Giống như ăn trái sầu riêng biết là ngon mà không thể nói nó ngon thế nào cho người không bao giờ ăn sầu riêng hiểu được. Một thi sĩ thiên tài khác, Hàn Mạc Tử trả lời:
“Tôi làm thơ? – Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”. (Chơi giữa mùa trăng)
Nói như Hàn Mạc Tử chỉ có thể giải thích việc làm thơ bằng các việc khác tương đương ở phạm vi ngoài ngôn ngữ.
Có lúc Bùi Giáng nói rõ hơn: “Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu… Muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.” Ý kiến này giống hệt như Beethoven đã biểu lộ. Beethoven đàn một bản piano mới viết xong, có người hỏi: Ông “muốn nói gì” với bản đàn đó? Beethoven trả lời: “Tôi muốn nói như vầy…” và ông ngồi xuống diễn tả lại trên phím đàn. Tất nhiên, lần thứ nhì ông đàn thì bài sonata cũng hơi khác.
Armstrong nói về nhạc jazz: “Cưng ơi (Baby), cưng còn phải đặt câu hỏi thì cưng chả bao giờ biết được câu trả lời đâu!” Kinh nghiệm nghệ thuật giống như kinh nghiệm tôn giáo. Nếu anh không tin thì không thể giải thích cho anh biết đức tin là cái gì. Có lẽ như thế thật.
Thử sờ một con voi khác:
Cửa Thần Phù dựng Trường Sơn sóng
Mỗi đợt xô chìm một giấc mơ
Đọc Tô Thùy Yên thì mình biết hai câu này đúng là thơ, hết sức là thơ. Ví thử có người so sánh hai câu đó với hai câu này:
Sóng Thần Phù như núi Trường Sơn
Mỗi đợt sóng một giấc mơ chìm
Nếu họ thấy chúng cũng chẳng khác gì nhau, thì xin chịu, không thể bàn chuyện thơ với người đó được! Tôi trông thấy con voi, còn cô thấy con bò cô cũng gọi là voi. Chịu thua luôn!
Văn xuôi và thơ
Chúng ta tìm Thơ bằng một lối khác. Ở đây, tôi thử bắt chước Umberto Eco. Một lần Eco đã dịch thử mấy câu thơ Pétarque ra văn xuôi. Mô phỏng theo lối của ông, dưới đây tôi thử viết một đoạn văn xuôi tả cảnh, tả tình.
“Hai người cảm thấy họ đang sống như trong một giấc mơ. Họ biết đây là sự thật, họ đang trông thấy nhau. Nhưng cái cảm giác êm dịu này thường chỉ có trong mơ mà thôi, nên họ chập chờn trôi nổi giữa mộng và thực. Nàng muốn bảo em đã đến lúc nên đi về. Nhưng nàng không thể nói được. Chàng cũng thấy đứng lại thêm nữa thật bất tiện, nhưng chàng chưa có dịp nói câu nào với nàng cả. Quay gót về nhà ngay bây giờ có nên chăng? Buổi chiều xuân đang tàn, nắng phai chậm chạp. Mặt trời chiều soi trên bãi cỏ, một ngày vui vừa mới qua, ánh nắng xiên ngang làm cho lòng người buồn thêm. Khi chàng lên ngựa quay đi thì nàng biết cuộc gặp gỡ bất ngờ và êm ái sắp chấm dứt. Nàng bước đi nhưng nghiêng đầu quay lại, ngó chàng văn nhân thanh tú lần nữa. Nàng bước tới bên dòng nước trong veo, đi qua cây cầu nhỏ. Bên cầu cây liễu rủ, gió thổi cành lá thướt tha, ánh nắng chiều dọi lên cành lá như thể nắng chiều cũng thướt tha với gió”.
Bây giờ xin đọc đoạn thơ trong truyện Kiều:
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn
Bóng tà như dục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
So sánh hai đoạn văn xuôi và thơ đó, chúng ta đã thấy có sự khác biệt trong cách dùng ngôn ngữ ở văn xuôi và ở thơ. Giống như đánh “bài cào” thì khác với binh “xập xám” dù vẫn sử dụng bấy nhiêu quân bài.
Tôi viết đoạn văn xuôi trên đây, cố hết sức nói lại những điều thấy ở trong đoạn thơ trong Truyện Kiều, mong độc giả cảm nhận được như đọc Nguyễn Du. Nhưng không thể được. Nhất là hai câu thơ chót. Những tình ý mênh mang trong hai câu thơ đó, không thể nào diễn tả lại bằng cách khác được. Nếu bạn muốn diễn đạt lại ý nghĩa của đoạn thơ trên ra văn xuôi lần nữa, chắc bạn sẽ viết một đoạn văn xuôi khác với đoạn tôi viết. Nhưng tứ thơ không thể nào nói lại bằng văn xuôi, để gây ra cùng một hiệu quả như thơ. Vì sao? Vì người viết đoạn văn xuôi để dẫn giải tứ thơ đã cố sức truyền các ý tứ rõ ràng. Viết văn xuôi thường cố làm cho thông điệp của mình càng rõ càng tốt. Mức rõ ràng nhất là mức độ của các tấm bảng chỉ đường. Đoạn thơ thì không cốt ý diễn tả một chuyện rõ ràng như bảng chỉ đường. Vì những điều được nói trong đó, ý thơ và tứ thơ, nó vốn không thể rõ ràng như vậy. Có những tình tứ không thể tìm thấy một lời khác hay một câu khác để nói lại. Có những tình tứ mà càng nói rõ ra bao nhiêu thì càng đi xa, làm tình tứ biến mất bấy nhiêu. Càng cố nói cho rõ thì càng đi xa hơn nữa. Cố gắng nói rõ hết sức, thì chỉ còn bộ xương khô. Cái ý tưởng trong thông điệp có thể tóm tắt để truyền đi, nhưng bao nhiêu tình tứ mênh mang của đoạn thơ đã bị mất. Giống như một tòa kiến trúc, ba chiều, đã bị giản lược lại, để chỉ còn là một bản đồ án hai kích thước trên mặt giấy.
Đoạn thơ Kiều và đoạn văn xuôi trong thí dụ trên cùng dùng chung một hệ thống ký hiệu, đó là tiếng Việt. Trong đoạn văn xuôi người viết “ký hiệu hóa” các ý nghĩa muốn truyền đạt để người đọc có thể “giải mã,” nhận được rõ ràng và đầy đủ thông điệp. Nhận được thông điệp là thỏa mãn, không thể nhận thêm một tình ý nào khác ngoài các điều đã được giải ra.
Trong đoạn thơ, người đọc cũng nhận được nhiều ý nghĩa như trong đoạn văn xuôi. Nhưng ngoài thông điệp đó, người đọc còn biết, còn cảm nhận được rất nhiều tình tứ khác. Dù rằng thơ cũng dùng hệ thống ký hiệu tiếng Việt, nhưng thơ sử dụng theo những quy thức của “cuộc chơi ngôn ngữ” khác. Trong cuộc chơi này, cách ký chú thông điệp và cách giải thông điệp không theo các qui tắc đã định sẵn. Có yếu tố bất ngờ. Có vẻ thiếu trật tự, hỗn mang, mà ngôn ngữ văn xuôi không muốn, không cần đến. Bây giờ nếu các độc giả muốn thử lần nữa, tôi đề nghị mấy câu thơ sau đây để thử “nói lại ra văn xuôi,” coi có nói gì được không.
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gởi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
(Bùi Giáng)
Riêng tôi nhất định không muốn xúc phạm đến những câu thơ như thế. Không thể nào đem diễn lại theo lối văn xuôi. Nếu quý độc giả không đồng ý như vậy thì tôi cũng xin chịu. Lá rơi có dội ở trong sương mù. Viết lại thế nào đây? Chỉ có thể viết lại: “Lá rơi có dội ở trong sương mù,” rồi uống một hớp trà, cho nó thấm thía.
Cách thưởng thức khác nhau đưa tới một kích thước khác để đo lường chất thơ. Chất thơ càng cao khi nào người ta không thể bắt chước, không thể mô phỏng.
Cũng vì vậy, phân tích những cái hay của văn xuôi dễ hơn vì các yếu tố để so sánh và thẩm định dễ tìm ra hơn. Do đó, cũng dễ bắt chước hơn. Còn khi so sánh hai bài thơ, hai thi sĩ thì lại khác. So sánh thơ cũng giống như so sánh hai khuôn mặt. So sánh văn xuôi như so sánh hai hình kỷ hà.
Thơ càng hay thì càng khó phân tích, do đó càng khó bắt chước. Những bài thơ hay mà bắt chước được thì chưa phải là tuyệt tác. Những thi sĩ có tài mà có người bắt chước được thì chưa phải kỳ tài. Nếu quý vị muốn thử, hãy thử viết thơ theo lối Xuân Diệu, rồi thử bắt chước làm thơ như Bùi Giáng, sẽ thấy ngay. Xuân Diệu làm thơ dùng rất nhiều kỹ thuật khéo léo, có thể đem dạy và có thể học được. Còn thơ Bùi Giáng là thư thơ tuôn trào ra một cách thần tiên, vượt trên các kỹ thuật.
Việc nghiên cứu và phê bình văn xuôi vì thế dễ hơn là thơ. Nghiên cứu và phê bình có thể giúp chúng ta trong việc thưởng thức. Đối với văn, công việc đó ích lợi hơn, còn đối với thơ thì ích lợi không có là bao. Ai điếc là cứ điếc mãi. So sánh cú pháp, vần, nhịp, cách dùng nhiều tiếng thực hay tiếng hư, dùng nhiều danh từ, động từ hay nhiều tĩnh từ, trạng từ thì dễ đo, dễ đếm lắm. Văn Dương Nghiễm Mậu khác văn Nhã Ca chỗ nào, phân tích cho kỹ người nghiên cứu sẽ thấy mỗi nhà văn có phong cách riêng. Nhưng đem các phương pháp phân tách đó để mổ xẻ thơ thì đại khái chúng ta chỉ biết được một tí mà thôi. Khó mà biết được rạch ròi, minh bạch. Dù có biết được rạch ròi minh bạch thì cũng không ích lợi gì hơn cho việc thưởng ngoạn thơ cả. Thơ mà có thế thấy một cách rạch ròi minh bạch thì khó gọi là thơ lắm. Khi hiểu rõ ràng thì người ta có thể suy diễn, rồi dùng cùng một số quy tắc, sử dụng cùng một thứ bút pháp để làm lại cho giống hao hao, hay là giống hệt. Chất thơ trở thành độc đáo khi chúng ta không thể bắt chước, không thể làm cho giống hao hao được.
Mở và kín
Khi mang mấy đoạn thơ thử viết lại thành văn xuôi tôi muốn làm rõ hơn tính chất mở của thơ. Mở khác với đóng kín. Câu văn khép kín nhất là câu văn toán học, hay trong các bài nghiên cứu khoa học. Đọc xong, bắt được một ý, và chỉ cần ý đó. Câu văn có cú pháp riêng, có chứa cảm xúc, như đoạn trích dẫn trong bài trước của Trần Hoài Thư đã mở cửa rộng hơn, cho ta rất nhiều ý tứ ngoài các lời nói trần trụi. Từ đoạn thơ Nguyễn Du trong truyện Kiều đến thơ Bùi Giáng, tính chất mở càng rộng hơn nữa.
Các tình tứ mênh mang từ dòng thơ toát ra, như các bông hoa tỏa hương thơm. Thơ mà thiếu xót, không mở ra các tình tứ, thì cũng giống bông hoa mà ta chỉ nhìn thấy sắc đẹp mà thiếu hương thơm. Thơ tuyệt tác tỏa ra các xúc động. Ta không thưởng thức bài thơ bằng vài kích thước cố định: tìm hiểu ý nghĩa, tìm hiểu âm thanh, so sánh hình ảnh, nhịp, vần v.v…. Ta sẽ được thưởng thức bài thơ hay, xúc động theo bài thơ, bằng các tình tứ vượt lên trên các tiêu chuẩn dễ đo lường đó.
Đọc thơ, như vậy chắc khó hơn là đọc văn. Nó đòi hỏi người đọc phải tham dự tích cực hơn. Văn xuôi có khi như món ăn đóng hộp, mở ra ăn liền được. Thơ thì chính người muốn ăn phải tham dự việc nấu nướng.
Còn việc làm thơ và viết văn xuôi thì sao? Có người bảo: “Làm thơ mới khó, viết văn thì dễ.” Người nói như vậy thì chắc không thể viết văn hay được, trừ khi là thiên tài. Viết một tác phẩm văn xuôi ngắn như L’étranger của Camus, hay Một Ngày Trong Đời Iwan Denissovitch của Soljenitsym, không phải ai cũng viết “tới” như thế.
Sở dĩ chúng ta có ý so sánh “văn dễ và thơ khó” là vì chúng ta thiên vị! Trọng thơ hơn văn, giống như trọng nữ khinh nam. Ai phê bình: “Cô ấy tướng như đàn ông,” là biết ngay có ý chê nhan sắc cô gái. Nếu bảo “văn cô ấy nghe như thơ,” là có ý khen. Còn nói “Thơ ông ấy, đọc chẳng khác gì văn” thì rõ ràng là chê bai.
Tại sao người ta lại cho văn xuôi một địa vị thấp hơn thơ? Có lẽ vì họ nghĩ văn xuôi ai cũng viết được, còn làm thơ rắc rối hơn. Văn xuôi là câu nói hàng ngày, ngày này qua ngày khác ai cũng “nói văn xuôi” giống như Monsieur Jourdain trong kịch Le Bourgeois Gentilhomme của Molière (Trưởng Giả Học Làm Sang, Nguyễn Văn Vĩnh dịch).
Monsieur Jourdain muốn nhờ ông Thầy Triết Lý viết hộ một bức thư tình. Ông thầy hỏi, “viết bằng thơ nhé?” ông Jourdain nói không; thế thì “viết bằng văn xuôi?” ông cũng lắc đầu. Maître de philosophie giải thích rằng phải chọn một trong hai thể loại, vì cái gì không phải thơ tức là văn xuôi, cái gì không phải văn xuôi tức là thơ, không có cách nào khác!
Vậy thì khi tôi nói, nó là cái gì? Là văn xuôi, Maître de philosophie trả lời. Cái gì? Quoi? Khi tôi bảo, “Nicole, mang cho tôi đôi dép và cái mũ chùm đầu,” đó là văn xuôi sao? (Quand je dis, “Nicole, apportez-moi mes pantoufles, et me donnez mon bonet de nuit,” c’est de la prose?”) Thưa ông, đúng như thế!
“Trời đất ơi! Hơn bốn mươi năm trời nay tôi vẫn nói văn xuôi mà không biết gì cả!”
Chỉ vì câu chuyện Monsieur Jourdain của Molière cho nên người ta cứ nghĩ văn xuôi là cái gì tầm thường, cả đời mình vẫn sử dụng mà chẳng cần biết! Thế là các cụ bô lão nhất định phải làm thơ mừng tuổi thọ nhau! Dù thơ các cụ đọc không thấy thơ gì cả! Cứ viết văn xuôi còn tử tế với nhau hơn!
Ezra Pound có lần khuyên các thi sĩ rằng: “Cái gì anh có thể diễn tả thành văn xuôi, văn xuôi hay, thì đừng ép nó vào một thứ thơ dở.” Vậy không nên coi là thơ tự nó là khó, là hay; còn văn xuôi thì thể nào cũng dễ dàng và tầm thường. Trà Ô Long có thứ rất ngon, trà Kỳ Chưởng cũng có loại rất ngon. Cứ nghĩ Kỳ Chưởng ngon hơn, và mở miệng khen: “Thứ Ô Long này ngon y như Kỳ Chưởng,” là một thái độ nông cạn, quá khích, giáo điều, kiểu “Kỳ Chưởng chuyên chính.” Người biết uống trà không nói năng như vậy.
Khi chúng ta thiên vị, mà khen “Bài văn này hay như thơ,” là chúng ta đang ca ngợi lối văn có nhiều chất thơ, so sánh với lối văn báo cáo khoa học, thẳng tuột, khô khan. Khuynh hướng tìm cái hay ở chất thơ, tìm cả trong văn xuôi, cho thấy, khi dùng ngôn ngữ, người ta vẫn có khuynh hướng muốn bầy ra một cuộc chơi ngôn ngữ mới vì đã chán luật chơi cũ. Như thể trong cơ cấu tạo thành não bộ và con người chúng ta vẫn có sẵn các cơ năng sáng tạo ngôn ngữ, cơ năng đó không muốn bị khép kín, tù túng, trong khuôn sáo cứng nhắc trừu tượng mãi. Nó đòi bung ra, đòi sáng tạo.
Từ thượng cổ, khi loài người bắt đầu dùng ngôn ngữ, bịa ra các từ mới, biến báo thành các lối nói mới, tổ tiên chúng ta đã dùng cơ năng sáng tạo đó. Mỗi lần thốt lên một cách nói mới, kích thích tố trong các hạch tuyến ẩn mật lại toát ra, như adrênalin, làm rạo rực sảng khoái. Cả trăm ngàn năm, con người vẫn thèm thuồng được sống cái giây phút rạo rực sảng khoái đó khi dùng ngôn ngữ. Lúc nghe một câu như: “Bữa nay đi làm về anh nhớ ghé chợ mua dây thun để tôi sửa lại cái quần ngủ cho anh,” nghe rồi chỉ thấy đó là một thông tin thực tế, ta không cảm thấy rạo rực sảng khoái. Nhưng khi nghe một câu thơ thì chúng ta thấy lâng lâng, bồi hồi. Như thể cái cơ năng xưa cũ ẩn khuất trong người lại vừa bị châm vào, nó cựa quậy, nó hồi tưởng, sống lại cái thú vui được nói, được khám phá các tiếng mới, tiếng lạ. Nó hưởng cái thú nói để nói cho hay, nói cho sướng cái cổ họng, chứ không phải nói chỉ để dặn dò một chuyện thiết thực, vì nhu cầu công vụ.
Vì chúng ta luôn luôn khao khát hưởng lại cái thú vui ngắn ngủi đó, cho nên khi nhìn thấy chất thơ ở trong văn lòng chúng ta rạo rực. Vì chúng ta luôn luôn thèm muốn sáng tạo ngôn ngữ, bày đặt ra các trò chơi mới mẻ. Một cái nghiệp của kiếp sống làm người.