Mỹ muốn lập liên minh tương tự như NATO với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc
Theo một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 31/8, Washington đang đặt mục tiêu chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, trở thành một liên minh tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống lại thách thức từ Trung Quốc. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gợi ý rằng Washington muốn thấy cả Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand cuối cùng sẽ tham gia một phiên bản mở rộng của liên minh này.
Mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ là đưa nhóm 4 quốc gia (còn được gọi là “Bộ Tứ Kim Cương”) và những quốc gia khác trong khu vực cùng hình thành tấm lá chắn chống lại “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc” và “tạo ra một khối trọng yếu xung quanh các giá trị và lợi ích chung của các bên,” Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ thu hút thêm nhiều quốc gia ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham gia, cuối cùng tạo thành một liên kết có cấu trúc vững chắc hơn so với hiện tại, theo SCMP.
Ông nói: “Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Họ không có sự kiên cường như của NATO hay Liên minh Châu Âu. Và đó là lý do Mỹ muốn đưa ra lời mời để chính thức hoá thành lập một cấu trúc như vậy.”
“Hãy nhớ rằng ngay cả NATO cũng bắt đầu với những kỳ vọng tương đối khiêm tốn và một số quốc gia [ban đầu] đã chọn ở vị trí trung lập thay vì tư cách thành viên của NATO,” ông Biegun nói thêm.
Ông Biegun cũng cho biết Washington sẽ yêu cầu các nước tham gia vào khối “NATO Thái Bình Dương” phải “được kiểm tra”, nghĩa là một liên minh chính thức như vậy “sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có cùng các cam kết như Hoa Kỳ”.
Nói chuyện với cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ, Richard Verma trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Diễn đàn Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ – Ấn Độ tổ chức, ông Biegun cho biết nhóm 4 quốc gia dự kiến sẽ gặp nhau tại Delhi vào mùa thu này. Ông cũng đề cập việc Úc có thể tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar của Ấn Độ như một ví dụ về các tiến triển khả quan hướng tới một khối liên minh quốc phòng chính thức trong tương lai.
Ông nói: “Rõ ràng là Ấn Độ đang cho thấy ý định mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar, đây sẽ là một bước tiến to lớn trong việc đảm bảo tự do đi lại và an ninh của các vùng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Các cuộc tập trận hải quân, chủ yếu diễn ra ở Vịnh Bengal, được Mỹ và Ấn Độ tiến hành hàng năm kể từ năm 1992, và bao gồm cả Nhật Bản kể từ năm 2015.
Úc đã từng tham gia tập trận ở Malabar một lần vào năm 2007, nhưng Bắc Kinh đã phản đối điều này và Ấn Độ sau đó đã không lặp lại lời mời với lý do “không cần thiết phải đối đầu với Trung Quốc,” mặc dù Canberra sẵn sàng tham gia một cách rõ ràng, theo báo cáo của Viện Lowy vào tháng Bảy.
Báo cáo của Viện Lowy cho biết các cuộc đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 tại thung lũng Galwan ở Himalaya, theo đó khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã xoay chuyển quan điểm của chính phủ Ấn Độ và nước này có khả năng sẽ mời lại Úc tham gia tập trận Malabar.
Trước đó, hôm 28/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã gọi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là “lố bịch” và kêu gọi cuộc họp 4 bên sắp tới. Trong tháng 9 và tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có các chuyến thăm với những người đồng cấp ở Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gợi ý rằng Washington muốn thấy Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand cuối cùng sẽ tham gia một phiên bản mở rộng của “Bộ Tứ Kim Cương,” nhắc lại các cuộc họp “rất mang tính hợp tác” mà nhóm 4 nước đã có với các quan chức từ những quốc gia này liên quan đến việc phòng chống đại dịch virus corona.
Ông Biegun đã mô tả các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của 7 quốc gia là “cuộc thảo luận vô cùng hiệu quả” giữa các đối tác “rất tích cực, rất hợp tác.” Ông cho rằng đây là sự hình thành tự nhiên của một nhóm các nước đang thực sự cố gắng hết sức để thúc đẩy các lợi ích hợp tác ở khu vực Thái Bình Dương.
Xuân Lan (theo SCMP)
Bộ Ngoại giao Đài Loan công bố hình ảnh hộ chiếu mới
Cơ quan lập pháp của Đài Loan trước đó đã thông qua nghị quyết nhấn mạnh chữ ‘Đài Loan’ (Taiwan) hơn ‘Trung Quốc’ trên các tài liệu quốc gia hay các thực thể.
Nội các Đài Loan vào sáng thứ Tư (2/9) đã công bố thiết kế mới cho hộ chiếu của quốc gia này, dự định sẽ được cấp cho người dân từ tháng 1 năm 2021, theo Taiwan News.
Trong cuộc họp báo được tổ chức vào sáng 2/9, Nội các Đài Loan dưới sự chủ trì của người phát ngôn Nội các Đinh Di Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp đã công bố mẫu hộ chiếu mới của nước này.
Trước đó, ngày 22/7, Lập pháp Viện Đài Loan đã thông qua một nghị quyết cần nhấn mạnh tên gọi “Đài Loan” hơn “Trung Quốc” trên tàu sân bay và hộ chiếu của nước này. Nghị quyết của Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) yêu cầu Nội các phải đưa ra các biện pháp cụ thể để nhấn mạnh hơn nữa từ “Đài Loan” trong cả tiếng Quan thoại và tiếng Anh trên bìa hộ chiếu để “bảo vệ phẩm giá” của người dân Đài Loan, đồng thời góp phần vào sự thuận tiện và an toàn cho người Đài Loan khi đi du lịch quốc tế.
Điểm thay đổi nổi bật trong thiết kế bìa hộ chiếu mới là chữ “Đài Loan” (Taiwan) được viết hoa, in to hơn so với trước, rõ nét và đặt gần chữ “Hộ chiếu” (Passport), nhằm nhấn mạnh đây là Hộ chiếu của Đài Loan. Ở phía trên cùng của hộ chiếu, dòng chữ “Trung Hoa Dân Quốc” bằng tiếng Hán vẫn giữ nguyên, nhưng dòng chữ bằng tiếng Anh (Republic of China) đã bị lược bỏ.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Đảng Quyền lực Mới Đài Loan (NPP) đã đăng tải một loạt mẫu thiết kế bìa hộ chiếu mới của Đài Loan để người dân bỏ phiếu chọn các mẫu ưa thích.
Còn theo một cuộc khảo sát của NPP vào đầu tháng 4 năm nay, 74% người Đài Loan ủng hộ loại bỏ cụm từ “Trung Hoa Dân quốc” (Republic of China) ra khỏi hộ chiếu Đài Loan, theo Taiwan News.
Hộ chiếu Đài Loan xếp hạng 37 trong Bảng chỉ số Hộ chiếu Henley, người mang hộ chiếu của đảo quốc này có thể đi được 146 nước trên thế giới mà không cần xin thị thực.
Lê Vy
\Người Nội Mông Cổ nói về biểu tình chống chính sách giáo dục Hán hóa
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt giáo dục bằng tiếng Hán tại Nội Mông Cổ dẫn đến phong trào “bất tuân dân sự” như bãi khóa, v.v, tiếp tục bùng phát. Liên tiếp có nhiều học sinh trong các trường học rời khỏi trường và từ chối lên lớp. Chính quyền ĐCSTQ gấp rút ra lệnh cho các địa phương làm “công tác tư tưởng”, đồng thời ra lệnh con cái của các viên chức trong trường dân tộc phải đến điểm danh vào ngày 1/9.
Ngày 1/9, Ủy ban Giáo dục thể thao thuộc kỳ Tứ Vương Tử phát đi thông báo khẩn cấp, nói rằng theo bố trí thống nhất của khu tự trị, thị ủy, kỳ ủy, con cái của cán bộ công chức học trong trường dân tộc, thì từ ngày 1/9 cần phải đến trường điểm danh. Nếu không đến điểm danh sẽ bị “xử lý kỷ luật”.
Trường học dân tộc Mông Cổ ở kỳ Hữu Dực Hậu hôm 31/8 cũng phát đi thông báo khẩn đến các phụ huynh, yêu cầu cán bộ công chức phải đưa con đến trường, nếu không sẽ truy cứu trách nhiệm liên quan.
Hôm 1/9, Ủy ban Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên kỳ Jarud cũng phát đi thông báo, yêu cầu các chi bộ đảng nhanh chóng tiến hành kiểm tra toàn diện việc học sinh lên lớp trong khu vực quản hạt, và nhanh chóng báo cáo kết quả kiểm tra.
Chính quyền gây áp lực lên lãnh đạo các đơn vị, thôn làng làm “công tác tư tưởng”
Một người dân thành phố Thông Liêu nói với tờ Epoch Times rằng, ngày 1/9 không có ai xuống đường, các con đều không ở trường học nữa, hôm nay đã có Bí thư thôn và giáo viên dẫn nhân viên công tác trên kỳ (huyện) đến từng nhà làm “công tác tư tưởng”, động viên cho con lên lớp.
Một giáo viên tên Bai Yier (hóa danh) của một trường trung học dân tộc Mông Cổ thuộc khu vực huyện Xilin Gol, nói với phóng viên Epoch Times rằng: “Hiện tại các học sinh học bằng tiếng Mông Cổ từ mẫu giáo đến cao trung đều không lên lớp, những học sinh đã đến trường thì đều bị phụ huynh đón về. Hiện tại chính quyền đang gây áp lực cho lãnh đạo các đơn vị, yêu cầu nhân viên công chức, giáo viên có con thì cần phải đưa con đến và phải ký cam kết đồng ý cải cách giáo dục.”
Bai Yier cho biết, ban đầu lãnh đạo đơn vị cũng đều chỉ làm nhiệm vụ thông báo chứ không ép buộc. Nhưng hiện tại chính quyền bắt đầu yêu cầu bắt buộc, “Ví dụ nói sa thải chúng tôi, hiện nay Ủy ban kiểm tra kỷ luật đã bắt đầu từng người từng người đi làm việc kiểm tra rồi.”
Bừng tỉnh từ “hạnh phúc giả”
Bai Yier nói với Epoch Times rằng, “Yêu cầu của chúng tôi là khôi phục lại giáo dục song ngữ. Hiện tại chúng tôi không muốn làm xung đột lớn, bởi vì gây xung đột, người bị thiệt hại chỉ có thể chúng tôi. Dự tính chính là như hiện nay, một cuộc chiến lâu dài.”
Bai Yier cảm thán, cô chưa từng nghĩ đến sẽ có ngày hôm nay, tức đột nhiên cải cách. “Ảnh hưởng đối với tôi chính là làm tôi thức tỉnh, dân tộc của chúng tôi bao năm qua đều yên phận thủ thường. Hiện nay lại đột nhiên lại nhận được thông báo thay đổi chính sách thể này, thực ra ở một mức độ nhất định thì đây là việc xấu. Nhưng xét ở một tầng diện khác chính là khiến chúng tôi tỉnh ngộ, không nên nghĩ đến hạnh phúc giả mỗi ngày hát hò nhảy múa uống rượu, cần suy nghĩ chính là sự tồn vong của dân tộc.”
Cô còn cho biết, học sinh bãi khóa, nhưng các giáo viên lại không thể bãi công, chính quyền yêu cầu giáo viên vận động phụ huynh học sinh, nhưng không có ai làm, bởi vì toàn bộ giáo viên đều ủng hộ học sinh.
Bai Yier nói, “Sự kiện lần này không biết kết quả sẽ ra sao, nhưng chúng tôi là người Mông Cổ, chúng tôi sẽ không sợ, sẽ không cúi đầu!”.
Truyền thông ĐCSTQ tạo giả tin tức “học sinh khai giảng”
A Na (hóa danh), nghiên cứu sinh tiến sĩ nghiên cứu về ngôn ngữ Mông Cổ tại Xilin Gol, trả lời phỏng vấn của Epoch Times đã nói: Hôm nay Đài truyền hình Nội Mông Cổ đưa tin nói các nơi ở Nội Mông Cổ đều khai giảng, “Thực ra là đưa tin giả, đều là đang diễn kịch, không có học sinh dân tộc Mông Cổ, và video phỏng vấn cũng không có tiếng. Không biết họ tìm ở đâu, nhưng có thể khẳng định không phải là dân tộc Mông Cổ, liệu có phải là học sinh người Hán không thì cũng không biết”.
A Na nói, Xilin Gol là nơi bảo lưu văn hóa dân tộc Mông Cổ tốt nhất, hôm nay các trường tiểu học, sơ trung, cao trung ngoài các nơi cá biệt, ngay cả trường mầm non cũng trì hoãn khai giảng. Trì hoãn 1 tuần. Giáo viên đương nhiên phải lên lớp, nhưng không có học sinh.
“Ban đầu chúng tôi giữ thái độ là không đưa con đến lớp, không vi phạm quy định pháp luật”, A Na nói, “Nói chung, chúng tôi sẽ cố hết sức để giữ ngôn ngữ và chữ viết của mình. Chữ viết Mông Cổ là loại chữ viết duy nhất trên thế giới viết thẳng đứng.”
Về phong trào “bất tuân dân sự” lần này, A Na cho biết, “Chúng tôi chỉ muốn các học sinh được giáo dục song ngữ như ban đầu, không có ai nói không học tiếng Hán. Hiện giờ trẻ nhỏ Mông cổ có ai không biết nói tiếng Hán? Bởi vì chúng tôi đều là người Trung Quốc, chúng tôi yêu đất nước của chính mình nhưng chúng tôi cũng cần truyền thừa ngôn ngữ chữ viết của dân tộc.”
A Na cho rằng, hiện nay muốn thực thi giáo dục kiểu song ngữ thứ hai, về cơ bản ngôn ngữ chính dùng để giảng dạy là tiếng Hán cộng thêm ngôn ngữ Mông Cổ, điều này có khác biệt gì với môn học tiếng Anh? Nhưng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi không thể làm môn ngoại ngữ như vậy được. Đại đa số cuộc sống thường ngày của người Mông Cổ đều là dùng tiếng Mông Cổ để giao tiếp. Các môn học không có, ngôn ngữ cũng thoái hóa, việc này ai cũng có thể nghĩ được đây chính là diệt chủng văn hóa.
Bị chính quyền trấn áp
Các hoạt động kháng nghị phản đối cải cách giáo dục dạy học bằng tiếng Hán thay tiếng Mông Cổ của người dân địa phương đã bị chính quyền trấn áp. Trung tâm Thông tin nhân quyền Nội Mông Cổ cho biết, hàng trăm nhân sĩ hoạt động dân chủ người dân tộc Mông Cổ đã bị cảnh sát bắt giữ hoặc giam lỏng trong nhà. Cũng có học sinh và phụ huynh bị cảnh sát đánh, giam giữ. Trên các nhóm WeChat, có người bình luận liên quan đến vấn đề này cũng bị cảnh sát chặn cả nhóm và bắt giữ người.
Trung tâm thông tin nhân quyền Nam Mông Cổ có trụ sở tại New York thông báo, thành phố thủ phủ Lỗ Bối thuộc kỳ Jarud thành phố Thông Liêu đã thực thi lệnh giới nghiêm vào tối ngày 31/8. Có video trên mạng cho biết, tối cùng ngày có lượng lớn xe bọc thép xuất hiện trên đường phố Nội Mông Cổ. Cũng có xe bus của đặc cảnh tiến vào khu vực Nội Mông Cổ. Trên mạng nhiều người liên tiếp bình luận, có lẽ là hành động trấn áp mới của chính quyền để duy trì ổn định. Tuy nhiên, thực hư về video này vẫn cần đợi xác nhận.
Cao Tĩnh / Epoch Times