Lãnh đạo biểu tình Belarus bị bắt cóc
Nhà lãnh đạo biểu tình Maria Kolesnikova đã bị bắt cóc ở trung tâm Minsk hôm thứ Hai. Danh tính kẻ bắt cóc không được xác định. Những tên này đã bắt cóc bà và chở đi bằng một chiếc xe tải nhỏ, Tut.By – kênh truyền thông Belarus dẫn lời nhân chứng cho biết, theo Reuters.
Đồng minh của Kolesnikova cho biết họ đang xác minh thông tin. Cảnh sát Minks cũng đang xem xét vụ việc này, hãng thông tấn RIA đưa tin.
Mỹ tố Trung Quốc vi phạm trắng trợn Công ước Luật biển
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) khi tăng cường hành vi “bắt nạt” ở Biển Đông cùng các hoạt động giám sát năng lượng bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
“Hành vi bắt nạt đó đang diễn ra khá hiển hiện ở Biển Đông”, trang Philstar dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo. “Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt và hạn chế thị thực đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc góp phần hiện thực hóa chủ nghĩa đế quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây, thực hiện những hành vi như giám sát năng lượng phi pháp, hoạt động trong vùng kinh tế của đồng minh chúng tôi là Philippines và các nước khác”.
Trước thái độ “vô luật pháp” trên biển của Trung Quốc, ông Pompeo nói rằng không có gì ngạc nhiên khi ứng viên của Bắc Kinh ở Tòa án Quốc tế về Luật Biển nhận được nhiều phiếu trắng hơn bất kỳ ứng viên nào khác.
Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc bắt cóc 5 người đàn ông
Quân đội Ấn Độ đã cảnh báo Trung Quốc về cáo buộc quân đội Trung Quốc đã bắt cóc 5 người đàn ông tại một khu vực gần biên giới tranh chấp, một bộ trưởng cho biết hôm Chủ nhật (6/9). Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng đồng sở hữu vũ khí hạt nhân, trang SCMP dẫn nguồn tin từ hãng AFP cho biết.
Mối quan hệ giữa hai gã khổng lồ châu Á trở nên xấu đi kể từ sau cuộc đụng độ biên giới hồi tháng 6 khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số Ấn Độ Kiren Rijiju cho biết, một đường dây nóng quân sự nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới đã được thiết lập đối với vụ bắt cóc tiềm năng này.
Trung Quốc trì hoãn gia hạn giấy phép hành nghề cho các nhà báo Mỹ
Trung Quốc đã trì hoãn gia hạn giấy phép hành nghề cho các nhà báo của các kênh truyền thông Mỹ hoạt động tại đại lục, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc tranh cãi với Washington liên quan đến vấn đề thị thực nhà báo.
Động thái này nhằm đáp trả việc nhà báo Trung Quốc tại Mỹ đang chờ gia hạn thị thực làm việc đã hết hạn. Các nhà báo Trung Quốc đã được cho phép ở lại Mỹ cho đến đầu tháng 11, với thời gian gia hạn là 90 ngày, hãng Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho biết.
Báo cáo ‘Săn Phượng hoàng’ của ASPI tiết lộ Trung Quốc ‘trộm kho tàng’ chất xám Mỹ
Trong bản báo cáo có tên gọi “Săn Phượng hoàng” công bố ngày 20/8, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) mô tả tường tận Trung Quốc sử dụng các trạm “tuyển dụng nhân tài” ở nước ngoài nhằm tiếp cận kỹ thuật công nghệ thông qua những cách thức bí mật và không minh bạch. Báo cáo này xác định Trung Quốc (ĐCSTQ) có ít nhất 600 trạm trên khắp thế giới để nhận biết và tuyển dụng các nhà khoa học và các kỹ sư có giá trị đối với tham vọng của Trung Quốc thống trị lĩnh vực công nghệ.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin hồi tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng đất nước ông sẽ mang về những “nhóm nghiên cứu đẳng cấp thế giới” để thúc đẩy đổi mới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, theo Reuters.
Kể từ khi Trung Quốc khởi động Kế hoạch Ngàn người tài năm 2008, đã có hơn 10.000 nhà khoa học nước ngoài (bao gồm những người gốc Hoa) được mời đến làm việc tại nước này với những điều khoản cực kỳ hấp dẫn, theo cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ William Hannas.
Báo cáo của ASPI do nhà phân tích Alex Joske viết, cho biết, các trạm tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài có chức năng quyền hạn rộng hơn Kế hoạch Ngàn người tài. Báo cáo kết luận rằng các chương tình tuyển dụng nhân tài của chính quyền Trung Quốc tạo điều kiện cho “những nỗ lực thiếu minh bạch, được kết hợp rộng rãi với các hành vi sai trái, trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc gián điệp, đóng góp cho sự hiện đại hóa của Quân đội Giải phóng nhân dân, và tạo điều kiện cho những hành vi vi phạm nhân quyền”. Báo cáo lưu ý rằng các trạm tuyển dụng nhân tài là do “những tổ chức nước ngoài hoặc những cá nhân ký hợp đồng với ĐCSTQ để thực hiện công việc tuyển dụng nhân tài”, dưới sự giám sát của các nhóm Mặt trận thống nhất, đây là các tổ chức trực thuộc bộ cùng tên của ĐCSTQ – có nhiệm vụ phóng chiếu tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính trị của ĐCSTQ và thường thông qua các cách thức phi pháp.
Báo cáo lập luận rằng các trạm này “có thể nhận được các chỉ thị nhắm vào mục tiêu là các cá nhân có quyền tiếp cận các kỹ thuật công nghệ cụ thể”, và đây là hoạt động gián điệp kinh tế. Theo ASPI, ĐCSTQ coi việc tuyển dụng nhân tài như một hình thức chuyển giao công nghệ. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các chương trình tuyển dụng nhân tài của họ đã chiêu mộ được tới 60.000 nhà khoa học và doanh nhân ở nước ngoài từ năm 2008 đến 2016. Mỹ là quốc gia chính mà các nỗ lực này nhắm tới, và được truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả là “kho tàng chất xám công nghệ lớn nhất”.
Báo cáo của ASPI được đưa ra tại một thời điểm ngày càng có nhiều con mắt đổ dồn theo dõi việc ĐCSTQ khoanh vùng nuôi dưỡng và chiêu mộ các nhà khoa học và kỹ sư công nghệ trên khắp thế giới bằng các cách thức gần như bất hợp pháp và thậm chí hoàn toàn bất hợp pháp. Vào tháng 1/2020, cộng đồng khoa học quốc tế bàng hoàng trước tin tức về vụ bắt giữ nhà hóa học nổi tiếng người Mỹ và trưởng khoa hóa sinh của Đại học Harvard, Charles Lieber. Ông bị buộc tội khai man các khoản thanh toán mà ông nhận được từ Kế hoạch Ngàn người tài.
Vào tháng 12/2018, cái chết được cho là tự sát của nhà vật lý lượng tử nổi tiếng, nhà đầu tư mạo hiểm và giáo sư Đại học Stanford Trương Thủ Thành (Zhang Shoucheng) gây rúng động cả cộng đồng vật lý cũng như Thung lũng Silicon. Tuy là công dân Hoa Kỳ nhập tịch, nhưng ông Trương có quan hệ kinh doanh sâu sắc với các thực thể liên kết ĐCSTQ. Hoàn cảnh chính xác dẫn đến cái chết của ông – xảy ra sau vài ngày Đại diện Thương mại Mỹ Richard Lighthizer công bố báo cáo về các hành vi thương mại bất chính của Trung Quốc – vẫn chưa được biết rõ.
Mặc dù Trung Quốc nỗ lực tìm ra những cái cách “sáng tạo” để trộm cắp tài sản trí tuệ – công nghệ, và hành vi này lọt vào tầm mắt của công chúng trong vài năm qua nhưng điều này vốn dĩ không phải là thách thức mới, và phần lớn những người quen thuộc thậm chí chỉ biết sơ qua về hệ sinh thái khoa học ở Mỹ sẽ chứng thực. Trung Quốc cũng tài trợ cho các chương trình nghiên cứu và hội nghị tốn kém lãng phí ngay cả trong các lĩnh vực không có ứng dụng thực tế ngay tức khắc, chẳng hạn như lý thuyết dây (string theory). Thông thường, chương trình nghiên cứu của Trung Quốc trong lĩnh vực này rập khuôn các trường Mỹ. Ví dụ, nhà toán học Harvard được nhận giải thưởng Fields Khâu Thành Đồng (Yau Shing-Tung) năm 1982, đã gần như một tay chèo chống trách nhiệm nâng cao hồ sơ toán học của Trung Quốc, và trong những năm gần đây, ông Khâu tán đồng chủ trương Bắc Kinh đi đầu trong việc phát triển chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới – một trò chơi mà Hoa Kỳ đã từ bỏ nhiều thập niên trước, theo The Diplomat.
Trước những lo ngại Trung Quốc xâm nhập giới học thuật, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/9 nói rằng ông hi vọng tất cả trung tâm văn hóa thuộc Viện Khổng Tử của Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ sẽ bị đóng cửa trước cuối năm 2020. Ông cáo buộc các viện này đang tuyển “gián điệp và cộng tác viên” tại các trường đại học Mỹ, theo Reuters. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trước đó tuyên bố việc Mỹ yêu cầu Viện Khổng Tử đăng ký hoạt động như “phái bộ nước ngoài” là “tổn hại đến lòng tin về sự hợp tác lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ”, theo Straits Times.
Bão Haishen đe dọa Hàn Quốc sau khi tàn phá Nhật Bản
Hàn Quốc bị đe dọa khi Bão Haishen di chuyển về phía Bắc dọc theo bờ biển phía đông đất nướchôm thứ Hai, một ngày sau khi cơn siêu bão tàn phá các hòn đảo phía nam Nhật Bản gây sạt lở đất. 4 người đã bị mất tích, theo Reuters.
Cơn bão sức gió lên đến 112 km/giờ, khiến hơn 17.500 hộ gia đình ở mũi phía nam bán đảo Triều Tiên bị cắt điện khi bão đổ bộ thành phố miền nam Ulsan, cơ quan thời tiết trung ương cho biết. Busan, thành phố lớn thứ hai đất nước chịu cảnh ngập lụt, Bộ An ninh Công cộng cho biết trong một tuyên bố.
Hơn 1.600 người đã được sơ tán, hơn 76 chuyến bay đã bị hoãn hủy. Hai lò phản ứng hạt nhân tại thành phố Gyeongju, khoảng 375 km về phía đông nam Seoul đã bị đóng cửa, theo hãng tin Yonhap.
Người Hồng Kông biểu tình yêu cầu sớm tổ chức cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp
Viện cớ dịch Covid, chính quyền Hồng Kông đã hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp với kế hoạch ban đầu diễn ra vào ngày Chủ nhật (6/9). Vào đúng ngày đáng lẽ cuộc bầu cử được tổ chức, người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình yêu cầu chính quyền nhanh chóng triển khai cuộc bầu cử này.
Đối phó với cuộc biểu tình, chính quyền Hồng Kông đã bố trí hơn 2.000 cảnh sát dọc theo đường Nathan Road Kowloon liên tục gây sức ép và chặn bắt công dân, đồng thời không ngừng bắn đạn hơi cay, bắt giữ gần 300 người.
Một số cư dân mạng đã kêu gọi một cuộc biểu tình ở Yau Tsim Mong, Kowloon nhằm phản đối việc trì hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp và đà đảo “luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông”.
Đám đông bắt đầu tụ tập lúc 2 giờ chiều ngày Chủ nhật và hàng chục người dân hô vang khẩu hiệu “Quang phục Hương Cảng, thời đại cách mạng”. Ngay sau đó, các nhân viên cảnh sát chống bạo động lao ra và cố gắng đuổi theo ngăn chặn những người hô vang khẩu hiệu này. Một phụ nữ gần đó đã bị bắt không rõ nguyên nhân.
Vào lúc 2 giờ 30 phút chiều cùng ngày, Hoàng Chi Phong (Huang Zhifeng), cựu Tổng thư ký của đảng dân chủ Demosisto xuất hiện tại khách sạn Eaton với chiếc áo phông đen có dòng chữ “Cố lên Hồng Kông”. Anh kêu gọi công chúng chú ý đến 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông vừa mới bị Cảnh sát biển Trung Quốc bắt khi đang trên đường trốn sang Đài Loan, và hiện những nhà hoạt động này đang bị giam giữ tại Đại lục. Hoàng nói rằng lực lượng cảnh sát tại hiện trường hôm nay rất mạnh, nhưng anh tin rằng người Hồng Kông có thể linh hoạt và cho biết anh không lo lắng về việc bị bắt lại.
Nói về vụ chính quyền đặc khu bắt nhà hoạt động Đàm Đắc Chí (Tan Dezhi), Hoàng Chi Phong nhấn mạnh rằng việc Đàm Đắc Chí bị bắt có nghĩa là bất kỳ công dân Hồng Kông nào khác cũng có thể rơi vào tình huống đó trong tương lai.
Sau đó, các thành viên của nhóm Liên đoàn nhân dân xã hội tiến đến khách sạn Eaton để giăng biểu ngữ: “Hoãn cuộc bầu cử, với dân là địch” cùng một số biểu ngữ khác yêu cầu nhà cầm quyền khôi phục cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp và phản đối sự sàng lọc ứng viên. Trong vòng chưa đầy hai phút, hơn 30 cảnh sát chống bạo động đã có mặt tại hiện trường và giải tán đám đông.
Cảnh sát đã cảnh báo họ vi phạm lệnh “hạn chế tụ tập” và yêu cầu nhóm nhà hoạt động này giải tán nếu không sẽ bị khống chế, đồng thời cho biết phía cảnh sát sẽ theo dõi hành động tiếp theo của nhóm.
Vào khoảng 6 giờ chiều, cảnh sát Hồng Kông đưa ra thông báo rằng tính đến 5 giờ chiều, họ đã bắt giữ ít nhất 90 người, trong đó ít nhất 87 người bị tình nghi tụ tập trái phép và những người còn lại bị tình nghi tấn công cảnh sát, cản trở cảnh sát thi hành nhiệm vụ, gây rối trật tự nơi công cộng và 22 người khác bị buộc tội vi phạm lệnh cấm 599G.
Cảnh sát đã tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn ở Mong Kok lúc 6 giờ chiều. Hơn 50 phóng viên, tình nguyện viên có nhiệm vụ sơ cứu và người dân đã bị tra xét ở Soy Street, Mong Kok, Kowloon. Các phóng viên của SOH cũng bị chặn lại một cách vô lý để điều tra.
Cuộc biểu tình tiếp tục cho đến tận 8 giờ tối cùng ngày và vẫn có một số lượng lớn lực lượng cảnh sát chống bạo động canh gác trên đường phố Mong Kok, thỉnh thoảng bao vây, giải tán, ngăn chặn và tra xét công dân. Có một số lượng lớn xe cảnh sát đậu trên đường Nathan.