Hương Thảo
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào các vấn đề của Australia, Thủ tướng Australia Scott Morrison sẽ ban hành luật mới, cho phép ông chấm dứt thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng triệu đô la mà bang Victoria đã ký với Bắc Kinh, trong số hàng trăm thương vụ khác, theo the BL ngày 26/8.
Thủ tướng Morrison sẽ sử dụng quyền lực theo hiến pháp để xóa sổ hàng chục thỏa thuận giữa các bang của Úc với các chính phủ và tổ chức nước ngoài nào đe dọa an ninh quốc gia. Bất kỳ giao dịch nào được phát hiện có dấu hiệu này sẽ có thể bị hủy bỏ.
Dự luật Quan hệ Đối ngoại sẽ được đưa ra Nghị viện Úc vào tuần tới. Phạm vi của nó sẽ bao trùm các trường đại học, và sẽ mở rộng cho tất cả các thỏa thuận giữa các chính phủ nước ngoài và các tổ chức công của Úc.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne sẽ có quyền xem xét và đánh giá bất kỳ thỏa thuận cơ sở hạ tầng tư nhân nào được kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, bao gồm hơn 100 thỏa thuận thành phố kết nghĩa — một thỏa thuận quan hệ đối tác lâu dài giữa các cộng đồng ở cả hai quốc gia Úc – Trung.
Ngoại trưởng Payne cho biết: “Những thay đổi này sẽ cung cấp niềm tin cho các chính phủ, các tổ chức, học viện và người dân Úc rằng các thỏa thuận quốc tế sẽ phải được chính phủ thẩm định để đảm bảo chúng phù hợp với lợi ích quốc gia và các giá trị của chúng tôi”.
Thủ tướng Morrison cho biết các chính sách đối ngoại và các mối quan hệ của Úc “luôn phải được thiết lập để phục vụ lợi ích của nước Úc”, tờ The Australian đưa tin.
“Một trong những công việc quan trọng nhất của chính phủ liên bang là bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia Úc”, thủ tướng Morrison nói.
“Điều sống còn là khi Úc đi đến các thỏa thuận với phần còn lại của thế giới, chúng tôi cần có một tiếng nói thống nhất, và thực hiện theo một kế hoạch thống nhất”.
Thủ tướng dự định sẽ xem xét kỹ lưỡng tất cả các thỏa thuận với nước ngoài, thường là các thỏa thuận bí mật đã được thực hiện với các quốc gia khác nhau, và bất kỳ hợp đồng đáng ngờ nào đã được thực hiện sẽ bị loại bỏ nếu chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Úc.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã ký thỏa thuận BRI với ĐCSTQ vào năm 2019, phớt lờ những cảnh báo liên tục của thủ tướng và cơ quan an ninh rằng làm như vậy sẽ không vì lợi ích tốt nhất của Úc.
Ba tuần trước, thủ tướng và Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) đã đệ trình một báo cáo an ninh cho các lãnh đạo nội các quốc gia, chỉ ra các mối đe dọa chủ quyền mà ĐCSTQ gây ra cho Úc, theo báo The Australian.
“Người Úc thực sự mong đợi chính phủ liên bang mà họ bầu chọn sẽ thiết lập chính sách đối ngoại. Những thay đổi và luật mới này sẽ đảm bảo rằng mọi thỏa thuận được thực hiện bởi bất kỳ chính phủ Úc ở bất kỳ cấp nào đều phải phù hợp với cách thức chúng ta đang làm việc để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia Úc”.
Các thỏa thuận giữa Úc với các tổ chức và chính phủ khác ở Nga, Iran, Ấn Độ, Israel, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Afghanistan và các quốc gia khác cũng sẽ được tái xem xét kỹ lưỡng.