Việt Nam mở lại 6 đường bay quốc tế
Kể từ ngày 15/9, các đường bay quốc tế đến Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia và Lào sẽ được hoạt động trở lại.
Báo VnExpess đưa tin, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế giữa Việt Nam và một số đối tác.
Theo đó, từ ngày 15/9 sẽ mở lại các đường bay từ Việt Nam đi Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ 22/9 sẽ mở lại các đường bay tới Campuchia, Lào.
Mỗi đường bay tần suất không quá hai chuyến một tuần cho mỗi bên và đối tác; số lượng chuyến bay được xem xét tăng thêm phù hợp với thực tế.
Những người được phép nhập cảnh gồm: người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân; chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế, thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam; người Việt Nam từ nước ngoài trở về.
Theo báo Pháp Luật, trước khi lên máy bay khách phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng năm ngày và khi vào Việt Nam cách ly tập trung 5-7 ngày.
Trong thời gian này, khách sẽ được xét nghiệm hai lần. Giá xét nghiệm là 1,2 triệu đồng/lần. Theo đó, người có kết quả âm tính tiếp tục cách ly tại nhà hoặc tại doanh nghiệp, đơn vị đủ 14 ngày. Nếu khách có dấu hiệu nhiễm Covid-19 sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Các chi phí cách ly, xét nghiệm do người nhập cảnh tự chi trả.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với các chuyến bay đến Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, tần suất bay cụ thể sẽ là: TP.HCM đến Quảng Châu sẽ có 2 chuyến khứ hồi; chặng từ Hà Nội/Sài Gòn – Tokyo 4 chuyến khứ hồi; Hà Nội/TP.HCM – Seoul 4 chuyến; Hà Nội/TP.HCM – Đài Bắc (Đài Loan) 4 chuyến. Các hãng bay của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đối tác sẽ chia đôi số chuyến bay.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đề xuất và lên kế hoạch mở lại 6 đường bay quốc tế trên.
Với việc hoạt động trở lại của 6 đường bay này, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần vào khoảng gần 5.000 khách, tại cả Hà Nội và Sài Gòn.
Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 1/4 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Việc mở lại các đường bay quốc tế là tin vui không chỉ với ngành hàng không mà còn cả lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Họp khẩn nêu kịch bản sơ tán hơn 500.000 dân tránh bão số 5
Trước dự báo bão số 5 đang đổ bộ vào đất liền các tỉnh Trung bộ chiều 18/9 có yếu tố gây sức tàn phá lớn. Trưa 16/9, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn nêu kịch bản sơ tán hơn 500.000 dân.
Báo Thanh Niên dẫn thông tin từ ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 5 có diễn biến rất nhanh và phức tạp.
Dự báo vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão với gió mạnh cấp 10 – cấp 11, giật cấp 13 là các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Bão mạnh nhất khi cách ven bờ biển Trung bộ khoảng 100km, với sức gió mạnh nhất có thể lên đến cấp 12. Hoàn lưu của cơn bão này rất rộng nên các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đều chịu ảnh hưởng.
Do ảnh hưởng của bão số 5, mưa lớn sẽ tập trung ở các tỉnh bắc và trung Trung bộ với lượng mưa phổ biến từ 200 – 300mm. Trong đó, khu vực các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế có thể mưa lên đến 300 – 400mm. Vùng núi có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong khi các đô thị đối mặt với ngập úng. Dự báo sóng biển cao nhất do ảnh hưởng của bão số 5 ở ngoài khơi các tỉnh Trung bộ 5 – 7m, ven biển bắc và trung Trung bộ là 3 – 5m.
Bão đổ bộ đúng thời điểm thủy triều cao nhất, đây là yếu tố gây sức tàn phá lớn, cần đặc biệt lưu ý
Ông Trần Quang Hoài, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định bão số 5 đổ bộ đúng lúc thời điểm thủy triều cao nhất. Đây là yếu tố gây sức tàn phá lớn, cần phải đặc biệt lưu ý.
“Ngoài tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản có nguy cơ bị ảnh hưởng, các hồ thủy điện, thủy lợi, đê điều xung yếu là vấn đề đáng lo ngại nhất. Hiện có 55 hồ hư hỏng, 41 hồ đang thi công, cần bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra” – ông Hoài nói trên báo Tuổi Trẻ.
Ông Hoài cho biết các địa phương đã triển khai phương án như Thừa Thiên Huế đang tập trung thu hoạch lúa và kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền. Đồng thời các địa phương cũng đang lên kế hoạch, sẵn sàng tiêu úng cho 98.000 hecta lúa mùa, nhất là Thanh Hóa, Nghệ An.
Ông cũng lưu ý cần sẵn sàng sơ tán dân khu vực nguy hiểm ven biển, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, nhất là khách du lịch ở các tỉnh ven biển.
“Theo kịch bản với cường độ bão đổ bộ cấp 10-11, giật cấp 13, Ban chỉ đạo cùng địa phương xây dựng phương án sơ tán trên 107.000 hộ với 548.000 người dân. Đồng thời, sẵn sàng tình huống cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn” – ông Hoài nói.
Loạt doanh nghiệp bắt tay thổi giá máy xét nghiệm tại CDC Hà Nội
Theo kết luận của cơ quan điều tra, đã có sự câu kết giữa hàng loạt doanh nghiệp cũng như cán bộ cơ quan nhà nước trong việc nâng giá máy xét nghiệm Covid-19, chênh gấp 3 lần tại CDC Hà Nội.
Liên quan đến vụ gian lận giá trị mua sắm hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC Hà Nội, Bộ Công an đề nghị truy tố ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) và 9 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo Thanh Niên dẫn hồ sơ vụ án, đầu năm 2/2020, Sở Y tế Hà Nội giao kinh phí cho CDC Hà Nội để đơn vị này làm chủ đầu tư gói thầu số 15, mua thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 với chi phí dự toán khoảng 9,5 tỷ đồng.
Theo quy định của luật Đấu thầu, CDC Hà Nội phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng kế hoạch thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị can Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa dịch vụ của CDC Hà Nội, đã không thực hiện quy định mà bàn bạc với Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (Công ty Phương Đông, đơn vị trực tiếp nhập khẩu và phân phối hệ thống Realtime PCR tự động của Hãng Qiagen – Đức), ấn định nhà thầu là Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (Công ty MST) với giá trúng thầu được chỉ định 9,54 tỷ đồng.
Dù trị giá thực của gói thầu là hơn 4,1 tỷ đồng nhưng các bị can trong vụ án đã lên kịch bản để vẽ ra mức giá đúng với dự toán ban đầu, gây thiệt hại nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.
Cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ CDC Hà Nội và nhiều doanh nghiệp
Ngày 4.2, Công ty Phương Đông mở tờ khai nhập khẩu 3 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Giá thành 1 máy xét nghiệm sau khi tính thuế nhập khẩu và vận chuyển là hơn 2,3 tỷ đồng.
Ngày 7/2, Công ty Phương Đông ký hợp đồng bán cho Công ty cổ phần thương mại và công nghệ Hưng Long (Công ty Hưng Long) 1 hệ thống Realtime PCR tự động với giá hơn 3,7 tỷ đồng và 1 máy tách chiết DNA/RNA với giá 450 triệu đồng, tổng giá trị hợp đồng là 4,16 tỷ đồng.
Đến ngày 2/3, Công ty Hưng Long bán các thiết bị trên cho Công ty CP sản xuất kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu KĐ (Công ty KĐ) với giá hơn 5,2 tỷ đồng.
Tiếp đó, Công ty KĐ bán các thiết bị này cho Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST) do Đào Thế Vinh làm giám đốc với giá 7,8 tỷ đồng và MST đã bán các thiết bị này cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng, cùng với một số phụ kiện khác thành tổng cộng 9,5 tỷ đồng, đúng với gói thầu mà CDC Hà Nội dự toán.
Theo xác minh của cơ quan điều tra, mặc dù việc mua bán thiết bị y tế diễn ra giữa nhiều DN nhưng thực chất chỉ có Công ty MST của Đào Thế Vinh là mua thiết bị từ Công ty Phương Đông với giá 4,1 tỉ đồng rồi bán cho CDC Hà Nội, không có việc mua bán với các công ty còn lại. Việc các bị can mua bán lòng vòng với nhau nhằm mục đích giảm biên độ chênh lệch mua vào bán ra.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra còn xác định vai trò của Công ty CP thẩm định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành khi lập khống chứng thư thẩm định giá mà không dựa vào khảo sát thực tế. Ngoài ra 2 DN báo giá không có thật, trong đó 1 được xác định là DN “ma”.
Không có đủ căn cứ việc ông Nguyễn Nhật Cảm thỏa thuận trích % trị giá gói thầu
Cũng theo báo Thanh Niên, kết luận điều tra cho biết, việc các DN mua bán lòng vòng, thổi giá thiết bị nêu trên đã được lãnh đạo CDC “bật đèn xanh” để được hoa hồng.
Cụ thể, khi biết CDC Hà Nội có nhu cầu mua sắm thiết bị, thông qua mối quan hệ cá nhân, Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty Phương Đông đã trao đổi với ông Nguyễn Nhật Cảm.
Theo chỉ đạo của Tuyền, một nhân viên Công ty Phương Đông đã “chế” 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau sang CDC Hà Nội, trong đó mức giá 7 tỷ đồng của Công ty Phương Đông là thấp nhất so với 2 đơn vị còn lại.
Khi được ông Cảm đồng ý mua thiết bị với giá 7 tỷ đồng, bị can Nguyễn Thanh Tuyền đã bàn bạc với Nguyễn Ngọc Nhất (đã bị khởi tố trong vụ án), nhân viên Công ty Vitech, việc bán máy cho công ty của Nhất với giá 4 tỷ đồng để sau đó bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỷ đồng.
Tuyền và Nhất bàn bạc sau khi thương vụ hoàn thành sẽ chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm 10%, phần chênh còn lại thì hai bị can chia đôi. Nhất và Tuyền sau đó đã đến phòng làm việc của ông Nguyễn Nhật Cảm để thống nhất Công ty Phương Đông không tham gia đấu thầu mà giao cho Nhất tìm nhà thầu đủ năng lực để thực hiện gói thầu và được ông Cảm đồng ý.
Sau khi bàn bạc, Tuyền đi ra ngoài, còn Nhất ở lại thống nhất với ông Cảm “thương vụ” hoàn tất sẽ chi cho ông Cảm 15% giá trị của hệ thống máy. Sau đó, việc bán thiết bị cho CDC Hà Nội đã được Nhất chỉ định sang cho Công ty MST của Đào Thế Vinh.
Trong vụ án này có 2 lời khai chi “phần trăm” nhưng do bị can Nguyễn Nhật Cảm không thừa nhận việc bị can Nhất trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị gói thầu. Vì vậy, cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh bị can Cảm có tư lợi.
Làm rõ 18 gói thầu khác trị giá 83 tỷ đồng tại CDC Hà Nội
Theo Zing News, đối với các cá nhân tại Sở Y tế và Sở Tài chính Hà Nội liên quan đến gói thầu số 15, cơ quan điều tra chưa xác định rõ sai phạm nên tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ. Nếu họ có sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.
Ngoài gói thầu số 15 trên, Bộ Công an nhận thấy còn có 18 gói thầu với tổng trị giá 83 tỷ. Trong đó, CDC Hà Nội đã thanh toán cho nhà thầu tổng số tiền hơn 70 tỷ. Cơ quan điều tra chưa xác định rõ sai phạm nên tách hồ sơ để làm rõ, xử lý sau.
Hơn 30 người Việt nhập cảnh trái phép vào Đài Loan, 23 người đã bị bắt
Theo Taiwan News, cơ quan chức năng Đài Loan đã phát hiện hơn 30 người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại khu vực bờ biển phía nam Đài Loan vào sáng sớm hôm thứ Ba (15/9), trong đó 23 người bị bắt tại chỗ. Cảnh sát đang truy lùng những người còn lại.
Vào lúc 2 giờ sáng 15/9, Cục Cảnh sát biển Đài Loan (CGA) nhận được tin báo về một tàu cá khả nghi đang đi cách bờ biển Kenting, quận Pingtung 11,6 hải lý (21,4 km) và đang hướng đến Cảng cá Hou-pi-hu. Khi tàu còn cách bờ 3 hải lý, nó đột ngột đổi hướng về phía Dingbaisha.
Sau khi nhận được thông báo, Cục Cảnh sát biển chi nhánh Hengchun đã cử hai tàu tuần tra đến xem xét. Khi tàu của Cảnh sát biển đến hiện trường lúc 4 giờ sáng, các sĩ quan sử dụng camera chụp ảnh nhiệt phát hiện nhiều người đang nhảy ra khỏi tàu cá neo cách bờ biển khoảng 400m. Những người này mặc áo phao và cố gắng bơi vào bờ.
Các tàu tuần tra ngay sau đó đã áp sát tàu cá và bắt giữ những người còn lại trên tàu, gồm các công dân Việt Nam cùng 5 thành viên thủy thủ đoàn (2 người Đài Loan và 3 người Philippines) và cả thuyền trưởng. Tàu cá này được cho là đã chở hơn 30 người Việt tìm cách nhập cảnh lậu vào Đài Loan.
Đến 12 giờ đêm hôm thứ Ba, tổng cộng 23 công dân Việt Nam đã bị bắt giữ, bao gồm 11 nam và 12 nữ, theo UDN.
Cảnh sát biển đã thành lập một trung tâm ứng phó và huy động các đội tìm kiếm trên bộ và trên biển, chó đánh hơi, UAV và máy bay trinh sát trên không. Hiện cơ quan này cũng đang phối hợp với các tàu dân sự để tìm kiếm các khu vực Baishawan, Shanhai và Hongchaikeng để tìm những người Việt nhập cảnh lậu còn lại đang bỏ trốn.
Thanh Thuỷ (theo Taiwan News)
Hai người bị khởi tố vì môi giới mang thai hộ cho người Trung Quốc
Hai phụ nữ là Nguyễn Thị Hồng Trang (SN 1990, trú phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Lương Thị Bích Thư (SN 1994, trú thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vừa bị khởi tố về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại”.
Truyền thông trong nước đưa tin ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Hồng Trang và và Lương Thị Bích Thư về tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” theo quy định tại Khoản 2, Điều 187, Bộ luật hình sự.
Theo tin từ phía công an, từ kết quả điều tra ban đầu, vào khoảng tháng 7/2019, Trang đi du lịch tại TP Thâm Quyến (tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc). Tại đây, Trang gặp một người đàn ông và được đề cập tìm phụ nữ Việt Nam để tổ chức đưa sang Campuchia cấy, ghép phôi thai, mang thai hộ cho người Trung Quốc. Nếu tìm được người, Trang sẽ được trả 16.000 USD (khoảng 380 triệu đồng).
Sau khi về Việt Nam, Trang bắt đầu dùng mạng xã hội để theo dõi và lần tìm các phụ nữ có nhu cầu mang thai hộ và đưa ra mức giá 300 triệu đồng đối với thai đơn và 370 triệu đồng đối với thai đôi.
Trong quá trình này, Trang làm quen với Lương Thị Bích Thư. Qua nói chuyện, Thư xin làm cộng tác viên cho Trang, nếu tìm được người mang thai hộ, Trang sẽ trả cho Thư 20 triệu đồng/người.
Từ tháng 9-11/2019, Trang và Thư tìm được 3 người nhận mang thai hộ. Đầu tháng 6/2020, khi những người phụ nữ này sắp đến ngày sinh, Trang hướng dẫn họ đến tỉnh Hà Giang, dự định vượt biên sang Trung Quốc. Nhưng do thai lớn, những người này không đủ sức khỏe tiếp tục đi nên đã tìm cách liên hệ với Công an huyện Mèo Vạc để trình báo.
Trang và Thư đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình về việc tổ chức mang thai hộ, nói để lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Nhận định hành vi môi giới trên có tính chất nghiêm trọng, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 phụ nữ này để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trang đang nuôi con nhỏ 7 tháng tuổi, Thư đang mang thai tháng thứ 8.
Nguyễn Sơn