- Xuân Lan
Trung Quốc đã kêu gọi châu Âu cùng nhau đối đầu với “các lực lượng Mỹ cực đoan” đang thúc đẩy việc “đoạn tuyệt hoàn toàn với Trung Quốc” khi Washington cố gắng xây dựng một liên minh xuyên Đại Tây Dương chống lại Bắc Kinh.
Hôm 30/8, phát biểu trước các khán giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng “chúng tôi không bao giờ nói về ‘Trung Quốc trên hết’”.
“Hiện tại, quan hệ Trung – Mỹ đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao bắt đầu … [với Mỹ] công khai ép buộc các nước khác chọn phe và cố gắng biến mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên xung đột và đối đầu.”
“Tại thời điểm quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, trên cơ sở chịu trách nhiệm về số phận chung của nhân loại, Trung Quốc và EU nên cùng nhau chống lại mọi xu hướng kích động thù hận và đối đầu,” ông Vương Nghị nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc đến Paris sau khi cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien đến thăm thành phố này một tháng trước đó để thông báo cho các quan chức châu Âu về chiến lược chung chống lại ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ của Trung Quốc.
Kể từ khi đến đây, Ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp một số nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của Pháp, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và Laurent Fabius, Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp.
Trong cuộc gặp với ông Macron hôm thứ Sáu, ông Vương đã tặng Tổng thống Pháp một số cuốn sách thay mặt cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã.
Hai người cũng được thấy chạm khuỷu tay và mỉm cười trước ống kính, khiến một số nhà quan sát Pháp chỉ trích Tổng thống đã chào đón quá nồng nhiệt trước nhà nước độc tài với nhiều cáo buộc về vi phạm nhân quyền trong nước.
Tuy nhiên, Pháp cũng là một trong những nước EU đang thúc đẩy “quyền tự chủ chiến lược” thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, theo SCMP.
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đưa ra những phát biểu chống Mỹ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong chuyến đi tới châu Âu với các ngôn từ quyết liệt hơn so với các chặng dừng trước đây của ông ở Ý, Hà Lan và Na Uy.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp Le Drian cho biết cả hai đã thảo luận về các vấn đề thương mại, thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, cũng như hàng không và lĩnh vực hạt nhân dân dụng. Ngoại trưởng Pháp cũng đưa ra chủ đề về Hồng Kông.
“Bộ trưởng nhắc lại lập trường của [Pháp] về việc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Bộ trưởng cũng nhắc lại những lo ngại nghiêm trọng của Pháp về tình hình nhân quyền xấu đi ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Hồng Kông và Tân Cương,” Bộ Ngoại giao Pháp cho biết.
Tuy nhiên, ông Vương đáp lại rằng Bắc Kinh đã thả hết người Duy Ngô Nhĩ khỏi “Trung tâm giáo dục và đào tạo”.
Trong nỗ lực củng cố niềm tin của châu Âu đối với Trung Quốc, ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp các điều kiện đầu tư tốt hơn cho các doanh nghiệp châu Âu. Hiện hai bên vẫn đang đàm phán một thỏa thuận đầu tư, dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay.
Ông Vương Nghị cũng gợi ý ông Macron đóng vai trò lãnh đạo chính trị tích cực hơn trong các cuộc đàm phán hiệp ước đang diễn ra, để tránh “bị các nhà kỹ trị lôi kéo vào các chi tiết kỹ thuật”.
Điểm dừng chân tiếp theo và cuối cùng của Ngoại trưởng Trung Quốc tại châu Âu là ở Đức vào thứ Hai (31/8). Ủy viên Bộ Chính trị và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì dự kiến sẽ đến thăm Hy Lạp, Tây Ban Nha và có thể là Bồ Đào Nha ngay sau đó.
Ông Tập: Cần xây ‘pháo đài bất khả xâm phạm’ tại Tây Tạng, khiến Phật giáo Tây Tạng phù hợp triết lý ĐCSTQ
Điều quan trọng là phải khiến Phật giáo Tây Tạng phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, đồng thời xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” để duy trì sự ổn định tại khu vực, ông Tập tuyên bố tại một diễn đàn hai ngày về quản trị tương lai Tây Tạng ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy (29/8), theo Hindustan Times.
Ông Tập nói thêm rằng cần phải tăng cường phòng thủ và an ninh biên giới của Khu tự trị Tây Tạng (TAR), giáp Ấn Độ và Bhutan, đồng thời cho biết cần phải tăng cường giáo dục người dân Tây Tạng đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai.
Bắc Kinh giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950, theo cách mà chính quyền Bắc Kinh mô tả là một “cuộc giải phóng hòa bình”, giúp khu vực Himalaya xóa bỏ quá khứ “phong kiến”.
Tuy nhiên, các nhóm người Tây Tạng lưu vong, dẫn đầu bởi nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma và các nhóm nhân quyền cho rằng sự cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.
Giáo dục chính trị và tư tưởng cần được tăng cường trong các trường học ở Tây Tạng để “gieo mầm mống yêu nước trong sâu thẳm trái tim mọi thanh niên”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Ông Tập cũng kêu gọi nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia, duy trì hòa bình và ổn định, cải thiện bền vững đời sống nhân dân, duy trì môi trường tốt, củng cố phòng thủ biên giới và đảm bảo an ninh biên giới.
“Cần phải tăng cường giáo dục và hướng dẫn quần chúng, vận động rộng rãi quần chúng tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai, tạo thành ‘pháo đài bất khả xâm phạm’ để duy trì sự ổn định”, ông Tập nói.
“Cần phải nỗ lực xây dựng một Tây Tạng mới, hiện đại theo mô hình xã hội chủ nghĩa, thống nhất, thịnh vượng, tiên tiến về văn hóa, hài hòa và tươi đẹp”.
Đặc biệt, ông Tập cho biết “cần phải tích cực thúc đẩy Phật giáo Tây Tạng thích ứng với một xã hội theo triết lý xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy việc ‘Hán hóa’ Phật giáo Tây Tạng…
Hán hóa tôn giáo là một nỗ lực nhằm nhào nặn các niềm tin và học thuyết tôn giáo nhằm phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, khiến chúng phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu của ĐCSTQ. Năm 2015, ông Tập đã phát biểu về việc ‘Hán hóa’ 5 tôn giáo lớn ở Trung Quốc gồm Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
Năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo Trung Quốc đã vạch ra đề cương bài trừ đạo Hồi vào năm 2022 trong một nỗ lực định nghĩa lại việc thực hành tôn giáo và gắn kết niềm tin của người Hồi giáo với ĐCSTQ.
Các chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng lại được chú ý trong năm nay trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Washington đang xấu đi.
Vào tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến việc ngăn chặn tiếp cận ngoại giao đến Tây Tạng và vi phạm nhân quyền, nói thêm rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị đúng nghĩa” cho Tây Tạng.
Trong một động thái trả đũa, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các nghị sĩ Mỹ đã thực hiện hành vi mà họ gọi là hành vi “xấu xí” đối với Tây Tạng.
Theo Hindustian Times
Hương Thảo dịch & biên tập